27/06/2005 04:22:28 PM
Bài 26. Hội thảo khoa học - Thăm viếng - Hội thoại

 

 I. Các tình huống hội thoại 


1. Một cuộc thăm viếng xã giao

Tại phòng khách của Ban giám hiệu

Thư ký hiệu trưởng:
 - Thưa các vị! Chúng ta rất vui mừng đón đoàn đại biểu của trường đại học Paris do ngài giáo sư tiến sỹ  Dumas, phó hiệu trưởng dẫn đầu đến thăm và làm việc với trường ta. Tôi xin trân trọng giới thiệu, về phía khách, ngoài giáo sư trưởng đoàn còn có giáo sư vật lý Henri và cô Madelène, trợ lý. Về phía nhà trường, tham dự buổi đón tiếp các vị khách quý hôm nay có giáo sư tiến sỹ Lê Chân, hiệu trưởng nhà trường, giáo sư tiến sỹ  Nguyễn Lê, chủ nhiệm khoa cùng các giáo sư, tiến sĩ của khoa Vật lý và các khoa khác trong trường. Tới dự còn có tiến sỹ Trần Quang Nam, trưởng phòng đối ngoại.
 

2. Thông báo về Hội thảo khoa học

     Hội Tin học Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tin học Việt Nam thập kỷ 90 - hợp tác và phát triển".

     Thời gian: Từ ngày 6 đến ngày 10-7-1992.

     Địa điểm: Tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.

     Ban tổ chức trân trọng kính mời toàn thể hội viên Hội Tin học Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tới đăng ký và tham dự. Mọi chi tiết xin liên hệ với Ban tổ chức theo địa chỉ:

     Tại Hà Nội: 36C Lý Nam Đế; Tel. 254219.

     Tại thành phố Hồ Chí Minh: 79 Trương Định, Quận 1, Tel.222876.

   3. Hội đàm

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Pháp do ngài Bộ trưởng A. Dumas dẫn đầu đã đến Hà Nội ngày hôm qua. Sáng nay tại Nhà khách Chính phủ, Đoàn đã có cuộc Hội đàm với Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu. Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam cũng tham dự Hội đàm.

                                       II. Ghi chú ngữ pháp

1. Các từ "hình như, có lẽ, chắc" dùng để nêu phán đoán về một sự việc, hành động chưa xác định.

Ví dụ: 
  
- Hình như cậu có tham gia đọc báo cáo?
 
- Kinh nghiệm học tập của cậu chắc có ích cho nhiều người
 
- Có lẽ ngày mai trời sẽ nắng  

+ Có thể dùng thêm là ở trước thành hình như là, có lẽ là, chắc là.

+ Chắc khác chắc chắn. Chắc chắn dùng trong trường hợp đã xác định, khẳng định.

+ Có thể dùng hình như phối hợp với thì phải.

Ví dụ: Hình như tôi đã gặp anh ở đâu thì phải.

2. Do: nối định ngữ thuyết minh (được biểu thị bằng một kết cấu C-V) với thành phần chính (được biểu thị bằng một danh từ).

Ví dụ:
 - Đoàn đại biểu.............. do giáo sư tiến sĩ Duma dẫn đầu đến thăm.......... 
 
- Đoàn đại biểu................. do ngài Bộ trưởng dẫn đầu. 

3. Ngoài.... còn....: dùng để liên kết hai thành phần câu, hai vế câu có quan hệ bổ sung.

Ví dụ:
 - Ngoài giáo sư trưởng đoàn, còn có giáo sư vật lý Angri, cô Medelène, trợ lý.
 
- Ngoài nghiên cứu, tôi còn phải giảng dạy.

Chú ý: Nếu là liên kết hai câu thì có thể dùng: ngoài ra... còn...

Ví dụ:
 - Đoàn đại biểu sẽ dự các cuộc hội thảo theo kế hoạch, ngoài ra đoàn còn đi tham quan một số danh lam thắng cảnh.
 

4. Hàng:

   a. Đi kèm D chỉ thời gian biểu thị sự liên tục.

Ví dụ:
 - Hàng ngày (các ngày liên tục)
 
- Hàng tuần (các tuần liên tục)
 
- Hàng tháng (các tháng liên tục)
 

    b. Trợ từ, đi kèm số từ và D biểu thị số lượng gần đúng và nhấn mạnh.

 Ví dụ:
 - Hàng chục báo cáo
 
- Hàng trăm người
 
- Hàng triệu đồng
 

                                                          III. Bài đọc 
 

                                                1. Rắn là một loài bò

Bé chăm học nhưng không thông minh. Suốt ngày ê a đọc theo sách mà không suy nghĩ. Một hôm bé đọc sách Động vật, bài nói về loài rắn. Trong sách có câu: "Rắn là một loài bò sát không chân". Câu này được in ở hai dòng. Cuối dòng trên là các từ "Rắn là một loài bò" còn dòng dưới là các từ "sát không chân". Bé không chú ý cứ đọc như con vẹt hàng chục lần các từ ở dòng trên: "Rắn là một loài bò, rắn là một loài bò"... rồi mới đọc các từ ở dòng dưới "sát không chân, sát không chân...". Bé không biết là mình đọc sai. Bà đến bên bé và bảo: "Cháu phải đọc liền cả câu thì mới có nghĩa. Rắn không phải là một loài bò".

                                       2. Trên chiếc xe U-oát

Giáo sư Viện trưởng và các cán bộ chủ chốt của Viện Toán đứng ở tiền sảnh của toà nhà chính để đón giáo sư toán học Fredrich Phan, trưởng đoàn, cùng một số nhà toán học Pháp đến thăm. Sáng nay vì bận họp Quốc hội nên ông không ra sân bay đón giáo sư Fredrich Phan được. Ông giao việc đó cho trợ lý của ông. Và bây giờ ông đang chờ giây phút gặp lại người bạn cũ. Đoàn xe đi đón khách từ sân bay Nội Bài đang từ từ đi vào cổng. Chiếc xe Toyota màu trắng của Viện trưởng đi đầu, chiếc Vonga màu đen đi giữa và cuối cùng là chiếc xe U-oát (UAZ).

Giáo sư Viện trưởng như không tin ở mắt mình. Giáo sư Fredrich Phan từ chiếc xe U-oát bước xuống và đang nhanh nhẹn đi về phía ông. Còn từ chiếc Toyota và chiếc xe Vonga bước xuống là các vị khách khác và các cô tiếp tân của Viện Toán đi đón.

Thì ra, trợ lý của giáo sư Viện trưởng cứ tưởng trưởng đoàn chắc là người Pháp to béo (cũng là một nhà toán học, thành viên của đoàn), vì thế anh ta mời ông này lên chiếc xe Toyota sang trọng của Viện trưởng, còn vị trưởng đoàn, giáo sư Fredrich Phan, một người Việt nhỏ bé thì anh ta lại tưởng là người phiên dịch hay người phục vụ, nên mời đi cùng với mình trên chiếc xe U-oát.

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang