22/02/2013 03:29:17 PM
Quê hương trong mắt người xa xứ: Côn Sơn - Vùng đất địa linh nhân kiệt

Côn Sơn đẹp thanh bình, tĩnh lặng, u tịch và cổ kính, nhưng đối với một Việt kiều như tôi, đây là nơi thân thuộc và tự hào. Đó là mảnh đất hào hùng và đầy khí phách, đã hun đúc thế hệ anh tài của đất nước.

 



Khung cảnh Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi  từ trên cao


Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Không phải riêng tôi, một người Việt đã xa quê hương hàng chục năm, mà hễ bất cứ ai ngày xưa ngồi trên ghế nhà trường đều thuộc nằm lòng những vần thơ này. Nhưng vẻ đẹp Côn Sơn đâu chỉ phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, ở đó còn có những chùa tháp cổ kính, và hơn tất cả là mảnh đất quy tụ của bao anh hùng dân tộc như: Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi, Quan tư nghiệp Chu Văn An… đến các vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm như Pháp Loa, Huyền Quang.

Nơi hào khí hội tụ, linh thiêng

Như một chuyến hành hương, tôi tìm về Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương), miền đất của những rừng thông bạt ngàn, nơi cách đây hơn 500 năm đã lưu dấu một cuộc đời ẩn dật, thanh bạch của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Chuẩn bị cho mình ba lô, máy ảnh,… chỉ sau 2 giờ lái xe từ Hà Nội, tôi đã đến khu di tích - danh thắng Côn Sơn, thuộc địa phận xã Cộng Hòa vào một buổi chiều cuối Đông. Chưa vào mùa du lịch nên khu di tích vắng vẻ, nhưng chính sự thanh vắng lại mang vẻ đẹp thanh bình cho nơi này.

Qua cổng tam quan cổ kính bề thế đề ba chữ “Côn Sơn tự”, tôi như bị hút tầm mắt bởi hàng thông cổ thụ vỏ sù sì, thân thẳng đứng, cao sừng sững với những tán lá xanh xòe rộng trước cổng vào chùa. Tôi có cảm giác như đang đi giữa rừng thông vùng núi Uran của LB Nga, nhưng mùi hương trầm thoang thoảng bay, cùng với sự rêu phong cổ kính của ngôi chùa đã đưa tôi trở về với hiện thực…

Côn Sơn, địa danh vừa quen thuộc vừa thiêng liêng đối với người dân nước Việt. Côn Sơn là suối, Côn Sơn là chùa, Côn Sơn là đền, là quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi… Côn Sơn là nơi phong cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, nên thơ, vừa thanh khiết, u tịch. Côn Sơn với chiều sâu lịch sử và bề dày văn hoá, cùng cảnh sắc tuyệt đẹp… đã khiến cho mỗi ngọn cỏ, nhành cây, khe suối… của nơi đây đều như có linh hồn, lay động mạnh mẽ trái tim đa cảm của người con xa xứ.

Với mục đích tìm hiểu về vùng đất địa linh nhân kiệt này, tôi tìm đến Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để tìm sự giúp đỡ. Rất may, tôi đã gặp được Nguyễn Văn Cường, anh là thạc sĩ sử học - Phó phòng nghiệp vụ Khu di tích. Mặc dù còn rất trẻ nhưng Cường có vốn hiểu biết thật sâu, rộng về vùng đất con người nơi này. Sau một buổi sáng trò chuyện với Cường, và được tặng một số tư liệu quý, tôi đã có thêm những hiểu biết sâu sắc về mảnh đất địa linh nhân kiệt Côn Sơn.



Những cây thông vỏ sù sì, thân thẳng đứng, cao sừng sững
với những tán lá xanh xòe rộng tại khu di tích Côn Sơn


Khu di tích Côn Sơn thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thị xã Chí Linh nằm trong khu vực miền núi phía Bắc của tỉnh Hải Dương. Theo sử sách ghi lại, đây là vùng đất lịch sử nổi tiếng với “Bát cổ Chí Linh” (tám di tích điển hình, nổi bật tại huyện Chí Linh). Đây cũng là mảnh đất còn lưu lại âm vang những chiến công lừng lẫy qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh, thế kỷ XV. Nơi đây, với địa thế rồng chầu hổ phục, long phượng trình tường, sơn thanh thuỷ tú, từ lâu đã trở thành một vùng văn hoá lịch sử, nơi di dưỡng tinh thần của bao bậc hiền triết. Các tao nhân mặc khách và muôn vàn kẻ sĩ của mọi triều đại tìm về Côn Sơn như tìm về căn nhà vũ trụ để thực hiện cuộc sống tâm linh trong sự hoà hợp tột cùng của âm- duơng, sơn- thuỷ và trời- đất.

Chẳng những Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Chu Văn An… đã tìm về đây để sống đạo, hoằng dương Phật pháp, mà còn có cả những vị vua cuối triều Trần như Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và nhiều trí thức Trần- Lê khác dù đang gánh vác triều chính, thỉnh thoảng cũng về Côn Sơn để tu tâm dưỡng tính.

Sau khi dâng hương và tham quan một vòng chùa Côn Sơn, chúng tôi men theo những bậc đá sau chùa để bắt đầu hành trình lên núi Kỳ Lân. Núi Kỳ Lân, tên dân gian gọi núi Hun, cao gần 200m. Độ cao của ngọn núi không đủ để thách thức lòng người, nhưng điều thú vị là ở hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua những đồi thông rì rào, mùi thơm ngai ngái của những tán lá thông già như đậm đặc hơn trong làn sương nhẹ bay trên trên triền núi tạo ấn tượng mạnh đối với tôi.



Suối Côn Sơn 


Dừng chân nơi tại nền nhà cũ, nơi mà cách đây hơn 500 năm, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của vị Khai quốc công thần, Nguyễn Trãi đã về an trí ở đây. Ông nương theo sườn núi, lấy cây rừng, đá núi dựng nên một nếp nhà đơn sơ, sống một cuộc sống thanh cao, giản dị. Đứng trước tấm Thạch Bàn, nơi sinh thời Nguyễn Trãi thường ngồi ngắm cảnh, suy tư việc nước và sáng tác thơ văn… Tôi bùi ngùi tưởng nhớ đến ông, người anh hùng của dân tộc Việt. Nguyễn Trãi là kết tinh tài năng, khí phách và truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là vị anh hùng có công trong sự nghiệp bình Ngô khai quốc mở nền bình trị. Công trạng đó của ông sẽ được ngàn năm ghi tạc, vạn đại lưu danh, dân tộc nhớ ơn, người người ngưỡng mộ. Nguyễn Trãi không chỉ được đất nước, dân tộc ta vinh danh mà ông còn  được Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Danh nhân Văn hoá Thế giới.

Nguyễn Trãi là người tài đức, dốc lòng dốc sức phò vua giúp nước và sống cuộc đời thanh bạch, nhưng đã bị gian tà “sàm tấu” phải chịu án oan. Đã gần sáu thế kỷ đi qua, từ ngày vụ án “Lệ chi viên” phán quyết, nhưng nỗi oan khiên như vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa sông, núi, mây ngàn Chí Linh. Thẩn thơ đi giữa núi rừng Côn Sơn, tôi như nghe những câu thơ của ông, những lời tri ân vẫn thì thầm trong tiếng suối róc rách và tiếng thông reo.

Côn Sơn níu chân người xa xứ

Côn Sơn đẹp thanh bình, tĩnh lặng, u tịch và cổ kính, nhưng đối với một Việt kiều như tôi, đây là nơi thân thuộc và tự hào. Đó là mảnh đất hào hùng và đầy khí phách, đã hun đúc thế hệ anh tài của đất nước. Mảnh đất đã khiến ông bạn chí cốt ở bên Nga của tôi, mỗi lần về nước đều gần như dành trọn thời gian để thả hồn với thiên nhiên, sông núi nơi này.

Tuy quê gốc ở Bắc Giang, nhưng vốn là người yêu thiên nhiên, khí hậu ở Côn Sơn, do cơ duyên mà bạn tôi đã mua được một khu đất gần hồ Côn Sơn. Nhìn cơ ngơi của bạn mà thấy vui lây, khuôn viên vuông vắn, khu đất như một thung lũng bởi được bao bọc ba bề là núi. Đào ao thả cá, nuôi gà, trồng hoa, chăm sóc cây, chăn lợn… đó là thú vui của bạn tôi mỗi khi có dịp về Việt Nam. Bao bộn bề công việc ở xứ người, mỗi lần về đây, anh như trút bỏ được hết muộn phiền của cuộc sống.



Tam quan Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn 


những buổi uống rượu thịt nướng ở khu du lịch Abzakovo của vùng núi Uran bên Nga, trong rừng bạch dương, rừng thông thoáng đãng, trong lành. Bạn tôi thầm ước mong một ngày nào đó được uống rượu tại Côn Sơn, bởi không khí ở đó cũng từa tựa nơi này. Hôm nay, ước mơ đó đã thành hiện thực. Tuy món “sasluc” (thịt nướng kiểu Nga) nướng bằng gỗ nhãn không thơm và ngon bằng gỗ bạch dương nhưng thịt lợn “sạch” nhà nuôi, rượu nếp cẩm tự nấu, ngồi chiếu giữa sân trong không khí thanh khiết, thoang thoảng mùi thơm của hoa, mùi thơm của thảo dược vườn nhà khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Ngày mai tôi sẽ trở lại nước Nga, hẹn một ngày đầu Xuân tôi sẽ trở lại vùng đất này để tìm hiểu thêm về đền Kiếp Bạc, về người anh hùng của dân tộc Hưng Đạo Đại Vương- Trần Quốc Tuấn, về đền thờ Chu Văn An và rất rất nhiều địa danh, nhiều danh nhân đất Việt khác ở mảnh đất linh thiêng này.

Có xa quê mới thấy, mỗi mảnh đất của quê hương, dù không phải nơi chôn rau, cắt rốn của mình nhưng cũng chan chứa niềm xúc động, thân thương. Tiếng thông reo như hát trong gió, những hạt mưa phùn của những ngày chuẩn bị sang Xuân phơi phới bay, càng khiến lòng người xa xứ như ngất ngây trong men say của tình yêu non sông đất nước.

Ngô Tiến Điệp (LB Nga)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Một chuyến về quê (18/02/2013)
  • Hoài niệm Xuân quê (17/02/2013)
  • Miền ký ức (12/02/2013)
  • “Kể chuyện Tết Việt Nam cho các bạn con nghe” (09/02/2013)
  • “Tôi còn nợ các anh lính đảo những bức vẽ chân dung” (08/02/2013)
  • Gửi lại Quê hương! (07/02/2013)
  • Vài suy ngẫm về dòng chảy kiều hối trong kinh tế Việt Nam (07/02/2013)
  • Tết quê hương đầu tiên sau những năm xa xứ (07/02/2013)
  • Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách (21/11/2012)
  • Chiều Chủ nhật tại nhà nguyên Chủ tịch nước (18/10/2012)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang