01/05/2015 07:21:06 AM
Việt Weekly và nỗ lực đưa tin khách quan về tình hình Việt Nam

40 năm nhìn lại dấu mốc lịch sử 30 tháng 4, là một nhà báo sống ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú vị, thoải mái và hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weekly ở khắp mọi nơi trên thế giới... với bức tranh Việt Nam đa dạng sắc màu hơn.



 Tác giả Etcetera Nguyễn đang tác nghiệp tại Hoàng Sa

Là một trong số những người rời nước ra đi vào giai đoạn cuối của những chuyến "vượt biên" năm 1988, tôi thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của một cộng đồng mà sự khác biệt chính kiến với chính phủ Việt Nam vẫn còn đeo đẳng, tồn tại. Tuy nhiên, theo thời gian và những thay đổi ngày một nhanh của đất nước, những đánh giá về Việt Nam hôm nay không thể nhìn bằng lăng kính một chiều của những người bỏ nước ra đi từ 40 năm trước.

Qua kinh nghiệm sống và làm công việc báo chí cộng đồng từ hơn 10 năm qua (kể từ 2003 đến nay), có cơ hội sống trên 25 năm ở Hoa Kỳ, đồng thời cũng đang ở Việt Nam tác nghiệp báo chí, tôi xin đưa ra vài cảm nhận của mình về hai phía bằng con mắt khách quan của một nhà báo.

Trên bề mặt, nếu nhìn vào các sinh hoạt nổi bật ở Little Saigon, California, vào những ngày tháng 4, đặc biệt là ngày 30 tháng 4 hàng năm, những người Mỹ bản địa và khách bàng quan chưa hiểu sâu xa vấn đề, có thể vẫn bị thu hút bởi màu vàng của lá cờ 3 sọc đỏ của thời xưa được treo khắp các con phố, trục lộ chính, nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Việt buôn bán, làm ăn. Hơn thế nữa, các cuộc hội họp, lễ lạc mang đầy tính chất "tố Cộng" được tổ chức rầm rộ, nhằm khoét sâu thêm những nỗi đau đớn, mất mát từ chiến tranh.



 Cùng nhà văn Hữu Ước trong dịp Đoàn báo chí kiều bào đến thăm, trao đổi nghiệp vụ với báo Công An Nhân dân


Kể từ sau năm 1995, việc thiết lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như một liều thuốc bổ có tác dụng hồi sinh. Đã có những người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để thăm viếng, để tìm lại những hình ảnh quê nhà thân thương. Đã có những lớp doanh gia đầu tiên “dò dẫm” về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, giao thương buôn bán. Hơn 20 năm qua, những chuyến đi thăm thân, du lịch, giao dịch làm ăn đó từ con đường nhỏ “dò dẫm” đã trở thành một đại lộ thênh thang không hạn chế bất cứ ai.

Trong những năm gần đây, vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam trên chính trường quốc tế đã trở nên quan trọng trong khu vực và được đánh giá là một nước có nhiều tiềm năng kinh tế, phát triển nhất Đông Nam Á. Những chuyến đi thăm hữu nghị giữa các cấp lãnh đạo Việt Nam ra quốc tế và ngược lại diễn ra đều đặn ngày một nhiều hơn. Vậy những thông tin tích cực của Việt Nam đều bị bóp méo, xuyên tạc bởi một số nhà chính trị hoặc tổ chức chính trị có quan điểm khác với Chính phủ Việt Nam.



 Tác giả Etcetera Nguyễn thăm quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa


Việt Weekly đi tận nơi, phản ánh thực tế Việt Nam

Trong sự ngột ngạt vì thông tin bị bóp méo đó, từ năm 2006, khi lần đầu tiên về Việt Nam đến nay đã gần 10 năm, các phóng viên Việt Weekly đã dấn thân mở đường tìm về Việt Nam làm tin tức tại chỗ. Với chủ trương đi tận nơi, tìm hiểu đưa tin khách quan, trung thực, một làn gió mới về mặt thông tin từ Việt Nam đưa thẳng vào trong cộng đồng qua hàng loạt các phóng sự đời sống vùng miền, các cuộc phỏng vấn, trao đổi trực tiếp từ người dân đến các cấp lãnh đạo từ địa phương tới trung ương... đã mang lại nhiều điều mới mẻ, khác lạ cho kiều bào khắp nơi trên thế giới thấy và hiểu hơn về Việt Nam.

Đặc biệt là những chuyến đi ra Trường Sa được Nhà nước Việt Nam -  qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - tổ chức mấy năm gần đây, đã cho thấy những gì đang diễn ra thực sự ở vùng biển chủ quyền đất nước, giúp độc giả ở hải ngoại hiểu hơn tình hình thực địa chủ quyền biển đảo không bị "bán dâng cho Tàu" như kiểu tuyên truyền ở hải ngoại.

Từ năm 2013 tới nay, cá nhân tôi, là phóng viên người Mỹ gốc Việt có thể duy nhất hiện đang sống và làm việc công khai thường trực tại Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đi khắp các vùng miền... để tự mình tìm hiểu đời sống thực tế của người dân Việt sống ở khắp nơi. Tới đâu tôi cũng tường tận lắng nghe và ghi nhận cụ thể những câu chuyện người thật, việc thật. Những nơi tôi đi qua, hỏi chuyện, đại đa số người dân đều muốn yên ổn làm ăn. Họ cố gắng làm việc với ước mong có một cuộc sống ngày càng khá hơn. Khi được hỏi về cuộc chiến và cột mốc 30 tháng 4, ai nấy chỉ muốn đất nước không chiến tranh để có cơm ăn, áo mặc. Ai nấy chỉ muốn hòa bình để làm kinh tế. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi khi làm việc ở Việt Nam chính là thế hệ trẻ.

Gần như họ đều vui mừng là lớn lên mà không phải trải qua chiến tranh. Lớn lên trong hòa bình, cho nên họ đều trong sáng, năng động và có tinh thần yêu nước nhiệt thành. Trong những ngày ở Việt Nam, tôi chọn bờ Hồ Gươm ở Hà Nội để làm "văn phòng lưu động" vừa làm báo, vừa ngồi vẽ tranh cho du khách, nên tôi có cơ hội thấy nhiều em học sinh, sinh viên ra đây tìm gặp khách ngoại quốc để thực tập ngoại ngữ Anh, Pháp, Hàn, Nhật v.v... Tôi lắng nghe ước vọng của họ, nhìn những hoạt động xã hội của họ và nghĩ đến đất nước trong tương lai. Chắc chắn Việt Nam cũng còn nhiều điều cần phải thay đổi, phải chấn chỉnh từ luật pháp tới hành pháp, từ kinh tế tới giáo dục và nhiều lãnh vực khác, nhưng tựu chung, so với thời tuổi trẻ của tôi ở trong nước, giới trẻ hiện nay sống vui và có điều kiện hơn nhiều. Những người ngoại quốc đến làm ăn, du lịch ở Hà Nội và những vùng miền mà tôi gặp cũng đều có những nhận xét tích cực và lạc quan về con người và đất nước Việt Nam.



 Ký họa chân dung gửi tặng các chiến sĩ nhân dịp cùng đoàn kiều bào
đi thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ
tại huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa

Mùa Giáng Sinh tôi có dịp về quê nội ở Nam Định. Đi thăm quê, tôi kinh ngạc khi thấy vô số nhà thờ lớn nhỏ, cũ mới đan xen nhau theo từng họ đạo. Tôi cũng đã ghi hình các buổi lễ với hàng ngàn giáo dân đứng tràn ra ngoài phố. Sau Tết Nguyên đán, tôi có dịp đi tham quan, ghi nhận nhiều lễ hội ở miền Bắc. Đình, đền, chùa nào cũng chật ních người đi lễ hội. Họ được tự do bày tỏ tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình. Những gì tôi thấy thực tế ở Việt Nam, hoàn toàn khác với những hình ảnh Việt Nam "đàn áp tôn giáo" được nói đến ở hải ngoại. Tìm hiểu sâu vào vấn đề này, tôi được biết rằng, bất cứ động thái chính trị nào lồng ghép vào tôn giáo hòng kích động, gây rối, nhằm chống phá chính quyền đều bị phát hiện bởi chính người dân, bởi lực lượng công an. Nếu cứ thuần túy sống đạo, thì mọi việc đều bình thường, không có vấn đề gì.

Vai trò tích cực của Việt Weekly đối với cộng đồng hải ngoại

Ở hải ngoại, đại đa số người Mỹ gốc Việt chọn thái độ im lặng để sống yên ổn hòa đồng vào xã hội Hoa Kỳ. Con cái họ đã thành công trong công việc, nhiều người lớn tuổi đã về hưu hưởng phúc lợi của xã hội. Sự thầm lặng của đám đông không đồng nghĩa với cực đoan mà chúng ta thấy. Đám đông này vẫn có những mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam bằng tình yêu quê hương, công việc làm, thăm thân nhân, du lịch hàng năm. Đại đa số này ngày càng hiểu hơn khi được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau đến từ mạng xã hội, đến từ những cơ quan truyền thông khách quan như Việt Weekly.

Do đó, chuyện thông tin trực tiếp khách quan từ báo chí trung gian như Việt Weekly đã góp phần tích cực và thuyết phục đối với những người xa xứ. Đối với báo chí trong nước, một số độc giả có thể còn nghi ngại là bị tuyên truyền theo chính sách. Nhưng với Việt Weekly, họ có thể tin rằng đây là cơ quan truyền thông độc lập từ chính địa phương sở tại về nước làm việc. Bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm làm báo ở Việt Nam nhờ việc sống tại chỗ, tham gia vào nhiều sự kiện diễn ra hàng ngày ở thủ đô Hà Nội.

Những bài viết, phóng sự, video chúng tôi thực hiện trong thời gian qua, đã được độc giả khắp nơi đón nhận và khen ngợi, động viên qua những nhận xét trên diễn đàn chung. Độc giả đòi hỏi chúng tôi đi nhiều hơn, làm nhiều thông tin hơn nữa, để giúp họ được hiểu biết hơn Việt Nam. Đó chính là phần thưởng và động lực, nguồn động viên cho công việc báo chí của Việt Weekly.

Trong dịp này, tôi muốn tỏ lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng, ban ngành ở Việt Nam như: Vụ Báo chí, Cơ quan Xuất Nhập Cảnh, Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài (Foreign Press Center) và nhất là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài... là những cơ quan tôi thường xuyên làm việc trước và sau khi tác nghiệp các sự kiện. Khi tôi có công việc báo chí cần liên hệ, các cơ quan này đã luôn nâng đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi có cơ hội tác nghiệp tốt nhất. Qua các cơ quan ngoại giao, phóng viên Việt Weekly luôn luôn được tôn trọng và ưu tiên đi đưa tin về các sự kiện trên khắp các vùng miền. Có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở hải ngoại đang dõi theo chân tôi để học hỏi kinh nghiệm. Nếu tôi sống được, làm việc được, chắc chắn sẽ là bước mở, cầu nối cho những người đi sau.



 Cùng các phóng viên báo nước ngoài khác ra vùng biển Hoàng Sa tác nghiệp, tháng 5/2014


40 năm nhìn lại dấu mốc lịch sử 30 tháng 4, là một nhà báo sống ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú vị, thoải mái và hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weekly ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có lẽ, chọn lựa trở về của tôi và anh chị em trong Việt Weekly chẳng khác gì những con cá dám "vượt vũ môn" từ một cộng đồng xa xôi, còn có một nhóm người cực đoan, chống phá Nhà nước Việt Nam. Hãy cứ để thời gian trả lời bằng sự thật. Và, hãy để chúng tôi, những nhà báo độc lập làm công việc khách quan, trung thực của báo chí là cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhạy đến những người ở ngoài nước, không có cơ hội tiếp cận thực tế./.

Etcetera Nguyễn
(Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly-Hoa Kỳ)


 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Câu chuyện hoa huệ chuông và Giờ vàng của lịch sử dân tộc (30/04/2015)
  • Ngày ấy và hôm nay (27/04/2015)
  • Lễ chào cờ ở lữ đoàn Trường Sa (25/04/2015)
  • Triển lãm " 30 tháng 4" tại Na Uy (14/04/2015)
  • Tấm hình (13/04/2015)
  • Tết Ất Mùi xa nhà... (24/03/2015)
  • Thao thức với Đại dương (23/03/2015)
  • Thân thuộc từ Bến Tre đến Philadelphia (18/03/2015)
  • Nỗi nhớ Tết quê nhà lần đầu xa quê hương (23/02/2015)
  • Quê hương ơi… (22/02/2015)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang