24/02/2017 08:00:00 AM
Nước mắt của bà

Ngôi biệt thự của gia đình tôi mới xây cất xong hồi đầu năm rất rộng rãi, thoáng mát. Trong nhà đầy đủ tiện nghi sang trọng. Gia đình tôi chỉ có năm người sống chung trong ngôi nhà lớn ấy: Tôi, bà nội, bố mẹ và cô Oanh em gái út của bố tôi. Cô Oanh không có con, bỏ chồng hay bị chồng bỏ thì không rõ. Cô thường tưng tửng nói với bà con hàng xóm rằng mình bị trả về nơi sản xuất.

Ngày trước, bà nội sống ở quê. Khi xây xong ngôi biệt thự, bố tôi mời bà lên ở cùng, theo như bố nói là để báo hiếu gì đó. Bố tôi phải về quê dăm lần bảy lượt, thuyết phục đến bã bọt mép, như lời mẹ nói, bà mới chịu lên thành phố ở cùng với chúng tôi.

Bà bảo, không phải là bà không yêu quí các con các cháu, mà vì bà sống ở quê hơn tám mươi năm rồi, tuy không có nhà cao cửa rộng nhưng đối với bà tất cả đã trở nên thân thiết, quen thuộc. Xa quê, bà sẽ nhớ từng ngọn cỏ, chiếc lá, từng bông hoa mướp ở ngoài ngõ.Là một đứa trẻ mới mười mấy tuổi, chưa một lần rời xa thành phố, tôi không hiểu vì sao chỉ là mấy ngọn cỏ, chiếc lá, bông hoa ở quê lại có thể làm bà nhớ thương đến thế.

Nhưng quả thật là từ ngày đến ở ngôi biệt thự rộng lớn này, suốt ngày bà chỉ đi đi, lại lại quanh nhà một cách bồn chồn.Thỉnh thoảng bà lại ngơ ngẩn ngồi ngoài hiên, mắt nhìn ra xa như ngóng đợi điều gì.Trong nhà, chỉ có mình tôi là đôi khi được bà trò chuyện, còn bố mẹ hay cô Oanh thì tuyệt nhiên là không.

Cũng có thể vì bố mẹ tôi quá bận việc ở công ty.Được nghỉ ngày nào là hai “cụ” lại lên ôtô đi hết điểm du lịch này đến khu thắng cảnh nọ.Bố mẹ bảo, công việc cả tuần túi bụi, phải đi để xả tréc thì mới làm tốt công việc của tuần sau được.Cô Oanh lại còn bận hơn. Ngoài công việc cơ quan, cô đang theo học để lấy bằng thạc sĩ gì đó.
Cô bảo, thời buổi bây giờ phải có bằng cấp mới mong thăng quan tiến chức, nếu không thì chỉ suốt đời làm nhân viên quèn.Vì vậy, khi đi làm thì thôi, chứ lúc nào ở nhà, cô lại lên phòng đóng cửa im ỉm để ôn luyện.Vậy là, ở trong ngôi biệt thự mênh mông như cái nhà thi đấu này chỉ có bà và tôi là “đối tác”.Nhưng quả là rất vui.Nếu không có bà, tôi đâu biết con trâu ở nhà quê lại thân thiết và giúp người nông dân nhiều việc đến thế.

 Minh họa: Đặng Tiến

Ở thành phố, tôi chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy con trâu với đôi sừng kềnh càng, đứng lơ ngơ, vô thưởng vô phạt trong các chương trình về nông thôn ở tivi, hoặc cùng lắm cũng chỉ biết tới những tảng thịt trâu đen thâm trên tấm phản của người bán thịt ngoài chợ.

Ngược lại, nếu không có tôi, bà sẽ không bao giờ biết cách bật tivi vào kênh có chương trình hát những bài có nhiều tiếng hi… hi… của mấy diễn viên áo dài xanh đỏ mà bà gọi là chèo, tuồng gì đó.Và chỉ có tôi là người duy nhất trong nhà hiểu rằng, nếu không có những chương trình ấy, có khi bà đến chết khô vì buồn trong ngôi biệt thự này.

Điều làm tôi thích thú nhất là sống gần gũi bên cạnh bà, tôi thấy hình như trong lòng mình như vỡ vạc ra nhiều điều. Những truyện cổ tích Tấm Cám, Lí Thông - Thạch Sanh, tích trầu cau, chàng Sọ Dừa, những chàng mồ côi… qua lời kể của bà tôi thấy như có một nỗi buồn man mác len vào trái tim non dại của mình. Vẫn là những câu chuyện đã có trong sách giáo khoa thôi, nhưng nghe bà kể lại hay hơn rất nhiều so với những lời giảng của cô giáo trên lớp.Do cái giọng thủ thỉ của bà hay do nó không bị áp lực vì những câu hỏi kiểm tra và những ý tứ rắc rối khi cô giáo cố công phân tích để chúng tôi nhận thức được bài giảng một cách có hệ thống như lời cô nói.

Hồi bà mới đến ở với gia đình tôi, có một việc làm bà luôn bị cả nhà phản đối.Đó là cứ sau mỗi bữa ăn, bà lại nhặt nhạnh hết những hạt cơm rơi vãi quanh mâm, dưới sàn nhà rồi đem phơi khô, trút cả vào một cái túi nhỏ.Bố mẹ tôi nhiều lần tỏ thái độ căng thẳng, bảo rằng thời buổi thừa thãi vật chất như bây giờ không ai còn làm cái việc lẩm cẩm như thế nữa.Vậy mà bà vẫn một mực không nghe.

Khi chiếc túi đựng cơm khô đã đầy, bà nói bằng một giọng buồn buồn: “Nếu ở đây không cần thì khi nào tiện, bà gửi về quê cho hàng xóm chăn gà, chăn lợn”. Bà bảo, mỗi hạt gạo là một hạt ngọc, phí phạm là có tội với trời đất.Chẳng thế mà các cụ ngày xưa gọi gạo là ngọc thực.Tôi chả tin điều bà nói.Gạo thì chất cao hàng đống như núi ngoài các cửa hàng, làm sao so với ngọc được. Lại có lần bà hỏi tôi: “Cháu có nghe câu nước mắt chan cơm bao giờ chưa?”.

Tất nhiên là chưa bao giờ tôi được nghe cái câu kì lạ ấy. Nếu đó là món ăn thì ai mà có thể nuốt nổi cái món nước mắt chan cơm như bà nói cơ chứ. Bà vỗ vỗ vào lưng tôi, giảng giải một hồi. Ồ, thì ra là như vậy, đó đâu phải là món ăn mà là nỗi đau thương, khổ hạnh của con người, đặc biệt là người nông dân nghèo khổ, những người đầu tắt mặt tối làm ra hạt gạo nhưng vẫn quanh năm thiếu đói. Bà bảo: “Các câu nói của tổ tiên ngày xưa chí lí lắm, không thể chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai mà phải lấy cái tâm mà đón thì mới vỡ ra được.

Ở trường, các cháu không được nghe cô giáo giảng giải về điều này hay sao?”. Tôi lắc đầu, láng máng nhớ câu được câu chăng, liền nói bừa: “Những câu bà nói không có trong sách giáo khoa của chúng cháu đâu. Cô giáo chỉ dạy chúng cháu là nước ta rất giầu đẹp.Rừng vàng biển bạc. Nhân dân ta rất anh hùng thôi bà ạ”. Bà khẽ thở dài: “Điều ấy không sai. Nhưng người dân nước Nam ta cũng ngàn năm nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiên tai địch họa cũng nhiều. Các cháu bây giờ sống rất sung sướng, nhưng cũng đừng quên những điều ấy”.

Nghe những điều bà nói, tôi gật gù, lờ mờ nhận ra điều gì đó rất xa xôi. Ồ! Giá như bà đến giảng bài cho lớp tôi thì khối đứa phải dỏng tai lên mà nghe chứ đâu có mất trật tự như những giờ học văn bây giờ. Nghe tôi nói điều này, bà cười nhăn nheo khóe mắt: “Cha bố anh! Hồi lớp bình dân học vụ mở ra theo tiếng gọi của Cụ Hồ, bà mới học xong lớp i, tờ thì dạy các cháu sao được”.

Tính đến nay, bà ở với gia đình tôi đã được sáu tháng. Thỉnh thoảng cô tôi bắt gặp hai bà cháu ngồi “tình củ” bên nhau, lại hắng giọng: “Tao thấy nhà này chỉ mỗi mình mày là học trò ngoan của cụ tiên sinh đầu thế kỉ hai mươi thôi đấy”. Tôi cũng đáo để đáp lại: “Cô đừng có mà khích đểu nhá! Người thế kỉ hai mươi mốt như cô chưa chắc đã hiểu hết bà đâu.Còn phải tốn cơm học nhiều đấy”.Cô ngửa cổ cười, mặt vênh vênh ra cái vẻ ta đây sắp thành thạc sĩ.

Vậy mà câu đáp trả vu vơ của tôi với cô đã có lần trở thành sự thật.

Hôm ấy, ở ngôi biệt thự của gia đình tôi xảy ra một chuyện. Tuy là một chuyện đơn giản, nhưng nghĩ cho cùng, lại không phải hoàn toàn là vậy. Lúc ấy trời bắt đầu tối. Cả nhà vừa ăn cơm xong, đang ngồi quây quần bên bàn nước. Bỗng từ phía ngoài có tiếng lạch xạch, sột soạt lẫn trong tiếng gió rít. Bố tôi dỏng tai nghe, rồi nói khẽ:

- Có tiếng động lạ ngoài cửa. Cả nhà phải cảnh giác đấy! Đêm hôm qua nhà tay tổng giám đốc mỏ than bị trộm lẻn vào nẫng mất mấy trăm triệu. Thời buổi bây giờ nhiễu nhương lắm.

Cô tôi thổi cái tăm đang ngậm trong miệng ra, cười ré lên:

- Giầu sang quá nên ông anh tôi mắc bệnh hoang tưởng rồi. Báo cáo tổng giám đốc, đó chỉ là tiếng lá chuối lật phật thôi ạ. Tai em còn thính lắm.

Bà tôi hơi nghển đầu, mắt khẽ nhắm lại:

- Chúng mày nhầm rồi. Mẹ nghe như là có người hành khất đang bước tới gần cửa nhà mình.

Cô tôi quay sang bà, ngặt nghẽo:

- Cụ Khốt ơi, tai cụ điếc lửng thế thì tham gia vào làm gì.

Bà nhíu nhíu cặp lông mày thưa thếch:

- Nhưng rõ ràng mẹ thấy đúng là như vậy mà.

Cô tôi cao giọng:

- Con xin cá với cụ hai chỉ, cụ có dám không?

Bà khẽ thở dài, không nói.

Thấy cuộc thách đấu hấp dẫn, tôi hồi hộp chờ đợi.

Mẹ tôi nhòm qua lỗ khóa rồi mở toang cửa. Trời đất! Tôi há hốc mồm kinh ngạc.Đứng trên thềm là một lão hành khất tả tơi, cáu bẩn, đang chìa chiếc bị nhăn nhúm ra phía trước.

Có lẽ muốn “mời” vị khách bất đắc dĩ ra khỏi nhà thật nhanh, mẹ tôi móc túi lấy ra tờ năm mươi nghìn thả vào chiếc bị rồi đóng sầm cánh cửa, bịt mũi, nói to:

- Tởm quá!

Bố tôi đặt chén nước xuống bàn, cười lớn:

- Anh mà là chủ tịch thành phố thì sẽ trao ngay cho em huân chương vì những người lao khổ. Hôm nay lão hành khất thu một khoản bằng cả ngày đi rạc chân trên đường phố.

Cô cất giọng chua lòm:

- Cũng phải tán lộc đi như vậy mới có cơ hội phát tài chứ. Em nhất trí cả hai tay với nghĩa cử cao đẹp của chị dâu.

Tôi chạy đến bên cô, sẵng giọng:

- Cô đừng có mà đánh trống lảng. Cô thua cuộc rồi! Có dám đưa cho bà hai chỉ không?

Cô quệt mép, nhìn xiên vào tôi:

- Thằng ranh! Định gạ cụ cưa đôi chứ gì?

Tôi xua tay:

- Không bao giờ! Mà cháu cũng nói để cô biết, tuy bà nhặt từng hạt cơm rơi sau mỗi bữa ăn để phơi khô, nhưng bà không cần hai chỉ của cô đâu! Cô khỏi lo!

Cô nhún vai:

- Mày hiểu cụ quá nhỉ. Nhưng tao cũng thấy lạ là vì sao điếc lửng vậy mà cụ lại nghe được tiếng chân lão hành khất? Quá chuẩn!

Tôi cũng nhún vai. Chợt nhớ lại lời bà, tôi tỏ ra hiểu biết, dõng dạc:

- Có những thứ không thể chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai mà phải lấy cái tâm mà đón thì mới vỡ ra được, cô hiểu chưa?

Tôi quay sang định nói “có phải không bà?” nhưng sững lại vì nhận thấy trên đôi má nhăn nheo của bà hoen mờ nước mắt.

Tôi quay sang bố mẹ, đã thấy họ đang chụm đầu say sưa trao đổi với nhau về một vụ làm ăn gì đó. Cô thì ngả người trên ghế, khẽ ngáp.

Không ai nhìn thấy nước mắt của bà.Nói đúng hơn, không ai hiểu những giọt nước mắt của bà.

Hồ Thủy Giang (Báo Văn nghệ Công an)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Trang trại @ (17/02/2017)
  • Tiết xuân về (10/02/2017)
  • Cháo hành Thị Nở (03/02/2017)
  • Mắt rồng (20/01/2017)
  • Mở cửa trời (13/01/2017)
  • Mẹ tôi (06/01/2017)
  • Đón dâu về ăn tết (30/12/2016)
  • Tổ nghiệp (23/12/2016)
  • Sự sống (16/12/2016)
  • Quê ngoại (09/12/2016)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang