31/05/2017 04:46:00 PM
Chữ viết tay của nhà văn - hình bóng thời đại đã mất?

Khi kỷ nguyên công nghệ lên ngôi toàn cầu, văn nghệ sĩ cũng chung số phận sáng tạo trên computer, laptop không còn mấy ai viết tay nữa. Điều gì sẽ xảy ra khi một phần bút tích, bản thảo viết tay nhà văn bị xóa sổ?...

Hôm trước, trong một chiều mưa Sài Gòn tình cờ tôi ghé chơi nhà của saxophone Trần Mạnh Tuấn, danh thủ cây kèn nổi tiếng của làng nhạc jazz  Việt Nam. Anh soạn ra một số dĩa mới rồi ký tặng tôi. Câu chuyện trà dư tửu hậu chúng tôi bỗng nói về chữ. Hình như bây giờ các nghệ sĩ, nhà văn, thi sĩ chỉ còn dùng chữ viết tay trên... chữ ký tác phẩm khi tặng bạn bè hay độc giả chứ chẳng còn mấy ai viết bản thảo trên giấy. Khi chữ "chuyển nghiệp', phải chăng cũng mang theo tinh thần hay hồn vía, hình bóng một thời đại đã mất?    

Có những điều thay đổi thần kỳ như cổ tích. Nếu như cách đây hơn mười năm việc tìm một bản thảo, bút tích chép tay của một nhà văn đương thời là một điều dễ như bỡn. Thậm chí biết có người muốn sưu tập bút tích của mình, nhà văn có thể tìm một vài trang bản thảo để tặng, bây giờ chuyện đó là khó. Bởi lẽ nhà văn hôm nay không còn mấy ai viết tay nữa. Công nghệ thông tin với những tiện lợi khổng lồ của nó đã khiến các nhà văn cập nhật và phải làm quen với nó. Để rồi tất cả bản thảo rập khuôn nhau, trên giấy A4 với đủ kích cỡ font chữ lớn nhỏ. Triệt tiêu mọi cá tính nghệ sĩ.  

Bút tích nhà văn không chỉ là bản thảo mà còn mang trong đó hình bóng thời đại. Trong một lần được tiếp xúc với bà Phan Thị Minh, chị ruột, người đang xử lý bản thảo của nhà văn Phan Tứ, chúng tôi được bà cho xem bộ tư liệu đồ sộ hàng nghìn trang bản thảo. Bà Minh nói tạm thời trong quá trình làm việc, xử lý bản thảo vẫn gọi đây là bộ Nhật ký chiến trường. Không ai chứng kiến mà không kinh ngạc khi biết Phan Tứ có một sức làm việc dữ dội như vậy. Hầu hết những trang nhật ký được viết trong lửa đạn chiến tranh. Khi nhà văn hành quân, trèo đèo, lội suối. Tất cả được thực hiện trong một hoàn cảnh “tuyệt mật” và gian khổ. -“Nói tuyệt mật là đúng! – Bà Minh cho biết ý kiến: - Vì có những chuyện xảy ra, Phan Tứ ghi lại để làm tư liệu. Nhưng cần giữ bí mật ông phải viết bằng tiếng Lào, tiếng Pháp, đôi khi bằng những ký hiệu, mật mã của riêng ông. Vì thế giải mã nó thú vị nhưng cũng đầy khó khăn…”. Tác giả của những tác phẩm gây sốt, được bạn đọc yêu mến một thời như “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy”, “Trong mưa núi” chắc chắn rồi đây sẽ còn lôi cuốn bạn đọc khi Nhật ký chiến trường ra mắt.  Bút tích nhà văn cho thấy mảnh đời khác của sự nghiệp họ.  

 Bút tích bản viết tay bài thơ "Chia" của Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng

Với nhà thơ Nguyễn Bính, khi chúng tôi tìm đến nhà lưu niệm ông do gia đình cô con gái thi sĩ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - trước đây là giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, sáng lập mới thấy mức độ công phu. Do gia đình có ý thức sưu tầm nên nhà lưu niệm trưng bày đặc kín những bút tích về cuộc đời lang bạt nghệ sĩ nức tiếng của nhà thơ. Tuy vậy, khi trò chuyện mới biết thêm nhiều điều. Bà Hồng Cầu cho biết ngoài bản thảo viết tay, gia đình đã nỗ lực  tìm và tập hợp từ nhiều nguồn cho thật đầy đủ các tập thơ được in trong các giai đoạn của ông. Nhưng thật khó nói là đã đủ vì hành trình này kéo dài gần thế kỷ. –“Có tác phẩm tìm được, có cái phải mua lại. - Bà kể - Thơ cha tôi được nhiều người yêu sách sưu tập bởi mỗi lần in có hình thức mỹ thuật đa dạng, khác nhau nên rất thú vị...". Cũng tương tự là trường hợp nhà thơ Lưu Trọng Lư và bảo tàng ông đã được xây dựng ở quận 7. Nhà thơ Lưu Trọng Văn rất ý thức khi sưu tập rất nhiều nguồn từ bút tích, thư từ trao đổi của nhà thơ với bạn bè văn nghệ. Khi chúng tôi đến thăm, anh cho biết gia đình vẫn đang nỗ lực tìm kiếm. Nhạc sĩ Phạm Duy, một người bạn thân của nhà thơ Lưu Trọng Lư, đến đây cũng đánh giá cao bảo tàng này. Ý thức bảo tồn từ hôm nay sẽ giúp được các thế hệ sau khi tìm hiểu về tài năng và sự nghiệp họ.Với thi sĩ Bùi Giáng thì lại khác. Bút tích, bản thảo như dung chứa những cơn điên của cuộc đời ông. Cái cuộc đời mà lắm kẻ hậu thế người cho thâm trầm, lúc khen hào sảng. Bùi Giáng viết và vẽ gần như tự do tuyệt đối. Người thống kê bản thảo của Bùi Giáng hiện nay là anh Nguyễn Thanh Hoài. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được anh cho tiếp xúc với toàn bộ bản thảo viết tay mà thi sĩ để lại. Bùi Giáng thường viết trên vở chép tay, kẻ ô to. -“Những năm cuối đời ông thường viết trong thế nằm trên võng – Anh Hoài hồi tưởng: - Thành thử những nét chữ to, xê dịch không đều nhau. Tất cả di cảo của Bùi Giáng như Mùa màng tháng Tư, Thơ vô tận vui... in gần đây  tuyển chọn trong những tư liệu viết tay này…”. Anh Hoài cũng cho biết thêm, sinh thời với tài năng kỳ lạ và quan niệm làm thơ như “chuồn chuồn và châu chấu” nên Bùi Giáng viết rất nhiều và tặng cho bất cứ ai "trên đường thiên lý" ông gặp. Vì thế, có thể nhiều người có bút tích của ông. Về chuyện ý thức bản thảo của ông là “gia tài” thì anh thú thật “chưa nghĩ tới” chỉ cố gắng xuất bản những trước tác của ông đã hoàn thành. Nhưng gần đây cũng có một nhà sưu tập đánh tiếng muốn mua 1 bản thảo có chữ viết thật của Bùi Giáng giá 3 triệu thì anh mới ý thức được vấn đề.

Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có diễm phúc được gia đình ý thức gìn giữ như thế. Nhà thơ Phạm Phú Hải được mệnh danh là "thi sĩ điên". Những bài thơ xuất chúng viết trên giấy của anh do bạn bè lưu giữ lại tình cờ ít ỏi. Trong đêm thơ Phạm Phú Hải tổ chức ở Sài Gòn, nhà thư pháp Nguyễn Thiên Chương tỏ ý tiếc về điều đó. Những gì bạn bè làm trong đêm thơ trình diễn hay tụng ngâm cũng chỉ có giá trị nhất thời. Theo thời gian sẽ nhạt nhòa. Chỉ có bản thảo viết tay được lưu giữ cẩn thận mới còn lại. Đó là vô giá! Cách nghĩ như thế đã có rất nhiều đồng cảm. Một số nhà sưu tập tranh đang dần chuyển hướng sang sưu tập bản thảo. Và đó là góc kinh doanh khác của thương trường...

Sài Gòn, 29.5.2017.

Nguyễn Hữu Hồng Minh (nhavanhanoi)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tấm bia và bài thơ của liệt sĩ Hoàng Lộc (24/05/2017)
  • Xuân Diệu thăm nhà Phạm Hổ (10/05/2017)
  • Tên thật và bút danh (26/04/2017)
  • Chuyện về Mạc Đĩnh Chi: Chơi chữ (26/04/2017)
  • Nhà thơ Mỹ vẽ văn nghệ sĩ Việt Nam (19/04/2017)
  • Khi nhà văn và họa sĩ đổi nghề (12/04/2017)
  • Diễu lệnh cấm quần không đáy (15/03/2017)
  • Giai thoại về Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (08/03/2017)
  • Người nước Nam làm tể tướng phương Bắc (22/02/2017)
  • "Mây trắng rọi biển xuân" (15/02/2017)
Các tin khác
  • Mơ bến Đào nguyên (25/05/2018)
  • Cần thêm nhiều ý tưởng “nuôi” sáng tác văn học (26/07/2017)
  • "Thời xa vắng" - Hành trình từ văn học đến điện ảnh (19/07/2017)
  • Say men rượu men tình (28/06/2017)
  • Viết để trả nợ cho đồng đội, quê hương (21/06/2017)
  • Nghệ thuật ngâm thơ: Gần gũi tâm hồn người Việt (07/06/2017)
  • Đem chuông đi đánh đất người (08/02/2017)
  • Người tài đất Việt (01/02/2017)
  • Quan trạng hầu quan huyện (25/01/2017)
  • Chơi mà học- học mà chơi (18/01/2017)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang