13/06/2018 10:33:00 AM
Đêm mùa hè trở gió

Xuân bước nhẹ về phòng. Bầu trời vẫn xám xịt nhưng sao cô lại thấy sáng trong như thể đang đắm mình trong một buổi sớm tinh sương vậy. Thì ra, trong cuộc sống nhiều chật vật lo toan, nếu không có cơ hội để được hiểu thì con người cứ thành ra “bần tiện” mãi...

Minh họa: Kim Hương 

Cái xô nằm đây để khi nào thằng nhỏ bên lán đối diện kêu lấy nước thì Hoàn chạy cho nhanh. Đương lúc khan hiếm nước, nhà trường có mỗi giếng khoan thì lại đổ hết cho công trình xây dựng khu phòng học mới, khuya thật khuya mới hứng nhờ được vài xô để dành cho ngày mai. Ở cái khu nhà công vụ này, mùa nào mà chẳng thiếu nước. Mười mấy năm rồi, cũng chỉ mình Hoàn trụ lại. Nói nhà công vụ cho sang chứ thực ra đó chỉ là một dãy bốn phòng lụp xụp, mái ngói đã đổ xuống gần đến thềm, mục hơn cả chiếc chiếu cói trong phòng của Hoàn. Ngồi thu lu ở đầu giường, thỉnh thoảng Hoàn lại ngóng về phía lán, thở một điệu nghe chừng xa xăm lắm.

Nhớ cái ngày về làng nhận công tác, Hoàn bấm bụng mấy dạo. Làng Xom hồi ấy thuộc một xã mới thành lập, lại xa xôi hẻo lánh, trường cấp II nằm lọt thỏm giữa thung sâu. Quanh quẩn chỉ vài nhà ngói xập xệ, lẫn giữa hàng chục ngôi nhà sàn xiêu vẹo sau chái núi. Người dân tứ xứ kéo lên chia đất của đồng bào Jrai làm rẫy, số khác làm những nghề lặt vặt. Đi bộ mỏi chân cũng không tìm được hàng quán nào cho tử tế. Ngoảnh lại đã gần 20 năm sống với nghề giáo ở cái xứ này. Tuy mọi thứ đã đổi khác nhiều nhưng Hoàn vẫn chưa minh định được cuộc sống hiện tại của mình là cao sang hay cay đắng. Mỗi lần soi gương, Hoàn lại phát hiện ra mình già đi một chút. Thì ra con người cũng giống như dòng sông, cuồn cuộn mãi rồi cũng đến lúc trơ cạn và bất lực biết nhường nào. Biết bao áng văn chương trong bài giảng cho những đứa học trò ngây thơ cũng chẳng thể nào giúp Hoàn thấy mình tươi mới lên.

*

Thường thì vào cuối tuần, Hoàn ở lỳ trong phòng và ngủ. Có lẽ chỉ ngủ mới khiến con người ta bớt cô đơn. Nhưng sớm nay, Hoàn đột nhiên bức bối trong lòng, trở dậy cố len mình vào chiếc áo phông cộc tay màu xám rạm rồi đi thẳng ra ngõ. Bên cạnh đám đất trống sau trường mấp mô những vết chân trâu, quán cà phê nhà cô Bảy tồi tàn thế mà đông người hẳn, chỉ còn mỗi chiếc ghế nhựa kê ở góc trong cùng là trống. Tiếng của Linh- một đồng nghiệp- oang oang từ bàn bên cạnh, bị méo xệch đi bởi cái hếch môi đầy kín kẽ:

- Hôm nay mát trời anh Hoàn nhỉ?

Rồi cả thảy dăm bảy con người ngồi cạnh đó cười phá lên, hả hê như vừa nghe được một câu chuyện tiếu lâm nào đó. Hoàn lầm lũi bước vào trong, không đáp lời Linh, càng không chào hỏi ai lấy một câu. Đây không phải là lần đầu tiên Linh cố tình trêu Hoàn giữa chốn đông người. Cả cái làng này ai mà không biết Hoàn là một thầy giáo lập dị, ngoài giờ lên lớp chỉ trốn trong xó phòng bưng bít hơn tổ mối, không thân tình với bất kỳ ai trừ Huấn, đồng nghiệp và cũng là bạn nhậu. Tất nhiên là hai người kỳ quặc như nhau. Hoàn sống tằn tiện, đàn ông như thế lại chẳng bị phụ nữ ghét ư? Lương của một giáo viên có thâm niên như Hoàn cũng chừng năm bảy triệu đồng một tháng. Tuy không lấy làm cao nhưng đủ để Hoàn sống một cuộc đời dư dả. Vậy mà vẫn chịu cảnh tá túc một mình ở cái nhà công vụ ấy bao nhiêu năm. Bốn mươi tuổi đầu vẫn chưa vợ, chưa con. Hoàn tướng mạo tuy xấu nhưng thói đời, “nồi nào úp vung đó”, đâu quá khó để có được một gia đình. Lần nào có giáo viên nữ chuyển về dạy ở trường, Hoàn cũng bị gán lấy gán để. Nhưng Hoàn cứ thộn mặt ra, lâu lâu lại cười gượng một cái cho xong chuyện. Cấm có mời ai được ly trà, tô phở bao giờ. Dạo trước, Hoàn có thích ra mặt một cô giáo thực tập nhưng nghe đâu có lần cô ấy vứt bó hoa Hoàn tặng vào sọt rác. Chuyện này về sau đã trở thành đề tài bàn tán của ối người trong xã, còn đối với Hoàn, là một vết sẹo lớn…

*

Mới vào hạ có mấy hôm mà ve kêu đến inh trời. Sân trường khô không khốc, chỉ còn lại những bông lau tím hồng ghé sát vào bờ rào, không một tiếng thì thầm. Hoàn lặng lẽ ôm chiếc cặp bước vào, không khí phòng hội đồng rộn ràng hơn mọi khi vì cuộc họp giao ban sáng nay có sự xuất hiện của Xuân-cô giáo dạy môn Âm nhạc mới chuyển từ huyện về. Xuân tình nguyện đi “tăng cường” vào xã vì là người duy nhất chưa lập gia đình trong tổ chuyên môn. Hình ảnh một cô gái mang danh ở phố huyện nhưng lại toát lên vẻ thôn nữ hiền dịu dễ khiến người ta có chút cảm tình ngay lần đầu tiên gặp gỡ. Hoàn ngồi xuống ngay vị trí đối diện với Xuân, chưa kịp đưa mắt nhìn nhân vật mới cho tường tận thì cái giọng chớt nhả của Linh lại vang lên:

- Trường này mỗi mình anh Hoàn là “chưa có gì” đâu Xuân ạ! Em xin ở tạm bên nhà công vụ là hợp lý rồi đấy. Biết đâu chừng…

Không nhận ra ác ý trong câu nói của Linh, gò má Xuân phơn phớt đỏ, cô cúi mặt ngượng nghịu nói không ra lời. Còn Hoàn tuyệt nhiên không đáp lại, chỉ lầm bầm gì trong miệng chẳng ai nghe rõ. Đợi tan cuộc giao ban, khi chỉ còn lại hai người, Linh ghé tai Xuân, giọng sống sượng như quen từ mấy kiếp:

- Nói là nói thế, chứ đừng dại mà dây vào em ạ. Cái con người vừa bần tiện vừa lầm lầm lỳ lỳ ấy, chả xơi được gì đâu.

Khuôn mặt của Xuân vì những lời vừa rồi mà kém sắc hẳn đi, có chút gì đó vừa ngỡ ngàng vừa tiếc nuối. Nói đúng hơn là cô đang lo cho những ngày sắp tới của mình. Rồi đây, dãy nhà công vụ cũng chỉ có hai người… Khệ nệ đặt chiếc va li lên đầu giường, Xuân đảo mắt nhìn khắp một lượt rồi rảo bước ra ngoài hiên, nhìn sang cửa sổ phòng bên cạnh, ở đó có người đàn ông kỳ lạ mà cô gặp ban chiều. Lòng Xuân vẫn không khỏi những thắc mắc vẩn vơ.

*

Hoàn trở mình dưới tấm chăn mỏng, mơ màng nghĩ đến cô gái phòng bên cạnh, cảm giác như có hàng trăm ngàn cánh bướm đậu trong lòng, nhẹ nhõm, say sưa mà không tài nào ngủ được. Hoàn hết nhìn đồng hồ rồi lại nhìn cái xô để dưới chân giường. Có lẽ ngoài giờ lên lớp thì chỉ những lúc đi xách nước ban khuya, Hoàn và người con gái ấy mới có dịp chạm mặt nhau. Tiếng kêu của thằng nhỏ bên công trình làm Hoàn giật bắn cả mình, vội bật dậy, xách xô ra cửa, không quên ới Xuân một câu. Trong đêm tối, hai người vừa lụi cụi xách nước vừa trò chuyện khe khẽ:

- Chiều nào em cũng thấy có đôi chim cứ là đà phía sau cây điều anh Hoàn ạ…

- Ừ, giống bìm bịp đấy cô. Chúng nhát và bay kém lắm. Bần cùng mới phải vỗ cánh. Hễ thấy chốn ồn ào là chúng lủi ngay.

- Giống anh à?

Vừa dứt câu, Xuân biết mình lỡ lời, nín thở và cắm cúi đi. Hoàn im lặng một giây rồi cũng gật đầu:

- Ừ, nhưng chúng thì luôn có đôi…

*

Đêm nay trời đổi gió, Xuân khoác vội chiếc áo, định bụng sang trả xô nước cho đồng nghiệp rồi cảm ơn cho phải phép. Tiếng gõ cửa nhẹ của cô không cắt được câu chuyện qua điện thoại vang lên trong gian phòng vắng. Xuân lặng lẽ đứng chờ. Giọng nói khô khốc của Hoàn vọng cả ra phía khe cửa:

- Tháng này lương có trễ, em ráng ráng rồi anh gửi. Chỉ còn một năm nữa là ra trường, cố gắng đừng bỏ học nghe em…

Xuân bước nhẹ về phòng. Bầu trời vẫn xám xịt nhưng sao cô lại thấy sáng trong như thể đang đắm mình trong một buổi sớm tinh sương vậy. Thì ra, trong cuộc sống nhiều chật vật lo toan, nếu không có cơ hội để được hiểu thì con người cứ thành ra “bần tiện” mãi.

Lữ Hồng (baogialai)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Người không trở về (08/06/2018)
  • Chiếc khăn quàng đỏ (01/06/2018)
  • Hình như bên kia mùa tường vi (29/05/2018)
  • Khi còn có mẹ… (23/05/2018)
  • Cá lóc trên bờ (16/05/2018)
  • Nhìn từ trên cao (08/05/2018)
  • Có những cuộc chia ly (04/05/2018)
  • Người đàn bà cô độc (27/04/2018)
  • Gia vị tình yêu (13/04/2018)
  • Cây đào năm ấy (10/04/2018)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang