05/09/2022 09:35:00 AM
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho mọi người dân

Chịu khó đi, quan sát, trải nghiệm, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường đã tận mắt chứng kiến sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với mọi người dân, nhất là với những người yếu thế, bà con dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó bà con đã có được cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm và tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Thực tế này khác xa với những luận điệu xuyên tạc của một số đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí khi nhìn nhận về tình hình đất nước nói chung và các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết mới của nhà báo Nguyễn Quang Trường về vấn đề này.

Mỗi năm vào ngày 2/9 - Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi thường cùng gia đình, bạn bè thân thiết tổ chức những chuyến đi du lịch ngắn ngày đến vùng cao, miền Đông-Tây Bắc để thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ và cảm nhận được thế nào là "giang sơn gấm vóc". Tôi đã trải nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, trực tiếp cảm nhận về đời sống của bà con dân tộc vùng cao sống tại vùng đất biên cương của Tổ quốc, từ Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên,… qua Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng,…

Qua đó càng thấm thía tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" được viết trong Tuyên ngôn độc lập đọc trước toàn dân vào ngày 2/9/1945. Chỉ có một đất nước độc lập, hòa bình, ổn định chính trị, thì người dân mới được yên tâm thụ hưởng, nâng cao cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn.

Năm 2013, khi vừa về Việt Nam sống và làm công việc của một nhà báo, tôi được mấy người bạn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mời tham gia một chuyến đi "săn ảnh" vào đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9. Điểm đến là các phiên chợ vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai như: Chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc Hà), chợ phiên Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), chợ phiên Y Tý, chợ phiên Mường Hum (huyện Bát Xát).

Trong suy nghĩ của tôi trước chuyến đi, có lẽ đây sẽ là dịp để tôi tiếp cận với một nền văn hóa còn thô sơ mộc mạc, thậm chí hoang dã, kém văn minh như thông tin mà báo chí tiếng Việt ở nước ngoài thường đề cập. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy một nét văn hóa vô cùng mới mẻ, đan xen giữa văn minh hiện đại và đặc thù truyền thống dân tộc của người vùng cao. Năm 2014, tôi và một người bạn ngoại quốc, cùng đi với các nhà báo từ Thủ đô, đi tham dự lễ Quốc khánh 2/9 ở Mộc Châu.

Tôi được biết, người H’Mông đã chọn ngày 2/9 là ngày "Tết Độc lập" để ăn mừng linh đình, không thua gì Tết Nguyên đán. Tôi choáng ngợp bởi mầu đỏ của cờ Tổ quốc được treo khắp nơi. Mầu cờ đỏ có mặt ở khắp các dãy nhà, khu dân cư, tạo nên một không khí lễ hội ấm áp, sung túc. Khắp các đường ngõ dẫn đến khu trung tâm thị trấn Mộc Châu đều nghẹt cứng người đổ về với đủ mầu sắc các dân tộc như H’Mông, Thái, Dao, Khơ Mú,… và tất nhiên nhiều người Kinh cũng hòa đồng vào không khí lễ hội.

Qua tìm hiểu, tôi được biết trước năm 1945, người dân tộc vùng cao sống tách biệt với nhau, ít giao lưu với các dân tộc khác trong vùng. Chỉ sau ngày 2/9/1945, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã khuyến khích, động viên bà con giao lưu, trao đổi với nhau về mọi mặt, nên các sắc dân đã có sự liên kết, đoàn kết với nhau, thể hiện sinh động qua "Tết Độc lập".

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" (Điều 5). Việt Nam đã lập ra Ủy ban Dân tộc - là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước.

Tôi được biết để giúp cho đời sống của bà con được ổn định và ngày càng nâng cao, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó, giai đoạn I được triển khai từ năm 2021-2025.

Bên cạnh đó là các Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo đã được triển khai, mà người dân tộc thiểu số là nhóm hưởng lợi chính, tiêu biểu có thể kể đến như Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), Chương trình Giảm nghèo bền vững 2016-2020...

Qua đó, Nhà nước hỗ trợ người dân về vấn đề đất ở, đất canh tác, nhà ở, nước sinh hoạt; xây dựng đường sá, cầu cống; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, công trình thủy lợi, chợ bán buôn và bán lẻ, hệ thống thông tin liên lạc. Về văn hóa, Nhà nước cho xây dựng nhà văn hóa thôn bản, phổ biến và thương mại hóa sản phẩm truyền thống, xem xét và bảo tồn các giá trị văn hóa.

Trong những năm gần đây, lên vùng cao, tôi còn nhận ra sự háo hức của bà con vùng cao trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm người dân tộc thiểu số. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ hỗ trợ, khuyến khích bà con nâng cao ý thức trong các tiêu chí về văn hóa, kinh tế, đời sống, sao cho cuộc sống được tốt hơn.

Nếu cách đây 10 năm, những con đường lên vùng cao, từ cấp tỉnh đến huyện, từ xã vào thôn bản thường là gập ghềnh, khó đi thì nay đã có đường cao tốc, đường quốc lộ mở rộng, đường liên xã, liên thôn đã vào tận từng nhà người dân. Tiêu chí ưu tiên hàng đầu cho vùng dân cư là "điện, nước, trường, trạm" gần như đã đạt được hầu hết tại các tỉnh, huyện vùng núi.

Theo quan sát của tôi, trong 10 năm gần đây, nhờ vào các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, những chương trình hỗ trợ của Chính phủ, bà con đã có được cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Cùng với xu thế chung là phát triển kinh tế bền vững vùng cao, bà con đã nhận thức được giá trị, điểm mạnh của vùng đất nơi mình sinh sống để phát triển du lịch.

Các hình thức du lịch cộng đồng để tham quan, trải nghiệm đã được bà con ta triển khai thành các dạng thức như homestay, nhà nghỉ, farmstay, nhà cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của đông đảo khách du lịch, tham quan, lưu trú trong nước và nước ngoài. Cái thời vùng cao bị gọi là "khỉ ho cò gáy" đã không còn.

Năm 2021, trong đợt đại dịch Covid-19, từ Hà Nội, tôi chuyển về Yên Bái, mua được miếng đất, dựng ngôi nhà hai tầng, sống an bình với thiên nhiên. Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường, gia đình tôi đã mở cửa đón tiếp nhiều đoàn khách, bạn bè trong và ngoài nước.

Dừng chân ở nhà tôi ở Yên Bái, cũng là cửa ngõ lên vùng cao Tây Bắc, bạn bè tôi đều hài lòng với những chuyến thăm dù ngắn là đôi ba ngày, hay dài ngày là đôi ba tuần, ai nấy đều bày tỏ sự ngạc nhiên về đời sống vùng cao ngày nay. Có anh bạn ở California (Mỹ) về thăm tôi, anh nói: "Thế mà bên hải ngoại, những kẻ chống phá đất nước cứ ra rả, xuyên tạc Việt Nam bỏ bê người dân vùng sâu, vùng xa đói khổ, lạc hậu. Có về Việt Nam, nhờ đi tận nơi, tôi mới thấy sự xuyên tạc của họ là ác ý, không có cơ sở!".

Thay vì đứng bên ngoài nước chỉ trích, xuyên tạc, bôi nhọ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong các chính sách hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, tôi đã về Việt Nam làm công việc truyền thông thiện chí, khách quan để đưa thông tin chính xác về sự phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội ở các vùng miền.

Thông qua kênh Vietnam today của tôi, trên 1.000 video clip đã được xuất bản, đem lại nhiều giá trị thông tin qua từng vùng miền. Nhiều khán giả của tôi đã hưởng ứng những vận động, kêu gọi chung tay cùng Nhà nước Việt Nam trong các dự án nhỏ như làm đường, xây dựng cầu tạm vào thôn, hay tổ chức các lớp học xóa tái mù chữ, trao học bổng cho các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, các lớp học tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho các vùng cao.

Trong số những kiều bào tích cực đóng góp có cả những cựu chiến binh Mỹ tham gia như ông William Hubert, 90 tuổi ở California. Ông luôn đóng góp tài chính để mang lại những hạnh phúc nhỏ nhất cho các cháu dân tộc vùng cao. Hay gia đình ông bà Ngọc Mai-James McBride (California) luôn luôn đề xuất, hỗ trợ đóng góp cho vùng cao như mở lớp học, giúp quỹ cho các cựu chiến binh Việt Nam.

Đặc biệt ông James McBride, một luật sư vẫn đang hành nghề luật ở Mỹ, cùng vợ là bà Ngọc Mai về thăm quê hương trong dịp hè vừa qua đã quyết định sẽ thu xếp đời sống, công việc ở Mỹ, để về Yên Bái, mua đất, dựng nhà, sống an hưởng tuổi già. Ông James cho biết, tuy là người Mỹ, nhưng với những biến động thế giới gần đây, theo ý ông, ngay chính nước Mỹ cũng không còn là nơi lý tưởng, an toàn để ông sống. "Việt Nam, mới là nơi đáng để tôi suy nghĩ và chọn lựa cho cuộc sống của vợ chồng tôi vào cuối đời!".

Chứng kiến những gì đang diễn ra, tôi càng nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa của việc chăm sóc, quan tâm đến đời sống của bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi biên cương mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện.

Điều đó đã thể hiện sự ưu việt của chế độ, theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngày 3/12/1945: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa…".

Có đến tận nơi, trực tiếp tìm hiểu về vùng cao, tôi mới thấy rõ được nhận thức chung của người dân tộc thiểu số rất kiên trì, bám đất bám rừng trong ý thức trong trách nhiệm đối với tổ tiên, các thế hệ đi trước. Các dân tộc thiểu số vùng cao, hay vùng sâu, vùng xa, như ai đó so sánh: Họ làm thành những tấm lá chắn, là phên dậu bảo vệ bờ cõi, giang sơn gấm vóc cho đất nước Việt Nam mãi trường tồn.

Nguyễn Quang Trường (Việt kiều Mỹ)

(Theo nhandan.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang