19/03/2010 09:27:00 AM
Chú Tư, con là ai (phần 2)

... Ba tôi đã không bao giờ tới được đất mình. Trong những ngày ở chùa Bà Om Xà-no, anh Hai và Som Bát thường theo trẻ con đi kiếm thức ăn. Nhà cửa bỏ hoang, chúng tha hồ vô vườn hái bầu hái bí, có khi còn bắt được con gà hay con vịt xiêm bị thả đói...

Chôn cất dì Tám xong tôi thấy người lớn thường thì thụt qua lại gặp nhau, thầm thì bàn tán. Tôi nằm cong queo cạnh má, giả bộ như ngủ nhưng vẫn để ý nghe hết câu chuyện của họ.

Tiếng chú Tư thì thào, tôi hình dung ra cái má bị đạn bắn lủng của chú ban ngày coi sưng tấy lên, đỏ au.

- Tới cấp này mà không chạy về dưới nhanh thì kẹt. Người mình ở mấy tỉnh phía tây kẹt dữ lắm rồi.

Có tiếng e é nghe như tiếng đàn bà:

- Tụi nó giết nhiều người lắm, tới đâu cũng có xác người thối inh.

Đó là tiếng chồng dì Bảy, ông này cao lênh khênh, đầu luôn đội cái nón cao bồi giống in hệt hình vẽ trong bộ bài lá của tụi tôi. Tôi lại nghe tiếng ba tôi thở dài, hỏi chú Tư:

- Làm cách nào về dưới được?

Chú Tư nói:

- Giờ nó chèn ép như muốn đuổi mình về hết dưới. Mình ở cận sông thế này thì xuôi bè là tốt nhất.

Chú Bảy lại e é nói:

- Có nhiều người xuôi bè rồi, tôi còn nghe có người ôm chuối trôi về tận Hố Lương.

Ba hỏi:

- Lấy đâu ra tre mà kết bè?

Chú Tư trả lời:- Khó gì anh Sáu, mình đốn ít cây gòn, giờ này còn ai giữ. Bè gòn hơi nặng nhưng xuôi được tới biên giới.

- Bao giờ xuôi?

- Đợi vài hôm nữa nước ròng.

Từ bữa đó ba má tôi lặng lẽ thu vén đồ đạc, gói cả vô hai cái bọc. Tôi hỏi má:

- Mình dọn nhà hả má?

- Chạy đi chớ ở lại đây nó bắn cho chết hết.

- Chạy về dưới là về Việt Nam hả má?

- Dưới là Việt Nam, mình về dưới là về Việt Nam.

- Vậy sao mình lại chạy hết về Việt Nam?

Má không biết trả lời sao, lườm tôi:

- Im đi, con nít biết gì mà léo xéo trên với dưới.

Người lớn sướng vậy đó, không trả lời được thì biểu con nít, im đi. Mà sao tới giờ mà má còn biểu tôi là con nít, vậy phải thế nào mới thành người lớn? Nếu tôi biết mình phải làm gì để thành người lớn thì tôi làm cái phắt cho xong chớ lúc nào cũng con nít con nít uất không chịu nổi.

- Má, má nói con nghe con lên mấy rồi mà còn con nít hả má?

Ba xoa đầu tôi, thong thả:

- Ờ, con lên mười rồi đó Nhung. Giúp được ba má rồi.

Má liếc xéo ba, phản đối:

- Còn tốn nhiều cơm gạo của tôi lắm đó, lúc nào coi cũng gày đét như con mắm, lớn nhỏ với ai.

Tôi lặng im ngó hai cánh tay mình, má nói đúng quá, cổ tay như que củi, lại đen đúa nữa chớ. Đen như thế mai rồi có lớn lên thì cũng không thể nào trắng được như Út Thuỷ là cái chắc.

Đến ngày về dưới, mọi người kéo nhau ra bè vào buổi tối, bóng người đi lặng lẽ dưới ánh trăng mờ nhạt trông như những bóng ma. Họ đi lặng lẽ quá làm tôi nghĩ tới ma Út Thuỷ, ma dì Tám. Tôi tự bảo những ma này không nhát mình, là ma quen ai lại đi nhát người quen, có chăng thì họ cũng theo mọi người về dưới thôi. Tự bảo mình thế cho bớt sợ, bớt sợ phần nào chớ tôi không chịu rời anh Hai với Som Bát nửa bước. Ma chưa thấy nhát mà tụi này cứ một quãng lại đã nhát tôi, làm tôi hoảng hốt thét lên mới chịu buông tha. Mọi người lặng lẽ hợp nhau ở bờ sông, có bốn nhà, nhà tôi bốn người, nhà bà Pha Vi hai, nhà dì Bảy em má tôi ba, nhà chú Tư có chú Tư và bà má già nua của chú, tất tận mười một người lớn nhỏ. Khi tất cả trèo lên thì bè khẳm, nước rập rình tràn lên mặt bè, đẩy mãi không chịu chuyển mà cứ chìm dần. Chú Tư đuổi mọi người quay trở lên bờ, nói:

- Phải kết phao cho bè nổi lên mới đi được.

- Lấy gì làm phao hả Tư?

- Cây chuối.

Mọi người chia ra đổ đi tìm chuối. Anh Hai cũng kiếm được một con dao rựa, cùng Som Bát đi dọc theo bờ sông, cứ thấy chuối là đốn rồi lăn xuống nước. Vắng lặng kinh người. Tụi tôi đụng mấy con chó hoang chạy ngang, coi chúng không dữ như thường ngày. Chúng dừng lại ngó tụi tôi nghi ngờ rồi không dám sủa, cụp đuôi kêu ư ử chạy biến. Anh Hai lượm một hòn cuội liệng theo, cười ha hả với Som Bát:

- Trời đất, mấy con chó hoang cũng sợ Pốt thấy mồ.

Người lớn lội xuống sông, kết rất nhiều chuối quanh bè. Ba tôi chỉ nổi lên từ ngực, thỉnh thoảng tôi té nước vô mặt ông, ông lấy tay vuốt nước trên mặt cười lên hơ hớ. Nhờ phao chuối mà bè nổi dần. Quá nửa đêm mọi người lên được hết, từ từ chống bè ra khỏi mé sông.

Tôi ngủ trong cái lạnh của gió sông, khi tỉnh dậy đã thấy bè trôi dưới ánh nắng mặt trời. Cũng có mấy chiếc bè khác lặng lẽ trôi, một chiếc ghe máy phành phạch lao đi kế bên, phụt ra một luồng khói đen khét lẹt mùi dầu, sóng dồi bè chúng tôi chòng chành lui tới. Mọi người ngồi xúm vô nhau ở giữa bè, riêng ba tôi và chú Tư đôn đáo qua lại lo cho bè trôi thẳng theo dòng. Bà má chú Tư già lắm, răng móm hết làm hai má hóp lại, nhăn nheo, tóc bạc lơ thơ. Bả lên cơn sốt hầm hập, run cầm cập trước mỗi cơn gió thổi thông thốc. Má tôi vén bụng rút ra một lọ dầu gió đưa bả, nói giọng ái ngại:

- Thím xức ít dầu gió cho đỡ đau.

Chồng dì Bảy ngáp liên tục, ngó nghiêng một chập rồi lăn ra ngủ, cái nón úp trên mặt nên nước bắn vô cũng không hay. Anh Hai, Som Bát và đứa con dì Bảy ngồi túm lấy dì Bảy nghe kể chuyện. Trẻ con kết dì Bảy kể chuyện lắm nhưng má tôi toàn biểu dì kể tào lao, kể bậy, làm hư trẻ con. Chắc bởi vì dì kể chuyện ma hoài à, ma có cái lưỡi đỏ lòm thè ra dài ngang đòn gánh, hỏi ai mà không sợ, sợ mà nghe hoài không chán. Lần này trên bè dì Bảy không kể chuyện ma, dì kể chuyện ở dưới, nào là mình về bển là về nhà mình, nhà mình có dòng sông có con đò thơ mộng lắm, xoài dừa ăn mệt nghỉ luôn, cá bự bằng bắp đùi bắt không có xuể... Ba tôi nghe lỏm, mủm mỉm cười:

- Con Bảy nói xạo mà nghe hay quá, mày về bển chừng nào rồi mà kể như thiệt vậy?

Dì Bảy ôm lấy tôi ngả ra cười thoải mái:

- Lần này em mới về là một đó anh Tư, chuyện nghe ngoại kể riết rồi nhớ mãi.

Bè trôi rất êm, chú Tư không có nhiều việc làm, chân tay thừa ra nên thỉnh thoảng lại nhảy xuống sông, bơi theo bè. Bơi chán lại bám mép trèo lên. Coi chú nhảy xuống sông rất đẹp, hai tay chú dang về trước rồi cắm cả người xuống nước biến mất luôn, lát sau mới ngoi lên bơi theo, loang loáng dưới nắng. Cái vết lủng trên má chú giờ đang cắn miệng, chuyển từ màu đỏ qua màu tím bầm.

Trên bè không có gì để chơi, nhìn mãi hai mé sông cũng ngán. Tôi kéo áo má hỏi:

- Có gì ăn không má, con đói.

- Ráng đi con, chờ chút xíu má chụm lửa luộc khoai.

- Sao không nấu cơm má, con thèm cơm, con ăn cơm cơ.

Má tôi trợn mắt la lên:

- Trời ơi con nhỏ này lộn xộn quá chừng, mày là cái thá gì mà đòi thèm cơm!

Dì Bảy quay qua dỗ:

- Bữa tối mình ăn cơm, giờ ráng ăn khoai luộc nghe con. Chừng nào về tới bển dì nấu cơm cho con ăn vã.

Xuôi được hai ngày thì chúng tôi bỗng gặp rất nhiều ghe, xuồng, cả bè như chúng tôi nữa. Chú Tư và ba tôi phải ghìm cho bè trôi chậm lại. Mấy chiếc xuồng máy chở lính bận đồ đen, tay lăm lăm súng đi rượt ghe rượt bè rồi kéo vô mé sông. Tiếng quát tháo oang oang, tiếng gọi nhau ý ới, hốt hoảng. Những người trên xuồng trên ghe đều phải đem đồ lên cho lính lục soát, gặp cái gì quý chúng đều chặn lại, tiếng khóc lóc van xin vang dội cả quãng sông, nghe thiệt thảm. Ba tôi biểu mọi người:

- Tới Hố Lương rồi, chúng nó kiểm soát gắt lắm.

Má tôi nhanh tay buộc mấy chỉ vàng vô cạp quần anh Hai rồi đẩy anh xuống sông cùng Som Bát và đứa con dì Bảy.

- Tụi bay cứ lội dưới đó, làm như đùa giỡn ấy nhá. Bè chưa đi thì không đứa nào được lên.

Lính áo đen xua hết người lớn lên bờ, tôi ngồi một mình trên bè với má chú Tư. Anh Hai, con dì Bảy và Som Bát giỡn nhau thiệt dưới sông, bơi đuổi nhau chí choé. Một chập mọi người quay về hết nhưng thiếu chú Bảy. Dì Bảy gọi thằng con. Anh Hai định lên theo nhưng bị má đạp trở lại. Dì Bảy đẩy đứa con lên bờ, ôm theo mấy cái bọc. Bà Pha Vi cũng vội vàng vơ lấy túi đồ của mình. Khi ngang chú Tư, bà lấm lét dúi vô tay chú một cái bọc bự.

- Chúng biểu tôi đi, tôi phải đi. Có chút đồ quý nhờ ông coi giùm, ráng giúp tôi trông nom thằng Som Bát.

Nói rồi bà sụp xuống vái, coi không biết vái cái bọc hay vái chú Tư. Bà khóc và bước lên bờ, ngập ngừng ngoảnh xuống sông nhìn Som Bát thì một người lính áo đen đã vội vã đẩy bà dúi đi. Anh Hai và Som Bát dầm nước lâu quá, da xám ngoét, chân tay nhăn nheo. Chú Tư kêu họ lên bè, giơ tay kéo Som Bát rét run rẩy, nước trên người bắn tung rớt cả xuống chỗ bà má chú Tư đang nằm. Chú lấy cái mền màu xám đắp cho bả, trông như khăn phủ lên người chết. Ba má tôi đứng ngồi sốt ruột đợi vợ chồng dì Bảy và bà Pha Vi, đợi hoài mà không có tăm hơi. Ba tôi lội qua lội lại mấy chiếc ghe gần đó hỏi dò. Tới khi mặt trời lặn xuống cánh đồng, mặt sông xám ngoét tối sầm thì ông hết chịu nổi, quay lại nói với chú Tư:

- Hỏi người ta cho hay con Bảy bị nó hãm ngay hồi chiều, chồng nó với thằng nhỏ bị giam, cả bà Pha Vi cũng bị nhốt riêng. Mình mau đi thôi, chờ nữa chết lụy theo luôn.

Thế là trên bè chỉ còn nhà tôi 4 người, hai má con chú Tư và Som Bát. Bà má chú Tư ra sông gặp gió to lại ho sù sụ, hơn một ngày sau bả chết. Trước đó tôi thấy bà hấc hấc lên, tay quơ quơ rồi rơi phịch xuống. Lần đầu thấy người chết ngay cạnh, tôi sợ quá khóc thét, ôm lấy chân ba. Ba gỡ tôi ra để đi phụ chú Tư. Chú Tư bồng ngang người bà, hai tay bả thõng xuống, tóc bà rũ rượi lơ phơ trước gió. Chú Tư cứ thế bồng bà lên bãi, ba tôi, anh Hai và Som Bát lặng im đi theo chú. Tôi quệt nước mắt, hỏi má:

- Bà má chú Tư chết thiệt rồi hả má?

- Ừ, thiệt rồi. Tiêu hẳn rồi.

Tôi rất lạ, không thấy chú Tư khóc. Khóc như cái hôm Út Thuỷ bị bắn chết ý. Bữa đó chú ngồi rũ ra, khóc nức nở, hai vai rung lên. Bữa nay má mất, mắt chú đờ đẫn nhưng ráo hoảnh. Tôi hỏi má:

- Sao con không thấy chú Tư khóc hả má?

Má lấy vạt áo lau mắt. Vậy ra má cũng khóc nhưng lại nói:

- Còn làm sao mà khóc nổi nữa con?

Vùi xác bà má chú Tư xong, ba tôi và chú Tư buộc bè ở bãi rồi đưa mấy mẹ con tôi lên xóm. Sau khi đi tìm một vòng quẩn quanh, họ đưa chúng tôi vô một cái nhà hoang ở tạm. Bốn xung quanh đều có nhà nhưng đều không có người ở. Tôi liên tiếp rùng mình, thấp thỏm một điều gì bất an mà không nói ra thành lời được nên cứ ôm riết lấy chân ba.

- Sao nhiều nhà trống quá vậy ba?

- Đó là nhà của người Miên, người ta bị Pốt xua đi hết rồi.

- Sao mình lại về đây hả ba?

- Mình bị Pốt xua về đây.

- Pốt là ai vậy ba?

- Là lũ người lính bận đồ đen đó.

- Ba ơi sao lính Pốt ác vậy?

- Ờ, ba cũng không biết vì sao, chỉ biết mình là người Việt nên Pốt xua mình về bển.

Má tôi không chịu ngồi im, xía vô:

- Ba con mày nhỏ cái miệng giùm, tai vách mạch dừng cả đó.

Lúc này tôi thấy có mấy người đội muối đội gạo vô xóm đổi lấy vàng. Má tôi kêu họ vô, biểu họ đổi cho một phân, họ đong gạo ra đổ vô bao bố cho má. Ba tôi hỏi người đổi gạo:

- Thím có biết đây là đâu không thím?

- Mình đang ở gần chùa Bà.

Má tôi lạ lùng:

- Coi lại có lộn không, chùa Bà ở miệt Châu Đốc chớ.

- Đây là chùa Bà Om Xà-no. Mình vẫn ở đất Miên. Đi chút nữa tới Vĩnh Xuơng rồi.

Ba nhìn má, mắt ba sáng lên, giọng nói hồ hởi vui sướng:

- Ờ, chút nữa thôi, tới đất mình rồi là thoát chết đó má nó à.

Ba tôi đã không bao giờ tới được đất mình. Trong những ngày ở chùa Bà Om Xà-no, anh Hai và Som Bát thường theo trẻ con đi kiếm thức ăn. Nhà cửa bỏ hoang, chúng tha hồ vô vườn hái bầu hái bí, có khi còn bắt được con gà hay con vịt xiêm bị thả đói. Một buổi chiều, ba tôi dắt về một con bò lạc. Anh Hai thích lắm, chạy đi vặt mấy ngọn lá bắp cho nó ăn. Nó thò cái lưỡi ra cuốn cả nắm lá. Anh Hai biểu ba:

- Mình để con bò nuôi nghe ba.

- Nuôi sao được, ít hôm mình về bển, không dắt đi theo được đâu.  

Tới chiều xuống, có vài người đàn ông đến cùng ba tôi dắt con bò ra một gốc mít. Họ buộc dây vô đầu con bò rồi vắt qua cành mít, ghì bò lên. Cái đầu bò ghếch lên trước, hai chân trước cũng bị co lên, cuối cùng nó chỉ đứng trên hai chân sau, cả cái cổ và cái bụng phơi ra. Một người lực lưỡng, đóng độc cái quần xà lỏn màu nâu, đầu quấn khăn cà ma, tay cầm con dao đâm tiết heo đâm thẳng một nhát vô cổ con bò. Tôi sợ quá chạy tuốt vô nhà, hai tay che mặt nhưng vẫn nghe tiếng con bò rống lên, một hồi yếu dần rồi im bặt. Không ngồi im được, tôi chạy ra, đụng luôn người bê chậu tiết, máu bò đỏ lòm trong cái chậu nhựa, bong bóng và bọt trắng còn nổi trên mặt máu. Tối hôm ấy trong nhà ngoài vườn đều thơm phức mùi thịt nướng. Nhà tôi quây quanh mâm cơm, thịt bò nướng nóng hổi bày ngồn ngộn trên lá chuối. Chú Tư kiếm được xị rượu, ba tôi và chú ngồi sắp bằng lai rai. Ba cầm đũa gẩy tìm miếng thịt to màu hồng mềm nhất gắp bỏ vô chén của tôi, nói:

- Tội nghiệp con gái ba, ăn đi con, thịt bò phải ăn nóng con à.

Tới khi ổng gắp miếng thịt đưa lên miệng mình thì bỗng dừng giữa chừng, cái miệng ba há to không ngậm lại được. Ông vừa chợt thấy có những bóng đen ngoài sân. Ông hoảng hốt đờ đẫn người, tay run lập cập làm rớt miếng thịt xuống đất, miệng lắp bắp:

- Chết mất rồi, Pốt tới.

Bọn người áo đen như từ trên trời rớt xuống, từ dưới đất chui lên hùng hổ xộc vô nhà, miệng chửi bới, chân đá tung những miếng thịt bày trên tàu chuối rồi chộp lấy ba tôi lôi đi. Ông kêu rống lên thảm thiết:

- Má nó ơi tôi đi.

Má ôm chặt lấy tôi, run lên từng hồi. Má không khóc, bả đã nói với tôi còn khóc sao nổi nữa. Đêm ấy không ai ngủ được. Tôi nằm trằn trọc, thảng thốt lúc tỉnh lúc mơ, chợp mắt là thấy ngay ba tôi mở cửa bước vô, miệng liên hồi gọi Nhung ơi, mở mắt ra thì chỉ thấy đêm đen rất kinh sợ. Chú Tư không chịu nằm, bỏ nhà đi ngay sau đó. Khoảng nửa đêm chú trở về, thì thầm nói với má:

- Chị Sáu nè, chị đưa sắp nhỏ đi ngay đi. Tôi đã nhờ được chủ ghe muối, rạng sáng họ trở về bển. Chị và các cháu ngồi nhờ ghe muối nhé, cũng mất khá tiền. Phải mau lên chứ không thì chết cả. Mình cứ xuôi theo dòng sông tìm về nơi nào an toàn, chưa tính xa được. Những lúc thế này, đầu óc cuống lên, chỉ tính tạm như vầy.

Má tôi hỏi giọng run rẩy:

- Vậy còn chú?

- Tôi ôm phao trôi theo dòng nước chị à.

- Sao không đi ghe cùng luôn?

- Tôi lội nước quen rồi, mắc gì mình mất thêm tiền. Thôi, chị đánh thức sắp nhỏ đi.

Má lay gọi anh Hai và Som Bát. Anh Hai ngái ngủ dụi mắt, dậm chân thình thịch nói:

- Tôi không đi đâu hết, tôi đợi ba.

- Đi con, kẻo chết cả bây giờ.

Anh Hai không đi. Cực chẳng đã,má dang tay tát bốp vô mặt anh một cái tát nổi đom đóm. Anh Hai loạng choạng sắp ngã nhưng không khóc.

- Má đánh tôi cũng không đi. Chết cũng không đi. Tôi chờ ba.

Má bất lực, đau khổ ngồi phịch xuống nền đất. Lúc ấy bả mới khóc, coi bả thật tội nghiệp. Chú Tư kéo anh Hai vô, nhẹ nhàng xoa đầu ảnh rồi nói:

- Nghe lời má đi con, mình về bển chờ ba cũng được, ở lại Pốt nó giết cả nhà.

 

 (Còn nữa)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)
  • Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông (17/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang