24/12/2017 12:42:00 PM
Chạm tay vào nhau trong gốm

Tôi không biết cho đến khi nào tôi mới quên được anh, khi tôi và anh đã chạm tay vào nhau trong gốm, dù anh đã bỏ tôi đi...

Minh họa: HIỂN TRÍ 

Hơn một nghìn năm về trước, lúc đó con người sống cực kỳ đơn giản, chưa hề có những tiện nghi vật chất như bây giờ, cách tỏ tình cũng khác. Anh nói với tôi như thế. Tôi chẳng sống vào thuở ấy, để biết rằng khi yêu nhau người ta tỏ tình như thế nào, nhưng tôi biết cách yêu bây giờ cũng đã khác xưa. Người ta không mất nhiều thời gian để có thể bắt đầu một cuộc hò hẹn, người ta cũng không mất quá nhiều thời gian để trao gửi một nụ hôn. Mẹ bảo rằng thời ba và mẹ quen nhau làm gì có tiền để vào quán cà phê, càng không có chuyện rủ rê vào nhà hàng. Vào thời đó, người ta không có quá nhiều ngày lễ như bây giờ. Tháng hai thì có ngày lễ tình yêu, tháng ba thì có ngày quốc tế phụ nữ, rồi thêm nhiều ngày kỷ niệm để cho người đàn ông lấy cớ tỏ tình với người mình yêu thương.

Tôi nói với anh:

- Em ghét nhất là vào những ngày lễ, người ta cứ đem hoa ra khắp các ngả đường bày bán, rồi níu kéo chào mời khách qua đường như bán con cá, cái bánh. Theo em thì hoa phải được bán ở nơi trang trọng như trong các shop hoa, hoa không thể bán bừa bãi như thế.

Anh cười:

- Vậy thì anh chỉ mua hoa ở các shop hoa để tặng em.

Tôi không trả lời anh một lời nào. Nhưng thật ra thì trong các thứ gọi là quà tặng, tôi rất thích được tặng hoa. Anh đã biết điều đó, cho nên mối tình của hai chúng tôi ngan ngát hương thơm của những giỏ hoa hồng.

Năm tôi học năm thứ ba đại học, tôi thuê nhà ở chung với hai cô bạn cùng quê. Căn phòng bé tí giống như một chiếc hộp diêm quẹt, chỉ có một ô cửa sổ be bé nhìn ra ngoài. Mà có mở cửa sổ cũng chỉ nhìn thấy phía trước mặt mình là một căn nhà cao ngất trời, che luôn những tia nắng mặt trời hiếm hoi của buổi sáng thành phố. Buổi tối cả ba đứa nằm dọc theo chiếc nệm mỏng, dỗ giấc ngủ; ban ngày thì căn phòng trở thành chỗ để học tập. Căn phòng nhỏ đó không có chỗ cho chúng tôi tiếp khách, cho nên mỗi khi có khách là xách theo hai chiếc ghế nhỏ, ngồi ngay hành lang, ngắm nhìn con đường bên dưới mà nói chuyện.

Lẵng hoa hồng đầu tiên tôi nhận được từ một người đàn ông chính là lẵng hoa hồng anh đem tới nhân dịp lễ tình nhân. Tôi khá bất ngờ vì tôi với anh chỉ gặp nhau một lần giống như hai người lướt nhau qua phố. Hôm tôi đến cơ quan anh làm việc để xin một số tài liệu về làm bài thực tập. Anh hỏi: “Mấy tuổi rồi mà bé tí xíu giống như bông hoa uất kim hương vậy?”. Trời, tôi chưa bao giờ nghe ai so sánh một người con gái như một bông hoa uất kim hương bao giờ.

Anh đeo cặp kính cận dày giống như một vị tiến sĩ. À, tại sao khi nhìn những người đàn ông đeo cặp kính cận dày tôi lại nghĩ đến chuyện họ là tiến sĩ tôi cũng không hiểu. Anh ngước nhìn tôi qua cặp kính đó, rồi nói:

- Con gái mà học làm hướng dẫn viên du lịch là khổ cả đời. Cái nghề đó chỉ dành cho đàn ông con trai. Còn em thì bé tí xíu.

Chẳng lẽ lúc đó tôi giải thích với anh là tôi rất mê đi đây đi đó, chỉ hình dung là được đi khắp hết mọi miền đất nước mình là lòng tôi đã rộn ràng. Tôi chọn học hướng dẫn viên du lịch với cái cớ rất rõ ràng là tôi có thể đi khắp mọi nơi trên thế gian này mà tôi không phải mất tiền.

Anh hỏi tiếp tôi:

- Có danh thiếp không? Để lại đây để lỡ có gì bổ sung, anh còn gọi điện tới.

Tôi làm gì có danh thiếp, bởi tôi vẫn còn đi học mà. Chiếc điện thoại di động tôi đang xài là loại “nồi đồng cối đá”, đôi khi không đủ tiền nộp cạc, thường xuyên phát đi tín hiệu “bạn không thể thực hiện cuộc gọi do tài khoản của bạn đã hết tiền”.

Đó là chuyện ngày đầu tôi gặp anh. Tôi tưởng rằng anh đã quên tôi trong đám đông, bởi dù sao tôi cũng chỉ là một cô sinh viên sắp ra trường ốm o giống như một bông hoa uất kim hương. Còn anh thì bề gì cũng là giám đốc một công ty du lịch.

Cho đến khi tôi nhận được bó hoa hồng tỏa ngát hương của anh trong ngày lễ tình nhân thì lòng tôi còn trống vắng, tôi chưa hề để trái tim mình ồn ào cùng với một trái tim của một người đàn ông nào đó. Tôi cũng biết là trong mọi tình huống, người ta có thể tặng hoa cho bất cứ người phụ nữ nào, nhưng trong ngày lễ tình nhân thì chỉ người mình yêu thương mới được tặng hoa. Xuyến, cô bạn cùng phòng cứ cầm bó hoa nhảy nhót quanh phòng: “Gớm cho bà Phương Lan, bạn trai tặng bó hoa to như thế này thì chắc chắn anh ta yêu bà nhiều lắm”.

Lòng tôi chao nghiêng từ hôm đó, cũng trong đêm lãng mạn tình nhân, anh đã rủ tôi đi ăn. Chỉ là một quán ăn nhỏ giữa con đường ồn ào xe cộ. Chỉ là sự dịu dàng của những bản tình ca lướt trôi. Chẳng có tay nắm, chẳng có vòng ôm. Nhưng đêm đó tuyệt vời làm sao, đêm đó tôi hạnh phúc đến dường nào. Cũng từ đêm đó, anh gọi tôi cái tên theo cách của anh: Cô nhỏ uất kim hương.

Cái khác nhau giữa anh và tôi là anh đã trải qua dăm ba mối tình trong cuộc đời, tay anh từng nắm nhiều bàn tay của những người con gái. Còn tôi thì nguyên vẹn lòng yêu về anh giống như chiếc lò đất vừa mới đốt lên mẻ lửa đầu tiên. Tôi rộn ràng vì thấy cuộc đời đẹp khi có anh. Tôi chưa bao giờ quan sát những mặt người trên phố khi đi ra đường, nhưng từ khi yêu anh, tôi lại đưa tầm mắt của mình mà quan sát từng mặt người buồn vui. Tôi lao vào tình yêu ấy mà không cần biết quá khứ của anh.

Hôm đó là ngày cuối cùng tôi còn ở sân trường đại học. Anh xuất hiện trong lễ trao bằng cùng với một bó hoa hồng đẹp hơn bất cứ bó hoa hồng nào. Trong đám đông, bạn sẽ hãnh diện khi có một người con trai tặng bạn một bó hoa hồng lộng lẫy, tôi đã hãnh diện đến dường nào về cách anh đến với tôi. Hôm đó tôi đã từ chối cuộc đi chơi với bạn bè sau lễ tốt nghiệp, tôi dành trọn vẹn niềm vui đó cùng anh. Tôi leo lên phía sau chiếc xe máy của anh, tôi không cần biết anh chở tôi đi đâu. Muôn đời không ai cần biết mình sẽ đi đến đâu với người mình yêu thương, miễn hai người được ở bên nhau là hạnh phúc.

- Em biết anh đưa em đi đâu không?

Anh hỏi tôi khi anh phóng xe ra con đường lộ đang rộn rã biết bao nhiêu xe cộ. Tôi choàng tay qua vai anh. Tôi hít thở mùi tóc anh khét nắng. Trời ơi, tôi yêu anh quá đỗi. Tôi nói với anh trong tiếng gió:

- Em vui quá.

Anh đưa tôi tới tận Bình Dương. Rồi anh rẽ xe vào một lò gốm.

Gốm Bình Dương thì tôi biết rồi. Bình Dương ngày xưa là một phần của Gia Định thuộc Sài Gòn. Gốm Bình Dương rất đẹp, tôi cũng đã có một lần đi theo đám bạn đến một lò gốm chuyên sản xuất lu của ông chủ tên Tám Giang. Những chiếc lu đỏ hồng, có hoa văn bên ngoài rất to có thể ngồi vào trong, làm lúc đó tôi chợt nhớ đến chuyện Alibaba và 40 tên tướng cướp khi anh ta đổ dầu vào khi mấy tên tướng cướp đã ngồi vào trong đó.

Nhưng anh đã đưa tôi đến một lò gốm cổ khác, nơi đây làm ra những chiếc bình thật đẹp.

Anh bảo tôi đưa bàn tay phải của mình in lên chiếc bình gốm vừa làm xong, và anh cũng in bàn tay phải của anh bên cạnh bàn tay tôi, tôi chợt hiểu. Chiếc bình gốm có hai bàn tay của tôi và anh là tặng vật không ai có thể có được.

*
* *

Hạnh phúc, đó là một mỹ từ đẹp đẽ nhất mà con người có được trong cuộc sống bộn bề cơm áo, lo toan tiền bạc và hận thù dằn vặt.

Tôi mơ về hạnh phúc từ khi tôi biết có anh trên cuộc đời này. Tôi mơ bình thường là tôi và anh sẽ ở chung một mái nhà, căn nhà không cần lớn, không cần có nhiều vật dụng sang trọng. Chỉ cần có tiếng cười của anh, tiếng cười của tôi và tiếng cười của đứa con sẽ chào đời. Hạnh phúc của tôi là vậy, tôi nhắc ngàn lần, tôi nhắc vạn lần trong thinh không là tôi không tham lam đòi nhiều. Tôi chỉ cần vòng tay anh nồng ấm, tôi chỉ cần nhìn anh đẫm mồ hôi trong nắng, đôi khi tôi cần được anh la mắng để biết rằng anh rất thương yêu tôi. Thậm chí tôi khờ khạo cho rằng nếu anh có phụ tình tôi, đi theo người đàn bà khác thì tôi vẫn nghe anh thở, tôi có thể giẫm lên bước chân của anh khi anh đi qua con đường quen trong phố.

Buổi chiều tới xưởng gốm lấy chiếc bình gốm có dấu hai bàn tay của tôi và của anh, tôi đã khóc. Nước mắt của tôi rơi trên con đường về xa xôi, con đường ấy đã phủ đầy tiếng cười của anh và của tôi mấy ngày trước.

Tôi đâu ngờ rằng chuyến đi Bình Dương là chuyến đi cuối cùng của tình yêu hai chúng tôi. Tôi đâu biết rằng anh đang bị ung thư tới giai đoạn cuối, trời ơi, sao giống chuyện trong các phim Hàn Quốc thế.

Anh đã thiếp đi khi còn nắm tay tôi, anh cười khi cơn đau nhói kéo anh thoát khỏi thế gian này: “Em nhớ tới lấy bình gốm”.

Tôi không biết cho đến khi nào tôi mới quên được anh, khi tôi và anh đã chạm tay vào nhau trong gốm, dù anh đã bỏ tôi đi.

Khuê Việt Trường (baoquangnam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tiếng lư đồng (20/12/2017)
  • Một mùa đông xa lạ (12/12/2017)
  • Sương phủ cuối chân đồi (08/12/2017)
  • Rổ rá cạp lại (06/12/2017)
  • Dưới cơn mưa điệp vàng (29/11/2017)
  • Anh Hai (28/11/2017)
  • Vùng ký ức trắng (17/11/2017)
  • Người đàn bà tìm con (14/11/2017)
  • Mùa dã quỳ nở bông (12/11/2017)
  • Hoa xuyến chi (07/11/2017)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang