27/04/2010 02:26:31 PM
Chú Tư, con là ai (phần 16)

... Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ghe máy phành phạch lẫn với tiếng nhạc thùng bát mở hết cỡ khua rộn rã cả một vùng trời nước vốn buồn tẻ và ngái ngủ thường ngày. Những âm thanh ấy ngày hôm nay có liên quan tới tôi, là của tôi, nó vang dội ngoài kia nhưng lại đang dịu dàng rót vô tim tôi loạn nhịp vì sung sướng...

(...) Tôi thiệt không ngờ mọi việc lại xoay chuyển nhanh như thế, chuyện tôi với Chằm Rươn không phải duyên số định trước thì không thể chóng vánh như thế được. Sau cuộc nhậu chỉ có vài hôm Chằm Rươn đã mời má ảnh tới xin làm lễ hỏi. Chú Tư biểu tôi:

- Nó làm lẹ quá, con tính sao?

Tôi không giấu được tình cảm vui sướng, vội vàng biểu chú:

- Con biết tính sao nữa, chú ưng là con chịu ngay mà.

- Coi mắt con là chú biết con chịu rồi.

- Kìa chú…! Chú ưng không?

- Chú thì ưng rồi, mình đã qua một lần chồng mà nó thương mình nhiều vậy là hiếm có lắm chớ. Nhưng mà chú vẫn ngan ngán cái thằng này, nó có vẻ quậy dữ lắm, coi nó cầm súng doạ tụi kiểm cá thì biết.

Tôi im lặng. Chú nói tiếp:

- Nói vậy thôi chớ biết bao giờ mới gặp được người như nó. Bây giờ mình tính làm sao báo được cho dượng và má con.

- Chú tính dùm con đi, chú biểu con làm gì con cũng làm.

- Má con ở xa, chú tính mình mời ông bà Mười đứng ra đỡ cho bên nhà gái. Phải lẹ chớ không kịp với chú Ba Thẹo đâu, ổng làm tới ngay hà.

Quả thiệt chú Ba Thẹo về tới Bát-đom-boong là mét với má Chằm Rươn ngay, chú nói với bả là con trai bà khoái con gái người ta lắm rồi, giờ bà phải lên cưới cho nó, bên kia người ta đồng ý rồi. Chằm Rươn mướn xe cho bà đi tới Puốc-sát, kiếm xuồng đưa bà tới tận ghe chú Tư. Tôi rước bả lên, ấp úng nói được mỗi câu chào dì, lấy cớ đi kêu ông bà Mười rồi ở lại luôn bên nhà Gấm. Ngó tôi xấu hổ lắm nên Gấm chọc tôi hoài:

- Coi mày càng xấu hổ càng xinh ghê.

- Thôi đi Gấm, đừng chọc tao nữa có được không!

Thực ra thì trong lòng tôi vui lắm, chưa bao giờ tôi thấy một lúc vừa vui mừng, vừa hồi hộp lo âu đợi chờ như vầy. Gấm làm ra bộ bí mật, thì thào hỏi:

- Sắp thành cô dâu nữa rồi đó, đã hun ảnh chưa?

- Tao nói mày có tin không đã?

- Để coi mày nói gì chớ.

- Chưa hun. Mới dòm thế thôi chớ chưa nói được tiếng anh em nào hết.

- Thiệt hả? Vậy sao đòi cưới lẹ thế? Mày có thương ảnh thiệt không?

- Sao lại hỏi lạ vậy?

- Hai người thương nhau sao không hẹn nhau ra chỗ vắng?

- Đâu có bạo dạn như mày với Xo. Vậy chớ Xo có ý mời ba má ảnh tới ra mắt ông bà Mười chưa?

- Ảnh biểu ba má ảnh bị Pốt giết chết hết rồi, ảnh còn sống được là nhờ bộ đội Việt Nam.

- Vậy chớ ai tới hỏi cưới?

- Ảnh nói lúc đó có khi phải nhờ đơn vị.

- Tụi bay hun nhau nhiều lắm rồi phải hông?

- Tao gặp ảnh không hun không chịu nổi.

Đang nói chuyện thời chú Tư kêu tôi về. Bà mẹ Chằm Rươn nhìn tôi nem nép đi vô. Bà có vẻ vui mừng. Ông Mười được coi như chủ nhà gái đang nói tới việc cưới gả.

- Tôi nói vầy bà nghe được không, hai đứa nó thương nhau thì mình nhất trí gả. Chúng tôi cũng mừng lắm chớ, được thằng rể tử tế như thằng Rươn...

Bà mẹ Chằm Rươn ngắt lời:

- Trời đất ơi, tôi đẻ nó ra tôi biết, nó quậy dữ lắm nghe.

Chằm Rươn phản đối:

- Con quậy gì đâu má, nghịch ngợm chút xíu đâu kêu là quậy. Đời lính mà, bắn là bắn, quậy thì quậy mà đàng hoàng thì đàng hoàng ngay được đó má.

Chú Tư đề nghị:

- Thôi, tôi mời ông bà Mười với thím Năm bàn kỹ cho, chừng nào thì làm đám hỏi, chừng nào làm đám cưới?

Ông Mười nhìn chú Tư, chú Tư ông Mười lại cùng nhìn bà má Chằm Rươn.

- Phải nhờ thầy xem ngày cho chớ sao. Giờ là tháng tư, để đến tháng mười là đẹp.

Nghe má nói thế, Chằm Rươn tỏ ra sốt ruột:

- Má nói vậy đâu có được, má tính ngày công tác của con chớ sao tính ngày thầy cho. Con tính rồi chú Tư, ngày sáu tháng sáu con lên làm đám hỏi, gộp vô làm đám cưới luôn.

- Đó, ông bà với chú Tư coi, toàn nó ra lịnh mình chớ mình đâu có quyền gì. Mình nhất trí với nó chớ ông bà?

- Dạ, chúng tôi nhất trí.

Tôi thấy cả ông bà Mười, cả chú Tư đều bất ngờ về quyết định nhanh chóng vậy. Chưa biết chừng họ nghĩ có người rước tôi đi là phước lắm rồi chớ cần gì mà đòi hỏi này kia. Tôi không dám oán họ mà chỉ tủi thân, giá như tôi đừng có một lần chồng, đừng bị những tháng ngày tăm tối trước đây dày vò thì tôi đã có thể đòi nhà trai sắm cho thứ này thứ nọ. Nghĩ thế thôi chớ thân phận mình như vầy đâu dám đòi hỏi. Lại nghĩ tới con Gấm, ba má anh Xo chẳng còn, cưới hỏi không chừng phải nhờ đơn vị, như thế chẳng phải là tủi lắm hay sao.

Sau một lúc im lặng, chú Tư thong thả nói:

- Thím Năm ạ, chúng tôi cũng đều là dân nghèo, lênh đênh sông nước mà cá kiếm không đủ đổi lấy gạo ăn hàng ngày. Con Nhung cũng hoàn cảnh lắm, má nó với dượng nó ở tận Nam Vang, cũng nghèo khổ. Nó đã khổ cực nhiều vì đời chồng trước. Nay tụi nó có duyên có phận gặp nhau, thương nhau, tụi tôi chỉ mong tụi nó đừng có cực như tụi tôi. Bởi vậy đám hỏi cũng như đám cưới mình đơn giản bao nhiêu là đỡ cho tụi nó bấy nhiêu đó thím Năm.

Ông Mười đồng tình:

- Phải đó thím, mình tần tiệm đi cho tụi nó nhờ. Tụi mày có bằng lòng như vậy không?

Tôi đâu có thể nói được điều gì, ngồi nghe mọi người bàn chuyện mình mà cứ thấy lâng lâng như bay trên mây. Anh Rươn cười vui vẻ, để lộ cái răng vàng ra ngoài.

- Chú Tư không tiết kiệm mà có đòi con cũng không có chi hết.

Bà má Chằm Rươn luôn cười vui vẻ, hình như bà này không để ý gì lắm tới quãng đời trước của con dâu.

- Ba má con Nhung không có đây nhưng có ông bà Mười với chú Tư thay mặt, tôi thiệt tình cám ơn lắm. Nói vậy chớ chúng tôi thế nào cũng phải lo chu tất, phong tục cha ông mình như vậy rồi đâu có bỏ được phải không chú Tư.

Tôi ngồi nghe bàn bạc từ đầu chí cuối nhưng cũng không nói gì được với Chằm Rươn, hai người chỉ dòm dòm nhau hoài.

Mong chờ mãi rồi cuối cùng cũng tới ngày làm đám. Chằm Rươn nhắn chú Tư là họ hàng bên nhà trai cùng bạn bè đơn vị của ảnh phải tính tới bốn mươi người. Nghe thế chú Tư ngây ngất luôn, cuống quýt mời Hội Việt kiều với bà con chung quanh khoảng 20 người, nhờ ghép tới 5 chiếc ghe mà vẫn không an tâm. Ngày sáu tháng sáu nhà trai đi bốn chiếc ghe, mỗi ghe hai máy, từ Bat-đom-boong chạy ngang biển tới Puốc-sát. Đi từ bốn giờ sáng nên cả bốn chiếc ghe đều để đèn, có thùng bát chơi nhạc lăm-ba-đa, cắm cờ Việt Nam và cờ Campuchia, tưng bừng như hội. Ghe nào cũng mang theo đồ ăn, đơn vị Chằm Rươn tặng bia Bay-on với thuốc lá Giải phóng. Chằm Rươn đứng trên chiếc ghe đi đầu, mặc đồ lính oai như chỉ huy, hai bên có Xo và một người nữa ở đơn vị đứng phụ rể.

Khi sáng rõ mặt người thì đoàn bốn chiếc ghe cũng vừa tới. Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ghe máy phành phạch lẫn với tiếng nhạc thùng bát mở hết cỡ khua rộn rã cả một vùng trời nước vốn buồn tẻ và ngái ngủ thường ngày. Những âm thanh ấy ngày hôm nay có liên quan tới tôi, là của tôi, nó vang dội ngoài kia nhưng lại đang dịu dàng rót vô tim tôi loạn nhịp vì sung sướng. Tôi luống cuống biểu chú Tư:

- Con sợ quá chú, con không biết làm gì bây giờ.

Chú cười độ lượng:

- Thôi, bữa nay con khỏi làm gì.

Tôi trốn vô nhà Gấm, một mình ngồi im lặng, kệ cho bên ngoài mọi người cười nói ăn nhậu ồn ã. Mãi tới chiều thì đám tan, cả bốn chiếc ghe đều quay đi, mọi người ai về nhà nấy, lúc ấy là lúc tôi và Chằm Rươn đối mặt với nhau. Từ bây giờ coi như tôi đã là vợ anh. Sau một ngày tiếp khách mệt mỏi lại hơi quá chén nên chú Tư nằm gác chân ngáy ro ro, chỉ còn tôi và anh. Chằm Rươn hỏi:

- Có vui không?

- Có.

- Không làm đám cưới có theo không?

- Không.

Anh cười. Rồi anh móc trong túi ngực ra một cái bọc vải màu đỏ tí xíu, những ngón tay thô như dùi đục ngượng nghịu dỡ ra. Tôi chăm chú nhìn và thật bất ngờ thấy một đôi bông vàng. Chằm Rươn đưa tôi:

- Xem đi.

Tôi cầm đôi bông mân mê, ánh vàng loé lên như loé nắng trên mặt nước mỗi buổi sớm. Mân mê một chập rồi tôi đưa lại Chằm Rươn.

- Làm sao? Mua cho em đó.

Tôi sững sờ. Chưa bao giờ tôi dám mơ ước có một món quà quý giá như vậy. Tôi ngượng ngùng hỏi:

- Cho thiệt hả?

- Thiệt, để đeo vô cho.

Tôi ngoan ngoãn cúi xuống để anh vén tóc, đeo từng chiếc vô tai. Tôi rùng mình nhắm mắt khi tay anh rờ vô tai, cảm giác đê mê kỳ lạ chưa từng có. Tôi ngồi chết lặng, anh đã đeo xong đôi bông lúc nào rồi mà tôi vẫn ngây ngất không hay biết. Khi anh vỗ vai kêu tôi đi tắm cùng với anh thì tôi mới sực tỉnh. Chúng tôi bơi xuồng tới chỗ nước cạn và trong. Chằm Rươn quay lưng lại, tôi lấy xà bông kỳ cho anh, da lưng anh đen bánh mật trơn bóng. Tôi cũng ngụp xuống gội đầu, khi trồi lên thấy anh đang nhìn tôi. Anh kéo tôi lại gần, áo tôi ướt bó sát người, tóc ướt bết lên hai vai, anh lấy tay rẽ những mớ tóc ướt. Bỗng những ngón tay anh khựng lại, Chằm Rươn thốt lên:

- Ủa, một cái bông của em rớt đâu mất rồi.

Tôi rờ lên tai, hốt hoảng suýt bật khóc. Tại tôi sơ ý ngụp xuống gội đầu nên mới làm rớt chiếc bông. Đáng lẽ tôi phải tháo ra, phải cất nó đi, giờ biết làm thế nào tìm lại được. Thấy sắc mặt tôi tái đi, Chằm Rươn biểu để anh lặn xuống tìm. Cứ từng chập anh lại ngoi lên thất vọng. Chừng nửa giờ ngoi lên lặn xuống không được, Chằm Rươn buồn bã biểu:

- Thôi bỏ, ráng ít bữa xem có kiếm được đôi khác.

Tôi bật khóc tức tưởi, vừa tiếc của, vừa nghĩ bông có đôi, giống như vợ chồng có đôi, mất đi một chiếc chắc sẽ xui lắm. Nghĩ vậy tôi thấy sợ, nói với anh ráng đi. Thương tôi tội nghiệp, Chằm Rươn biểu tôi đứng nguyên một chỗ làm dấu còn anh quay về ghe lấy cái rổ sắt. Anh lặn xuống vét từng rổ bùn chung quanh chân tôi rồi sục nước sàng từng rổ một. Tới rổ thứ năm anh kêu lên:

-   Nhung ơi, được cái bông rồi đây nè.

Anh lại gài chiếc bông vô tai cho tôi, đôi bông như hai giọt nắng tùng teng đeo trên tai tôi nóng hổi. Tôi sướng quá ôm chầm lấy anh mà không một chút ngượng ngùng, cũng không cần băn khoăn liệu có ai bắt gặp. Anh vòng tay ôm riết lấy tôi, mặc dù ở dưới nước nhưng tôi thấy rõ ràng cả người anh đang áp sát vô người tôi và anh đang gắn chặt miệng anh vô miệng tôi. Tôi mềm nhũn trong vòng tay anh nhưng vẫn điên cuồng nút lưỡi anh và run lên từng hồi vì kích thích. Chằm Rươn từ từ dìu tôi vô bờ, nắng chiều ấm rực hơ lên người chúng tôi ướt lấp lánh. Anh đặt tôi nằm xuống bãi cỏ, rờ tay vô khắp người tôi nhột nhạt rồi vội vàng cởi bỏ quần áo ướt sũng trên người tôi ra. Tôi lim dim mắt, bấu chặt lấy vai anh, hai chân tự nhiên dạng ra chờ đợi, rên lên sung sướng khi anh hối hả đi vô tôi, tan biến khi thấy anh nóng hổi luồn lách lan tỏa trong cơ thể mình. Rồi bỗng anh nằm im trên người tôi, tôi mở mắt, cũng nằm im vuốt tóc, xoa lưng cho Chằm Rươn. Lúc bấy giờ tôi mới nhận thấy bầu trời xanh trên cao vẫn còn đượm nắng, một đàn chim sáo ríu rít trên lùm cây kế liền bên chỗ chúng tôi nằm, những con chim sáo mỏ vàng cánh trắng hót say sưa. Mây, trời, nước và đàn chim sáo hôm nay khác quá, trong trẻo, vui tươi, sáng ngời. Chúng tôi cứ nằm im như thế một chập, tới lúc Chằm Rươn lại thấy nóng dần lên. Anh cười, chiếc răng vàng lộ ra:

- Nữa nhé.

Tôi nhắm mắt, khẽ gật đầu. Chằm Rươn ngấu nghiến, tôi như bị tung lên hạ xuống, đàn chim sáo thấy động vút bay lên, liệng vòng và hót vang không ngớt, sau đó từng con đáp xuống cành cây khi chúng tôi nằm bên nhau thiếp ngủ thật yên bình. Khi mặt trời như cái mâm đỏ ối từ từ lặn xuống biển thì tôi vội kéo Chằm Rươn dậy.

- Về đi anh, kẻo chú Tư trông.

Anh dìu tôi trở xuống xuồng. Về tới nhà tôi nấu cơm gạo lúa xạ, còn ít thịt gà của bữa trưa đem xào mặn mời chú Tư và Chằm Rươn. Tôi biểu:

         - Hai người hôm nay mệt nhứt, ráng ăn đi.

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang