27/05/2009 01:44:10 PM
Đường Trường Sơn huyền thoại

Kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/05/1959-19/05/2009), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đại diện cho 3 thế hệ NVNONN từ nhiều nước trên thế giới về thăm lại Trường Sơn. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Mai Thế Nguyên (Việt kiều Na Uy) sau chuyến đi đáng nhớ này.


Trường Sơn theo suốt chúng tôi vào đến chốn 

"Quảng Bình quê ta ơi! Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà."

Tiếng hát vang lên trong chiếc xe buýt chở đoàn Việt kiều chúng tôi từ Lào, Thái Lan, Campuchia, Pháp, Đức, Na Uy, Mỹ và Úc về thăm Quảng Bình, Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 50 năm mở tuyến đường huyền thoại mang tên Bác. Từ xa xa, Trường Sơn theo suốt chúng tôi vào đến chốn.

Nghe tiếng hát nhớ lại cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi đã giới thiệu bài này trên Đài phát thanh Quốc gia Na Uy. Tiếng đàn tranh thánh thót dạo khúc đầu, rồi “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới?”... Tiếng hát át tiếng bom. Hồi đó nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp giải phóng của ta hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Chiến thắng giờ đã thành sự thật. Đất nước đã thống nhất ngoài 30 năm. Hôm nay chúng tôi về trong một nhà. Đoàn chúng tôi trí thức có, các cụ các bác sinh trưởng tại Lào, Thái Lan có, cựu bộ đội Trường Sơn cũng có. Nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm đời khác nhau, nhưng đều một tấm lòng Việt Nam hướng về đất nước cội nguồn.

QUẢNG TRỊ - QUẢNG BÌNH

Ngay sau giải phóng có nhiều lần tôi dẫn đoàn nước ngoài đi xuyên Việt. Nhưng chưa bao giờ ngừng lại Quảng Bình. Thật ra mà nói, hồi đó chưa biết giới thiệu gì về nơi đây với bạn.



Đoàn kiều bào thành kính dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị 

Năm 1972, trong lúc các chiến sĩ ta đang anh dũng đấu tranh để giải phóng Quảng Trị thì tôi công tác tại Phòng Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời (CPCMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam bên Na Uy. Hàng ngày cung cấp kịp thời tin tức về chiến trường cho chính giới, dư luận và báo chí địa phương. Sau hơn 20 ngày đấu tranh quyết liệt, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Đó cũng là một tin vô cùng phấn khởi đối với phong trào Na Uy ủng hộ Việt Nam. Rồi tiếp theo CPCMLT đặt cơ quan đại diện chính thức và tiếp đón đại sứ các nước anh em đến trình quốc thư; rồi chủ tịch Fidel Castro - nguyên thủ đầu tiên đến Quảng Trị, được tặng chiếc xe tăng mới toanh ta chiếm được của Mỹ... Mãi tới hôm nay - 37 năm sau - mới có dịp đến thắp hương nghiêng mình, cùng đoàn cảm ơn cả vạn liệt sĩ đã hy sinh, còn nằm dưới đất Thành cổ Quảng Trị này.


 Chân dung bác Cửu 
                                                     Ký họa của Mai Thế Nguyên 

Trước lễ thắp hương tưởng niệm, cô hướng dẫn - với giọng nói ngọt ngào của Quảng Bình - tóm tắt vài sự kiện chính của chiến dịch và đọc mấy lá thư của anh bộ đội viết về cho gia đình vài ngày trước khi hy sinh. Xúc động vô cùng. Bác Cửu - một cựu bộ đội mở đường Trường Sơn, bộ đội đặc công nhiều năm tại Quảng Trị - không sao nén nổi nghẹn ngào nhớ thương đồng đội đã hy sinh, nức nở quay mặt khóc. Từ Quảng Trị về Đồng Hới nay đi ôtô chỉ mất mấy chục phút mà trước kia bác Cửu phải đi cả 2 tháng. Hồi đó chỉ có chim cá mới dễ dàng vượt sông Bến Hải.

Ngày nay, tuy vẫn là một tỉnh nghèo và hẹp nhất đất nước, Quảng Bình đã tự tìm ra hướng đi lên. Với vị trí thuận lợi, quan hệ kinh tế với Lào và Thái Lan trên đà phát triển tốt, với truyền thống đấu tranh anh dũng - Đường Hồ Chí Minh, địa đạo Vịnh Mốc, Mẹ Suốt v.v. - Quảng Bình có nhiều vốn để phát triển du lịch lịch sử. Thêm Phong Nha Kẻ Bàng - một hệ thống hang động coi như lớn nhất thế giới, đã được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới, và nếu được phối hợp với cố đô Huế và Đà Nẵng - Hội An thì Miền Trung sẽ trở thành một điểm tới du lịch khó thể tránh của Việt Nam.

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - TRƯỜNG SƠN ĐÔNG - TRƯỜNG SƠN TÂY

Là một hệ thống gồm nhiều trục dọc và trục ngang, tổng chiều dài toàn tuyến lên đến trên 20 000 km, nối liền miền Bắc hậu phương với chiến trường miền Nam, Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây, vượt qua Lào và Campuchia. Trong chiến tranh nó là một cơn ác mộng đối với Mỹ. Hàng rào Mac Namara với những trang thiết bị điện tử hiện đại nhất, những "cây nhiệt đới ngửi thấy cả Việt cộng", bom đạn ngày đêm cũng chẳng ngưng cắt hay chặn lại con đường huyền thoại này. Nhiều thế hệ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông… đã hy sinh để mở đường và giữ đường.

Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 mênh mông là nơi an nghỉ của hàng vạn liệt sĩ. Tuy vậy còn nhiều đồng chí chưa tìm được mộ vẫn phải tạm nghỉ trên khắp núi rừng Trường Sơn. Chính vì vậy mà ngày 15/05/2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ Đường HCM - tỉnh Quảng Bình tại địa điểm gần Hang Tám Cô.

Trưa hôm đó, xe chúng tôi ngừng lại trên Đường 20 Quyết thắng (125km, nối TS Đông với TS Tây) để mời 4 người trạc tuổi 50 cùng đi dự lễ. Sau lễ cầu siêu, một số đại diện cho thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội Trường Sơn được mời lên sân khấu lĩnh quà và huân chương cho sự nghiệp Trường Sơn. Trong số đó có 4 người chúng tôi đã đón lên xe. Thì ra họ chính là TNXP phá núi mở đường hồi ấy. Một điều lạ là trong lúc siêu lễ trời mưa tầm tã. Vậy mà chỉ vài phút sau lại tạnh ngay, để mọi người lên viếng đền liệt sĩ và Hang Tám Cô. Trước Hang Tám Cô - nơi 8 TNXP vào trú bom bị chết vì khát và đói do bom Mỹ lấp mất cửa hang - có cây chuối dại mọc. Cách đây 6 tháng nó trổ hoa và ra buồng 8 nải chuối nhỏ. Điều lạ là từ 6 tháng nay chuối vẫn nguyên như vậy, không to lên hay chín đi.



 Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sĩ đường Hồ Chí Minh - Quảng Bình
                                                                                      Ký họa của Mai Thế Nguyên 

 



Đoàn lên dâng hương tại Đền tưởng niệm
các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng
 


Buồng chuối trổ 8 nải ở ngay trước Hang Tám Cô 

Không hiểu sao tôi thấy con Đường huyền thoại mang tên Bác Hồ chứa ẩn nhiều huyền bí mà có lẽ chỉ thế giới tâm linh mới giải thích được.

Quảng Bình bao mến thương/ Ba mươi năm rồi bao đổi thay.

Phải chăng linh hồn các liệt sĩ vẫn quyến luyến với biển rừng núi xanh, ngói mới của Quảng Bình…

Hà Nội 19/05/2009
Mai Thế Nguyên (Na Uy)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tòa án Lương Tâm nhân dân Quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (27/05/2009)
  • Những người phụ nữ Nga cao quý và nhân hậu (21/04/2009)
  • Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại (21/04/2009)
  • Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Một) (19/03/2009)
  • Gạo ta gạo tây (12/03/2009)
  • Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế (02/03/2009)
  • Viên đá vinh quang (20/02/2009)
  • Xa Xứ (17/02/2009)
  • Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội (04/02/2009)
  • Ký ức gom về đón Xuân (28/01/2009)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang