03/10/2005 08:42:56 AM
Bài 40. Việt Nam - Đất nước và con người. Hẹn ngày gặp lại!

I. Các tình huống hội thoại

1. Trước lúc chia tay.

Harry:
 Thế là chúng mình sắp chia tay nhau rồi. Thời gian trôi đi nhanh thật.
 
Helen:
 Gần một năm sống, học tập ở Việt Nam, chúng mình có biết bao kỷ niệm.
 
Jack:
 Nhiều lắm! Kỷ niệm giữa chúng mình với nhau và kỷ niệm giữa chúng mình với các bạn Việt Nam. 
 
Helen:
 Hôm nào chúng ta tổ chức một cuộc liên hoan chia tay với các bạn Việt Nam chứ?

Harry:
 Tất nhiên rồi! Nhưng để đến gần ngày về tổ chức liên hoan tạm biệt thì tốt hơn.
 
Jack:
  Đúng. Mà cũng chỉ là tạm biệt thôi. Bởi vì dù thế nào chúng ta cũng sẽ còn trở lại Việt Nam.

2. Tình cảm gắn bó.

Hà:
 Xa Việt Nam, Helen nhớ nhất điều gì?
 
Helen:
 Ôi! Có biết bao điều nhưng có lẽ nhớ nhất là tình cảm thân thiết mà các bạn Việt Nam đã giành cho Helen, đặc biệt là tình cảm của Hà và của mẹ Hà.
 
Hà:
 Mẹ mình tính vẫn thế, rất quý người, rất tình cảm.
 
Helen:
 Helen muốn gửi một lá thư cho mẹ của Nam ở quê để chào tạm biệt. Hà có địa chỉ không?
 
Hà:
 Có, địa chỉ của cụ là: Hoàng Thị Chín - thôn Hạ, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
 
Helen:
 Chỉ viết thôn, xã thôi à? Không cần cụ thể hơn à? 
 
Hà:
 Không cần, viết thế là thư sẽ đến vì ở nông thôn quan hệ giữa mọi người trong làng trong xã rất gần gũi. Tình làng nghĩa xóm mà. Đó cũng là một truyền thống đẹp của người Việt Nam đấy.
 
Helen:
 Thật là tuyệt! Cám ơn Hà.

3. Hẹn ngày gặp lại.

Các bạn sinh viên nước ngoài học tiếng Việt tại Việt Nam như Harry, Helen, Jack... đã kết thúc khoá học. Martin vì sang muộn nên còn ở lại thêm một thời gian nữa. Ngày mai họ về nước. Tối nay họ tổ chức buổi liên hoan chia tay tại ký túc xá. Ngoài chị Lan, Hà, Nam, Việt là bạn thân còn có một số bạn Việt Nam khác. Một số bạn nước ngoài quen biết cũng đến dự. Không khí buổi liên hoan vừa thân tình vừa xiết bao cảm động. Việt Nam - một đất nước, một dân tộc mới ngày nào còn xa lạ với họ thế mà giờ đây, khi sắp phải xa, họ bỗng thấy gần gũi và thân thiết biết chừng nào!

Bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là nhớ nhung...

Harry tay cầm ly rượu, đi đến từng bạn Việt Nam và câu đầu tiên là: "Tạm biệt! Tạm biệt!" nhưng câu cuối cùng của anh bao giờ cũng là: "Hẹn ngày gặp lại!".

Hẹn ngày gặp lại! Đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam mến khách lúc nào cũng giang rộng cánh tay đón chào các bạn!

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Các kết cấu: "biết bao", "biết bao nhiêu", "bao nhiêu là", "xiết bao", "biết chừng nào" dùng để nhấn mạnh vào số lượng hoặc mức độ.

Nhấn mạnh số lượng: dùng các kết cấu "biết bao D, biết bao nhiêu D, bao nhiêu là D".

Ví dụ:
 - Chúng mình có biết bao nhiêu kỷ niệm.

- Có biết bao điều.
 
- Bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là nhớ thương.

Nhấn mạnh mức độ: dùng các kết cấu "T xiết bao" (hoặc biết bao), "T biết chừng nào" với nghĩa là "rất T", "T lắm".

Ví dụ:
 - Họ bỗng thấy gần gũi và thân thiết biết chừng nào.
 
- Cuộc sống đẹp biết bao
 
- Hạnh phúc biết chừng nào.

Chú ý: Đôi khi "xiết bao" có thể đặt trước "T".

Ví dụ:
 - Xiết bao cảm động, xiết bao vui mừng.
 
2. Đảo vị trí các yếu tố, các thành phần câu. Khi muốn nhấn mạnh có thể đảo vị trí các yếu tố, các thành phần trong câu. Các kiểu đảo thường gặp là:

Đảo định ngữ sở hữu:

Ví dụ:
 - Mẹ mình tính vẫn thế (tính của mẹ mình vẫn thế) 
 - Mẹ mình tóc đã bạc (tóc của mẹ mình đã bạc)
 - Xe máy này lốp hỏng rồi (lốp của xe máy này hỏng rồi)

Đảo thành phần bổ ngữ:

Cũng ở các ví dụ trên đây còn có sự đảo thành phần bổ ngữ.

Ví dụ:
 - Mẹ mình tóc đã bạc (mẹ mình đã bạc tóc)

- Xe máy này lốp hỏng rồi (xe máy này hỏng lốp rồi)

- Cái bàn này chân bị gãy (cái bàn này bị gãy chân)

3. Câu cảm thán: dùng khi thể hiện sự ngợi ca, thán phục. Một số từ thường dùng trong kiểu câu này là "Ôi! Tuyệt" hoặc các kết hợp "T + vô cùng, T + xiết bao...".

Ví dụ:
 - Ôi! có biết bao điều để nhớ.
- Thật là tuyệt!
- Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

Chú ý: Tuỳ ngữ điệu phát âm và tuỳ ý nghĩa mà kết cấu nhấn mạnh mức độ và câu cảm thán có lúc có kết cấu giống nhau.

III. Bài đọc

Việt Nam - Vài nét khái quát

Việt Nam! Hai tiếng vang lên biết bao khích lệ và tự hào. Đó là một miền đất được thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng nhiều thiên tai khắc nghiệt. Đó là một dân tộc đã chịu nhiều đau thương nhưng cũng chiến đấu kiên cường để giành quyền được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc.

1. Về thời tiết và khí hậu. Là một đất nước nằm trong vùng nhiệt đới. Phía bắc có 4 mùa rõ rệt. Mùa xuân với mưa phùn, ẩm ướt, cây cối tốt tươi. Mùa hè khí hậu nóng bức, lắm mưa nhiều bão. Mùa thu thường được coi là mùa đẹp nhất trong năm, khí hậu ôn hoà, trời trong xanh, gió nhẹ. Mùa đông thường có gió mùa đông - bắc nên trời lạnh, rét.

2. Về tài nguyên. Việt Nam có bờ biển dài 3250 km. Dọc bờ biển từ Trà Cổ tới Hà Tiên có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp tuyệt vời: vịnh Hạ Long, bãi biển Nha Trang, Vũng Tàu... vừa là những danh thắng vừa là nơi nghỉ mát nổi tiếng.

Biển có nhiều hải sản quý như tôm, cá, biển còn cung cấp nhiều khoáng sản đáy biển như dầu khí, mỏ quặng; đồng thời biển Việt Nam nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, có đường biển nối liền châu Á, châu Âu...

Rừng núi Việt Nam chiếm 2/3 lãnh thổ. Núi chạy từ Bắc đến Nam Trung bộ với biết bao nhiêu hang động đẹp như Hương Tích, Phong Nha. Rừng cho nhiều lâm sản quý như các loại gỗ, các loài thú và nhiều sản vật khác.

3. Về dân tộc và ngôn ngữ. Trên đất nước Việt Nam hiện có khoảng 55 dân tộc, đa số là người Việt (còn gọi là người Kinh). Dân số cả nước khoảng hơn 70 triệu người. Ngôn ngữ chung là tiếng Việt. Tiếng Việt có 3 phương ngôn lớn: tiếng miền Bắc, tiếng miền Trung và tiếng miền Nam. Tuy phát âm có khác nhau, một số từ ngữ ở các phương ngôn có khác nhau nhưng không gây cản trở trong giao tiếp. Người miền Bắc nói, người miền Trung, miền Nam vẫn hiểu được và ngược lại.

4. Về tổ chức hành chính. Đơn vị hành chính của nước Việt Nam là Nhà nước, trong Nhà nước có các tỉnh và thành phố trực thuộc, dưới tỉnh và thành phố trực thuộc là huyện (ở nông thôn) và quận (ở thành phố), dưới huyện, quận là xã và phường. Xã, phường là đơn vị hành chính cơ sở. Các thành phố trực thuộc là Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội là thủ đô của Việt Nam.

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang