11/09/2020 08:00:00 AM
Sống với người đã khuất

...Ký ức - hoài niệm trong bà bền lâu theo năm tháng mà Duyên không bao giờ có được. Ký ức ấy, hoài niệm ấy như rượu nho miền Trung Bohemia lưu giữ trong hầm càng lâu năm càng lên hương ngọt thơm...

Nghĩa trang Đường 9 đẹp như một công viên. Ở ven đường đi phía đông có cặp phụ nữ một già, một trẻ đặt hoa, quả và thắp hương cho một ngôi mộ. Họ là hai bà cháu, đăm chiêu nhìn khói nhang bay bảng lảng trước tấm bia mộ ghi danh Hoàng Chung. Liệt sĩ Hoàng Chung là chồng của bà. Ông nội của cô gái. Bà có tên Phan Hải. Cháu gái tên Duyên. Bà Hải cho cháu gái từ Séc về Việt Nam nghỉ hè, phần thưởng đậu Á khoa đại học, cho cháu tới Nghĩa trang Đường 9 viếng mộ ông nội. Năm ông nội Duyên hy sinh thì bố nó còn nằm trong bụng bà nội. Chiều nay, sau thăm viếng nghĩa trang, hai bà cháu sẽ trở về Quảng Bình thăm quê. Lần đầu tiên về quê cái gì cũng lạ, nghe bà nội kể Duyên mới lý giải được những bí ẩn của con người trong chiến tranh mà nó từng ngỡ truyện cổ tích. Mặc dù mỗi khi sinh hoạt cộng đồng người Việt sống ở Kladno, người hướng đạo vẫn thường kể chuyện quê hương.

 Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Hai bà cháu thuê một căn phòng ở khách sạn Nhật Lệ, mang tên dòng sông nằm kề đấy, đã trở nên hình bóng của cả vùng đất. Và sớm nay, bà cháu cùng dạo bộ trên con đường gạch đỏ chạy dọc sông, gió mát lạnh dâng trào. Trên một chiếc ghế đá granit, bà Phan Hải kể chuyện tình với ông nội cho Duyên nghe. Ông quê ở Nghệ An. Trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị, đơn vị ông đã lưu lại trong căn nhà bố mẹ bà ở Đồng Trạch 10 ngày để chỉnh huấn. Ra Hà Nội từ năm 20 tuổi mà giọng bà nội vẫn đậm thổ âm Quảng Bình và hình như giờ kể lại cho cháu nghe bà vẫn thấy ngượng ngùng thế nào ấy, ấp úng câu được, câu chăng.

Nhưng Duyên hiểu là thế này. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt giữa sống và chết cách nhau gang tấc, ngày mai người chiến sĩ ấy sẽ dấn thân vào nơi máu lửa, chẳng hiểu sao cô gái Phan Hải ngày ấy đã đồng thuận, để chàng tân binh Hoàng Chung gửi vào mình giọt máu hồng của anh.

Duyên giật mình nhớ ra:

- Bà ơi. Cháu đã đọc một câu chuyện trong cuốn sách mà nhà văn bạn bà tặng, cũng có tình huống này nhưng ở thời chống Pháp.

- À đúng! Truyện “Thời của mẹ”. Nhưng khi bà quyết định làm chuyện này với chàng trai Hoàng Chung thì chưa đọc cái truyện ấy.

Dự cảm là thế nhưng khi nhận được giấy báo tử của Hoàng Chung từ chiến trường Quảng Trị, Phan Hải đã ngất lịm, khi ấy cô đang mang bầu sắp đến tháng sinh. Một con trai ra đời thay thế một chiến sĩ đã khuất. Phan Hải đặt tên con là Hoàng Quảng An. Phan Hải mang con trai ra Hà Nội, theo học một lớp kế toán rồi làm việc ở bưu điện thành phố. Cô ở vậy nuôi Hoàng Quảng An trưởng thành và sang Tiệp Khắc học nghề, rồi kết hôn với một cô gái học cùng khóa, sinh ra Duyên ở Tiệp Khắc.

Bà Phan Hải cười cho cháu gái hay, rằng chuyện ly kỳ còn chưa hết đâu. 27 năm sau, ngành xây dựng cải tạo hầm thoát nước ở Thành cổ Quảng Trị đã phát lộ và khai quật một chiếc hầm chữ A, phát hiện bảy bộ hài cốt. Từ chiếc túi bọc kỹ giấy tờ tùy thân và thư từ, đã xác định một trong số họ là Chính trị viên phó tiểu đoàn Hoàng Chung. Dựa vào địa chỉ ghi trong thư của bà từng gửi chồng, cùng cuốn nhật ký, người ta đã tìm ra địa chỉ báo cho bà vào Quảng Trị nhận dạng.

Bà nội ôm cháu vào lòng: “Hồi một dừng ở đây. Vào Quảng Trị bà kể tiếp”.

Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị và khúc sông Thạch Hãn bên bờ Thành cổ là nghĩa trang không có mộ chí. Người ta chỉ còn biết thắp hương chung trên đài tưởng niệm và thả những vòng hoa chung xuống dòng sông Thạch Hãn. Chuyện kể nơi đây luôn làm người đến viếng thăm khóc, khóc sụt sùi và nức nở. Đến nỗi chàng trai trẻ thuyết minh viên cũng phải dừng lặng, mặc dù mỗi năm dẫn vài trăm đoàn với biết bao nước mắt đã chảy khi nghe anh nói.

Chuyện tình giữa anh Chính trị viên phó tiểu đoàn Hoàng Chung với cô Phan Hải được lưu giữ tại Nhà bảo tàng Thành cổ Quảng Trị trong một tủ kính có một số vật dụng và những bức thư cùng cuốn sổ nhật ký ố vàng của người lính. Một tư liệu sử. Chàng trai hướng dẫn viên kể tha thiết cứ như anh sống cùng thời với Hoàng Chung và Phan Hải. Nhưng anh lại không biết bà Phan Hải cùng cô gái cháu nội Hoàng Chung đang có mặt tại đây. Bà quyết định dành cho chàng trai ấy một bất ngờ vào phút chót. Chàng trai ấy sững sờ. Xin được chụp bức ảnh chung với bà cùng cháu gái. Có lẽ là bức ảnh nhớ một đời và sẽ là một chương nối thêm câu chuyện về Hoàng Chung tại nhà bảo tàng.

Nhiều chục năm dài đã qua đi. Tóc bà trắng gần hết. Duyên muốn biết ngần ấy năm trời nguyên do nào tạo nên nguồn lực nuôi dưỡng trái tim bà nội khi quyết chọn sống cuộc đời như thế? Thật phũ phàng! Những gì cần, bà đã nói. Cái gì bà chưa nói, chắc chờ dịp. Duyên khuyên: “Bà chuyển cốt của ông về nghĩa trang gần đây, để mỗi lần giỗ, bà khỏi đi xa”. “Bà thì nghĩ, ở đó, người chiến sĩ khi sống và chết rất cần có đồng đội!”.

Về Hà Nội. Bà nội hé lộ cho Duyên biết, căn hộ bên cạnh là của nhà văn đã tặng bà sách có truyện “Thời của mẹ”, viết về cô gái Phù Ninh. Vợ nhà văn cùng công tác với bà. Cơ quan phân cho mỗi người một căn hộ chung tầng này. Vợ nhà văn cũng có một người em hy sinh ở tuổi 20. Bà kể…

Trong một bữa giỗ bên nhà ấy, bà được mời dự. Mỗi lần như thế họ thường ôn nhớ những kỷ niệm về người liệt sĩ, nghe mà lòng bà bùi ngùi. Nhập ngũ ở khu đội Hoàn Kiếm, sau ba tháng huấn luyện, cậu ấy đi B. Người cha đưa bàn tay to bè lên, nắn lại ve áo cậu, vuốt nhẹ mấy cái vào tay áo và ngực áo, như làm cho bộ quân phục cậu đang mặc trên mình chỉn chu hơn. Và ông nói rành rẽ: “Hãy can trường lên con nhé! Giờ đã là người chiến sĩ!”. “Bố…”, vợ nhà văn thốt lên... Ở tuổi 18, gương mặt thư sinh ấy có hiểu hết ý nghĩa lời dặn dò của cha? Thế rồi, giữa năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử. Cậu đã hy sinh ở mặt trận Đức Phổ - Quảng Ngãi.

Người vợ nhà văn kể: Bàng hoàng quá. Chưa đầy hai tuổi quân. Cả gia đình không ai cầm được nước mắt. Hòa bình lập lại là chuỗi những ngày dài dằng dặc. Anh em thay nhau đi tìm mộ với mọi sự chỉ dẫn. Nhưng đều vô vọng. Có chuyện này làm bà nghĩ nhiều. Một người con gái, nay thì đã đứng tuổi, từ năm cậu ấy hy sinh, vào ngày giỗ, cô đến nhà bố mẹ vợ nhà văn ở phố Hàng Bông, mang một bó hoa trắng đặt lên bàn thờ cậu, lặng lẽ thắp một nén nhang. Đó là bạn gái cậu thời học sinh. Giờ cô ấy vẫn chưa lấy chồng. Lẽ nào người con gái ấy nặng lòng đến thế?

Duyên nước lau mắt: “Thế vợ chồng nhà văn bây giờ ở đâu ạ?”. “Bà cũng không biết nữa”. Một chút ngần ngừ, rồi bà kể tiếp. Vợ nhà văn ít năm sau mắc bạo bệnh qua đời. Nhà văn sống một mình, cơm hàng cháo chợ miệt mài viết. Lắm đêm hè đã khuya, bà ra hành lang cho thoáng, thấy căn phòng ông vẫn sáng đèn. Thỉnh thoảng bà cũng gõ cửa mang cho ông khi cốc nước cam, khi bát chè đỗ đen đá. Ông cảm động cảm ơn. Rồi ông ấy cười miệng méo mó nói với bà, rằng nghề viết văn như ông tựa như bị “trời hành”. Bà cười bảo ông trở lại bàn viết cho trời hành tiếp đi. Có một lần bà đang thắp hương cho chồng, nghe tiếng gõ cửa, ra mở, là ông nhà văn. Ông ngạc nhiên trên ban thờ không có di ảnh. Hôm sau ông sang, mang theo cuốn sổ, xin bà nhớ lại hình ảnh liệt sĩ Hoàng Chung, mô tả để ông dựng lại chân dung.

“Mấy chục năm rồi nhưng bà không quên dáng hình ông nội con trong 10 ngày sống bên nhau ở Quảng Trạch. Thế mà nhà văn ấy dựng lại được. Trông rất có hồn. Di ảnh trên ban thờ ông nội con bây giờ chính là bức tranh nhà văn vẽ theo trí nhớ của bà. Ra nhà văn còn là một họa sĩ”, bà bùi ngùi.

Rồi một năm bà vào Nghĩa trang Đường 9. Khi về, thì nhà văn ấy đã chuyển cư đi nơi khác, chỉ gửi lại tập truyện có cái truyện “Thời của mẹ” mà con đã đọc, với lời đề tặng “Tác giả thân quý tặng Phan Hải! Nhớ!”. Nghe tới đây thì Duyên đã hiểu.

Trên chuyến bay trở lại Cộng hòa Séc, Duyên nghĩ miên man về bà nội. Bà sống bằng ký ức, bằng hoài niệm. Ký ức - hoài niệm trong bà bền lâu theo năm tháng mà Duyên không bao giờ có được. Ký ức ấy, hoài niệm ấy như rượu nho miền Trung Bohemia lưu giữ trong hầm càng lâu năm càng lên hương ngọt thơm. Một chút mường tượng ông nhà văn hàng xóm của bà. Duyên mở máy viết lên trang Facebook cá nhân dòng trạng thái: “Không có đàn ông thì cô đơn. Nhưng hẹn hò với đàn ông thì cô đơn hơn. Quả nho lớn lên trong môi trường càng khắc nghiệt sẽ cho chúng ta thứ rượu vang tuyệt hảo”.

Một ngày. Hai ngày. Một tuần. Hai tuần. Và cả tháng sau... không thấy bà nội comment vào Facebook của Duyên.

Khiếu Quang Bảo/ nhandan.com.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tạm biệt mùa hè (04/09/2020)
  • Đâu chỉ thấy nhớ là thương (28/08/2020)
  • Gió thổi trên mái nhà (21/08/2020)
  • Đóa hoa viễn xứ (14/08/2020)
  • Ông tôi (07/08/2020)
  • Về với hội làng (31/07/2020)
  • Người đàn ông của dòng sông (24/07/2020)
  • Bến hồng nhan (17/07/2020)
  • So đũa trổ bông (10/07/2020)
  • Sắc màu (03/07/2020)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang