05/05/2010 04:42:52 PM
Chú Tư, con là ai (phần 19)

... Trời vừa sáng, mấy người trong chi hội ròng dây thả quan tài vô xuồng rồi cùng chú Tư chở đi. Bà Mười đòi lao xuống biển đi theo ông Mười, tôi cùng Gấm phải ôm chặt lấy bả kéo vô. Tôi ngó theo chiếc ghe, thấy cái quan tài thếp vàng nằm ghênh ghếch cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi biến vô khu rừng tít tắp xa. Tôi rùng mình nhớ lại những chuyện gác người chết vào mùa mưa của ông Năm kể.

 

(…) Sau lần đụng Pốt, chắc vì phải ngụp lặn dưới nước nhiều để thoát thân nên ông Mười quay ra bịnh thương hàn. Ông sốt liên miên, sút ký mau lắm, chẳng mấy lúc coi ông đã thật thảm, râu tóc bạc bơ phờ, hai con mắt lờ đờ trong hai hốc mắt sâu hoắm, viền quanh mắt thâm quầng, da mặt, da chân tay nhăn nheo rất tội. Lúc khoẻ ông Mười vấn thuốc nên môi ông vốn đã thâm nay càng thâm hơn, ông thường há miệng, hơi thở nghe nặng nề khó chịu. Bà Mười đút cháo cho ổng, chốc chốc ổng lại ói ra, có khi ói khan, chỉ có một chút đờm lẫn nước miếng. Chú Tư và tôi qua ổng suốt ngày, phụ với bà Mười và cái Gấm coi sóc ông. Có chú Tư ngồi kế, ông thều thào nói:

- Tư à, sao giờ tao sợ chết quá.

- Sống chết có số, sợ cái gì. Chừng nào tôi bằng tuổi chú tôi cũng chết chớ sống hoài sao được.

- Biết vậy mà nghĩ vẫn sợ. Mày coi đưa tao về bển được không?

- Đang bịnh đi sao được.

- Tao muốn về bển.

- Rồi, chú nói với tôi mấy lần rồi, nhưng mà để chú đỡ bịnh đã.

- Bịnh tao không đỡ được nữa rồi. Tao biết.

Bà Mười xía vô:

- Đã biết bịnh không đỡ sao còn đòi về bển?

Ông Mười ngoái đầu qua bả, van lơn:

- Bà thương tôi, cho tôi về chết ở bển.

Bà Mười kéo vạt áo chấm nước mắt:

- Chết ở bển đâu có dễ, giờ ở bển ông có ai thân thích mà đòi về. Hay là có bà nhỏ bà lớn nào thế tôi coi sóc cho ông?

- Bà nói vậy tội cho tôi, vợ chồng ngần ấy năm trời tôi có bao giờ hai lòng đâu.

Bà Mười mếu máo, vỗ về ông Mười:

- Tôi chọc ông tí cho đỡ cực đó thôi chớ có bao giờ nghi ngờ ông đâu. Ông cứ nằng nặc đòi về bển mà làm tôi não ruột não gan. Làm thế nào mà về bển bây giờ! Còn hai thằng con trai ông làm sao kêu chúng nó về?

- Tụi nó lớn rồi, đang đi đánh Pốt, bà mặc chúng nó, đừng kêu chúng nó về làm chi. Chừng nào chúng quay về tìm mình thì nhờ chú Tư biểu lại chúng.

Ông Mười lại cố gắng xoay qua chú Tư:

- Ở bển tao còn anh Hai, anh Ba, đủ hết trơn hà, họ đang đợi tao.

Bà Mười biểu chú Tư:

- Ông Mười lẫn rồi, mấy người anh em đó đã chết tiệt từ lâu.

Ông Mười vẫn kiên nhẫn:

- Tư, mày nói cho bả coi về bển đâu có khó, phải hông?

Chú Tư nhếch mép lên mà không cười được.

- Dễ ợt mà, chú bơi xuồng vô bờ, rồi đi bộ…

- Đó, đúng rồi, đi bộ tới Puốc-sát…

- Rồi, tới Puốc-sát, tìm cách đi nhờ xe tình nguyện về Nam Vang. Về Nam Vang đi một ngày là tới bển. Vậy chớ chú đi được không?

- Được chớ, chừng nào đi?

- Mai mốt gì đều được hết.

- Vậy ngày mai nhờ bán ghe, ngày mốt đi luôn.

- Sao phải gấp vậy chú Mười?

- Tao muốn về nhanh kịp chết ở bển. Mày giúp tao được toại nguyện chứ?

- Được mà chú Mười, chú yên tâm đi. Mai tôi với bả bán ghe, mốt chú về bển.

Ông Mười không nói gì, bóp tay chú Tư rồi nhếch mép cười mãn nguyện.

Chú Tư nắm tay ông Mười bóp nhẹ. Chú gượng gạo cười nhưng từ mắt chú lại có những hạt nước mắt vừa trong vừa tròn lăn xuống má. Uả, chú Tư mà cũng khóc à, chưa bao giờ tôi thấy chú khóc mà nay nước mắt chú chảy hoài.

Chặp tối Chằm Rươn rước được anh y sĩ tình nguyện tới. Chằm Rươn kêu tôi:

- Nhung chào anh Nam đi. Bữa đám cưới anh Nam cũng tới mừng cho tụi mình đó.

Tôi ngó anh, chào:

- Chào anh Nam, em mời anh vô uống nước.

- Để anh qua thăm bịnh cho ông già đã, chút xíu xong việc rồi anh vô.

Chằm Rươn biểu tôi:

- Em nấu cơm anh Nam luôn nghe, anh Nam ở lại sớm mai mới vô bờ được. Nước nổi sắp hết cỡ rồi, đi đêm lỡ đụng Pốt khó coi lắm.

Cơm chín cũng vừa lúc chú Tư và hai anh trở về. Anh Nam bụm nước rửa tay rồi lau tay vô chiếc khăn mặt buộc trên sặc cốt cứu thương. Nhìn chiếc sặc cốt cứu thương tôi lại nhớ lúc chú Tư bịnh đã có hai anh tình nguyện tới coi sóc chú. Tôi hỏi anh Nam:

- Ông Mười sao rồi anh Nam?

- Ổng bệnh nặng lắm rồi, tôi không dám nói với bả nhưng tôi e ổng không qua được.

- Vậy mà ông đòi chú Tư mai bán ghe, mốt về bển.

Chú Tư buồn rầu nói:

- Ổng giở chứng đó. Tao cũng biết ổng không qua khỏi nhưng cứ hứa vậy cho ổng nhắm mắt được yên tâm.

Anh Nam hỏi:

- Quê ổng ở đâu?

- Ổng biểu ổng quê ở Hồng Lĩnh, nhưng lúc khoẻ có bao giờ ông nhắc tới chuyện về bển đâu.

Anh Nam ăn hết bát cơm với khô sặt rồi nói:

- Quê tôi ở ngoài Bắc, các cụ thường nói cóc chết ba năm vẫn còn quay đầu về núi là vậy mà chú.

Chú Tư hớp một ngụm rượu, đôi mắt chú buồn phiền nhìn ra biển đang tối dần:

- Cóc chết ba năm quay đầu về núi, nghĩ tới chuyện đó mà rầu rầu từng khúc ruột.

Bữa cơm buồn thiu, xị rượu đế chỉ cạn đi có một phần ba, không ai còn muốn nhậu. Sớm hôm sau anh Nam đi thì chiều tối ông Mười tỉnh táo trở lại. Mọi người đều kỳ lạ xúm vô thăm ông. Ông lấy tay yếu ớt ra hiệu biểu tôi gọi chú Tư. Chú Tư qua, ông biểu Gấm lấy đờn đưa chú.

- Tư à, mày đờn cho tao ca.

- Tôi đâu biết đờn.

- Gảy tưng tưng theo nhịp đi, đó đó, vậy là được, tao ca theo được ngay nè.

Đôi mắt ông Mười bỗng sáng lên long lanh nhìn mọi người, ông mở miệng ca thều thào không ra hơi, vậy mà tôi vẫn nghe được, lời ca chia ly đau đớn.

Trời ơi, bởi ra đi từ bao nhiêu năm tháng, nên tôi đành chia tay vĩnh viễn với quê nhà. Mẹ già ơi đừng mòn mỏi đợi chờ, hãy gọi tên tôi trong những chiều sương lạnh. Xin hãy nhớ đến tháng năm này, có một đứa con đã vùi thây trên sông nước đất người.

Tới đó thời ông kiệt sức, đầu ngoẹo sang bên, mắt mở trừng trừng. Bà Mười biểu vậy là ông sắp đi. Cả buổi tối tôi không ngủ được, trong đầu lúc nào cũng ong ong văng vẳng lời ca của ông, sáng sớm vừa chợp mắt đã nghe tiếng Gấm gào khóc. Tôi choàng dậy, biết ông Mười đã đi, hu hu khóc, lao ngay qua bên nhà Gấm. Bà Mười ngồi rũ rợi ôm ông Mười, than:

- Ới ông ơi, ông nói bữa nay về bển mà sao ông đã bỏ đi như vậy, làm sao còn về bển được nữa, ông bỏ má con tôi ở lại với ai..., ới ông ơi!

Tôi ôm Gấm vô lòng, vỗ vỗ an ủi nó, nó đã teo tóp xọp hẳn đi. Nó khóc rung lên từng chập trong vòng tay tôi. Tôi đã đau khổ quá nhiều nhưng toàn đau khổ chuyện chồng con làm ăn chớ không có tử biệt sinh ly như nó, đang yên lành bỗng dưng một lúc mất liền hai người thân hỏi nó chịu đựng sao nổi. Chú Tư tới, thấy mắt ông Mười vẫn mở trừng trừng mới quỳ xuống vuốt mắt cho ông, nhưng cứ vuốt xuống thì mắt lại trừng lên nhìn trắng dã khiến ai ai đều kinh sợ. Chú Tư run rẩy châm nén nhang, quỳ thụp xuống vái lia lịa:

- Ông Mười ơi, ông sống thì khôn chết thì thiêng, chúng tôi thế nào rồi cũng đưa ông về bển, ông đừng hù chúng tôi nữa.

Tới đó chú Tư cắm nén nhang qua bên, vuốt mắt ổng một cái được liền, ai nấy ồ lên ngạc nhiên, kêu ông thiêng quá. Chú thay cho ông bộ bà ba mới màu đen, đặt trên trán ông chiếc khăn rằn ông vẫn mang thường ngày. Chú còn đặt bên cạnh ông bao thuốc dùng dở, mùi thuốc ông hút quen thuộc vấn vương mãi, ngửi mùi thuốc cứ thấy như ông đang quanh quẩn đâu đây. Chú lại cẩn thận đặt chiếc đờn bên cạnh. Xong từng đó việc chú Tư biểu tôi kêu mấy đứa chị em trong xóm ghe giúp thu xếp đón rước bà con tới hỏi thăm chia buồn. Bà mụ Chiêm dẫn đầu mấy chú trong chi hội Việt kiều tương thân tương ái vũng Giàng Pháo tới. Chú Tư rước họ qua ghe rồi ngồi bàn với họ chôn cất ông Mười ra sao. Bà mụ Chiêm nói:

- Trời nước này chôn cất nơi nào được đây? Nơi nào cũng toàn nước không à, nghĩa trang Việt kiều nước ngập ráo cả rồi, các anh tính sao?

Một người khác nói:

- Vô bờ thì đụng xóm chợ người ta, trở lui phía sau đi miết toàn rừng, vậy mình phải gác ổng thôi chớ biết sao!

Bả quay hỏi chú Tư:

- Anh Tư tính sao?

- Còn biết sao chớ. Gác thì gác thôi nhưng phải coi bả có chịu không. Mà không chịu cũng chẳng làm thế nào được. Đó mấy ảnh coi, ổng đòi về bển chết ở bển, đến khi chết không về được bển mà còn không có cả đất mà chôn.

- Vậy chớ bà Mười không chịu gác thì làm sao?

- Cũng phải giải thích cho bả biết.

Bà mụ Chiêm quyết cái rộp:

- Việc giải thích cho bả chúng tôi nhờ anh Tư, còn lại anh em trong chi hội lo. Mà anh Tư phải hỏi bả có mua nổi hòm không?

- Tôi không chắc bả đủ tiền mua hòm đâu.

- Lại còn chuyện đó nữa, không có hòm thì chịu bó xác ổng hay sao?

Chờ lúc mọi người đã tản ra lo công chuyện, tôi kéo riêng chú Tư ra, hỏi:

- Chú à, má con con Gấm giờ túng lắm, không có tiền mua hòm cho ông Mười đâu.

- Chú biết.

- Vậy chớ phải làm sao?

- Chú cũng không có đủ sắm một cái hòm.

- Chú, vậy chớ vàng người ta gởi chú có còn không?

- Còn, chú vẫn giữ nguyên.

- Chú lấy ra một chỉ mua hòm cho ổng đi. Bao giờ gặp lại người ta, chú nói thiệt họ đâu có trách chú được.

Chú Tư thở dài.

- Giờ nước lớn, không kiếm đâu ra đất chôn ổng, đã chịu gác rồi mà còn bó vải nhựa nữa thì tội ổng quá trời, coi vậy tao đâu có chịu nổi.

Rất khuya, chú Tư vô lòng ghe. Tôi ngó thấy bóng chú ngồi hý hoáy lục lọi, tôi biết chú đang mở bọc vàng. Mới mờ sáng chú đã kêu bà mụ Chiêm đưa vàng cho bả đi kiếm hòm. Bả đi liền, chặp tối mang về chiếc hòm thếp vàng sơ sài. Người ta liệm ông Mười vô rồi đậy nắp lại, đóng đinh chung quanh. Hương nến cũng thắp sơ sài, ba nhà sư tụng kinh làm phước, bài kinh đều đều nhịp theo tiếng mõ rất vang trong đêm trên biển. Bà Mười ngồi phục bên quan tài khóc than, oán với hai người con trai sao ba chết mà không về. Con Gấm xỉu liên tục, chốc chốc tôi phải dỗ dành nó ráng chợp mắt qua đêm.

Trời vừa sáng, mấy người trong chi hội ròng dây thả quan tài vô xuồng rồi cùng chú Tư chở đi. Bà Mười đòi lao xuống biển đi theo ông Mười, tôi cùng Gấm phải ôm chặt lấy bả kéo vô. Tôi ngó theo chiếc ghe, thấy cái quan tài thếp vàng nằm ghênh ghếch cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi biến vô khu rừng tít tắp xa. Tôi rùng mình nhớ lại những chuyện gác người chết vào mùa mưa của ông Năm kể.

 (Còn nữa)

Thăng Sắc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang