06/05/2010 04:27:21 PM
Chú Tư, con là ai (phần 20)

... Nghe họ nhắc đến Tân Châu, Ngũ Xã, tôi chợt nhớ tới Cháy. Chắc bây giờ Cháy đã có vợ, có con. Tôi vẫn còn giữ cái kẹp tóc của ảnh cho tôi, thỉnh thoảng vẫn giở ra coi. Anh là người đầu tiên hun tôi, là người đầu tiên làm tôi hận. Tôi là ai, là gái Campuchia hay gái Việt! Cấp đó tôi hận anh lắm nhưng giờ nghĩ lại thì thấy anh chính là người thiệt thà, thiệt thà nói ra cái điều mà không bao giờ tôi nghĩ tới: tôi là ai!...

 

(...) Ít lâu sau khi ông Mười qua đời, Chằm Rươn cũng theo đơn vị lên Pai-lin đánh Pốt. Trước hôm đi, anh ngồi với chú Tư, buồn rầu nói:

- Đó, chú coi, chú gả con Nhung cho con có khác gì chú thả mồi cho sấu đâu!

- Tại sao nói vậy?

- Đời lính nay đây mai đó, đánh nhau chết bỏ xác, có chồng như không.

Nghe anh nói vậy, tim tôi vỡ vụn, ruột gan đau buốt. Tôi chỉ chực khóc nhưng không dám khóc trước mặt hai người. Tôi tin rằng nhìn thấy tôi khóc thì Chằm Rươn khi bước chân đi sẽ xui xẻo lắm. Tôi cũng không dám khóc trước mặt chú Tư, chú đã cực nhiều quá rồi, mái đầu chú nay đã hoa râm, khóc chi để chú cực thêm. Đêm đó tôi và anh không ngủ, ngồi dựa vô nhau trên khoang. Anh im lặng âu yếm vuốt ve tôi, tới thiệt khuya mới nói:

- Anh đi ra trận, Nhung ở lại chắc phải chịu cực đó.

- Biết rồi, cực em chịu được mà chỉ lo cho anh thôi.

- Lo gì chớ, chết thì bỏ xác, sống thì quay về tìm em. Đời là thế mà.

- Em tin chắc anh sẽ quay về tìm em mà.

Anh lặng lẽ rờ vô bụng tôi khiến tôi thiệt nhột nhạt rồi bất thình lình nói:

- Kể có con thì đỡ buồn hơn là ở một mình trông anh về.

Nghe anh nói vậy tôi thấy thương anh quá, ôm riết lấy anh. Nói vậy là Chằm Rươn muốn có một đứa con với tôi, sẽ thiệt hạnh phúc biết bao nhiêu nếu chúng tôi có một đứa con. Tôi cũng muốn lắm chớ, nhưng không hiểu sao thương nhau nhiều lần vậy mà nó vẫn không dính. Có lúc tôi nghĩ hay là tại người chồng trước đã làm tôi bị hỏng một lần rồi nay bị hỏng luôn. Tôi buồn thiu, thấy mình có lỗi với anh quá, tôi thương yêu anh lắm, bất kể phải làm gì, phải chịu cực chịu khổ thế nào cho anh vui thì tôi đều chịu đựng được, vậy mà sao tới lúc này tôi vẫn không thể có cho anh một đứa con. Tôi hỏi:

- Anh có buồn không?

- Nếu có thì vui hơn chớ anh đâu có buồn.

Đêm càng về khuya càng mát lạnh. Tôi cố khoanh tròn rúc vô người anh, đón nhận cái mùi vị nồng ấm quen thuộc từ cơ thể anh. Mai anh đi rồi, tới chừng nào tôi mới lại được gục vô lòng anh thế này. Tôi vít cổ anh xuống hun vô môi anh, thấy rạo rực thèm muốn. Tôi nói nhỏ vô tai anh:

- Anh thương Nhung đi .

Anh ôm chặt tôi vô lòng, chặt hơn thường lệ, như thể chúng tôi chỉ còn được ôm nhau thêm vài phút nữa thôi, như thể chỉ ôm nhau lần này rồi mãi mãi không gặp lại.

Tôi đã kịp nắm cho anh nắm cơm kèm mấy con khô sặt từ sáng sớm. Nghĩ mãi không có gì cho anh nên tôi bèn lấy cái khăn rằn đã cũ sờn nhét vô ba lô cho anh.

- Này nhé, đây là cái khăn rằn của má cho từ hồi nhỏ đó, nay tới em cho lại anh, chừng nào anh dùng là như có em quấn vô anh.

Chằm Rươn cười, lôi ngay chiếc khăn ra quấn vô người. Con Gấm cũng chạy qua chào anh, coi nó như chiếc tàu lá héo.

Chú Tư vỗ đánh bốp một cái thiệt mạnh vô vai anh:

- Đi mạnh khỏe may mắn nhé, tới chừng nhớ tin về cho nó nghe.

Tôi đứng trên ghe dòm theo xuồng anh, xuồng anh xa dần nhỏ dần, bỗng dưng tôi nhớ tới cái xuồng chở hòm ông Mười đi gác. Dòm xuồng chở người sống đi ra trận mà nhớ tới xuồng chở người chết đi chôn thì thiệt là một ý nghĩ xui xẻo. Tôi cố gắng xua đuổi cái ý nghĩ ác nghiệt đó đi, cố gắng nghĩ tới những điều may mắn cho anh, nhưng càng cố gắng càng không được. Khi chiếc xuồng chỉ còn là một chấm đen li ti trên biển như một cánh chim lẻ loi và khi tôi không còn trông thấy ngay cả cái chấm đen li ti ấy nữa thì tôi suy sụp hoàn toàn. Lúc này nước mắt tôi cứ tự nhiên trào ra. Tôi đã quen có anh ở trên chiếc ghe này, bóng dáng anh đi về thường ngày, mùi mồ hôi của anh, hơi thở của anh những lúc anh uống rượu, tiếng anh oang oang át cả tiếng gió, đôi vai vạm vỡ của anh bóng loáng nước mỗi khi anh nhảy xuống biển tắm... Bây giờ tất cả những thứ đó không còn nữa khiến cuộc sống của tôi trở nên trống trải tới mức không chịu đựng nổi, gió biển thổi trở nên nhạt nhẽo, nắng trên cao trở nên lạnh lẽo, khung cảnh quanh tôi trở nên vắng vẻ và xa lạ. Tôi đã nghĩ đến những mất mát của con Gấm, cố nghĩ rằng so với việc gần như cùng một lúc nó đã mất cả cha cả người thương thì việc mình phải xa Chằm Rươn chỉ là chuyện tí xíu, chẳng đáng gì, cho dù tôi đã cố nghĩ như vậy nhưng rốt cuộc tôi vẫn bị suy sụp. Lời anh nói đời lính đánh nhau chết bỏ xác, ý nghĩ anh đi sẽ không trở về đã làm tôi gục ngã. Tôi trở vô, đau đớn nghĩ rằng sẽ không còn bao giờ được gặp lại anh nữa. Tôi không khóc nhưng thổn thức. Mặt trời đỏ ối đang lặn dần xuống biển. Chú Tư ngồi trên mũi ghe, bóng chú tạc vô trời chiều lồng lộng nhưng đơn độc. Gió chiều thổi nhẹ mà tĩnh mịch, không có tiếng í ới trẻ con, không có tiếng heo kêu chó sủa như ở làng xóm. Buồn và trống vắng quá.

Khoảng một tháng sau chú Tư biểu tôi:

- Chắc chú phải trở lại Nam Vang, ý con sao?

Tôi thiệt bất ngờ, ngạc nhiên hỏi lại chú:

- Sao bỗng dưng chú lại tính vậy?

- Ở đây chú thấy buồn quá rồi. Chú chịu được cực, nhưng từ khi ông Mười mất, thằng Xo mất, thằng Rươn đi thời chú thấy buồn quá chừng, hết chịu nổi. Mà mình ở đây miết, làm miết cũng đâu có kiếm đủ ăn.

Tôi cũng đâu có cách lựa chọn nào, chẳng phải là chú đi đâu tôi cũng phải theo chú đi hay sao. Chú Tư là người sâu sắc, dường như bao giờ chú cũng hiểu được tôi đang nghĩ gì nên nói tiếp:

- Con đừng ngại thằng Rươn không biết tìm con ở đâu, thằng ấy thì mình có về bển nó cũng tìm được.

Vậy là chú cháu tôi thu dọn trở lại Nam Vang. Bà Mười và Gấm buồn muốn chết. Gấm biểu má nó cùng đi với chúng tôi về Nam Vang nhưng bả không chịu, bả biểu phải ở lại đợi anh Din. Đêm trước khi đi tôi qua ngủ với con Gấm, hai đứa ôm nhau dấm dứt buồn. Nó thì thào biểu tôi:

-   Tao có bầu rồi.

-   Vậy há, từ hồi nào?

- Con này hỏi ngu quá, ít nhất cũng là từ khi Xo chết, Xo chết rồi thì tao có bầu với ma à?

Tôi ôm Gấm, bụng nó vẫn phẳng lỳ, khác hẳn khi tôi rờ vô bụng Bảy Quyên. Dáng chừng cũng chỉ thua lúc tôi bị hỏng thai chút xíu thôi. Tôi nhớ lại cái đêm trước khi đi bẫy khỉ, Gấm và Xo thương nhau quằn quại trên khoang ghe, lại nhớ tiếng than khắc khoải của Chằm Rươn trên biển thương cho cả nhà Xo bị Pốt giết hại. Tôi nhẹ nhàng thoa bụng Gấm, trong bụng Gấm đang có giọt máu của Xo. Vậy là Xo không chết rồi, vậy là Xo vẫn giữ được giống nòi nhà mình rồi. Tôi hỏi Gấm:

-   Bà Mười biết chưa?

-   Chưa biết.

-   Vậy làm thế nào?

-   Giữ lấy mà sanh cho ảnh chớ sao. Tới đâu tính tới đó, lo gì.

Tôi chạnh lòng nhớ tới Chằm Rươn.

Về tới Nam Vang, chú Tư nói tôi dắt chú tới thăm má và dượng, nhưng khi đến nơi thì mấy người hàng xóm nói họ dọn đi từ lâu rồi, không ai biết đi đâu. Tôi đã quen lưu lạc rồi, chỉ thương má chớ không thấy nhớ má như trước nữa. Chú Tư dắt tôi quay trở lại làng Chăng Va là nơi nhà chú và nhà tôi đã ở đấy từ trước thời Pốt, tìm đến nhà một người Miên quen biết cũ, tên là Úc Chon. Úc Chon trông vừa gày vừa đen, đứng khoanh tay ngỡ ngàng nhìn chú Tư.

- Sao biểu ông bị Pốt giết rồi?

Chú Tư cười:

- Đâu có, người bị giết là ba con Nhung đây.

- Vậy từ chập đó tới giờ ông ở đâu?

- Phiêu bạt lung tung cả, ở đâu cũng khó khăn quá nên nay quay về đây.

Úc Chon hồ hởi:

- Phải rồi, về đây cũng khó khăn nhưng còn kiếm được miếng ăn.

Chú Tư chỉ người phụ nữ trẻ nằm võng ôm đứa con nhỏ, hỏi:

- Đây là ai?

- Vợ sau đó. Vợ con trước đến bây giờ vẫn chưa thấy tìm về thì chắc chết quá rồi.

Vậy là chú Tư quyết định ở lại. Tôi không lạ vì tôi biết sớm muộn gì chú cũng quay trở lại Nam Vang. Suốt bao nhiêu năm tháng chú đã vừa làm lụng kiếm ăn vừa mong tìm lại cái người đã gởi chú bọc vàng. Chú hăm hở mướn một cái nhà nhỏ hẹp. Có chỗ ở rồi chú biểu:

- Trước đây mình ở sông ở biển, có đói cũng kiếm được con cá con tép. Giờ gần chợ gần phố nhưng kiếm ăn khó dữ. Tính sao?

Tôi không biết tính sao. Hai chú cháu không có bao nhiêu, trả trước hai tháng tiền nhà, còn lại xài năm ba hôm đã cạn nên buộc phải bữa cơm bữa cháo. Chú Tư già sọm đi, râu ria tua tủa quanh mép, tóc bạc dài phủ gáy, bơ phờ. Cả ngày chú quanh quẩn ra đường ra chợ kiếm việc mà không được việc gì, chiều về mệt mỏi buồn bã. Thấy vậy tôi biểu chú:

- Vậy mình quay vô biển đi chú.

Chú kiên quyết:

- Không được. Ráng chút nữa, thế nào chú cũng kiếm được việc làm cho coi.

- Vậy thì con muốn qua bên Nam Vang đi ở kiếm tiền.

- Không quen biết ai sao có người mướn mình?

- Con kiếm nhà bà chủ cũ, thế nào bà cũng mướn lại con. Khi con đi bà có dặn lúc nào muốn trở lại thì cứ kiếm bả.

- Thì cứ thử coi.

- Ngày đầu chú đi cùng con vô Nam Vang nghe.

- Chớ còn sao, bộ để con đi một mình à!

Hai chú cháu tôi đi từ sáng sớm, vừa tìm vừa hỏi thăm cuối cùng cũng tới nơi. Tôi ngơ ngẩn đứng trước một toà nhà đang xây dở. Vậy là nhà cũ đã đập đi. Hỏi mấy người chung quanh họ đều nói bà chủ tôi đã bán nhà cho người khác, cả nhà bà đã đi Pháp. Hai chú cháu thất vọng quay trở về. Tới chân cầu, chú Tư vét túi đưa tôi mấy cắc biểu ghé mua một bịch nước đá và một ổ bánh mì. Chú bẻ đôi ổ bánh đưa tôi một nửa. Tôi ngấu nghiến trong nháy mắt rồi mút gần hết bịch nước. Cơn đói khát tạm thời dịu xuống, chú cháu tôi thất thểu đi về. Tới đầu xóm, tôi thấy Úc Chon quấn xà rông kẻ đỏ ngồi chơi với vợ con trong nhà. Thấy chú Tư ngang qua, ông ta gọi:

- Ông Tư à, sao coi ông ốm thế! Đã kiếm được việc chưa?

Chú Tư dừng lại đáp:

- Việc làm không có ai mướn, đói ăn thì ốm chớ sao. Chon mạnh khoẻ chớ?

- Khoẻ thường à. Ông Tư có muốn chạy xe ôm không?

- Làm gì ra tiền tôi cũng làm được, nhưng lấy đâu ra xe mà chạy xe ôm.

Úc Chon kéo chú Tư lại, nói nhỏ:

- Thì xe của thằng Mênh Leng đó, nó bỏ xe không ở nhà để đi buôn bán gỗ rồi. Bây giờ nó giàu lắm, ông Tư biểu nó cho mướn lại mà đi kiếm tiền chớ.

Nghe nói vậy khuôn mặt chú Tư dãn ra, tươi tắn lên.

- Nhưng mà tôi đâu có biết Mênh Leng.

- Ồ, nó tuổi em tôi, tuổi cháu ông thôi, người làng đây cả.

- Vậy mà tôi đâu có hay. Cám ơn Úc Chon.

Chú Tư hăm hở tìm đến nhà Mênh Leng, may mắn sao vừa đúng lúc Mênh Leng từ Nam Vang xịch về. Nghe chú Tư nói, Mênh Leng cười hiền lành:

- Chú Tư nhiều tuổi hơn tôi nên chú không nhớ tôi. Ngày trẻ con tôi vẫn chơi với anh con Nhung, cái thằng leo hái trái vú sữa trong chùa rồi bị Pốt lôi đi mất ấy. Nhớ lại tôi vẫn sợ vãi mồ hôi chú Tư ơi. Tôi bây giờ làm ăn có nhiều tiền, không cần cái xe đó nữa, chú Tư lấy xài luôn.

Chú Tư sửng sốt:

- Vậy coi sao tiện, Leng cho chú mướn, chú góp trả dần.

- Sao không tiện, lúc khó thì mình giúp nhau đi. Tôi làm ăn với Việt Nam nhiều mà, người ta cũng giúp đỡ tôi như tôi giúp đỡ chú vậy thôi.

- Vậy thì cám ơn Leng nghe, tôi không khách sáo đâu, tôi lấy xe luôn được chớ?

- Chú lấy luôn đi. Nhà tôi dọn qua Nông Pênh cả rồi, chú chưa có nhà thì vô ở đây, trông nhà cho tôi luôn, khỏi đi thuê chỗ khác.

Thật bất ngờ quá, chú Tư cảm động ôm chầm lấy Leng.

- Sao Leng tốt quá, làm sao Leng lại tin tôi như vậy?

Leng cũng tỏ ra cảm động, nét mặt rạng rỡ vui vì vừa làm được điều tốt.

- Coi người nào tử tế biết ngay mà chú. Chú Tư yên tâm đi, thỉnh thoảng tôi trở qua thăm nhà thăm chú với em Nhung luôn. Nhung giờ coi xinh ghê, đã chồng con chưa?

Tôi lắp bắp:

- Rồi, anh Leng.

Tôi nhìn Mênh Leng lòng đầy kính phục. Tôi không thể nhớ rõ anh là đứa nào trong đám trẻ con. Nếu anh Ba tôi còn thì giờ này cũng to lớn như Leng. Tôi cố gắng nhớ lại nét mặt anh Ba nhưng rất mờ nhạt, chỉ thấy hình ảnh một đứa trẻ gào khóc và bị người ta lôi xềnh xệch sau xe đạp. Tôi rùng mình.

Chú cháu tôi dọn về ở nhà Leng, nhà nhỏ trong vườn rộng, có nhiều xoài, đu đủ, mít và chuối. Đu đủ chín nhiều nhưng chú Tư không cho tôi hái, chú nói để đợi Leng về hái. Đu đủ chín rụng liên hồi mà Leng không về. Hàng ngày chú Tư đi xe ôm, tôi ở nhà làm vườn, nấu cơm chờ chú. Công việc ít nên tôi có nhiều thời gian nhớ Chằm Rươn, những khi ngồi một mình nhớ thương anh cồn cào không chịu nổi. Vườn nhà Mênh Leng rộng, nhiều cây to nên chim sáo về rất đông, hót ríu rít suốt ngày nhưng bầy sáo này không hót hay và say sưa như bầy sáo ở Biển Hồ vào cái buổi chiều đầu tiên tôi và Chằm Rươn thương nhau. Tôi thường tưởng tượng một ngày nào đấy có một người đeo ba lô đi vào ngõ, tôi chạy ra và sẽ thật ngạc nhiên nhận ra đó là Chằm Rươn. Những lúc ấy tôi ngẩng nhìn ra ngõ, ngõ đầy nắng nhưng vắng tanh, tôi buồn quá thở dài, tự mình nghe tiếng thở dài của mình.

Một hôm trong bữa cơm chiều chú Tư biểu:

- Nhung ạ, chú dám chừng thằng Leng cũng chơi với thằng con bà Pha Vi lắm. Chúng nó đều chơi với anh Hai mày mà.

- Con không nhớ, sao chú không hỏi anh ấy?

- Như vậy mới dở chớ. Lúc ấy bỗng dưng có xe đi có nhà ở nên sướng quá, tao lú lẫn đi.

- Anh Leng còn về đây kia mà chú.

- Đã hơn một tháng có thấy nó về đâu. Mình cũng không hỏi bên Nam Vang nó ở đường nào, thật dở quá.

Nhân câu chuyện, tôi liền biểu chú:

- Con muốn kiếm việc làm chú à, ở không con hết chịu nổi.

- Việc gì?

- Con muốn theo mấy người trong xóm đi mua bán ve chai.

- Vậy được, cũng phải làm kiếm chút vốn, lỡ sau này...

Tôi không biết có phải chú định nói lỡ sau này Chằm Rươn về thì còn có cái đỡ đần nhau. Tôi thì tôi nghĩ như vậy, chẳng may khi về anh bị què chân cụt tay hay đui mắt thì sao. Nghĩ vậy nhưng tôi giữ kín, không nói chú hay.

Hai chú cháu tôi đi từ sáng sớm, mỗi người một ngả. Tôi chịu khó xộc vô mọi nơi mọi chốn, gặp cái gì thì thu mua cái đó rồi chiều đến bỏ cho mối. Nắng nóng vất vả nhưng cũng kiếm được chút ít. Một buổi chiều khi đã chập choạng tối, tôi về tới nhà thì giật mình thấy có người ngồi xỉu dưới gốc cây xoài ngay trước cổng. Quen với ý nghĩ sẽ có người vô ngõ, tôi chạy vội tới. Thấy tôi người này ngẩng đầu lên, thều thào nói bằng tiếng Việt:

- Đói, tôi đói quá!

Không phải Chằm Rươn, không phải người quen. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, chú là Việt?

- Tôi từ An Giang lên, hai bữa nay không có gì ăn, đói quá. Cô làm phước, có gì cho tôi ăn đỡ...  Chắc tôi chết quá!

Tôi vội vã vô nhà xúc một chén cơm nguội mang cho ông ta. Ông ta cầm lấy lùa ăn ngấu nghiến, xong rồi lấy tay lượm những hột cơm còn vướng ở râu bỏ vô miệng. Tôi muốn biểu ông ta vô nhà ngồi nhưng sợ nên vừa nấu ăn vừa coi chừng ông ta ở gốc cây xoài, mình có quen biết gì người ta mà biểu vô nhà. Khi nghe tiếng xe máy của chú Tư về tôi thở phào nhẹ nhõm. Thấy người lạ chú ngạc nhiên hỏi lớn:

- Ai vậy hả Nhung?

- Con đâu có biết, ổng nói ở dưới lên, kêu đói con lấy cơm nguội cho ổng ăn rồi.

- Vậy hả, để chú ra hỏi rõ coi.

Chú Tư trở ra hỏi:

- Ông ở đâu, sao lại biết đường vô đây?

Người đàn ông quờ quạng chỉ tay lung tung:

- Tôi vô các nhà chung quanh xin ăn xin uống, người ta không hiểu gì người ta đều chỉ qua đây, may quá gặp được đồng bào mình.

- Có thiệt ông ở An Giang không?

- Thiệt chớ, sao tôi phải nói láo. Tôi lên tìm con gái tôi mà.

- An Giang ông ở đâu?

- Tân Châu.

Chú Tư đưa tay đỡ ông dậy:

- Ông vô nhà đi, rồi mình nói chuyện.

Người đàn ông đứng dậy, thất thểu bước theo chú Tư vô nhà. Buổi tối chú Tư đãi ông như đãi khách. Chú biểu tôi chiên thêm dĩa trứng và đi mua một xị rượu. Chú hỏi chuyện Tân Châu, cười nói oang oang như quen biết người ta từ trước.

- Tôi là Tư, còn ông?

- Bảy Thưởng.

- Tân Châu cấp này ra sao ông Bảy, nghe nói bà con làm ăn trúng lắm?

- Cũng tùy chớ, có người trúng có người mất. Như vợ chồng tôi con cái nó bỏ đi hết, có ruộng mà không có người làm, vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Chú Tư ở miệt nào dưới đó?

Chú lặng im một chút như để coi lại xem mình ở đích xác miệt nào.

- Tôi ở trên này lâu rồi ông Bảy, biết gốc gác quê mình ở An Giang nhưng không nhớ miệt nào. Hồi năm bảy nhăm chạy Pốt tôi về ở Tân Châu, đi dạo cá kinh Ngũ Xã, lòng tong cá thiểu nhiều vô kể, giờ chắc thay đổi nhiều rồi há?

- Thay đổi nhiều rồi, đường sá kênh mương mới nhiều lắm, chú về chắc lạ luôn.

Nghe họ nhắc đến Tân Châu, Ngũ Xã, tôi chợt nhớ tới Cháy. Chắc bây giờ Cháy đã có vợ, có con. Tôi vẫn còn giữ cái kẹp tóc của ảnh cho tôi, thỉnh thoảng vẫn giở ra coi. Anh là người đầu tiên hun tôi, là người đầu tiên làm tôi hận. Tôi là ai, là gái Campuchia hay gái Việt! Cấp đó tôi hận anh lắm nhưng giờ nghĩ lại thì thấy anh chính là người thiệt thà, thiệt thà nói ra cái điều mà không bao giờ tôi nghĩ tới: tôi là ai!

Ông Bảy đã chuyển qua nói về người con gái ổng:

- Nó bỏ nhà đi hơn một năm rồi. Có người về biểu nó vô làm nhà chứa, tôi đau xót quá mới gom góp một ít tiền lên tìm bắt nó về.

- Chuyện đó thì có đấy, nhiều đứa lên vô làm cửa hàng không tốt, quậy xị tùm lum. Ông Bảy tính làm sao mà bắt nó bây giờ?

- Lên đây mới thấy khó quá, đường sá tiếng tăm mình không biết, chịu đói chịu khát cả ba bữa nay rồi mà không tìm ra manh mối.

- Vậy giờ tính sao, Nam Vang này mênh mông lắm, người ta có biểu ông người ta nhìn thấy nó ở đâu không?

- Có, ở cây số 11.

- Vậy mình đi tìm ở cây số 11. Ở đó có nhiều ổ điếm lắm.

- Tôi có mang theo cả hình nó nữa đây.

Ông Bảy lùa tay vô áo rút ra một cái bóp nhàu nát dơ bẩn, móc ra một bức hình đưa chú Tư. Chú Tư giơ chiếc hình ra trước ánh đèn vừa coi vừa xuýt xoa khen:

- Trông con nhỏ đẹp dữ.

- Tên nó là Hận. Tôi không hiểu sao hồi đó tôi đặt tên cho nó là Hận mà bây giờ phải chịu hận với con hoài hà.

Thấy chú khen vậy nên tôi cũng sà tới xem. Đó là ảnh một cô gái mới lớn có nụ cười tươi rói, tay giơ cao, ngón tay xoè ra hình chữ V, coi cũng đã thấy nghịch ngợm.

Ông Bảy nói:

- Gặp được chú Tư dịp này là ông trời ban phước cho tôi rồi. Bây giờ trăm sự vợ chồng tôi nhờ chú, có lôi kéo được nó ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp ấy không cũng là nhờ ở cả vào nơi chú chớ tôi hổng biết làm sao.

Chú Tư nhìn qua tôi, nói:

- Việc này phải có con Nhung giúp mới xong được. Giờ mình cho con Nhung đi làm trinh sát ở các ổ chứa, vừa mua ve chai vừa tìm hiểu xem con nhỏ ở đâu. Bộ ông Bảy với tôi đâu có vô được những chỗ ấy.

- Thì nhờ ông với cháu Nhung tính toán giúp cho.

Ngay hôm sau chú Tư đưa tôi tấm hình rồi chở tôi tới cây số 11. Tới nơi chú biểu tôi len lỏi vô các ngõ xóm dò la coi thế nào. Tôi vừa thu gom ve chai vừa nghe ngóng, tới ngày thứ ba thì một anh xe ôm người Miên nhận ra cô gái trong ảnh. Anh ta chỉ tôi tới một quán ca-ra-ô-kê bên đường, trước cửa quán có tới hơn chục đứa con gái mới lớn, quần áo mỏng manh, son phấn diêm dúa, đứa ngồi đứa đứng ngả ngón. Tôi nhận ngay ra Hận. Cô ta trắng trẻo, khoẻ mạnh, coi nổi trội nhất. Tôi vội vã quay về báo cho chú Tư nhưng chú không tin, chú biểu sao tìm được nhanh quá vậy, dễ lầm người. Rồi chú phóng thẳng tới quán ca-ra-ô-kê bên đường ở cây số 11.

Tôi và ông Bảy ở nhà nóng lòng chờ đợi, mãi khi trời tối hẳn chú mới về, đèn pha xe chú quét vô vườn loang loáng. Chúng tôi xúm vô hỏi chuyện. Chú vui vẻ kể:

- Đúng rồi đó ông Bảy. Tôi đụng nó rồi.

- Làm sao chú đụng nó được?

- Con Nhung làm trinh sát, tôi tới kiểm tra, thấy đúng nó rồi. Lần đầu vô quán tôi ớn quá trời, mắc cỡ thấy mồ. Dễ chừng trong quán phải có tới bốn chục đứa, toàn bển qua. Bà chủ hỏi chịu đứa nào, tôi chỉ ngay con nhỏ. Bà chủ đưa nó vô phòng cho tôi nhưng mà tôi không có chạm vô người nó đâu nghe.

Chú Bảy cười ha hả làm tôi cũng vui lây. Tôi hối chú:

- Rồi sao nữa chú, chú kể mau đi, hay quá.

- Ờ, chú hỏi nó quê đâu, nó nói An Giang, vậy là mình mừng rồi. Chú lại hỏi tên ba má nó, nó nói trúng ông Bẩy Thưởng. Hỏi riết nó quay qua quát chú rằng cái ông này kỳ quá, vô đây không làm gì mà cứ hỏi lý lịch.

Tôi chọc chú Tư:

- Vậy chớ chú có làm gì không?

- Đã nói rồi mà, không có chạm vô. Nó chuốc mình uống bia, cũng phải uống một lon, lâu lắm mới dám uống lon bia đã quá chừng. Nó vuốt ve mình làm mình không muốn cũng phải muốn. Mình không làm gì nó mà khi đi ra cũng phải cho nó mấy trăm ria, bà chủ biểu phải bo gì đó chú đâu có biết, hôm nay tôi lỗ quá trời rồi ông Bảy.

Ngày hôm sau chú Tư nhất quyết không chịu vô cái hang động đó nữa mà nói ông Bảy phải tự đi. Ông Bảy không biết làm cách nào, quay sang van nài tôi:

- Út Nhung, con đi giùm ông đi. Con tới kiếm nó biểu rằng ba nó đang chờ đợi nó ở đây nè.

Chú Tư xoay qua nói hùn vô:

- Phải đó, con là con gái, con vô đó đỡ sượng, con đi một chuyến đi, may kéo nó ra được. Đàn ông đàn ang ra vô chốn đó coi kỳ quá, không chịu nổi.

Hai người ép quá chừng làm tôi không thể nào từ chối. Chú Tư chở tôi tới trước cửa hàng, bỏ tôi xuống rồi lập tức quay xe phóng đi. Lũ con gái ngồi công khai trước cửa suốt một dãy nhà kẹp nách nhau, lơ láo nhìn, như muốn đuổi theo chú mà kéo xe lại. Hình như chú sợ cái chỗ này quá rồi. Tôi rụt rè bước vô, bà chủ lườm lườm mắt ngó chừng.

- Vô có chuyện gì?

- Con vô tìm đứa em, dì hai chỉ giúp con đi.

- Từ đâu tới? Sao biết nó ở đây?

- Con từ An Giang qua. Con hỏi thăm hoài, biết nó ở đây.

- Tên nó là gì?

- Dạ, tên nó là Hận.

- Có hai ba con Hận, mày cứ vô mà hỏi.

- Dạ, con cám ơn dì.

Tôi liều bước vô trong, đi qua một hành lang với nhiều cửa phòng tối thui thì tới một phòng lớn, sáng sủa hơn, có đèn xanh đèn đỏ chiếu lập loè. Chừng hai ba chục đứa con gái ngồi trong phòng này, nhìn qua ánh đèn màu thấy đứa nào cũng nõn nà, non trẻ. Đứa lơ mơ ngả ngón ngủ, đứa túm tụm chuyện trò, thoáng thấy bóng tôi chúng đều quay nhìn, mắt chúng mở to tò mò hướng cả vô tôi làm tôi lúng túng vô cùng. Tôi nhận ra ngay đứa con gái ông Bảy trong đám chúng nó, trông nó hệt như trong bức hình ông Bảy đưa. Tôi kêu:

- Hận ơi, qua đây chị biểu.

Không đứa nào đứng lên. Bà chủ nãy đã biểu tôi có tới hai ba con Hận. Tôi chỉ vô con gái ông Bảy, kêu tiếp:

- Em đó, qua chị biểu chút xíu.

Nó vẫn nghi ngờ, chỉ tay vô nó rồi hỏi:

- Tôi hả?

- Phải rồi.

- Kỳ dữ vậy! Có chuyện gì chị Hai?

Nó đứng lên đi ra, tôi cầm tay nó kéo qua cái hành lang tối om om, đi ra ngoài đường.

- Có chuyện gì mà chị Hai làm lạ vậy?

- Em là Hận, con ông Bảy đúng không?

- Phải, chị ở dưới lên hả? Ba má em khoẻ không?

- Ba em đang ở đây. Ổng qua bắt em về, ổng nhờ chị tới biểu em như vậy đó.

- Ông già kỳ quá, để im cho người ta làm ăn, kiếm chút đỉnh chớ, cứ như ổng thì còn nghèo kiết xác đến bao giờ.

- Ông nhờ chị kiếm em, ổng muốn em về bển ngay với ổng.

- Ổng đang ở đây hả? Hèn chi bữa qua có chú tới kiếm em cứ dò la em hoài.

- Ổng đang ở chỗ chị. Giờ theo chị về với ổng được không?

Con bé chần chừ chút xíu rồi quay vô xin bà chủ. Dáng chừng đang lúc không có khách nên bà ta gật đầu cho đi ngay. Khi con bé bước tới cửa bà ta gọi giựt lại:

- Mau chóng mà trở về nghe không con.

Hận quay lại đáp nhẹ nhàng:

- Dạ, con đi chút xíu rồi trở lại ngay nè dì.

Tôi đưa nó về tới nhà cho ông Bảy. Ông Bảy thấy con thì gầm ghè quát nạt, trách cứ, đòi bắt về ngay. Con bé sợ quá ngồi nép vô một góc. Chút xíu sau nó nhìn ông Bảy, mắt thao láo ráo hoảnh:

- Ba để con kiếm ít giúp ba, ba má nghèo, vất vả quá. Cũng tại con thương ba má thôi mà.

Ông Bảy nói rít qua kẽ răng:

- Chớ đâu ba má mày có thể xài thứ tiền đó được. Thà ăn rau ăn cháo đi con.

Hận nói:

- Ra khỏi nhà hàng cũng đâu có dễ. Ba có tiền chuộc chớ?

Ông Bảy đứng ớ ra:

- Sao, sao lại còn phải chuộc? Vậy chớ bây giờ đi ngay thì ai bắt mày?

- Giấy chứng minh của con bả cầm nè, cái dây vàng 18 của con bả giữ nè, giờ con đi với ba thì con tay không?

- Trời ơi sao rắc rối vậy, biết tính làm sao!

Chú Tư hỏi:

- Chuộc hết bao nhiêu?

- Ít ra cũng mất ba chỉ.

Ông Bảy hỏi:

- Cái dây vàng của mày cỡ mấy chỉ?

- Cỡ một chỉ, con còn một chỉ nữa. Vậy cũng mới được hai chỉ.

Lúc đó ông Bảy mới gỡ trong túi ra chiếc nhẫn một chỉ, đưa cho chú Tư.

- Bỏ vô cái này nữa là đủ ba chỉ, trả hết cho người ta rồi về, tay không cũng về.

Con Hận tiếc của ngồi khóc thút thít. Ông Bảy nhìn chú Tư, có vẻ muốn hỏi chú tính sao. Tôi biết cách gì chú Tư cũng biểu ông phải đưa con Hận về bằng được.

- Ông Bảy giải quyết xong đi rồi tôi chở ông và con Hận về bển, chở không công cho ông, coi như ủng hộ người đồng hương đó.

- Tôi biết ơn chú Tư quá trời. Qua đây lạ hoắc lạ huơ, phước đức mới gặp chú, mới tìm được con Hận. Nay lại đưa cha con tôi về mà không lấy tiền. Tôi mang ơn chú quá trời.

Việc chuộc con Hận ra cũng lẹ lắm. Tôi thấy chú Tư đưa cha con ông Bảy đi một chập đã quay lại, con Hận ôm theo một cái túi du lịch màu đen đựng đồ của nó. Ông Bảy mặt mày hớn hở, khoe với tôi:

- Bả đồng ý liền đó Nhung à, coi vậy mà bả cũng hiền lành dễ sợ, chỉ lấy hai chỉ còn cho con Hận mang theo cái dây vàng.

Chú Tư cười hềnh hệch:

- Vậy ông biểu nó lấy cái dây vàng trả công tôi chở hai cha con về.

Ông Bảy cũng cười.

- Người chuyên dạo cá như chú mà giờ làm xe ôm thì cũng kỳ dữ. Đời bây giờ nhiều chuyện coi lạ ghê quá nghe chú.

Chú Tư mượn bộ đồ lính mặc vô rồi chở cha con ông Bảy về bển thiệt. Chú biểu mặc đồ lính chở con gái đằng sau đi qua các trạm không phải đóng tiền. Chú ở lại chơi một ngày, ông Bảy đãi chú thịt chuột nướng đã đời rồi chú trở lên ngay. Chú biểu ở bển sướng thiệt, làm gì cũng đủ xài, chưa biết chừng chú sẽ nhận lời trở về dưới cùng làm mấy công lúa với ông bà Bảy. Tối nào đi làm về chú cũng nói chuyện Tân Châu với tôi, làm như đấy là nơi chú đã sanh ra, làm như ông bà Bảy là anh chị em ruột của chú. Khoảng mươi bữa sau tôi đi mua ve chai qua chợ chợt thấy một đứa con gái ngó rất giống con Hận đang ngồi ăn ốc luộc chấm nước mắm xả. Tôi đặt gánh ve chai xuống, đứng hẳn lại nhìn và ngạc nhiên kêu lên:

- Mèn ôi, có phải Hận đó không!

Nó ngẩng lên nhìn, miệng vẫn còn dính tương ớt.

- Ủa, chị Nhung. Chị ăn ốc với em đi.

- Sao mày ở đây Hận, mày về bển rồi cơ mà.

- Em vừa mới trở lên, ở dưới đâu có sống được, em phải đi mót lúa hoài hà.

- Chớ trở lên rồi làm gì? Ông Bảy sao không giữ lại?

- Em không có cho ổng biết. Lại vô chỗ cũ chớ đi đâu. Hỏi gì nhiều chị Nhung, ngồi ăn ốc nè!

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang