25/02/2005 06:15:37 AM
XIX. Nhà Mạc 65 năm (1527-1592), kinh đô Đông Đô (Hà Nội)

 (Tiếp theo kỳ trước)

1- Mạc Đăng Dung (1527-1529)

Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương) là cháu bảy đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) thời Trần, bố là Mạc Hịch, mẹ là Đặng Thị Hiến. Ông bà Mạc Hịch - Đặng Thị Hiến sinh được 3 người con trai là: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết.

Mạc Đăng Dung sinh ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão - 1483. Thời trẻ, Mạc Đăng Dung có sức khoẻ phi thường, tướng mạo khôi ngô. Ông xuất thân từ một thanh niên nghèo, làm nghề đánh cá, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ chuyên cầm dù đi theo vua.

Mạc Đăng Dung tiến rất nhanh trên con đường hoan lộ, năm 1511 mới 29 tuổi đã được phong tước Vũ xuyên bá. Năm 1516, Mạc Đăng Dung được cử làm Trấn thủ Sơn Nam với chức Phó tướng tả đô đốc.

Trải qua 3 đời vua Lê, Mạc Đăng Dung được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương.

Lợi dụng lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc.

Cũng như nhà Trần, tháng 12 năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh làm vua, còn mình làm Thái thượng hoàng. Lúc đó Mạc Đăng Dung mới 46 tuổi. Mạc Đăng Dung mất tháng 8 năm Tân Sửu - 1541, thọ 59 tuổi.

2- Mạc Đăng Doanh (1530-1540)

Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung. Tháng Giêng năm 1530 Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính, tôn cha làm Thái thượng hoàng.

Mạc Đăng Doanh làm cung điện nguy nga ở Cổ Trai để Thái thượng hoàng sống ở đó vui thú điền viên, nhưng ngụ ý là trấn giữ một vùng quan trọng làm ngoại viện cho Mạc Đăng Doanh và vẫn định đoạt những việc trọng đại của quốc gia.

Từ khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua thì ở Thanh Hoá, cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim dựa vào rừng núi ở biên giới Việt - Lào lãnh đạo lực lượng trung hưng nhà Lê ngày càng lớn mạnh. Năm Quý Tỵ - 1533, các cựu thần nhà Lê lập Lê Duy Ninh lên làm vua gọi là Lê Trang Tông.

Dưới triều nhà Mạc, cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội, thi Đình để tuyển chọn nhân tài. Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng Nguyên dưới triều Mạc Đăng Doanh.

Ngày 15 tháng Giêng năm Canh Tý - 1540, Mạc Đăng Doanh chết, ở ngôi được 10 năm.

3- Mạc Phúc Hải (1541-1546)

Mạc Phúc Hải là con trưởng của Mạc Đăng Doanh, được ông nội là Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung lập làm vua vào năm Tân Sửu - 1541.

Thời Mạc Phúc Hải đã tiến hành chia cấp lộc điền, đặc biệt ưu tiên binh sĩ, vì lực lượng quân sĩ to lớn được nuôi dưỡng để chống lại nhà Lê trung hưng (Nam Triều).

Ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ - 1546, Mạc Phúc Hải chết, ở ngôi vua được 5 năm. Con trưởng là Mạc Phúc Nguyên kế vị.

4- Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)

Mạc Phúc Nguyên lên ngôi vua vào tháng 5 năm 1546, lúc đó còn nhỏ tuổi, mọi công việc triều chính đều do chú ruột là Khiêm vương Mạc Kính Điển quyết đoán cả.

Tháng 7/1557, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hoá. Quân Mạc thua to, Mạc Kính Điển phải nhảy xuống sông ẩn nấp suốt 3 ngày mới thoát chết.

Đến năm Kỷ Mùi - 1559, quân Lê - Trịnh mở cuộc tấn công vào hậu phương của nhà Mạc ở Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Kinh Bắc, Hải Dương... Mạc Phúc Nguyên phải rút vào phòng thủ ở ngoài thành Đông Đô.

Tháng 12/1561, giữa lúc cuộc chiến Lê - Mạc đang gay go quyết liệt nhất thì Mạc Phúc Nguyên chết vì bệnh đậu mùa. Mạc Phúc Nguyên làm vua được 15 năm.

5- Mạc Mậu Hợp (1562-1592)

Mạc Mậu Hợp là con cả của Mạc Phúc Nguyên, năm 1562 lên ngôi vua hãy còn bé, ứng vương Mạc Đăng Nhượng (con út Mạc Đăng Dung) làm Nhập nội phụ chính ẵm Mạc Mậu Hợp ra coi chầu, tôn ông chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển làm Khiêm đại vương cùng trông coi việc triều chính.

Ngày 21 tháng 2 năm Mậu Dần - 1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, liệt nửa người, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu là Diên Khánh.

Tháng 10 năm Canh Thìn - 1580, Phụ chính Mạc Kính Điển, trụ cột của triều Mạc chết, ứng vương Mạc Đăng Nhượng giữ quyền phụ chính quyết định mọi việc nhưng lại thường về sống ở Dương Kinh vì vậy việc triều chính bê bối không ai quyết đoán.

Năm 1581, Mạc Mậu Hợp bị chứng thong manh, chữa mãi mới khỏi. Khỏi bệnh, Mạc Mậu Hợp lao vào ăn chơi truỵ lạc. Chính sự nhà Mạc ngày càng đổ nát, binh lực suy yếu, lòng người ly tán.

Ngày 25 tháng 11 năm 1592, thủy quân Lê - Trịnh gồm 300 chiến thuyền đánh vào các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách, Kinh Môn (tỉnh Hải Dương ngày nay). Quân Mạc tan vỡ, dư Đảng nhà Mạc xin hàng Trịnh Tùng rất đông. Mạc Mậu Hợp chạy trốn, bị bắt giải về kinh đô Đông Đô, bị treo sống 3 ngày rồi bị chém đầu ở bãi cát Bồ Đề. Mạc Mậu Hợp ở ngôi vua được 30 năm, khi chết 31 tuổi.

Con trai Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn chạy trốn, sau bị quân Trịnh bắt được đem chém đầu tại bến Thảo Tân.

Họ Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp truyền ngôi được 5 đời thì mất, tổng cộng được 65 năm.

Con cháu nhà Mạc theo lời dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rút lên Cao bằng, còn kéo dài được đến năm 1677 mới bị diệt hẳn:

Mạc Toàn (1592-1592)

Mạc Kính Chỉ (1592-1593)

Mạc Kính Cung (1593-1625)

Mạc Kính Khoan (1623-1625)

Mạc Kính Vũ (1638 - 1677)

Như vậy nhà Mạc tồn tại đúng 150 năm.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang