23/12/2009 10:25:28 AM
Niềm mong đêm Giáng sinh

Đêm mai, tôi sẽ làm gì khi tiếng chuông nơi giáo đường vang lên thánh thót? Tôi sẽ cùng mọi người lũ lượt bước vào nhà thờ để mừng Chúa ra đời, để cất cao giọng hát chúc tụng như muôn người hay núp trong một góc kẹt nào đó để nức nở khóc như một đứa trẻ lạc loài, như một giống người bị bỏ rơi.


Trời bắt đầu vào đông với những trận tuyết rơi nhè nhẹ. Buổi trưa, mặt trời le lói xuất hiện trong một khoảng thời gian thật ngắn rồi biến mất, nhường lại cho bầu trời nắng xám. Những cơn gió còn lại của cuối thu quyện theo cái lạnh của mùa đông làm lòng mỗi người se thắt. Những trận bão tuyết xảy ra hàng năm vẫn ám ảnh họ thường ngày. Xe được “tune-up” cẩn thận, mền và đèn cày cũng được bỏ trong xe sẵn sàng để phòng sự trục trặc giữa đường. Mùa đông ở Minnesota là thế. Ngoài những chiếc áo lông mỹ miều sang trọng, ngoài những chiếc áo “coat” lịch sự, ngoài những chiếc khăn choàng kín cổ, có ai ngờ được bên trong là những “underwear” bó sát. Họ mặc cả bốn năm áo mùa đông mà vẫn không tìm được một chút ấm áp trong thân thể. Lớp phấn son che đậy làm mặt họ hồng hào. Quần áo sang trọng làm họ thêm xinh đẹp. Có phải Thượng Đế đã an ủi, đã đền bù để có một chút công bằng với người sống tại miền Nam nước Mỹ?

Vẫn như mọi ngày, buổi sáng tôi rời khỏi căn nhà đầy những hơi ấm, người nặng nề thêm ra vì những quần áo lỉnh kỉnh. Phải đi bộ một quãng mới tới trạm xe bus đến trường. Khoảng thời gian đó là một hình phạt cho những kẻ trốn bỏ quê hương như tôi. Gió thổi mạnh đập vào đau buốt như những đám lau sậy sắc cứa vào mặt. Tôi phải quay lưng lại và bước lùi. Bước chân nặng nề vì sức cản của gió. Hai tay tôi tê cóng dù đã đeo găng và ủ trong túi áo. Tai tôi nghe lùng bùng trong chiếc mũ lông thỏ. Máu ở mũi bắt đầu rịn ra. Cứ thế ngày qua ngày tôi đã mất đi rất nhiều năng lực. Trong khi thâu chẳng được bao nhiêu. Chị Thanh vẫn nhắc nhở tôi trong mỗi bữa cơm:

- Phải ăn gấp đôi nghen. Chất bổ ngấm vào cơ thể phải chia phân nửa cho mùa đông rồi đó.

Ăn gì bây giờ? Thịt gà mềm và lạt nhách. Thịt heo đã mất hết chất ngọt vì bao nhiêu ngày đông lạnh. Tôi muốn nói với chị là tôi thèm ghê ghớm một ổ bánh mì nóng giòn, một thanh chả lụa, một dĩa bánh cuốn, một tô bún Huế cay sè lưỡi hoặc bất cứ món gì mà tôi đã thường ăn khi còn ở quê nhà.

Những bữa cơm nóng hổi, những miếng sườn ram mằn mặn ngòn ngọt vừa đủ để ăn hết ba chén cơm. Tôi ngập ngừng:

- Sao em sợ mùa đông ở đây quá. Nó không hiền hòa êm dịu như những bang khác. Năm nào cũng có cả trăm người chết.

- Lại nghe ai hù rồi chứ gì? Chỉ có những người già, bệnh tật, không xe nên mới phải đi bộ chết thôi. Chị chưa nghe nói có người trẻ chết bao giờ.

Giọng tôi bỗng dưng biến thành chát chúa:

- Trẻ không chết là vì họ có xe, có phương tiện đưa đón. Còn em, mỗi ngày đứng chết cóng ở trạm đợi xe. Bữa nào trễ một chuyến là không hy vọng sống để trở về.

Chị Thanh dằn mạnh đôi đũa xuống bàn, cướp lời:

- Thì xuống Cali ở đi, nó lo cho ngày hai bữa có bánh cuốn, có chả lụa, có luôn cả ấm áp, hạnh phúc nữa.

Tôi lại nhìn sững chị dù rằng đã nhìn như vậy nhiều lần. Những gì sắp đặt để nói bây giờ trống rỗng, chị không còn là chị Thanh của ngày xưa nữa. Đôi mắt sâu và lạnh, hai quai hàm bạnh ra trông đến tàn nhẫn. Có lần chị trả lời tôi khi tôi thắc mắc:

- Qua đây dại là chết. Tụi Mỹ cũng đều không kém gì đám da vàng mũi tẹt. Còn cằm bạnh ra là tại nhai “gum”. Mai mốt Thủy cũng vậy chứ gì.

Tôi không nghĩ tại chị nhai “gum”. Chị quen thói chỉ huy, chị tập cứng rắn, chị tập lạnh như tiền để giống đàn ông. Để được nam nữ bình quyền như chị vẫn thường nói:

- Mình làm toé khói, gân tay gân chân nổi lên tùm lum có thua gì đàn ông đâu. Kiếm tiền còn hơn họ nữa kìa. Tội gì thua họ.

Tôi không hỏi thua những gì, vì biết có được trả lời cũng chỉ là những câu chướng tai. Chị tiêm nhiễm lối sống Mỹ quá mau, chị nói tiếng “I love you” ngọt và dẻo như người ta cắn một miếng kẹo sữa.

Tôi mặc chị lải nhải. Dọn hết chén đũa rồi bỏ vào phòng. Căn phòng lạnh nhất trong nhà vì “heat” tỏa ra ít nhất. Không phải ống dẫn hơi quá nhỏ hay bị nghẹt mà vì tôi kéo nắp chắn lại gần nửa. Như vậy nhiệt độ trong phòng tôi chỉ còn khoảng 55 độ F. Hơi lạnh một chút nhưng thà vậy để sáng mai thức dậy máu mũi đừng ra nhiều còn hơn hơi nóng làm tôi ngột ngạt để máu ứa ra rồi đặc lại, bưng bít mũi không thở được.

Tôi mặc áo len đi vớ, mang bao tay ngồi bó rọ trên giường, quấn thêm chiếc mền cao lên đến cổ, nhìn qua hai khung cửa kính dầy cộm. Gần 9 giờ tối. Trời vẫn sáng mờ mờ. Có lẽ đêm nay tuyết rơi và ngày mai lại được dịp rửa hai tay vào nước sôi mà không thấy cảm giác, chị Thanh vẫn la khi thấy tôi rửa tay bằng nước nóng bốc khói:
- Mày đừng giỡn với lửa nghe! Có ngày chín tay lại phải cưa đi như bao nhiêu người đã ngu ngốc không nghe lời.

Tôi cười khi nghe chị nói với vẻ mặt nghiêm trang. Nếu ai cũng như chị nói thì tiểu bang này mọi người sẽ không có tay. Nếu không có tay thì thành phố này sẽ tràn ngập một màu trắng xóa, không nhận định đâu là đường phố. Và sẽ không có ai lái xe để đi xúc tuyết trên những đường chính. Sẽ không có ai rải muối trên khắp nẻo đường để cho tuyết xốp và đừng đóng thành băng.

Tôi vẫn ngồi nghĩ ngợi cho những sợ hãi của ngày mai, của những ngày tuyết rơi và những ngày bão táp. Thời tiết chi phối tình cảm tôi không phải là ít. Những lúc nghĩ về Huy, về tình yêu hai đứa, tôi lại cảm thấy có cái gì không an bình. Người tôi sụt dữ thấy rõ, mỗi lần nhận được hình tôi gửi qua là mỗi lần Huy gọi điện thoại bằng tiếng nói thảng thốt:

- Em ốm đến thê thảm, trông chỉ như con mèo con. Phải chịu khó ăn nghe Thủy.

Tôi xúc động đến nghẹn ngào vì câu chăm sóc ấy nên chỉ lắp bắp được hai tiếng:

- Tại lạnh.

Huy không nói gì thêm nữa, có lẽ Huy nghĩ rằng cái lạnh chỉ ở trong một phạm vi nào đó. Như bàn tay thọc vào “freezer” cậy đá là cùng. Chứ Huy đâu biết rằng nguyên cả thân thể cuộn tròn trong đó. Có hôm dưới 10 rồi 20 độ – dưới độ đông của đá đến 20 lần. Lạnh gấp mấy chục lần Huy tưởng tượng. Có những ngày tôi phải bỏ học, có những ngày tôi ngồi lỳ trong trường đến 8 giờ tối mới gọi phone về nhà nhờ chị đón. Mười hai tiếng ở trường làm tôi mệt lả. Nhớ những lần tôi nhắm mắt uống hết trơn ly cà phê để mong cho ấm áp đôi chút. Nhưng chỉ vài phút sau là mửa thốc mửa tháo vì chất cà phê đen đậm cấu xé ruột. Biết là đắng mà vẫn uống. Biết lạnh mà vẫn ở. Tôi cảm thấy kiệt sức hoàn toàn, như tay đua hạng bét muốn bỏ cuộc nhưng lại không muốn thua. Do đó, tôi không can đảm thúc hối Huy làm đám cưới sớm hơn vài tháng. Một đám cưới có hình thức đủ để Huy dẫn tôi về nơi ấm áp có ánh nắng chan hoà. Chúng tôi yêu nhau tha thiết cho đến ngày đám cưới là ngày mong ước của hai đứa. Nhưng không có cách nào sớm hơn khi tôi nghèo rớt mồng tơi, ngay đến chiếc xe cũ vài trăm bạc cũng không có tiền để mua. Huy thì mới đi làm được vài tháng, dành dụm chưa được một ngàn thì tiền đâu mua áo, mua nhẫn cưới và đặt bữa tiệc kha khá ở nhà hàng mời bạn bè thân thuộc. “Phải chờ Thủy ạ! Đời người có một lần”. Như Huy vẫn thường nói và tôi vẫn thường ao ước có một đám cưới huy hoàng để nở mặt với bạn bè. Phải chờ Thủy ơi, chỉ một mùa đông thôi, một mùa đông đúng nghĩa trong cái lạnh lẽo và rét buốt. Chuyện Huy chờ đợi là một chuyện bình thường như ngày hai bữa cơm, như chuyện đi học phải có giờ ra chơi. Còn tôi chờ với những thấp thỏm lo âu. Mùa hạ chưa qua đã lo mùa thu mau rụng lá. Lo những ngày tháng ấm áp ngắn ngủi qua mau để đằng đẵng với chín tháng lạnh lẽo. Mỗi sáng thức dậy nhìn trời mong chút nắng ấm. Buổi chiều tan học lục thùng thư tìm kiếm. Ngày này qua ngày khác để hy vọng và chờ đợi. Thư Huy chậm trễ, tôi bực dọc cáu kỉnh, mỗi lần thấy mặt tôi nhăn nhó là chị Thanh phải cười:

- Lại không có thư phải không?

Tôi mong thư Huy như trẻ con mong kẹo, những lá thư viết vội vàng, trang giấy nhỏ, chữ thưa và xuống hàng nhiều lần. Cũng chỉ những lời thăm hỏi và nhớ nhung như thường lệ, nhưng sao có tác dụng mãnh liệt. Chồng thư mỗi ngày một cao, mỗi lá thư đều có dấu mỗi ngày của bưu điện. Và như thế, thư càng nhiều thì sự xa nhau càng dài. Còn bao nhiêu ngày nữa? Chờ hết mùa đông, chờ hết mùa xuân. Mùa xuân với những trận “tornado” cuốn phăng nhà cửa cây cối. Với những thời tiết 40-50 độ F. Vẫn lạnh để phải mặc nhiều áo trong người.

Tuyết rơi vào buổi chiều như tin thời tiết. Tuyết không còn là hình ảnh của những cánh sao mong manh bám trên những chiếc áo lông long lanh nữa, mà là từng cục tròn to bằng đốt ngón tay trắng đục và nhẹ như bông gòn thi nhau rơi xuống. Cả bầu trời tràn ngập những cụm hoa tuyết. Tôi cắm lại những cành hoa hồng trên bàn ăn. Những cánh hoa màu đỏ sậm xếp vào nhau e ấp như chưa đến giờ nở.

Tám giờ Huy mới đến. Vẫn còn sớm để sửa soạn cho bữa ăn tối. Và vẫn còn thì giờ để gói quà cho Huy. Chiếc áo len màu khói hương hiền lành. Màu xám nhẹ nhàng sẽ làm cho Huy trông yếu đuối. Nhưng lại hợp với màu da vàng và dáng dấp cao gầy của Huy hơn. Tuần trước, Huy viết thư than hơi lạnh vào những buổi sáng sớm đi làm. Huy chỉ hơi lạnh trong khi tôi buốt đến tim phổi. Huy khoác thêm chiếc áo len mỏng, trong khi tôi đeo mãi chiếc áo coat 100% len dầy cộm. Da mặt Huy mịn màng trong khi hết cả thân thể tôi đều mốc lên trắng xóa vì tắm bằng nước quá nóng. Má tôi không còn chất tươi mát, cái lạnh làm da mặt tôi nhăn lại và khi gặp hơi nóng thì được căng ra. Ở xứ lạnh không ai già trước tuổi, quanh năm ngày tháng thiếu ánh nắng làm màu da tái xanh.

Mỗi lần tôi than già. Huy lại an ủi:

- Anh không sợ em già vì thế nào đi nữa em cũng không bằng anh.
Tôi nhìn lại mái tóc trong gương, những lọn tóc được bới cao gọn gàng đúng theo ý thích của Huy. Còn tất cả đều thay đổi. Từ làn da tái xanh cho đến những vết nhăn trên vầng trán. Đôi mắt không còn mở to ngơ ngác như ngày nào. Không hiểu tôi có gì đáng yêu mà Huy lại tha thiết đến thế?

Tuần rồi, Huy gọi điện thoại đến 10 lần, cứ nhắc đi nhắc lại:

- Anh sẽ đến thăm em Thủy ơi, mình sẽ có một đêm Giáng Sinh tuyệt vời, mình sẽ có những kỷ niệm thật đẹp mà suốt trong tình yêu luôn luôn được nhắc nhở. Mình sẽ quỳ dưới bàn thờ xin Chúa Hài Đồng ban cho mình nhiều hạnh phúc và anh sẽ cho em tất cả hơi ấm trong anh để em được ấm áp suốt mùa đông giá buốt này.

Những lời nói nồng nàn như vang mãi bên tai, mọi công việc và đôi tay tôi như chậm lại. Loay hoay với cây thông, sửa lại trái châu tròn lóng lánh. Cột lại gói quà cho mấy đứa cháu. Tôi vào bếp loay hoay làm cơm để kịp lúc nghe tiếng chuông của người đưa thư và món quà trên tay. Món quà Huy tặng trước đêm Giáng Sinh một ngày. Con Snoopy bé bỏng xinh xắn bằng bàn tay nằm trong chiếc hộp màu đỏ thẫm, một mảnh giấy được xếp lại kỹ lưỡng.

Tôi mặc cho con Snoopy và tôi rơi xuống đất. Giá đừng tặng quà, đừng viết thư thì tôi vẫn còn được sung sướng trong sự chờ đợi của suốt đêm này và suốt cả trọn ngày mai. Giá đừng phân trần thì tôi vẫn nghĩ vì một lý do gì hệ trọng lắm mới làm thay đổi mọi lời hứa của Huy. Từ Nam lên Bắc đi máy bay chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ mà sao Huy tạo cho nó thành nghìn trùng. Huy thăm tôi chỉ vì tò mò trước cái lạnh ở đất Bắc hay đến để chia xẻ cùng tôi cái lạnh của mùa đông. Ngày mai tôi sẽ làm gì với chương trình đã sắp đặt từ hơn tuần trước để chờ Huy đến. Cả tuần rồi đan hai chiếc scarves cùng màu cho hai đứa. Tôi đã dự trữ đồ ăn để có một đêm Giáng Sinh thật lớn. Những chiếc bánh ngọt được tô điểm khéo léo. Những miếng thịt ngon lành đã được ướp đầy đủ gia vị và cả một sự náo nức đón chờ.

Quà cho Huy đã để sẵn gốc thông, hai lá thư dầy cộm sẽ được đưa Huy khi Huy ra về. Sao không đến để cùng tôi đi khắp thành phố Mineapolis rồi qua St. Paul - nơi có nhiều con đường đẹp với hai hàng cây cao mà tuyết đã phủ đầy đứng sừng sững như những ngọn núi. Sao không đến nhà tôi, căn nhà đang chìm phân nửa giữa biển tuyết mênh mông. Mái nhà có trăm nghìn tuyết trong như thủy tinh chảy dài xuống đất. Xuống đi để thấy những hình “snowman” mà tôi với đứa cháu suốt nhiều ngày qua hì hục đắp rồi mặc cho nó những chiếc mũ, khăn quàng đầy mầu sắc. Đến để thấy một khung cảnh lạnh lẽo u buồn, không một giống chim muông lai vãng. Đến để thấy những di động lặng lẽ của loài người dưới những căn nhà tràn ngập hơi nóng từ máy sưởi tỏa ra.

Đêm mai, tôi sẽ làm gì khi tiếng chuông nơi giáo đường vang lên thánh thót? Tôi sẽ cùng mọi người lũ lượt bước vào nhà thờ để mừng Chúa ra đời, để cất cao giọng hát chúc tụng như muôn người hay núp trong một góc kẹt nào đó để nức nở khóc như một đứa trẻ lạc loài, như một giống người bị bỏ rơi.

Lạy Chúa, xin ban cho con một niềm vui, một sự an ủi để con được hân hoan và hoà mình trong đám chiên của Chúa. Xin cho con quên mọi ưu phiền để chào đón ngày trọng đại của Chúa...


Đỗ Vẫn Trọn (Hoa Kỳ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác
  • Nghĩ về mẹ (08/03/2024)
  • Sa lưới (05/03/2024)
  • Một thoáng chiều thu (31/10/2023)
  • Chiều nắng hạ (11/07/2023)
  • Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức (27/06/2023)
  • Vương trong sương mù (20/06/2023)
  • Nàng Thơ (30/03/2023)
  • Vành khăn tang trắng (14/03/2023)
  • Khúc hát Xuân (24/02/2023)
  • Ngủ đi em (14/02/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bức tranh tặng người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập
Hoa cúc vàng
Việt Nam yêu dấu
Quê hương tôi
Mùa Đông với nước Đức
Mùa Xuân tới
Nghĩ về mẹ
Sa lưới
Một thoáng chiều thu
Chiều nắng hạ
Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức
Vương trong sương mù
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang