20/06/2005 04:19:43 PM
Bài 25. Láng giềng, bè bạn

I. Các tình huống hội thoại
 

1. Hỏi thăm nhà bạn

Jack:
 Chào bác ạ! Bác cho cháu hỏi thăm, có phải nhà anh Hoàng ở đây không ạ?
 

Bà cụ:
 
Vâng! Mời anh vào nhà.
 

Jack:
 
Dạ, thưa bác là...
 

Bà cụ:
 
Tôi là hàng xóm láng giềng. Mẹ của anh ấy đang ở ngoài vườn.
 

Jack:
 
Thế ạ. (Với mẹ Hoàng) Chào bác ạ! Cháu là Jack, bạn của anh Hoàng, cháu muốn gặp anh Hoàng có chút việc ạ.
 

Mẹ Hoàng:
 
Tiếc quá, em Hoàng đi vắng cháu ạ. Đến chiều mới về. Cháu cứ vào nhà đi. Cháu có nhắn gì không?
 

Jack:
 
Dạ, thôi bác ạ. Tối cháu quay lại.
 

2. Nói chuyện về văn hoá - xã hội

Nam:
 Xin giới thiệu với Liên: đây là Harry, bạn của mình. Anh ấy đang học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Lịch sử. Và xin giới thiệu với Harry, đây là Liên, bạn thân và là hàng xóm của mình. Liên đang học ở Nhạc viện Hà Nội.
 

Harry:
 
Chị học ở khoa gì ạ?
 

Liên:
 
Tôi đang học ở khoa Nhạc cụ Dân tộc anh ạ.
 

Harry:
 
Nghĩa là...
 
Liên:
 
Nghĩa là học biểu diễn các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh...
 

Harry:
 
Chị Liên chuyên nhạc cụ gì?
 
Liên:
 
Đàn bầu anh ạ. Ngoài ra cũng phải học cả sáo và tam thập lục nữa.
 
Harry:
 
Tuyệt quá nhỉ! Tương lai chị sẽ trở thành một nghệ sĩ. Khi nào chị biểu diễn cho chúng tôi đi xem với nhé.
 

Liên:
 
Sắp tới, trường chúng tôi có chương trình biểu diễn mừng Quốc khánh, thế nào tôi cũng mời anh và anh Nam đi xem. Thế còn anh? Anh học năm thứ mấy rồi?
 
Nam:
 
Harry mới học năm thứ nhất. Còn học ở Việt Nam những bốn năm nữa.
 

Harry:
 
Còn được nhiều dịp đi xem chị Liên biểu diễn.
 

3. Chuyển chỗ ở

Helen:
 Chị Lan ơi! Nghe nói chị mới chuyển chỗ ở?
 

Lan:
 
Ừ, chị mới chuyển về ở phố Hàng Chuối em ạ.
 

Helen:
 
Sao vậy chị? Chỗ ở trước ở một phố cũng yên tĩnh lắm kia mà?
 

Lan:
 
Chỗ chị ở trước phố thì yên tĩnh nhưng hàng xóm thì ồn ào. Một bên là một ông nát rượu, ông ta uống rượu và chửi bới suốt ngày. Còn bên kia là ông nhạc sĩ, hình như vì không thích nghe ông nát rượu chửi bới, nên ông ta đánh đàn rất to. Mình ở giữa phải chịu đựng cả hai người, khổ lắm. Các cháu cũng không được yên tĩnh mà học hành.
 

Helen:
 
Cháu Thuỷ sắp ra trường chưa chị?
 

Lan:
 
Còn lâu, cháu mới học năm thứ 3 mà trường Y phải học đến 5 năm, lại thêm 2 năm học Y học dân tộc nữa thành 7 năm. Cháu còn những 4 năm nữa mới tốt nghiệp.
 

4. Dạ hội sinh viên

Jack:
 Tối nay trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức dạ hội sinh viên. Họ mời tất cả sinh viên nước ngoài chúng mình tham gia đấy!
 

Harry:
 
Dạ hội có những tiết mục gì?
 

Hà:
 
Mình có chương trình đây: ngâm thơ, biểu diễn các bài hát Việt Nam và nước ngoài và cuối chương trình có cả nhảy nữa.
 

Jack:
 
Chúng mình thì tham gia được cái gì?
 

Hà:
 
Hát và nhảy. Helen hát dân ca Việt Nam hay lắm, "Người ơi người ở đừng về" chẳng hạn.
 

Helen:
 
Không đâu! Nếu hát mình sẽ hát bài khác. Cứ hát đi hát lại mỗi một bài cũng chán.
 

Hà:
 
Càng tốt. Thôi nhé. Đúng 7 giờ chúng ta lên đường.
 

                                   II. Ghi chú ngữ pháp

1. Các động từ "trở thành, trở nên": biểu thị sự thay đổi phẩm chất, trạng thái của người hoặc sự vật.

Ví dụ: - Chị sẽ trở thành một nghệ sĩ.

     - Tình hình trở nên phức tạp.

     - Thời tiết trở nên xấu.

Chú ý: Sau động từ trở thành thường là danh từ, nhóm danh từ sau động từ trở nên là tính từ, nhóm tính từ.

2. Thành phần giải thích: là thành phần bổ sung cho một thành phần nào đó của câu để giải thích rõ hơn.

Ví dụ: - Cháu là Jack, bạn của anh Hoàng.

     - Đây là Liên, bạn thân của mình.

     - Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, là một thành phố cổ kính.

3. ...đi... lại: cặp phó từ, đặt sau động từ theo công thức: "Đ đi Đ lại", dùng khi hành động lặp lại nhiều lần.

Ví dụ: - Hát đi hát lại mỗi một bài mãi cũng chán.

     - Kể đi kể lại câu chuyện ấy.

     - Học đi học lại các bài học cũ.

4. Những: từ đệm, dùng để nhấn mạnh vào số lượng sự vật với ý nghĩa là nhiều.

Ví dụ: - Còn những bốn năm nữa.

     - Nam có những hai cuốn từ điển.

     - Hè này chúng tôi được nghỉ những ba tháng.

                                       III. Bài đọc


sound.gif

                                      Mẹ hiền dạy con

Mạnh Tử thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, hàng ngày thấy người ta đào, chôn, khóc lóc, về nhà cũng bắt chước những hành động đó. Bà mẹ nghĩ: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được". Bà mẹ dọn nhà ra ở gần chợ.

Ở gần chợ, Mạnh Tử cũng bắt chước người ta mua bán. Bà mẹ lại dọn đến cạnh trường học.

Mạnh Tử ở gần trường học cũng bắt chước đọc sách, làm bài, học cách nói năng lễ phép và trở thành một đứa con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng và nghĩ: "Chỗ này con ta ở được".

Một hôm Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, hỏi mẹ: "Người ta giết lợn để làm gì hở mẹ?". Bà mẹ nói đùa: "Để cho con ăn!" Nói xong bà biết mình lỡ nói dối con, nếu không có thịt cho con ăn thì hoá ra mình dạy con nói dối. Bà đành đi mua thịt lợn cho con ăn. Một hôm khác, Mạnh Tử bỏ học về nhà. Bà mẹ đang ngồi dệt, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt và nói với con: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải mà cắt đứt đi". Từ hôm đó Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau ông trở thành một nhà triết học lớn.

 

 


 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang