13/04/2010 08:33:40 AM
Chú Tư, con là ai (phần 13)

... Những cảm giác của người nằm trên ghe bỗng chốc lại trở về, tràn đầy trong tôi. Lại nghe tiếng nước vỗ ì oạp mạn ghe, thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy trong tiếng gió thông thống mát lộng hơi nước về đêm, cái chòng chành của ghe như người đưa võng và bên trên là cả bầu trời mênh mông toàn sao. Nằm bên Gấm tôi thấy thiệt bình yên, rõ ràng tôi đã trở về với cảnh vật và những người thân thuộc. Tôi đang nằm trên chính chiếc ghe chú Tư, chiếc ghe mà tôi đã coi nó như nhà của tôi, neo kế bên là ghe nhà Gấm. Những cảm giác ấy như một cơn mưa tốt lành thấm đẫm lòng tôi, gội rửa những đau buồn tủi hận mà tôi đã phải chịu đựng những tháng ngày vừa qua. Tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn đi, thiu thiu ngủ và mơ ngay thấy chú Tư về. Từ trên bờ chú nhảy phóc xuống ghe làm cho chiếc ghe nhẹ chòng chành...

(…) Sau khi đỡ sốt và đau bụng, tôi quyết định mướn xe ôm đi về làng Vo Tiêu, ở đó có chú Tư của tôi với xóm chài thanh bình của người Việt.

Ra khỏi Nam Vang, nhìn ngắm cảnh đồng quê mộc mạc, tôi thấy lòng nhẹ nhàng hẳn lên. Tôi vui vui nghĩ rằng chắc chú Tư phải bất thình lình và ngạc nhiên lắm khi thấy tôi quay trở lại. Chú sẽ không thể ngờ tôi lại quay về với chú. Sau cái lần bị chồng đánh sảy thai, tôi cảm thấy yếu hơn trước nhiều.

Từ hôm đó, không còn thấy bóng dáng hắn đâu, cả má hắn cả hắn không tới nhà tôi xin tôi về như những lần trước. Mà xin tôi cũng không về. Tôi căm ghét hắn đã giết chết cái thai trong tôi. Tôi xanh như tàu lá, càng ở nhà má càng xanh tái, ăn bữa nào cũng đói, cũng phải nhường nhịn mấy đứa em, nhường nhịn dượng. Vậy là khi cử động được chân tay, tôi nhứt định rời nhà má. Tôi nghĩ tôi sẽ về ở với chú Tư.

Càng gần tới Vo Tiêu đường đi càng gập ghềnh, chiếc xe máy cà tàng xóc nhảy tưng tưng. Tim tôi cũng đập liên hồi, thấp thỏm lo âu quá. Hơn hai năm không có tin gì của chú Tư, liệu bây giờ chú có còn như ngày xưa, chú có còn coi tôi là người thân của chú? Liệu mụ Bảy Hường có quay lại với chú không, hay chú cũng có người khác làm vợ chú rồi. Càng tới gần, càng nghĩ đến những câu hỏi ấy tôi càng thấy lo. Nhưng thôi, cách gì cũng mặc, thế nào cũng không thể cứ quẩn quanh với má ở Nam Vang. Nếu không ở với chú Tư được tôi sẽ ở nhờ nhà Gấm rồi đi làm thuê. Cuộc sống trên ghe, trên xuồng, trên sông nước mênh mông thoải mái biết bao nhiêu, nhiều tiền thì không có nhưng mà kiếm con tôm con cá đủ sống thì lúc nào cũng được.

Tôi ngỡ ngàng đứng trước cái xóm chài mà tôi đã nhớ về nó hàng ngày. Nó đây ư, sao có vẻ bé nhỏ và tiêu điều hơn trước. Những chiếc ghe không còn đậu san sát vô nhau vì đã có thêm một vài cái nhà bè lụp xụp. Tôi thường nghĩ khi về tới Vo Tiêu là tôi sẽ gặp ngay những người quen, nhưng người đầu tiên tôi gặp lại là một người đàn ông lạ hoắc. Ông ta nhìn tôi, hỏi:

- Vô tìm ai?

- Dạ, con tìm chú Tư.

- Không có ai là chú Tư.

Tôi thất vọng quá.

- Chú Tư Thoả, chú Tư dạo cá, Vô Tiêu ai cũng biết.

- Không có ai là Tư dạo cá.

Người này dám mới tới quá, không biết gì mà trả lời lung tung.

- Vậy con tìm ông Mười, ba con Gấm.

- Nghe nói cả nhà ông vô biển rồi.

Chút xíu thì tôi bật khóc. Người đàn ông thấy tội, hỏi:

- Cô mới ở bển lên?

- Không, con ở Nam Vang về. Trước con ở đây.

- Vậy hả. Qua cũng mới nhập vô xóm này thôi, không rõ lắm đâu. Người cũ cũng còn nhiều đó. Qua biết có ông Năm.

- Ông Năm con biết.

- Ghe ổng đậu tuốt đằng kia kìa.

Tôi cảm ơn người đàn ông rồi cắm cúi đi tới ghe ông Năm. Tôi đứng trên bờ réo xuống:

- Ông Năm ơi, ông Năm ơi.

Từ trong mui ông Năm ngó ra, vẫn ở trần, cái khăn cà ma trên đầu và điếu thuốc trên môi. Ông ngó tôi một chập rồi nói:

- Đứa nào coi giống con Nhung. Có phải con Nhung không?

- Con đây, Nhung đây.

- Mầy về tìm chú Tư hả? Nó đi vô vũng rồi. Xuống ghe tao ở đỡ đi, rồi tao chỉ cho cách đi kiếm nó. Không khó đâu.

Chiếc ghe hơi chòng chành khi tôi bước xuống. Đã lâu rồi tôi mới được gặp lại cái chòng chành quen thuộc này, tôi muốn nhún nhẩy một chút cho nó chòng chành thêm, cho bõ nhớ, nhưng làm thế mắc cỡ với ông Năm. Tất cả ở đây đều thật là quen thuộc, mặt trời ở trên cao, nước sông ở dưới, mùi cá phơi lẫn với mùi cây rong khô trong gió... Và cả tiếng ho sù sụ của ông Năm.

- Ông bịnh ho lâu vậy mà sao vẫn hút thuốc?

- Biết vậy mà không bỏ được. Bây giờ mày làm gì con?

- Ông cho con ở đỡ ít hôm rồi con đi kiếm chú Tư.

- Nó vô vũng lâu rồi, cùng với nhà ông Mười.

- Vũng là đâu con hổng biết.

- Là biển, Biển Hồ, không hiểu sao bà con mình toàn kêu là vũng.

- Con cũng vô biển kiếm.

- Sao biểu mày gặp má mày rồi lấy chồng phải hông?

- Chuyện chồng con đổ bể hết rồi, con bỏ nó rồi.

- Vậy à, vậy thì khổ quá.

- Sao ông không vô biển với mọi người?

- Vô đó kiếm được nhưng cực lắm con. Pốt vẫn còn nhiều, gặp nó coi như toi đời luôn. Ông già rồi, quanh quẩn ở đây rồi muốn về chết ở dưới. Chết ở Biển Hồ không có đất mà chôn.

- Sao vậy? Sao lại không có đất chôn?

- Vậy chớ sao, mùa nước lớn bốn phía là biển, rừng cũng ngập, lấy đâu ra đất.

- Như vậy người ta chết rồi thì làm sao?

- Bó xác đem gác lên cây chớ sao. Mày chưa biết đó thôi, kể cả vô hòm rồi mà gác lên cây, có khi còn bị kỳ đà cạy nắp lên ăn thịt, chết rồi mà đâu có được yên. Ông nghe đã thấy kinh hãi luôn, hỏi sao ông có thể vô biển hở con!

- Gác lên cây rồi làm sao?

- Có người còn không được gác lên cây đó. Nước ngập hết rồi thì gác vô đâu, đành chặt mấy cành đan thành bè, buộc xác lên cho trôi nổi theo nước, tới nước cạn mới hạ xuống tìm chỗ chôn. Có nhiều người bị bỏ luôn đó con, coi vậy là chôn rồi.

- Sao ông biết những chuyện đó?

- Thì ông ở biển từ nhỏ tới lớn chớ sao, còn lạ gì. Ngày nhỏ ông gan lắm, dám tới những chỗ có gác người chết đặt câu. Chẳng là người chết thì thối rữa ra có phải không, nước thối rữa nhỏ xuống, ở những chỗ ấy cá tới nhiều lắm, nhưng phải gan mới dám đặt câu. Ai sợ ma nhát đâu có làm được.

Lại chuyện ma rồi, tôi chưa nghe đã nổi da gà. Tôi thì chưa một lần gặp ma nhưng đã tận mắt thấy những người quanh mình bị ma nhát như chuyện thằng Ba chết đuối rồi vẫn còn về rủ bạn đi chơi hay chuyện chồng dì Tám chết rồi còn xin đi quá giang ở ngay Vo Tiêu này. Tôi hỏi:

- Có ma thiệt hả ông?

- Có thiệt chớ, chính ông bị ma nhát rồi. Hồi đó anh em giăng câu, chính ông thấy nó toòng teng trên cây rồi nó rớt các cái xuống, nó rớt cẳng rớt tay nó xuống, rồi nó thè lưỡi nó xuống, xanh lè ngúc ngắc trước mặt mình đó. Nó nhát mình, mình không sợ thì nó không nhát. Có lần ông câu đêm thấy giằng mạnh ở câu, ngỡ có cá to thì kéo lên nhưng không thấy vùng vẫy như cá, cố kéo lên thì thấy như có người lôi trở lại nặng trình trịch, kéo lên mặt nước thì nó xòa một cái, vùng ra nhẹ tênh làm ông chút xíu té ra sau, sợ hết cả hồn.

Ông Năm nói nhiều nên phát ho một hồi, ông phải ngồi im lại, lấy tay vuốt ngực. Rồi ông nói:

- Bởi vậy nên ông đâu còn muốn vô biển nữa.

Tôi ở nhờ ông Năm một hôm. Ông cho tôi ăn cá lóc nấu canh chua. Hơn một năm rồi tôi chưa được ăn bữa nào ngon lành như vậy. Ông Năm còn cho tôi mượn mấy trăm ria để đi đường. Tôi băn khoăn, không dám nhận, cũng không dám hỏi ông chú Tư đã trả hết tiền ghe cho ông chưa. Thấy vậy ông nói:

- Cứ cầm lấy, vô đó kiếm được gởi trả ông sau.

Khi tôi xách cái bọc quần áo bước đi, ông đứng trên ghe tần ngần nhìn theo, đôi mắt nheo nheo chắc vừa vì nắng gió, vừa vì tuổi tác. Ông nói với theo:

- Kiếm được họ thì nói ông gởi lời thăm nghe con.

Tôi tới được nhà ông Mười và may mắn gặp ngay con Gấm. Nó ôm chầm lấy tôi, hét lên:

- Tao mà theo chú Tư vô rừng thì đâu gặp được mày hôm nay. Nghe nói mày bất hạnh lắm phải không?

         - Ủa, sao mày biết tao bất hạnh lắm?

- Mày không biết đó, chú Tư vẫn hỏi thăm tin về mày. Chú thương mày lắm.

Nghe nói thế tôi muốn khóc, ôm lấy Gấm gục vào vai nó cho nước mắt ứa ra. Ngửi thấy mùi thơm trên tóc nó, tôi đẩy nó ra, ngắm nó. Trông rõ ra một cô gái xinh xắn, nước da trắng hồng mạnh khoẻ.

- Mày xinh dữ quá Gấm ơi. Đã lấy chồng chưa?

- Làm gì có ai thương mà lấy.

- Xạo làm gì. Anh Hán có theo mày nữa không?

- Mình vô biển, họ biết đâu mà tìm.

- Chú Tư vô rừng làm gì?

- Phục vụ bộ đội tình nguyện của mình đánh Pốt. Cả ba tao, cả anh Din nữa. Đông người đi lắm, chỉ còn tao với má ở nhà.

- Bao giờ họ về?

- Mình biết sao được. Họ đi thì bỏ ghe đó luôn, gần tháng nay rồi có ai đánh bắt được con cá nào đâu.

- Ghe chú Tư ai coi?

- Tao chớ ai, thỉnh thoảng ghé thôi. Bây giờ có mày coi thì tốt rồi.

Bà Mười cũng mừng lắm, bả ngồi bỏm bẻm nhai trầu ngó chúng tôi quấn quít nhau. Tôi kể hết chuyện gặp má, đi ở đợ, lấy chồng cho Gấm nghe. Đến chiều tối, nó dẫn tôi qua ghe chú Tư, chúng tôi cùng ngủ với nhau như ngày xưa. Những cảm giác của người nằm trên ghe bỗng chốc lại trở về, tràn đầy trong tôi. Lại nghe tiếng nước vỗ ì oạp mạn ghe, thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy trong tiếng gió thông thống mát lộng hơi nước về đêm, cái chòng chành của ghe như người đưa võng và bên trên là cả bầu trời mênh mông toàn sao. Nằm bên Gấm tôi thấy thiệt bình yên, rõ ràng tôi đã trở về với cảnh vật và những người thân thuộc. Tôi đang nằm trên chính chiếc ghe chú Tư, chiếc ghe mà tôi đã coi nó như nhà của tôi, neo kế bên là ghe nhà Gấm. Những cảm giác ấy như một cơn mưa tốt lành thấm đẫm lòng tôi, gội rửa những đau buồn tủi hận mà tôi đã phải chịu đựng những tháng ngày vừa qua. Tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn đi, thiu thiu ngủ và mơ ngay thấy chú Tư về. Từ trên bờ chú nhảy phóc xuống ghe làm cho chiếc ghe nhẹ chòng chành.



Ảnh minh họa Internet 


Một tuần sau chú Tư bất thình lình về thiệt. Chú không nhảy phóc xuống ghe như tôi thấy trong mơ mà người ta phải đỡ chú xuống. Da chú xanh xao, mắt quầng thâm, râu tóc lởm chởm. Thấy tôi trên thuyền chú bất ngờ quá, đứng ngây ngó tôi một chập rồi hơi nhếch mép cười:

- Nhung đó con? Sao coi khác quá vậy?

- Khác sao chú?

- Coi mập ra.

- Còn chú coi chú bịnh quá. Chú đi nghỉ đi, để con nấu cơm cho chú ăn nghen.

Chú Tư nhìn chiếc ghe đã được lau dọn sạch sẽ, nhìn tôi tung tăng vo gạo thổi cơm, mỉm cười tươi tắn.

- Làm sao con tìm được tới đây? Mà con tới tìm chú có gì hông?

- Con tới ở luôn với chú, chú chịu không?

- Con này xạo rồi, vậy còn chồng con mày, má mày thì bỏ cho ai? Họ làm ăn sao rồi?

- Con tới ở luôn với chú thiệt mà. Chuyện của họ kể sau chú há, giờ ăn cơm đi chú.

Tôi nấu canh chua đầu cá lóc, lại sớt ra một chút xíu nước mắm gan cá lóc cho chú ăn. Nước mắm gan cá lóc là của con Gấm cho. Nó nói nước mắm này làm từ mùa cá năm trước. Năm trước mùa cá trúng lớn, nó muối cá không xuể, lựa ra được ít gan cá làm nước mắm. Chú Tư ngồi ăn ngon lành, nét mặt dãn ra, thường tủm tỉm cười.

Từ hơn một tháng trước chú Tư đã tham gia đoàn dân công đi phá rừng phục vụ bộ đội đánh Pốt. Tới bị ngã nước, sốt rét không chịu nổi thời chú phải về. Tôi hỏi chú:

- Chú đi dân công ở miệt nào?

- Đi ở Puốc-sát lận, rừng sâu nước độc lắm. Bộ đội mình chết và bị thương vô kể, vừa chết vì đụng Pốt, vừa chết vì sốt rét như chú nè.

- Biết vậy sao chú còn đi?

- Bộ đội kêu đi, không đi sao được. Chú là tổ phó Việt kiều ở đây, mình không đi thì vận động người khác đi sao được.

- Chú là tổ phó thì ông Mười là tổ trưởng Việt kiều à?

- Tổ trưởng là cái bà dìu chú xuống xuồng hôm nọ đó. Chú ốm quá nên bả phải đưa chú vô nhà thương rồi lại đưa chú về đây.

- Ủa, người ấy là đàn bà a? Con coi chẳng khác gì đàn ông.

- Vậy đó. Bả lại vô rừng phục vụ rồi, lăn lộn suốt với công việc chung.

- Chú mắc sốt rét từ bao giờ?

- Mới gần đây thôi. Khi ấy chú sốt trong rừng, gần chết rồi đó. Bộ đội chở chú về nhà thương Bat-đom-boong cấp cứu, uống ký ninh không thôi. Mày coi chú mắt vàng da vàng là bởi uống ký ninh đó. Uống nhiều ký ninh nó vậy, ăn mất ngon. Nhưng bữa nay chú ăn ngon miệng dữ.

         - Vậy đưa con bới cho chú thìa nữa, chú chịu khó ăn cho mau khoẻ nghen.

Chú Tư cười, đưa chén cho tôi:

- Cho chú chút xíu thôi con.

Chú vui vẻ nhận chén cơm từ tay tôi, đưa lên miệng thổi cho nguội rồi chan nước canh chua. Chú hỏi:

- Vậy còn con? Phiêu bạt ra sao mà cuối cùng lại quay về với chú?

Tôi kể vắn tắt cho chú, chú lặng im nghe câu chuyện, đôi lúc lại thở dài.

- Những lúc khổ quá con chỉ nghĩ tới chú, chỉ muốn về sống ở ghe với chú. Chú có tin không?

- Tin chớ sao không. Có điều ai mà biết được con lại gặp quá nhiều bất hạnh tới vậy.

Chú rút điếu thuốc ra mồi lửa hút. Tôi thấy chú vẫn hút thuốc Giải phóng, khói thuốc khét lẹt. Chú vừa nhả khói vừa nói, thong thả như nói với chính chú chứ không phải với tôi:

- Chú cũng ít thấy ai được may mắn. Thoát được Pốt thì phải bươn chải kiếm miếng ăn. Mình đã cố gắng hết sức mà sao cứ khổ hoài hà!

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang