30/03/2010 08:00:16 AM
Chú Tư, con là ai (phần 8)

...Tới cổng chùa, tôi thấy ngay cái tháp cao nhọn chọc thẳng lên trời, trong vườn trước sân chùa một cây vú sữa tươi tốt trĩu trịt trái. Những hình ảnh rất đỗi bình thường quen thuộc ấy bỗng nhiên làm tôi đau thắt ruột nhớ tới đôi mắt anh tôi nhòe nước đăm đắm nhìn tôi khi bị bọn người mặc đồ đen trói giật cánh khuỷu lôi đi, trong cái nhìn ấy có lời cầu cứu van lơn, có lời chia ly tử biệt...

(...) Thấy tôi buồn quá nên đến ngày tết Chum Bân là ngày cúng vong của người Campuchia, con Gấm rủ tôi bơi xuồng vô xóm lễ chùa. Khi bơi trên đìa, chúng tôi hái rất nhiều bông sen và bông súng để làm hoa lễ. Tôi rất thích những bông súng trắng tinh thiệt đẹp, thiệt tinh khiết, màu trắng hiền hòa không gợi nên bất kể một chút ưu phiền nào. Gấm khéo léo bó lại thành từng bó ba bông, trên mặt nước, chung quanh mình và cả trên đầu trên tóc chúng tôi nữa cứ luôn thoang thoảng mùi thơm hoa sen. Cập xuồng xong chúng tôi ôm bông nhảy lên bờ. Từ xóm nhìn ra xung quanh là nước trắng mênh mông, lúc này là vừa đúng cuối mùa nước nổi. Người Campuchia đi chùa rất đông. Họ bỏ cơm và đồ ăn vô cặp lồng nhôm trắng mang theo lên chùa cúng vong những người trong nhà họ. Hàng năm tới tết Chum Bân mà không cúng cơm thì vong hồn những người thân sẽ phải chịu đói khổ mà đi lang thang, sẽ oán giận những người sống, làm cho họ không gặp được may mắn. Vì thế, người ta đi cúng ở rất nhiều chùa để cho vong không vô được chùa này thì vô chùa khác, vô đâu cũng có cơm ăn nước uống. Lúc con Gấm rủ, tôi đã muốn làm một cặp lồng cơm để cúng cho ba tôi và anh tôi nhưng cứ thấy băn khoăn không yên, biết đâu họ còn sống ở đâu đó thì sao. Tôi vẫn nghĩ họ còn sống và một lúc nào đó họ sẽ trở về. Nghĩ như vậy thấy họ ấm áp gần gụi hơn, chớ nghĩ họ chết rồi thấy lạnh lùng xa cách quá chừng.

Tới cổng chùa, tôi thấy ngay cái tháp cao nhọn chọc thẳng lên trời, trong vườn trước sân chùa một cây vú sữa tươi tốt trĩu trịt trái. Những hình ảnh rất đỗi bình thường quen thuộc ấy bỗng nhiên làm tôi đau thắt ruột nhớ tới đôi mắt anh tôi nhòe nước đăm đắm nhìn tôi khi bị bọn người mặc đồ đen trói giật cánh khuỷu lôi đi, trong cái nhìn ấy có lời cầu cứu van lơn, có lời chia ly tử biệt. Mặc dù lúc ấy tôi còn bé nhưng tôi cũng đã nhận biết được từng đấy điều nhắn gửi chỉ trong một cái nhìn vào phút hốt hoảng tới mức tuyệt vọng của anh và cả của tôi nữa, lúc ấy tôi cũng muốn lao tới ôm lấy anh mà kéo lại nhưng chân tôi như đã bị chôn chặt xuống đất. Ngần ấy năm qua đi mà mỗi khi nhớ tới anh là tôi không thể không tự oán trách mình sao đã không lao ra mà ôm lấy anh. Ngần ấy năm trôi qua tôi đã không hề đụng đến một trái vú sữa nào nữa, tôi không còn thấy nó ngọt thơm như sữa nữa mà toàn vị cay đắng nước mắt của anh và của tôi. Ngần ấy năm trôi qua mà mỗi khi nhìn thấy tháp chùa và cây vú sữa là tôi lại rùng mình. Nhớ anh lại nhớ tới ba, tôi vừa âm thầm khóc vừa đặt những bó bông sen tươi dưới chân tượng Phật.

Tiếng cầu kinh vang lên bứt tôi khỏi những suy nghĩ về người thân của mình. Tôi cũng làm như mọi người quỳ trước các thày chùa bận áo vàng, chắp hai tay lẩm bẩm đọc lời nguyện. Nhìn các thày chùa hiền lành đức độ thế mà tôi vẫn không thoát được nỗi sợ hãi khi nghĩ tới anh Ba. Tôi kéo Gấm lui ra.

   - Mình cầu Phật xong rồi. Đi về đi.

   - Ủa, phải ở lại ăn cơm chùa nữa chớ.

   - Thôi, đi về đi.

Gấm lạ lùng thấy tôi đòi về. Nó đâu có biết tôi đã thấy anh Ba bị lôi đi trong vườn chùa như thế nào, những trái vú sữa kia đối với tôi chua chát ra sao cho nên khi nhìn thấy cây vú sữa và cái tháp chùa thì tôi nhớ anh tôi và bỗng thấy rất sợ. Gấm lặng im nhìn trời nước. Tôi lặng im bơi xuồng. Đang bơi mải miết, tôi chợt nhìn thấy những cái đầu rắn ngoi lên. Đó là những con rắn bông súng và rắn râu đậu vô thân cây súng để ngóc đầu lên thở. Coi những cái đầu ngo ngoe dễ sợ nhưng thiệt ra lũ rắn này rất hiền, đâu có chết người. Đã nhiều lần tôi bị chúng cắn vô tay, chỉ khó chịu chút xíu vì ngứa. Tôi muốn tóm một vài con về làm cho chú Tư bữa nhậu, chẳng gì hôm nay cũng là ngày tết Chum Bân. Tôi đưa Gấm bơi, biểu nó bơi thiệt nhẹ kẻo rắn lặn mất. Xuồng gần tới mà con rắn vẫn ngó ngiêng, coi rất dạn. Tôi thò tay túm lấy cổ nó lôi lên. Nó quẫy một chập, quấn vô tay tôi nhưng tôi đã quen nên không sợ. Gấm hỏi:

- Con gì đó mày?

- Bông súng.

- Sao mày biết bông súng?

- Mày coi da nó không lốm đốm xanh đỏ là gì. Giờ chịu khó kiếm lấy con rắn râu bự nữa.

Rắn râu dạn hơn bông súng, rong rêu đóng vô người, lười biếng thò đầu lên mặt nước, chừng nào bơi chèo đụng tới thì chúng mới lặn, trông rõ cái đuôi ngoe ngoe. Gấm và tôi túm được hai con khá bự, da màu vàng sậm, coi thịt rất ngon. Về tới nhà, chúng tôi đem chụng vô nước sôi, chặt đầu, tuốt vẩy mổ bụng rồi chặt khúc nấu mềm. Gia vị tôi vô chút bột ngọt và chút muối.

   - Gấm, mày chạy về coi có đậu phọng đem qua cho một chút đi.

   - Nhà tao không còn đậu phọng, nhưng có củ cải muối được không?

   - Được.

Chúng tôi kêu ông Mười qua nhậu với chú Tư. Hai người lai rai hết một xị, rất đắc ý vì được các cô con gái coi sóc. Ông Mười nói với chú Tư:

   - Nếu đúng ra thì tới cữ Chum Bân này là nước đứng rồi.

   - Tôi cũng thấy nước đứng rồi, chú Mười.

   - Vậy mày tính sao Tư?

   - Vô đồng mãi chẳng được bao nhiêu. Tôi tính quay ra sông làm chà.

   - Phải rồi đó. Hiệp với cha con tao làm chà. Coi nước năm nay chắc trúng dữ lắm. Mình quần một vụ đủ trang trải mọi thứ lại còn dư để ăn tết.

   - Có điều tôi chưa bỏ chà bao giờ.

   - Có gì đâu, cứ làm đại đi rồi tao chỉ cho. Nhưng mà cực lắm đó.

   - Tôi cực quen rồi, đâu có sợ. Zô thêm ly nữa đi chú. Đời mình sao cực hoài à!

   - Zô! Tao có khác chi. Coi nè, tóc bạc hết trơn rồi vẫn cực. Tao biết phiêu bạt với sông nước là cực lắm mà sao vẫn phải bám riết lấy sông nước. Không gỡ ra được đâu Tư!

   - Đã kêu là số phận mà chú Mười. Zô nào!

Ông Mười cao hứng, vẫy tay kêu Gấm:

   - Con Gấm đâu, mang cho ba cây đờn mau.

Vậy là tôi biết ông Mười sắp ca. Mọi người nói ông ca mùi lắm nhưng tôi chưa gặp lần nào. Tôi thường nghe vọng cổ ở ghe cà phê dì Tám, băng cối ca qua thùng bát, vậy mà cũng buồn não nề. Gấm mang qua chiếc đờn kìm trao ông. Ông cầm đờn ôm vô lòng, so dây rồi gảy dạo. Bà Mười, anh Din thấy ông ca cũng chạy qua. Mắt ông lim dim, ông hít một hơi thiệt dài rồi cất giọng, tay gẩy đờn:

"Anh đưa em về miền quê hương tươi thắm, với niềm vui trải theo từng bước chân trên đường xa thẳm. Nhịp cầu tre xinh xắn kia rồi, lòng dâng cao niềm xúc động bồi hồi. Sau luỹ tre con đường làng mở rộng, đón bước chân người ly xứ trở về quê"

Trời ơi hay thiệt là hay, ông già rồi mà ca anh anh em em vẫn ngon quá hà. Tôi vỗ tay đôm đốp hối thúc ông ca đoạn nữa nhưng ông đã buông đờn sang bên, quay ra cười với mọi người.

   - Đó tụi bay coi, ca rứa mới là ca chớ. Biểu con Tám dẹp cái thùng bát đi, rước tao tối tối qua ca Lan và Điệp, có mà khách tới rượu bán không kịp đó.

Giữa lúc mọi người đang cao hứng thì bỗng nghe có tiếng la khóc thảm thiết, ngó lên bờ thấy có nhiều người chạy tới chạy lui, dưới sông có người vội vàng bơi xuồng về phía ghe dì Tám. Tôi đứng lên coi, biểu mọi người:

   - Bên dì Tám có chuyện rồi.

Ông Mười còn muốn nhậu tiếp nên nói:

   - Chắc lại mấy thằng xỉn quậy đó thôi.

Tôi biểu chú Tư:

   - Con qua coi chuyện gì nghe chú.

   - Đi đi, qua coi nó có chuyện gì rồi gọi chú.

Tôi và Gấm chạy vọt đi. Đã chạng vạng tối nhưng ánh nắng vẫn còn vàng chói dưới mặt sông. Dì Tám đang ôm con Tím ngồi khóc, cả hai mẹ con tóc tai rũ rợi, coi như trong nhà có người chết, dòm vô sởn gai ốc. Đã có đông người xúm lại vòng trong vòng ngoài, tôi liền kéo áo một người hỏi:

   - Có việc gì đó hả chú?

Người này thì thào:

   - Ma về, bữa nay là lễ cúng vong chớ thường đâu.

Nghe vậy tôi nổi hết da gà, ngó quanh.

   - Ma làm sao hả chú?

   - Kia kìa, người ta đang hỏi thằng Bảy Hoách đó.

Lúc này chú Tư cũng sang tới, chú đi thẳng tới chỗ Bảy Hoách. Tôi kéo Gấm len vô. Chú túm áo Bảy Hoách kéo tới, chỉ vô mặt hắn:

   - Mày say xỉn nhìn gà hoá cuốc chớ làm gì có ma giữa ban ngày.

Bảy Hoách ngẩng nhìn chú Tư, hai tay chắp vô ngực nói:

   - Từ sáng sớm tới giờ em đâu có ly nào anh Tư. Em còn đang sợ té mồ hôi đây nè.

   - Vậy chớ mày thấy cái gì?

   - Em bơi xuồng tới đây nhậu, đang bơi có người kêu cho quá giang về nhà. Người này máu me coi dễ sợ lắm, như người mới vừa bị đánh đập dã man lắm, mà lại không có đầu mới khiếp chớ. Em sợ quá, chịu cho quá giang liền, hỏi về nhà ai, nó biểu cho về nhà, là nhà con Tám đây nè. Em nghe nó nói rõ ràng chớ không lẫn đâu anh Tư. Nó nhảy lên xuồng ngồi cùng em, bỗng dưng cái xuồng nặng chịch, em bơi khó khăn lắm cái xuồng mới nhúc nhích. Vậy mà khi sắp cặp vô em quay lại thì không thấy nó đâu, còn cái xuồng thì bỗng dưng nhẹ tênh. Chuyện thiệt đó anh Tư, tới giờ em còn đang run đây nè, anh coi em đã có chút rượu nào đâu.

Bảy Hoách há miệng phả vô mặt chú Tư, đứng cạnh nghe mùi hôi chớ không có mùi rượu. Thím Năm đứng sau chen vô nói:

   - Bữa nay con Tám không làm gì cúng vong, ma về quậy là phải.

Dì Tám đứng lên nói với chú Tư:

   - Phải đó anh Tư, là ba con Tím chớ ai. Ảnh bị Pốt đập đầu rồi thả trôi sông, ngay khúc có cây gòn đây nè. Ảnh nhớ má con tôi quá mà không làm gì được nên thỉnh thoảng lại hiện về nhát mọi người. Chú Tư nửa tin nửa ngờ, hỏi dì Tám:

   - Vậy bữa nay có cúng bái gì không?

   - Lú quá nên em quên phắt bữa nay là ngày cúng vong, giờ muộn rồi biết kiếm cái gì mà cúng.

Bà Năm biết nhiều về việc cúng tế, biểu dì:

   - Dưới mình cúng vong đơn giản thôi. Giờ mày đặt nồi cháo, luộc rổ khoai, cúng cho ảnh rồi bố thí cho các vong luôn thể. Qua tao lấy nải chuối nữa.

   - Cám ơn thím. Con Nhung qua bả cầm về cho dì, lẹ lên kẻo muộn.

Bà Năm nói:

   - Sớm muộn gì, có lòng cúng cho người ta thì lúc nào mà chẳng được.

Tôi qua bà Năm lấy về cho dì Tám nải chuối, tiện thể phụ luôn dì bày đồ cúng. Cảm thấy như có một luồng khí lạnh luẩn quẩn trên ghe nên thỉnh thoảng tôi lại ngó qua phải ngó qua trái xem có người chết hiện về không. Dì Tám bày đồ cúng xong rồi lại sụp xuống khóc lóc thảm thiết như thể chồng dì vừa chết chiều nay. Cả buổi tối xóm Vo Tiêu độc nói mỗi chuyện ma chồng dì Tám không có đầu quá giang về nhà.

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)
  • Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông (17/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang