17/02/2017 08:00:00 AM
Trang trại @

Khi đã cầm trong tay hai tấm bằng tốt nghiệp, Ly không làm hồ sơ thi tuyển công chức; nó về quê nói với những người lãnh đạo xã xin thuê dài hạn một dải đất làm trang trại...

Căn phòng trên tầng ba. Qua cửa sổ có thể nhìn toàn cảnh hồ Tây. Sáng mồng hai Tết se lạnh, sương giăng mỏng, la đà trên mặt nước, có mùi hương trầm lan tỏa, gợi không khí hoài cổ.

Người đến gõ cửa căn nhà ấy sớm nay là ông Nguyễn Bạch Tường, cựu giáo viên trung học phổ thông. Nguyễn Bạch Tường đã sắp sang tuổi thất tuần. Nghỉ hưu sống ở làng quê, mưa nắng nông thôn miền biển nhuộm nước da nâu sạm. Chủ nhà, nhà văn Phan Vũ Trần, tuy là học sinh cũ của ông Tường, nhưng cũng đã ở tuổi tri thiên mệnh, từng có gần bốn mươi năm công tác.

Thời chiến tranh là lính chiến trường. Hòa bình đi học đại học, chuyển sang dân sự rồi viết văn, viết báo. Truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết của Phan Vũ Trần được nhiều bạn đọc hâm mộ.

Phan Vũ Trần đón thầy giáo cũ lên phòng khách trên tầng hai. Nổi bật nhất trong phòng khách của vị văn sĩ lúc này là cây bích đào trồng trong một cái chậu men giả cổ đặt cạnh bộ salon. Ông giáo già cứ giương kính lão ngắm những bông hoa vừa hé nở với những cánh hồng đậm sắc. Ông khen cây đào tới vài ba lần, rồi hỏi:

- Em có hài lòng không, khi mà sáng mồng hai Tết người đến thăm gia đình em lại là thầy, một lão già nhà quê xấu xí, lẩm cẩm?

Phan Vũ Trần nhìn lướt gương mặt gẫy, võ vàng, có cái miệng cá ngão vêu ra, râu ria lởm chởm. Cái miệng như thế mà ở người khác thì nó gây hại cho gương mặt, nhưng khi nó ở mặt ông Tường lại thành có duyên thầm, bởi chính cái miệng này khi giảng văn đã từng làm bao nhiêu thế hệ học sinh trường huyện say mê, khóc cười.

- Lúc nghe có tiếng gõ cửa, vợ em ra mở, nhận ra thầy, cô ấy chẳng đã reo ầm lên, ôi thầy Nguyễn Bạch Tường, thầy Tường đến thăm nhà mình, rồi cô ấy rối rít cám ơn thầy đó sao! - PhanVũ Trần nói.

- Phải, thầy cảm nhận sự vui mừng của vợ chồng em là rất thật. Ơn trời đất đã ban cho em một cô vợ khả ái. Sự nghiệp của em hanh thông, trong đó có công lớn của vợ em... - Ông Tường nói.

- Nhưng em thì quả là rất bất ngờ trước sự xuất hiện đường đột của thầy. Sao thầy không bấm điện thoại báo trước với em? - Nhà văn hỏi.

- Thầy nghĩ, ngày Tết xuất hiện bất ngờ sẽ thú vị hơn - Ông Tường nói - Những năm trước em hay về quê chúc tuổi thầy, bây giờ thầy đã già, sắp đến lúc đi lại khó khăn, thầy cũng phải lên kinh kì phúc đáp em lấy một lần chứ!

- Em cám ơn thầy rất nhiều!

- Nhưng hôm nay, ngoài việc chúc tụng, thầy còn có một chuyện muốn khoe với em. Cô bé Ly, cháu ngoại thầy mà đã có lần thầy phàn nàn về nó với em, và em đã cho thầy lời khuyên ấy, bây giờ…

 Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ông Nguyễn Bạch Tường tạm dừng lời bởi vợ nhà văn Phan Vũ Trần bưng lên một mâm cỗ không nhiều món nhưng tưng bừng hương vị Tết Thủ đô. Chị lễ phép mời thầy trò rồi lui xuống tầng dưới. Trần mở chai Grants rót ra hai chiếc ly pha lê, nâng lên nói:

- Em chúc tuổi thầy. Thầy trò ta vừa nâng cốc vừa nói chuyện cho có không khí ngày Tết!

Ông Nguyễn Bạch Tường đã quen với loại rượu nấu bằng gạo nếp đóng chai nút lá chuối ở quê, cái tang rượu Tây, ngửi mùi thơm thì thích thật, nhưng hơi khó uống. Ông tự nhủ không nên quá chén, để còn đủ tỉnh táo mà nói chuyện. Sự trưởng thành của Phan Vũ Trần là niềm tự hào của ông Nguyễn Bạch Tường.

Dù Phan Vũ Trần là học trò cũ, một học trò giỏi văn do chính ông dạy dỗ năm xưa, nhưng bây giờ thời buổi tăng tốc, công việc bận rộn, thời gian dồn ép, được ngồi với nhau trong một tâm thế nhàn tản như hôm nay không phải là dễ dàng.

Câu chuyện mà ông Nguyễn Bạch Tường muốn nói với nhà văn Phan Vũ Trần cũng không có gì là to tát, mệnh hệ, vẫn là chuyện bước chân vào đời của Ly, cháu ngoại ông.

Chẳng là đêm trước, khi tiếng chuông chùa gióng lên hòa cùng với tiếng ngân nga từ quả chuông trên ngọn tháp ngôi nhà thờ Thiên Chúa báo giao thừa thì Ly từ trang trại bên bờ sông Cái đi xe máy ra nhà ông ở thị trấn, mang theo một túi cam giấy chín đỏ. Ly cùng ông chuẩn bị bữa cúng giao thừa, điều này khiến ông rất hài lòng.

Ông Tường đã có cả thảy năm đứa cháu nội, ngoại đều đã đến tuổi trưởng thành nhưng ông quý nhất là Ly. Nhưng cũng chính cô bé này đã từng khiến ông nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì cách sống khác đời của nó.

Hồi học phổ thông, năm nào Ly cũng được xếp vào loại học sinh giỏi toàn diện. Các môn tự nhiên Ly học xuất sắc. Nhưng đáng nói hơn cả: trong khi ở ngôi trường nó học, chẳng có mấy trò còn mặn mà với môn văn thì Ly vẫn “một mình một ngựa” miệt mài học văn.

Ly kiên trì như thế cũng phải kể tới cái công khích lệ, kèm cặp của ông Tường. Phải, chính ông Tường là nguồn năng lượng nuôi dưỡng thế giới tinh thần, cung cấp nhuệ khí cho Ly. Ông thường nói với Ly rằng, ở đời người ta thường né tránh con đường khó đi, nhưng người có bản lĩnh thì cần phải biết xông vào việc khó, đạp lên chông gai ghềnh thác mà đi thì mới thành tài thành danh. Như đồng cảm với ông ngoại, Ly dành khá nhiều thời gian cho môn văn.

Cuối năm, Ly tham dự cuộc thi học sinh giỏi văn lớp 12 cấp quốc gia, đoạt ngay cái giải cao ngất ngưởng. Vậy là ông Tường đã hoàn toàn viên mãn cõi lòng. Ông thầm nhủ: “Bốn đứa cháu kia không đứa nào theo gót ta, nhưng chỉ cần một mình cái Ly kế nghiệp ta, kế nghiệp truyền thống gia tộc cũng đã đủ khiến ta viên mãn, hạnh phúc”.

Nhưng thật bất ngờ, lúc Ly làm hồ sơ thi đại học nó lại ghi khối A. Nó thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tốt nghiệp loại giỏi trường này, nó không học cao học để lấy bằng thạc sĩ như bố mẹ nó hằng mong muốn; nó học văn bằng hai ngành Kỹ thuật trồng trọt, cái ngành “cóc chết ba năm quay đầu về núi” mà số đông học sinh nông thôn đang muốn né tránh, thoát ra.

Tuy nhiên, điều mà Ly khiến cả nhà phiền muộn nhất, ấy là khi đã cầm trong tay hai tấm bằng tốt nghiệp, Ly không làm hồ sơ thi tuyển công chức; nó về quê nói với những người lãnh đạo xã xin thuê dài hạn một dải đất làm trang trại.

Cái dải đất ấy nằm ở ghềnh sông Cái, nơi cuối làng. Bãi sông này về mùa hạ thì đỏ thắm phù sa, nhưng về mùa đông lại bị nhiễm mặn do nước từ biển đẩy lên. Không trồng được cây gì ngoài cỏ cói cỏ lác mọc như rừng.

Những năm trước, các chủ lò gạch khai thác đất bãi này đóng gạch. Khi bãi đã bị đào bới cạn kiệt, thành hàng trăm cái hố sâu hoắm, thì các chủ lò gạch chuyển đi nơi khác, nơi đây trở thành bãi hoang, dưới hố thì bèo tây bành trướng, trên bờ thì lăn lác mọc um tùm. Người ta đồn thổi rằng có người đi cất vó đêm khi qua đây còn nghe thấy những con ma đói ru con hời hợi, từ đó không ai nhòm ngó đến dải đất bãi này nữa.

Khi Ly hỏi thuê dài hạn, Ủy ban nhân dân xã đồng ý ngay. Ly cho người san lấp các thùng đấu, thuê xe công nông mua đất, cát đổ thêm cho cao lên. Ly mua lưới thép B40 rào bốn xung quanh. Một dãy nhà tạm mọc lên, điện kéo về sáng choang, đó là nơi ở và làm việc của Ly và những nhân viên trong trang trại. Cái cổng thiết kế bằng tre, treo một cái biển gỗ, kẻ sơn đỏ “Trang trại @”, gây sự tò mò cho nhiều người qua đường.

Bằng khoa học hiện đại, Ly cho cải tạo cho đất hết chua mặn, cho đất tơi xốp màu mỡ. Ly lên tận Trường Đại học Nông Nghiệp I mua nhiều giống cây mới lai tạo, có năng suất cao đem về trồng. Bố mẹ Ly không thật hài lòng với những quyết định táo bạo của con gái, nhưng họ vốn tin Ly nên chỉ lặng lẽ quan sát Ly làm.

Có đồng vốn liếng nào họ móc hết đưa cho Ly. Riêng ông Tường, khi biết Ly không thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì giận Ly đến tím ruột. Về sau thấy Ly học lấy bằng Kinh tế Quốc dân và Kỹ thuật trồng trọt có vẻ thuận buồm xuôi gió, ông có phần bớt giận, nhưng trong thâm tâm ông luôn có cảm giác bị con cháu phản bội, bỏ rơi.

Hồi Ly còn học phổ thông, rất nhiều buổi tối hai ông cháu trải chiếu ra thềm hè ngồi đàm đạo văn chương đông tây kim cổ đến khuya, nhưng từ khi Ly vào đại học, theo ngành kinh tế, những buổi tối như thế đã thưa thoáng, rồi khi Ly bị cuốn vào cái trang trại thì mất hẳn. Một hôm, cảm giác cô đơn vây bủa đến độ không chịu nổi, ông Tường đã đáp xe ôtô khách lên Hà Nội tìm đến nhà Phan Vũ Trần.

Người học trò cũ này từ lâu đã là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu đối với ông mỗi khi có chuyện vui buồn. Gương mặt ông buồn não nề khi ông nói rằng, dòng họ Nguyễn Bạch nhà ông nhiều đời theo nghiệp bút nghiên, tuy không thành những văn nhân thi sĩ danh tiếng, nhưng cũng là những người thầy dạy văn, dạy sử mũ cao áo dài đáng kính.

Dưới triều Nguyễn, có người còn được vua vời vào kinh đô Huế dạy học cho các hoàng tử, công chúa. Vậy mà đến đời con cháu ông, nó đã phá vỡ cái truyền thống đáng tự hào ấy…

Phan Vũ Trần lắng nghe tất cả những điều ông Nguyễn Bạch Tường chia sẻ, tỏ vẻ cảm thông sâu sắc, nhưng khi ông Tường ngừng lời thì Trần lại nói:

- Em rất thông cảm với nỗi niềm của thầy. Nhưng theo em, thầy cũng không nên quá bận tâm về việc đó mà tổn hại sức khỏe. Thời nào nó có văn hóa của thời ấy.

Thời nay là thời đất nước chúng ta đang gồng mình lên bứt phá khỏi sự o bế, trì đọng từ ngàn năm cát cứ, do chiến tranh, do bị nước ngoài áp chế, bóc lột… để xây dựng một đất có nền kinh tế phát triển, có nền độc lập bền vững, cho bằng bè bạn, láng giềng. Ưu tiên số một cho phát triển kinh tế, sẽ sinh ra hiện tượng các em học sinh đua nhau thi vào các trường khối kinh tế, đâu có gì là khó hiểu.

Với cháu Ly nhà thầy, điều căn bản là nó có yêu cái nghề nó đang theo đuổi không, nếu nó yêu thực sự thì thầy nên cổ súy, động viên cháu hơn là chê trách nó.

- Cách nghĩ của em, thầy không phản đối - Ông Tường nói - Nhưng thầy vẫn cứ băn khoăn. Chẳng nhẽ để phục vụ cho công cuộc chấn hưng đất nước, con cháu chúng ta cứ đổ xô hết vào các ngành kinh tế, còn khoa học nhân văn thì bỏ trống ư? Giầu có mà thiếu nhân văn thì có còn là cuộc sống của con người nữa không?.

- Thầy băn khoăn như thế quả là không sai - Phan Vũ Trần nói tiếp - Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại lịch sử, kể cả những khi đất nước của chúng ta tạm thời rơi vào tay ngoại bang, di vật quý như vạc đồng chuông đồng bị đánh cắp, sách quý bị đốt, nhân dân bị chế độ ngu dân hóa trị vì, nhưng giá trị nhân văn của dân tộc ta chưa bao giờ bị hủy diệt. Nó vẫn có cách để tồn tại. Nó như mạch nước ngầm chảy trong lòng đất, như những hòn than vùi dưới tro bụi. Có điều kiện là nó sẽ bùng lên thành thác lũ, thành biển lửa…

Thầy hãy tin lời em. Lẽ dĩ nhiên để duy trì cái dòng chảy nhân văn, những người như thầy, như em không được phép quay lưng. Chúng ta là những tác nhân để dòng chảy ấy vận động không bao giờ ngưng nghỉ.

Ông Tường cảm thấy nguôi ngoai, mặc dù trong lòng ông vẫn còn hiu hiu buồn vì cái sự quay lưng với môn văn của Ly. Trở về quê, ông không ra mặt giận Ly nữa. Một buổi chiều, gọi Ly đến nhà, ông mở cái rương lấy sợi dây chuyền vàng đeo lên cổ Ly:

- Đây là món quà bà ngoại tặng cháu. Trước khi mất, bà ấy dặn ông, đợi khi nào cháu đi lấy chồng, ông mới trao cho cháu làm của hồi môn. Nhưng mấy hôm nay ông thấy cháu chạy đôn chạy đáo đi vay tiền chỗ này chỗ khác nên ông đưa để cháu làm vốn mà sản suất kinh doanh.

Nhắc đến bà ngoại, Ly xúc động, hai khóe mắt như có ngấn nước, nhưng có lẽ do sự hối thúc của công việc, Ly gạt ngay nỗi buồn, nói:

- Đúng là cháu đang rất cần tiền để mua giống cây và sắm sửa nhiều thứ khác cho trang trại ông ạ. Cháu cám ơn ông. Cháu cám ơn vong hồn bà.

Ông Tường nhìn đứa cháu gái mải mê với đất đai, phân tro mà da nó vốn trắng như sáp nến bây giờ đen sạm, lòng ông như thắt lại:

- Cha đẻ cô, làm người ăn trắng mặc trơn không muốn lại đi chuốc cái vất vả vào thân. Thử soi gương xem có giống cô bé lọ lem chưa nào!

Ly đùa lại:

- Thế ông không thấy hoa hậu thế giới từng là người da đen à. Ông hãy ngắm kĩ cháu, ông sẽ thấy cháu có duyên ngầm đấy.

Trang trại của Ly rộng khoảng hơn hai héc-ta. Ly đưa nhiều giống cây ăn quả được lai tạo từ Trường Đại học Nông nghiệp I về trồng. Thấm thoát mà một số giống cây đã bói quả. Những cây xoài quả to như quả dưa gang. Có những cây táo quả to như quả quýt, ăn ngọt lịm. Lại có những loài cây trông rất lạ mắt. Áp Tết năm nay những cây cam giấy đã ra lứa đầu, quả sai trĩu cành, chín đỏ một khu vườn. Những quả cam vỏ mỏng như giấy, bóc ra múi vàng hươm, có mùi thơm tinh khiết, đụng đầu lưỡi vào là cảm nhận được cái vị ngọt mát ngấm vào từng tế bào trong cơ thể khiến tâm hồn lâng lâng. Ăn hết một quả là thấy người tỉnh táo, như có sức mạnh hẳn lên. Hôm trước Tết ông Tường ra trang trại thăm, Ly cho nếm thử một quả cam giấy, ông mang ấn tượng như vậy.

Ly xếp những quả cam giấy lên cái đĩa đặt trên bàn thờ, thắp mấy nén nhang, lầm rầm khấn vái xong, cô nói:

- Những quả cam này là thành quả lao động của cháu và anh chị em công nhân, cháu mang vào thắp hương khấn các cụ, khấn bà ngoại - Ly rút ra cái phong bao màu đỏ trao vào tay ông Tường, nói - Cháu mừng tuổi ông!

Ông Tường không muốn nhận tiền mừng tuổi vì nghĩ Ly còn đang khó khăn nhưng Ly nói:

- Ông đừng băn khoăn vì cháu còn khó khăn. Cháu tiết lộ để ông biết: Nếu thiên nhiên không có gì bất thường thì chỉ sang năm, trang trại sẽ cho cháu đủ tiền mua một con xe bốn bánh, ông cần đi thăm thú bạn bè, học trò cũ, cháu có thể chở ông đi.

- Có khi con bé làm được thật!- Ông Tường nghĩ thế, bởi ông thấy ra đường bây giờ sở hữu những con xe sang trọng lại toàn bọn trẻ, nhưng ông không muốn cháu gái ông vì ham hố mà nổi máu bốc đồng, liều lĩnh nên ông chỉ nói - Bây giờ cháu phải tính toán việc gì làm trước việc gì làm sau sao cho hợp lý. Ông tin yêu cháu.

- Bây giờ cháu muốn xem lại cái giá sách của ông - Ly vừa nói vừa bước đến chỗ giá sách lớn, nơi có những cái gáy sách quay ra đã cũ, xỉn màu thời gian.

Cái giá sách kê áp tường phòng khách. Ngôi nhà xây hai tầng đã lâu, có vẻ đã lỗi mốt, ngự trên một đường phố nhỏ cuối thị trấn huyện. Với Ly thì ngôi nhà này có những kỷ niệm rất thân thương, nhất là với cái giá sách của ông. Chính nó là nguồn nuôi dưỡng tinh thần của cô trong suốt những năm ấu thơ. Những năm tháng ấy, tất cả những gì thuộc về ông ngoại đều quá lớn lao, thiêng liêng đối với Ly. Ly xem lại giá sách một lát rồi kêu lên:

- Ông ơi, những cuốn hay nhất trong giá sách của ông như truyện Anđécxen, truyện của Grin, truyện “Lẵng quả thông” của Pauxtốpxki, truyện “Người thầy đầu tiên” của Aimatốp… thì cháu đã mượn đọc hết rồi. So với thời cháu còn học phổ thông, giá sách của ông không có gì mới hơn, không bổ sung thêm cuốn nào. Qua Tết có thời gian, cháu lên Hà Nội mua tặng ông một số tác phẩm, phù hợp với không khí xã hội bây giờ, cháu tin ông sẽ rất thích!

- Hóa ra cháu vẫn đọc sách văn học ư? - Ông Tường hỏi với vẻ hoài nghi.

- Thế ông tưởng cháu đi làm trang trại là bỏ sách vở ư?

- Ông ra trang trại của cháu chỉ thấy trên cái giá nhỏ toàn những sách trồng cây, trồng hoa, chứ có thấy tác phẩm văn học nào đâu!a

Ly mỉm cười ý nhị, bảo:

- Ông ơi, để tiết kiệm, cháu đọc trên mạng chứ không mua sách. Lần sau ông ra trang trại, cháu mở Laptop cho ông xem. Những tác phẩm văn chương bất hủ của nhân loại đều thấy hết. Năm nay, tuy bận rộn với trang trại thế mà cháu cũng đọc được mấy tác phẩm tuyệt vời. “Ngàn cánh hạc” của Kawabata này, “Đèn không hắt bóng” của Dzunichi này, “Bản đàn thôn dã” của Andre Gide này, “Cái trống thiếc” của Gunter Grass này.

Ông Tường cứ trố mắt nhìn Ly ngạc nhiên. Những tác phẩm mà Ly vừa nhắc đến, ông Tường chưa hề đọc. Ông biết, thời buổi đô thị hóa bành trướng, mọi tinh hoa đổ về thành phố, những tác phẩm ấy không bao giờ về đến vùng nông thôn heo hút này. Nhưng qua những bài điểm sách trên báo, đài thì ông biết đó là những tác phẩm đỉnh cao của văn chương nhân loại thời hiện đại và hậu hiện đại. Vậy mà đứa cháu gái từng bỏ văn chương đi làm trang trại nó lại đọc được. Hóa ra, con bé Ly “lọ lem” cháu ông, nó đã trưởng thành hơn ông tưởng.

- Nhưng cháu không muốn ông đọc trên mạng vì mắt ông đã kém - Ly nói - Cháu sẽ lên Hà Nội mua những cuốn ấy về tặng ông. Ông nhé.

Ông Tường đưa đôi tay xương xẩu nắm lấy hai bờ vai Ly lắc lắc:

- Ông cám ơn cháu trước. Ôi cháu gái của ông. Cháu đã trưởng thành thật rồi!.

Đấy cũng nguyên do ông Tường chọn ngày mồng hai Tết lên Hà Nội đến nhà của nhà văn Phan Vũ Trần lúc này. Ông Tường mở cái làn nhựa xếp những quả cam giấy lên bàn thờ của gia đình Phan Vũ Trần. Phan Vũ Trần có cảm giác những quả cam đang tỏa một mùi hương rất lạ. Nó là mùi hương mang linh khí mùa xuân.

- Đây là quà cháu Ly gửi nhờ thầy chúc Tết em. Nhờ em phân tích mà tôi không giận nó, lại còn động viên nó làm tốt trang trại để có sản phẩm này.

- Em cũng rất mừng cho thầy, cho cháu Ly - Phan Vũ Trần nói - Hè năm nay, em sẽ về thăm lại nhà thầy, thăm trang trại của Ly. Chính Ly đã làm cho mảnh đất đầu ghềnh cuối bãi ven sông nở hoa kết quả. Những người như Ly chính là nhụy, là hương của đất quê mình đấy thầy ạ.

Lê Hoài Nam (Báo Văn nghệ Công an)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tiết xuân về (10/02/2017)
  • Cháo hành Thị Nở (03/02/2017)
  • Mắt rồng (20/01/2017)
  • Mở cửa trời (13/01/2017)
  • Mẹ tôi (06/01/2017)
  • Đón dâu về ăn tết (30/12/2016)
  • Tổ nghiệp (23/12/2016)
  • Sự sống (16/12/2016)
  • Quê ngoại (09/12/2016)
  • Phía chiều không tắt nắng (02/12/2016)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang