20/04/2010 11:01:38 AM
Chú Tư, con là ai (phần 15)

... Những ngày sau đó hai anh lui tới thường xuyên, mỗi anh lên một ghe, Xo lên ghe ông Mười, Chằm Rươn lên ghe chú Tư. Họ đã trở nên thân thuộc như người nhà, những bữa ăn đạm bạc có thêm các anh trở nên ấm cúng hơn. Riêng con Gấm và tôi cũng ríu rít suốt ngày nhắc tới các anh, vắng vài hôm đã ngóng, mắt đã nháy liên hồi. Tôi vui vậy thôi, vui chớp nhoáng rồi lại lo lắng ngay, không tự nhiên thoải mái được như con Gấm. Gấm mét tôi là Xo nói với nó Chằm Rươn rất thương tôi. Thiệt éo le, nếu anh thương tôi thiệt thì đâu tôi có thể nói dối anh về quãng đời lấy chồng ở Nam Vang. Nói thiệt với anh biết đâu anh sẽ không thương tôi nữa, còn nói dối thì dối mãi sao được. Tôi đã một lần lấy chồng, đã bị chồng ruồng bỏ, ai chẳng biết. Trời đất ôi, làm sao số phận tôi trớ trêu đen đủi quá chừng. Đã bao giờ tôi được biết đến những ước mơ yêu thương, những thổn thức chờ đợi như lúc này đâu. Một buổi tối, tôi đem tâm sự nặng nề ấy ra nói với chú Tư...

 

(...) Một buổi sáng, có hai thanh niên mặc đồ lính Campuchia đi xuồng máy tới ghe chú Tư. Họ tắt máy, bám thành ghe leo lên. Thấy vậy, chú Tư vội giấu lưới rồi ra hiệu ngầm báo cho ghe ông Mười. Chú Tư và ông Mười vừa đi được một mẻ, cá còn chưa kịp thả xuống gầm ghe. Tôi đang gội đầu, rũ tóc ngó lên, thấy hai người này có vẻ quen quen nhưng chưa nhớ ra ngay đã gặp ở đâu. Họ cùng chào chú Tư:

- Chào chú.

Chú Tư đứng thủ thế, nhìn khách lạ bằng ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ.

- Có việc gì?

- Không có gì đâu chú, tôi muốn mua con cá về nhậu thôi.

- Lấy đâu ra cá bán cho cậu.

- Tôi muốn mua cá thiệt tình mà. Tôi đâu phải kiểm cá mà chú ngại.

- Cái đó để coi.

Tôi đã gội đầu xong, xoay tóc, nước bắn ra xung quanh như mưa. Ở ghe bên, Gấm thấy có tiếng người lạ cũng liền chạy tới. Chú Tư thăm dò:

- Vậy thời cậu muốn mua cá gì?

- Cá cóc, cá bông, cá leo gì cũng được hết.

- Có con cá bông ước chừng 3 ký đó.

- Được, chú bán bao nhiêu?

Chú Tư phẩy tay:

- Khỏi đi, cậu thích thì cứ lấy về nhậu.

Người thanh niên vui ra mặt, thật thà cười:

- Cám ơn chú.

Anh ta quay sang gọi bạn:

- Xo à, có cá bự nè, mình về.

Tôi bắt cá, bỏ vô cái túi ni lông đưa anh ta. Anh ta nhận cá, cười khoe ra bộ răng trắng bóng. Tôi liếc thấy có một chiếc răng vàng. Tôi bất chợt nhận ra anh này đã đến đây trong vụ thằng Hưng cùng ông Khả. Tôi lí nhí:

- Ủa, anh là…

Anh ta vẫn cười:

- Tôi tới mua cá thường ngày được không?

Chú Tư đáp:

- Lấy đâu ra mà mua thường ngày. Giờ kiểm cá làm dữ lắm, không có đâu.

- Kiểm cá làm gì mà dữ chú?

- Bắt cá, giữ lưới, có khi bắt cả ghe chớ dỡn sao. Không buông lưới, bỏ lưới khô thì đói, buông lưới thì mắc kiểm cá, đi xa sợ mắc Pốt, dân chài chúng tôi kẹt quá trời.

- Vậy chú cho tụi tôi đi thả lưới với chú một lần được không?

Chú Tư lập tức cảnh giác trở lại:

- Để coi, biết sao mà hứa với cậu.

Người thanh niên nói quả quyết như là công việc đã được sắp đặt rồi:

- Mai mốt tôi quay lại đi thả lưới với chú. Bây giờ tôi xin chào mọi người.

Anh ta xách túi cá, cùng người bạn tên Xo nhảy xuống xuồng, nổ máy lao đi. Ông Mười và Gấm qua ghe chú Tư đứng bàn luận.

- Lạ quá Tư, mấy chả là thế nào, quần áo nó bận có phải của bộ đội Campuchia không?

- Phải đó chú. Trông đều có vẻ người tử tế. Lúc đầu tôi lại ngỡ là kiểm cá tới gạt mình rồi bắt lưới chớ, sau thấy quen quen.

- Tôi cũng ngỡ kiểm cá, đâu dè nó đòi mua cá rồi mang đi.

Tôi nói xía vô:

- Con đã gặp người này thường đi với bộ đội mình, là cái anh đi cùng với ông Khả trong cái vụ thằng Hưng đó. Coi chừng anh ấy để ý con Gấm.

Gấm đỏ bừng mặt, lao vô thụi tôi thùm thụp.

-Xạo, xạo nè, tao có biết ảnh là ai đâu, lạ hoắc. Coi chừng thương mày đó Nhung.

- Tao nói không phải thì bỏ chớ sao đấm tao đau vậy.

Bà Mười từ trong mui thuyền đi ra, the thé nói:

- Hổng biết gì mà tự nhiên mất toi con cá bốn ký.

Gấm quay ngay lại:

- Đâu có bốn ký má, chỉ hơn ba ký thôi.

Chú Tư cười lớn:

- Kể chi con cá bốn ký, không chừng ít bữa nữa thím hai mất luôn con gái nặng hơn bốn chục ký đó.

Cơm tối xong, Gấm kêu tôi qua ghe nó. Gấm hỏi:

- Mày thấy câu chuyện hồi sáng là sao?

- Ủa, tao ngỡ mày biết hơn tao chớ. Chẳng phải là mấy anh đã về đây cái hồi đi diệt Pốt đó hay sao?

- Phải rồi, tao cũng nhận ra. Tao còn nhớ tên nữa kia.

- Mày giỏi thế, tên người ta thế nào?

- Một người tên là Xo, người kia là Rươn, là cái anh răng vàng ý. Mày thấy Xo thế nào?

- Đẹp trai nè, khoẻ mạnh nè, mắc cái hơi đen một chút.

- Đúng vậy, đẹp hơn cái anh bọc răng vàng. Giờ mà còn bọc răng vàng, kỳ quá ha.

- Con này tinh thiệt, sao biết ảnh có răng vàng.

- Biết chớ. Mấy anh tình nguyện nói ảnh là thiếu tá đấy.

         - Trẻ vậy mà thiếu tá?

- Vậy mới oai chớ.

- Cấp đó mày có nói chuyện với ảnh?

- Tao nhìn ảnh thôi. Tao thấy ảnh hay nhìn mày.

- Đừng xạo quá, thấy ghét. Như tao thì làm gì còn có ai để ý.

- Vậy mà có chớ. Coi người ta nhìn mày là tao biết.

Tôi không tin những điều Gấm vừa nói, vậy mà vẫn thấy bối rối, mặt ran ran nóng. Gấm chọc tiếp:

- Trúng rồi hay sao mà đỏ mặt. Đỏ mặt trông càng dễ thương ghê.

Tôi đánh trống lảng:

- Mày có chắc ảnh sẽ quay lại đi đánh cá như ảnh nói không?

- Chắc, mày độ gì?

Tôi ôm lấy Gấm, gục vào vai nó. Tôi thấy mình vui buồn man mác khó tả quá.

Quả nhiên vài bữa sau hai người thanh niên ấy quay trở lại. Thấy họ mang theo súng AK tôi phát tá hoả tam tinh, muốn bỏ đi tức thời nhưng lúc ấy ông Mười đã kêu chú Tư và tôi qua ổng để đi một ghe cho tiện. Chúng tôi đón tiếp hai người không còn dè dặt nữa. Ông Mười biểu họ cất súng vô trong và giúp ông nổ máy cho ghe ra khơi. Trời còn sớm lắm, mặt biển vẫn bị bao phủ bởi một lớp sương mù trắng đục, nhiều ghe còn để đèn, trông xa như những con đom đóm là là bay trên mặt nước. Hai anh lính bỏ súng ở góc ghe rồi lên phụ mọi người. Mặt trời lên dần, những tia nắng đầu tiên chiếu lấp lánh trên mặt nước. Xo vừa làm vừa trộm ngắm con Gấm. Gấm cũng biết có người đang để ý nên xấu hổ, lúng túng, cứ nép sát vô tôi. Ghe đi quá cửa sông chút xíu thì mọi người bổ lưới. Lưới vừa thả xong quay lên đã sững sờ thấy ghe kiểm cá đang lướt tới. Vậy là tiêu tùng rồi. Tôi nghĩ hên quá, mới vừa thả lưới chớ chưa có con cá nào. Ông Mười đẩy hai người thanh niên vô trong.

Xuồng kiểm cá có ba người cập vô, một người ở lại giữ máy, hai người leo lên ghe, ai cũng cầm súng lăm lăm. Tôi và Gấm run cầm cập. Gấm thì thào:

- Đã có gì đâu mà họ làm dữ vậy.

Những người kiểm cá đeo súng lên vai rồi đòi bắt cá. Ông Mười phân bua:

- Các chú coi đi, tôi mới vừa tới, lưới còn đang giăng kia, đã có con cá nào đâu.

- Ông giăng lưới là phạm luật. Chúng tôi bắt lưới ông và còn phạt tiền ông nữa.

Miệng họ nói tay họ thu lưới luôn, rất kiên quyết, dáng không ai cản được. Ông Mười và chú Tư giằng co với họ nhưng yếu ớt dần, vừa phần vì sức yếu, vừa phần vì ở thế của người phạm luật. Khi lưới đã được kéo lên hết, một người kiểm cá thu gọn lại rồi quăng xuống xuồng, một người đòi ông Mười nộp tiền phạt. Giữa lúc ấy hai người thanh niên cầm súng nhảy từ trong ra. Họ chĩa súng lên trời nổ liền một băng, tôi nhìn rõ những viên đạn như những tia lửa đỏ lao đi. Mọi người giật mình hoảng sợ, những người kiểm cá ngơ ngác trước một phản ứng bất ngờ. Bắn súng rồi họ chĩa nòng súng xuống, thong thả nói:

- Nè, mấy anh bỏ lưới lại.

Hai người kiểm cá thấy bộ đội Campuchia xuất hiện bất ngờ thì trở nên lúng túng. Một người hỏi:

- Mấy anh làm cái gì ở đây?

- Chúng tôi xuống đây xin cho ông già ba bốn giác lưới. Mấy anh trả lại lưới cho người ta rồi cho ổng thả kiếm cá ăn đi.

- Không được đâu, vi phạm luật thì bắt.

Xo nói:

- Chúng tôi có quen kiểm cá khắp nơi. Coi các anh lạ lắm, chắc đều mới hả!

Một người ý chừng như trưởng nhóm nói:

- Tôi coi các anh cũng quen quen. Thôi được, các anh đã xin thì tôi cho. Một vừa hai phải thôi, quá lắm không bỏ được đâu.

Nói rồi họ nhảy xuống xuồng, quăng trả chúng tôi cái lưới rồi bỏ đi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tôi thấy con Gấm luôn nhìn trộm hai người bộ đội Campuchia, chắc nó phải cảm phục các anh lắm. Chú Tư hỏi ông Mười:

- Giờ làm sao chú, thả tiếp hay trở vô?

Không đợi ông Mười trả lời, người thanh niên có răng vàng nói:

- Đâu có, các chú phải thả tiếp đi chớ, đã được con cá nào đâu. Tôi đã xin rồi, bữa nay mình đánh cả ngày.

Bữa đó chúng tôi thả được mười mấy giác lưới, cá phải ngót hai trăm ký, mệt nhoài nhưng ai nấy đều rất vui. Tôi và Gấm nấu một nồi bự cháo cá, rưới nước mắm, rắc hạt tiêu vô, ăn một bữa đã đời, ai cũng thấy khoẻ ra như được uống thuốc bổ. Gấm liếc hai người bộ đội, nói tỉnh khô:

- Giá kể ngày nào anh Xo với anh gì đây cũng đi thả lưới với tụi em được thì hay quá hén.

Xo cười:

- Anh này là Chằm Rươn, là chỉ huy của anh đó.

Chằm Rươn vui hớn hở:

- Hàng ngày không được nhưng lâu lâu anh sẽ đi.

Anh quay sang hỏi chú Tư:

- Vậy chớ chú có chịu nhận con làm con nuôi không?

Chú Tư hồ hởi:

- Chịu quá đi chớ. Lúc đầu tao cứ tưởng cậu không biết tiếng Việt, ai dè thạo hết sẩy. Cậu là người Việt hay Khmer?

- Con là lai, bố Khmer mẹ Việt. Con xin làm con nuôi chú, còn Xo xin làm con nuôi chú đó.

Chằm Rươn trỏ ông Mười. Ông Mười kêu bà Mười mang ra xị rượu.

- Tao là Mười, đây là chú Tư, còn đây là con Gấm, con Nhung. Xin làm con nuôi chớ làm con rể tao cũng ưng.

Cái Gấm la lên:

- Ba, bộ ba chưa uống đã xỉn rồi hả!

Những ngày sau đó hai anh lui tới thường xuyên, mỗi anh lên một ghe, Xo lên ghe ông Mười, Chằm Rươn lên ghe chú Tư. Họ đã trở nên thân thuộc như người nhà, những bữa ăn đạm bạc có thêm các anh trở nên ấm cúng hơn. Riêng con Gấm và tôi cũng ríu rít suốt ngày nhắc tới các anh, vắng vài hôm đã ngóng, mắt đã nháy liên hồi. Tôi vui vậy thôi, vui chớp nhoáng rồi lại lo lắng ngay, không tự nhiên thoải mái được như con Gấm. Gấm mét tôi là Xo nói với nó Chằm Rươn rất thương tôi. Thiệt éo le, nếu anh thương tôi thiệt thì đâu tôi có thể nói dối anh về quãng đời lấy chồng ở Nam Vang. Nói thiệt với anh biết đâu anh sẽ không thương tôi nữa, còn nói dối thì dối mãi sao được. Tôi đã một lần lấy chồng, đã bị chồng ruồng bỏ, ai chẳng biết. Trời đất ôi, làm sao số phận tôi trớ trêu đen đủi quá chừng. Đã bao giờ tôi được biết đến những ước mơ yêu thương, những thổn thức chờ đợi như lúc này đâu. Một buổi tối, tôi đem tâm sự nặng nề ấy ra nói với chú Tư.

- Chú Tư nè .

- Cái gì?

- Đêm sáng trăng như vầy mà sao không thấy ai làm cá?

- Ủa, con này hỏi gì kỳ quá. Bộ con không nhớ mùa này lấy đâu ra cá mà phơi?

- Phải đó chú, mùa này lấy đâu ra cá mà phơi.

- Vậy sao còn hỏi?

- Con muốn hỏi chú chuyện khác.

- Chuyện chi?

- Là... là... Mà thôi, để khi khác con hỏi.

- Thì để khi khác chớ sao. Ngó bộ con chú biết con không để được qua tối nay đâu.

- Vậy con hỏi chú nghe?

- Còn chờ chi nữa.

- Chú đoán coi con hỏi chú chuyện gì?

- Chú có phải thày bói đeo kính đen đâu.

- Chú biết con muốn hỏi chú cái gì rồi mà. Con khó nói quá.

- Vậy để chú đoán coi. Nhớ má con đúng không?

- Đúng phân nửa.

- Muốn đi tìm thằng chồng mày đúng không?

- Chú đừng nhắc tới con người đó được không.

- Vậy thì chú chịu thua.

- Chú chịu thua dễ vậy sao?

- Còn chuyện thằng Xo với con Gấm thương nhau, chuyện này ai cũng biết rồi.

- Chuyện chúng nó con đâu xía vô làm gì.

Tới lúc này chú Tư mới cười:

- Vậy chỉ còn chuyện con với thằng Chằm Rươn.

- Phải rồi, con sợ lắm chú. Theo chú thì có phải ảnh thương con thiệt không?

- Không thiệt thì nó lui tới đỡ đần chú làm gì.

- Vậy chớ con phải làm sao?

- Nó thương thì đón nhận chớ làm sao.

- Nhưng mà con biết nói với ảnh thế nào về hoàn cảnh của mình.

- Cứ nói thiệt, đừng giấu nó. Nói thiệt cho nó mà nó vẫn thương mình thì mới là tốt, nó thôi không thương nữa thì đâu có tiếc gì.

- Nhưng ảnh không hỏi sao con nói được.

- Cứ để chú, có dịp chú sẽ nói nó hay.

Tôi và Chằm Rươn khác hẳn cặp Gấm Xo. Họ ra mặt quấn quít nhau, công khai nói thương nhau, kéo nhau lên bờ hun nhau suốt buổi tối. Gấm biểu tôi đừng nói thiệt cho Chằm Rươn, nói thiệt ảnh không thương nữa. Khi biết tôi đã nhờ chú Tư, nó la tôi ngu quá, làm hư việc, mặc kệ tôi. Tôi biết nó thương tôi nên mới la vậy. Tôi và Chằm Rươn cứ im im, giữ khoảng cách. Ảnh không sôi nổi như Xo nên tôi càng sợ. Một hôm, ảnh dắt về một người trạc tuổi chú Tư.

- Chú Tư ơi, chú có nhận ra ai đây không?

Chú Tư chạy ra, bất ngờ thốt lên:

- Ủa, là Ba Thẹo đó sao?

- Đúng Ba Thẹo đây, thay đổi nhiều lắm sao?

- Không đâu, vẫn dáng mạo lắm chớ. Gặp gỡ bất ngờ vậy là sao?

Chằm Rươn từ nãy chỉ cười, nay mới nói:

- Là con gặp đó chú. Chú Ba ở xóm với con miệt dưới, biết rõ má con mà.

Chú Ba Thẹo khoái trá cười tít.

- Tôi mới gặp nó hồi sáng mai này. Nó là con bà Năm chớ ai, còn phải kêu tôi bằng anh nữa. Ha ha, đụng nhau trên chợ rồi mới nhận ra anh em. Nó biểu có cô em gái đã lắm, hỏi ở đâu đi một hồi ai dè chỉ trúng cái ghe anh Tư. Dính chùm hết trơn hà. Mày thấy chưa Rươn, tao với anh Tư đây còn hơn anh em ruột nữa đó.

- Đúng đó Rươn, phải cái thiệt lâu ổng mới ghé. Trưa rồi, vô nhà kiếm cái gì nhậu đi.

Chằm Rươn nhanh nhảu nói để anh vô xóm đổi mấy con gà. Một lát sau anh đã quay lại, nách cắp chai bự rượu đế, hai tay xách ba con gà thau tháu chân chì. Chú Ba Thẹo nói tía lia:

- Thằng giỏi quá ta, kiếm đâu toàn gà mái ghẹ ngon đầu đàn. Chắc mắc lắm hả. Anh Tư biểu con nhỏ làm gà đi, làm riêng một đĩa lòng mề với đầu cổ cánh nhậu, còn lại vừa nấu cháo, vừa luộc, phải không Rươn? Hết bao nhiêu tiền mày biểu anh trả, hôm nay anh bao.

- Đâu có mất tiền anh Ba, em đổi mỳ ăn liền đó. Bộ đội vô xóm hỏi xin người ta cũng cho mà.

Tôi kêu Gấm qua, hai chị em bắc nước sôi làm lông roẹt cái đã xong. Gấm vừa làm vừa sốt ruột hỏi:

- Hôm nay sao hổng thấy anh Xo tới?

- Mày nhớ ảnh rồi? Lát nữa hỏi anh Rươn coi.

- Ai hỏi, mày hỏi hay tao hỏi anh Rươn?

- Người của mày mày hỏi chớ mắc mớ gì tới tao.

Tôi thấy nóng má, liếc vô trong, bắt gặp anh Rươn đang nhìn tôi thì trở nên lúng túng, làm rớt dĩa muối. Gấm cằn nhằn:

- Sao bữa nay mày lóng ngóng vậy Nhung, cầm dĩa muối cũng không xong.

Chú Tư mời ông Mười qua nhậu, bà Mười dặn với theo:

- Chớ có nhậu tới bến nghe ông, mình già rồi phải biết giữ.

Tôi linh cảm thấy thế nào chú Tư cũng nói chuyện của tôi trong cuộc nhậu này. Nghĩ người ta nói chuyện mình đã có một lần chồng trước mặt Chằm Rươn thì tôi xấu hổ không bỏ đâu cho hết, tôi muốn qua nhà con Gấm. Gấm thấy tôi đứng lên thì kéo lại.

- Ngồi đây còn phụ tao chớ, ai xé thịt múc cháo cho anh Rươn thay mày.

Bên trong cuộc nhậu đã vô hồi vui vẻ nhất, chú Ba Thẹo càng uống càng sung, mặt đỏ gay như mào gà, thịt gặm tới đâu xương liệng xuống nước bòm bõm tới đó, cá tới tranh nhau rỉa xương quầng một đám nước. Chú oang oang hỏi Chằm Rươn:

- Thằng này muốn hỏi con gái người ta, mày phải báo cáo về bản thân mày đi chớ. Mày có biết đánh bài không?

- Có chớ.

- Mày có biết chơi gái không?

- Biết chớ sao không.

- A, thằng này giỏi, dám nói thiệt trước mặt ba vợ tương lai. Vậy còn rượu, mày có biết uống không?

- Biết luôn, thích thì con uống, không thích không uống.

- Vậy thì còn chờ gì nữa mà không rót ra mời ba vợ mày với ông Mười.

Ông Mười nhắp vài ly cũng xỉn. Cháo chưa kịp ăn thì ông Mười và chú Ba Thẹo đã lăn ra ngủ, chú Ba há mồm ngáy ro ro. Tim tôi đập thình thịch như muốn tung ra khỏi lồng ngực khi thấy chỉ còn chú Tư và anh Chằm Rươn ngồi với nhau. Đó, họ bắt đầu nói chuyện của mình rồi. Không chịu đựng được, tôi bỏ lên mũi ghe ngồi úp mặt khóc.

Chú Ba Thẹo ngủ một hơi đến chiều, khi mặt trời ngả màu vàng đậm rà xuống mặt biển thì chú tỉnh dậy, kêu tôi múc cho chén cháo, ăn xong đùng đùng đứng dậy kêu Chằm Rươn đi về kẻo trễ họp.

- Mấy bữa nữa nhậu tiếp nghe Tư. Chú về nghe con, mày phải coi thằng Rươn cẩn thận, xứng đôi rồi đó. Chú về sẽ biểu má nó tới làm đám hỏi luôn.

Khi đi ngang qua tôi để xuống xuồng, tôi nghe Chằm Rươn nói ''anh về nghe Nhung''. Lời nói thoáng trong gió, tôi ngơ ngẩn không biết mình nghe có lầm không, cố định tâm nghe lại chỉ thấy tiếng gió bay bay.

Một lúc sau khi hai người đi rồi chú Tư kêu tôi. Tôi cúi gằm mặt, xấu hổ và đau đớn nghĩ câu chuyện chắc đã kết thúc chẳng tốt đẹp gì.

- Chú đã kể chuyện con cho thằng Rươn nghe rồi.

- Dạ.

- Nó biểu nó đã biết qua. Con Gấm đã nói ít nhiều cho thằng Xo, thằng Xo nói lại với Rươn.

- Dạ.

Chú Tư bỗng dưng im lặng. Chú vấn điếu thuốc rê, rít một hơi dài. Trời ơi sao chú còn hút thuốc lúc này, chú hút thuốc xong chú lại phải ho một chập như ông Mười, rồi lại phải ngồi im cho cơn ho dịu xuống thì bao giờ mới kể tiếp cho con nghe. May quá chú không ho, chậm rãi kể tiếp:

- Thằng Rươn bướng bỉnh nhưng là người tốt nghe con. Nó thương con thiệt. Nó biểu biết được hoàn cảnh con rồi nó càng thương, nó xin chú để mời mẹ nó tới hỏi cưới.

Tôi sụp xuống cạnh chú Tư, oà lên khóc. Chú Tư bỏ mặc tôi khóc, đi ra ngoài đứng nhìn mặt trời đỏ ối đang lặn xuống biển.

(Còn nữa)

 Thăng Sắc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang