04/09/2009 10:30:26 AM
Những chiều mưa đi qua

Tôi xa mẹ từ đó. Buổi chiều đầu tiên, cha lui cui dưới bếp thổi lửa nấu cơm. Bữa cơm không có mẹ sao mà tẻ ngắt và chán đến thế. Mẹ đi xa lắm rồi. Tôi và cha ở lại thị xã, mà sau này những cơn mưa không ngừng, không dứt luôn dội vào ký ức tôi nỗi cô đơn, rét mướt của một đứa trẻ không có mẹ.

Tôi không thể quên buổi chiều của nhiều năm về trước. Tiếng gào điên cuồng của mẹ và cơn giận dữ đập phá của cha. Khi đó tôi lên bảy tuổi. Cha mẹ đặt cho tôi sự lựa chọn: một trong hai người. Không hiểu sao ngày đó tôi lại chọn ở với cha, thay vì mẹ. Có lẽ thẳm sâu trong sự cảm nhận non nớt của một đứa trẻ, tôi thấy cha cô độc quá. Mẹ còn đẹp và mẹ ồn ào, hẳn không có tôi người cũng có niềm vui để lấp đầy.

Tôi xa mẹ từ đó. Buổi chiều đầu tiên, cha lui cui dưới bếp thổi lửa nấu cơm. Bữa cơm không có mẹ sao mà tẻ ngắt và chán đến thế. Mẹ đi xa lắm rồi. Tôi và cha ở lại thị xã, mà sau này những cơn mưa không ngừng, không dứt luôn dội vào ký ức tôi nỗi cô đơn, rét mướt của một đứa trẻ không có mẹ.

Tôi vào học lớp hai, mẹ về thăm cùng một người đàn ông. Mẹ ôm ghì tôi vào lòng trước cổng trường. Mẹ gầy và xanh hơn. Người đàn ông đi lại tỏ vẻ sốt ruột. Tôi chợt thấy thương mẹ vô cùng. Có lẽ nào mẹ bỏ cha để chọn người đàn ông nhỏ thó với bộ mặt lạnh lùng này. Tôi vùng ra khỏi mẹ.

Tôi về sống với ông bà nội, nỗi ân hận lần gặp mẹ làm tôi không yên. Chiều nào tan học, tôi cũng đứng ở sân trường và chờ đợi.

Ông nội thỉnh thoảng chép miệng: "Mẹ mày thật tệ!". Bà nội không nói gì, chỉ thở dài.

Một năm sau, cha lấy vợ mới. Tôi vẫn sống cùng ông bà cho tới ngày dì Hoa sinh bé gái. Cha đón tôi về chăm sóc em.

Suốt những năm tháng thơ ấu, tôi luôn mong mỗi buổi chiều về, khi mọi việc trong nhà đã hoàn tất. Tôi lại chạy ra cây cầu đầu ngõ chờ mẹ. Ở đó thỉnh thoảng mẹ vẫn về thăm tôi.

Tôi ru em bằng những lời ru ngày xưa của mẹ thường hát. Dì Hoa bảo: "Thôi đi, mày định đầu độc con bé cho nó hỏng như mẹ mày à?".

Từ một đứa trẻ nghịch ngợm và hiếu động, tôi trở nên trầm tư như bà cụ. Giờ ra chơi, tôi thường tìm một góc vắng và lúc đó tôi mặc sức tưởng tượng về mẹ. Bà ngoại bảo mẹ sinh em bé nên không thể về thăm tôi. Tôi hay lẩn thẩn rải những lá phượng thành từng ô, nhặt đá xếp đống và thì thầm đoán tình yêu của mẹ dành cho tôi. Khi viên sỏi cuối cùng rơi xuống là chữ nhớ thì cả buổi học hôm đó tôi vui lắm. Tôi tin rằng mẹ rất nhớ tôi, mẹ sẽ không bao giờ quên đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của mẹ. Hôm nào viên sỏi cuối cùng rơi xuống là chữ không, đêm về thể nào tôi cũng khóc. Tôi nhớ mỗi bận cha và mẹ cãi nhau, mẹ cũng khóc lặng lẽ trong gối như tôi bây giờ. Thuở ấy bé quá, nhưng tôi đã cảm nhận được nước mắt mẹ tràn trong bóng tối. Tôi thường đưa bàn tay bé nhỏ của mình lau nước mắt cho mẹ. Nhiều đêm, sợ ngủ quên mẹ sẽ bỏ đi mất, tôi gác chân qua ngực người, tay nắm chặt vạt áo mới ngủ thiếp đi. Mẹ ơi, không có con ai sẽ lau nước mắt cho mẹ? Có ai làm mẹ khóc nữa không?

Tôi sống với cha và dì được hai năm. Dì Hoa bảo không chịu nổi cái mặt tôi. Chả hiểu cái mặt tôi ra sao, chắc là khó coi lắm nên dì mới ghét. Bà ngoại bảo: "Mấy đời bánh đúc có xương...".

Tôi về nhà ông bà nội. Dù sao thì bà nội cũng là người yêu tôi nhất. Bà không bao giờ mắng, mỗi bữa cơm bà thường giấu ông luộc cho tôi quả trứng. Sau này lớn lên, tôi luôn nhớ về bà. Hình như những người yêu thương tôi thì nhanh bỏ tôi mà đi. Bà nội mất đột ngột. Tôi càng cô đơn hơn. Ông nội thỉnh thoảng lại chửi:" Con mẹ mày thật tệ...".

Trong gia đình, tôi còn một người anh họ. Anh Trường hơn tôi chín tuổi. Bà mất rồi, anh thường đưa đón tôi đi học, tối về dạy toán và làm hộ những bài thủ công mà tôi chúa ghét. Thế giới riêng của tôi là góc nhỏ sau nhà. Ở đó bày la liệt những món đồ chơi anh Trường làm cho. Con búp bê bằng vải, chiếc kèn lá dứa, những con chim bằng giấy và có cả một cô tiên tóc vàng, phần thưởng mẹ tặng tôi ngày thi học sinh giỏi toán. Tôi gọi cô tiên ấy là mẹ. Tôi sống trong thế giới của mình, trí tưởng tượng luôn hướng về những ngày có mẹ. Cha từ khi có em bé cũng ít vào thăm tôi. Thỉnh thoảng mang vào mấy tờ báo thiếu niên rồi vội vã đi. Ông không nhắc đến mẹ lần nào.

Tôi lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Không biết nũng nịu, không cả dỗi hờn. Bàn tay săn sóc của mẹ xa rồi. Cha thì bận bịu. Tôi tự lo cho mình. Việc gì không làm được mới nhờ đến anh Trường. Anh Trường thi đỗ đại học. Ngày anh đi tôi khóc mãi. Anh hẹn sẽ luôn về thăm tôi.

Tôi nghe bố nói với ông, mẹ sống nghèo lắm, mẹ không đi làm nhà nước như ngày ở cùng với bố con tôi. Mẹ phải đứng bán hàng thuê, lương chả được bao nhiêu. Chú Ðịnh chồng sau của mẹ không có nghề nghiệp gì. Tôi ngồi bên hè cửa, nhìn ra ngoài trời mưa giăng kín. Những chiếc bong bóng vỡ ra muôn ngàn sắc mầu lung linh hư ảo. Tôi đếm mãi mà không sao đếm hết những bóng nước phập phồng chờ đến lượt tan cùng trong rãnh nước lớn. Và trong trái tim tôi bất chợt nhói lên câu ca mẹ ru tôi ngày nào: "Ầu ơi, trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai...". Lời ru như linh cảm chẳng lành cho mẹ và cho cả cuộc đời tôi nữa.

Những bong bóng nước mưa trở thành thứ cung ứng dạt dào cho một đứa trẻ quen sống và hoạt động trong thế giới nội tâm mặc sức vẽ vời. Tôi nghĩ về những câu chuyện thần thoại cầu được ước thấy, để tưởng rằng tôi và mẹ sống bên nhau trong dinh điện nguy nga tráng lệ. Ở đó, chiều chiều hai mẹ con đứng nhìn mặt trời nghiêng nắng đốt tan những bong bóng mưa hóa kiếp cầu vồng. Trên chiếc cầu vồng kia tôi và mẹ sẽ cùng chung sống, để chẳng còn phải lo sợ chia ly nữa. Ngay cả những cơn mơ bé nhỏ nhất, những khung cảnh được tạo dựng trong giờ khắc vật vã nhất cũng chỉ mong giành giật lại mẹ cho tôi. Bấy nhiêu ý thức dù là nhỏ tý, tuy nhiên lại lớn rộng vô chừng trong cái ảo giác hoang vắng bủa vây tôi. Giống như chiếc chìa khóa mở vào vạn kho báu cũng chỉ mong được tìm thấy mẹ. Ðiều khắc khoải của một đứa trẻ thiếu mẹ...

Tôi gặp mẹ lần sau cùng, lúc ấy mẹ vừa mới sinh em bé. Nhìn mẹ gầy gò xanh xao và có vẻ vội vã. Tôi hờn giận nói với mẹ: "Mẹ có em bé nên quên con rồi...". Mẹ khóc lặng, mẹ nói rằng đêm nào mẹ cũng nhớ tôi, lúc nào mẹ cũng thương tôi, mẹ chỉ mong được đón tôi về ở cùng. Thật tội nghiệp mẹ, mẹ bỏ đi giọt nước mắt ngày sống với cha để lại nhận thêm những giọt nước mắt khác, xét cho cùng nước mắt thì giống như nhau đều mặn chát và khó chịu. Mẹ tìm kiếm cho mình hạnh phúc, nhưng trong cả hai cuộc hôn nhân mẹ vẫn có tìm thấy đâu sự thanh thản. Sau này, khi đã là một thiếu phụ, có chồng và có con, tôi mới hiểu cặn nguồn nỗi khổ của một người mẹ phải xa con. Dù còn bé, ngày đó tôi đã biết lấy tình thương dành cho mẹ lấp đầy nỗi giận hờn. Dù thế nào tôi cũng biết rằng mẹ luôn nhớ tôi và yêu thương tôi, niềm tin ấy đã giúp tôi đi qua cả một chặng đường dài thơ ấu bằng những giấc mơ vô tận về một ngày được sống bên mẹ. Nhưng những giấc mơ chẳng bao giờ thành hiện thực, nó trở thành huyền diệu và lung linh suốt cuộc đời tôi sau này, nó chi phối tôi ngay cả khi tôi đã nếm trải mọi cảm giác của một người đàn bà đi qua bao khổ ải chất chồng của mấy cuộc hôn nhân. Ðể khi làm mẹ làm vợ rồi mới biết những gì mẹ trải qua ngày ấy cũng giống như muôn nỗi bất hạnh của tất cả những người đàn bà khác. Hạnh phúc mẹ đi tìm, giọt nước mắt mẹ đánh đổi ngày ấy tuy có vẻ như giống nhau nhưng thực chất không phải thế. Mọi niềm hạnh phúc hay bất hạnh đều làm sao giống nhau. Như nỗi buồn của mẹ, hay nỗi bất hạnh của tôi trong hôn nhân sau này, mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai, nhưng đều có chung là niềm khát khao hạnh phúc.

Một buổi chiều, tôi đang đứng ở chỗ đợi chờ quen thuộc thì bà ngoại đến, vẻ mặt hốt hoảng. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy bà ngoại cứ ngồi khóc suốt chặng đường về Hà Nội. Cả chặng đường năm tiếng giờ tàu chạy, tôi chỉ mường tượng tới lúc gặp mẹ. Chắc mẹ sẽ ngạc nhiên lắm, tôi đã mười hai tuổi và bắt đầu lớn. Trên ngực nổi rõ hai núm cau nho nhỏ. Lần bị hành kinh đầu tiên, tôi khóc vì hoảng sợ. Chẳng có mẹ dạy cho tôi điều đơn giản ấy. Tôi thầm giận mẹ, con gái thiếu mẹ khổ trăm bề. Tôi sẽ nói với mẹ thế và xin mẹ cho tôi về ở cùng. Bố giờ cũng chẳng cần tôi nữa từ khi sinh em bé.

Tôi đứng sững sờ trước quan tài mẹ, không thể tin mẹ yêu dấu của tôi đang nằm đây. Qua ô kính nhỏ, gương mặt mẹ vẫn phảng phất nỗi đau không sao hiểu nổi. Sắc đẹp sau làn phấn mỏng tuy đã phai tàn nhưng vẫn còn rõ nét. Mẹ tôi chết vì bệnh ung thư dạ con. Căn bệnh hiểm nghèo và phát hiện muộn. Chú Ðịnh, chồng của mẹ kể: Lúc lâm chung mẹ gọi tên tôi mấy lần...

Tôi đi sau quan tài mẹ. Chẳng hiểu sao tôi không khóc được. Trời đổ mưa tầm tã. Ðoàn người đi âm thầm, chậm rãi. Những chiếc phướn đỏ rực, vòng hoa đủ sắc mầu, trông rã rượi và nặng nề như những con bướm bị xã cánh dưới trời mưa. Tấm khăn xô phủ trên đầu tôi ướt sũng. Nước mưa xối từ trên đầu làm cay xè mắt, tôi không hiểu sao hôm đó trời lại mưa nhiều đến thế. Như khóc thay tôi, đứa trẻ đã côi cút lại thêm một lần mồ côi nữa. Mẹ được đưa về quê ngoại, một huyện ngoại thành. Cánh đồng nơi mẹ nằm trống trơ, hun hút gió. Những cây cỏ rạp xuống dưới những bóng nước mưa vỡ trên đầu ngọn. Suốt vùng làng mạc trắng xóa, sầm sập tiếng mưa đổ. Một tháp chuông nằm chơ vơ trên nền trời trắng đục trong cái giờ khắc u thảm này bỗng chốc từng hồi chuông vang lên ngân dài và thê lương, như chào đón linh hồn của mẹ về cõi vĩnh hằng. Chiếc quan tài dần dần hạ xuống đáy huyệt. Nắm đất đầu tiên lẩy bẩy rơi xuống. Mẹ đã từ bỏ kiếp người đáng thương đến đây chọn một chỗ cho mình. Bên cạnh mẹ là những ngôi mộ cũng bắt đầu xanh cỏ. Họ sẽ đón mẹ vui mừng trong một bài thánh ca mới, những bài ca của chốn vô cùng không có nước mắt, không có đớn đau, cũng không cả những giấc mơ về một niềm hạnh phúc như trên dương thế. Những linh hồn không hình ảnh, không năng lượng bay lượn giữa không trung và nắm tay nhau cùng mỉm cười. Tôi nhìn thấy mẹ ở đó, vẻ đau thương trên gương mặt người hình như vẫn chưa tan hết. Mẹ nhìn tôi, nước mắt dân dấn dù vẫn như mỉm cười. Tự nhiên trong tôi cháy lên niềm tin bất diệt, niềm tin thật sáng trong,giống như một sự xác tín bởi ý nghĩ mẹ của tôi sẽ lên trên thiên đàng. Mẹ xứng đáng được đón đợi như thế. Bởi cả cuộc đời này mẹ của tôi chỉ nhận toàn nỗi đau buồn trong sự nhẫn nhịn và hy sinh. Tôi ngồi thụp xuống giữa hai hàng bia mộ trắng, nhìn căn nhà cuối cùng của mẹ đang vun cao dần. Nước mắt vón cục lại trong ngực, tôi trân trối dõi theo làn khói hương vơ vất lẫn vào trong mưa. Không sao tin nổi mẹ nằm đó và sẽ không bao giờ trở về tìm tôi trên cây cầu quen thuộc ngoài đầu ngõ. Năm năm cách xa người, tôi vẫn nhớ như in gương mặt mẹ buổi ra toà, khi tôi chọn ở với cha. Vẻ hẫng hụt đau thương ấy hằn in trên mặt mẹ tới tận hôm nay. Tôi đã nhìn thấy điều ấy qua vuông kính nhỏ. Nó trở thành nỗi ám ảnh và day dứt suốt cuộc đời tôi sau này. Tôi đã cảm nhận nỗi đau của mẹ ngày xa tôi qua hơi hướng của mẹ còn vương trên tấm áo tôi giấu đi của mẹ để ôm vào lòng hằng đêm. Tôi đã hơ tấm áo ấy trên lửa bao lần những mong mẹ sẽ sốt ruột mà quay về. Tấm áo giờ đã cháy mất vạt nhưng mẹ đã không thể trở về. Một nửa thời thơ ấu trôi qua, đêm nào tôi cũng thèm gọi tên mẹ, thèm được an nhiên gối đầu ngủ vùi trên cánh tay người. Cả chặng đường dài sau này tôi không còn được gọi mẹ để tưởng tượng đợi chờ.

Ðưa mẹ trở về, chú Ðịnh gọi tôi: "Mẹ để cho con đây!". Tôi mở ra thấy một cuốn sổ. Ngày đó không kịp hiểu những gì mẹ viết, chỉ khi lớn khôn tôi mới biết đó là tất cả tình thương mẹ dành cho tôi. Những trang viết đủ làm hành trang cho một đứa con gái thiếu thốn trăm bề cất bước vào đời. Bù lại những gì tôi bị lấy mất, bị khước từ, và ban cho tôi như một kho tàng quý báu. Tôi mang theo bên mình, mỗi khi có chuyện buồn lại giở ra đọc. Tôi cảm thấy mẹ luôn ở bên tôi, từ giác quan nào đó, mẹ vẫn chuyện trò, chia sẻ những điều thường nhật.

Ðêm ấy về nhà, tôi thấy ông nội trở dậy thắp nhang trên bàn thờ và ngồi rất lâu trong bóng tối. Cha ôm tôi vào lòng, mắt loáng nước. Cha xin phép ông đón tôi về nhà. Dì Hoa không còn cạnh khóe về bộ mặt khó coi của tôi nữa. Không ai nhắc đến mẹ, chỉ mỗi năm một lần, bà ngoại đón tôi ngày giỗ mẹ. Tôi lớn lên, học hết cấp hai, cấp ba. Tôi không nói cho ai biết về những giấc mơ đêm đêm có mẹ hiện về. Xác thân người tan vào đất, nhưng trong tôi mẹ còn đó. Vẫn đôi mắt dịu hiền ngấn nước mỗi lần về thăm tôi. Tôi lớn lên va đập với bất hạnh, nhưng tất cả đều trôi qua nhờ ánh mắt ấy của người.

Tôi thi đỗ đại học với số điểm cao nhất tỉnh. Cha và ông nội đưa tôi ra ga. Lúc tàu chạy, ông run rẩy cầm tay tôi nói nhỏ: "Cháu về nhớ tìm em". Vâng, đó là việc đầu tiên tôi sẽ làm, ít nhiều bù đắp cho em phần tôi thiếu hụt. Lặng thinh và trang trọng, tôi nhận thấy ánh mắt của mẹ đang nhìn tôi tin cậy. Ngủ yên đi, mẹ yêu dấu! Chợt đổ xuống một cơn mưa mới, biết bao nhiêu những cơn mưa đi qua đời người, bao nhiêu kiếp bong bóng tan vào đất. Làm sao đếm hết, cũng như buồn vui một kiếp đâu phải do mình. Phải thế không, mẹ ơi! Tôi nhìn thấy mẹ trong cánh đồng cỏ giữa chừng trời, sau lưng người dải cầu vồng toả ánh hào quang lấp lánh trên nền mưa dát bạc.

Đặng Thị Thanh Hương/ Nhân Dân Cuối tháng

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Có một người đàn bà như thế (28/08/2009)
  • Nhớ... (21/08/2009)
  • Cơm nhà, cơm người (14/08/2009)
  • Cái hộc bàn (07/08/2009)
  • Ðêm Rạch Gốc (31/07/2009)
  • Vỉa hè (24/07/2009)
  • Đồng quê (17/07/2009)
  • Người đàn bà trong hẻm nhỏ (10/07/2009)
  • Ngón hoa (10/07/2009)
  • Sau những mùa trăng (03/07/2009)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bí mật cây đa làng
Cô giáo trẻ
Đồng quê
Con vẹt xanh
Phố rừng
Hạnh phúc trở về
Tết, là để trở về nhà!
Xứ bình an
Đèn không tắt sáng
Sông Nguồn
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang