27/01/2023 04:13:00 PM
Việt Nam ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình.

Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu tại cuộc họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 26/1, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, tiến trình đàm phán liên chính phủ (IGN) về cải tổ Hội đồng Bảo an tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong quá trình thảo luận, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo tính đại diện, dân chủ, minh bạch, hiệu quả cũng như phản ánh được thực tiễn tình hình thế giới hiện nay.

Trong khi nhiều nước ủng hộ mở rộng số lượng ủy viên Hội đồng Bảo an, cả ủy viên thường trực và không thường trực, một số ý kiến cho rằng chỉ nên mở rộng số lượng ủy viên không thường trực và tính đến một cơ cấu thành viên Hội đồng Bảo an mới.

Về việc tăng tính đại diện tại Hội đồng Bảo an, các ý kiến đều khá thống nhất trong việc bảo đảm tính đại diện về địa lý, trong đó các nhóm nước đang có ít đại diện cần được tăng số ghế trong Hội đồng Bảo an.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt mặc dù chưa có dấu hiệu suy giảm, nhưng cũng là động lực cho sự thay đổi.

Do đó, Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Về việc mở rộng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại quan điểm của Việt Nam ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cả số ủy viên thường trực và không thường trực, bảo đảm sự đại diện công bằng cho các nhóm khu vực, nhất là đối với các nhóm nước chưa có đại diện hoặc ít đại diện, trong đó có các nước đang phát triển.

Đại sứ cũng nhấn mạnh việc cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an và giới hạn sử dụng quyền phủ quyết.

Nhân dịp này, đại diện Việt Nam nêu tầm quan trọng của đối thoại và thảo luận về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ tiến trình đàm phán liên chính phủ, đề nghị tiến trình này phải được thực hiện một cách minh bạch, có sự tham gia đầy đủ và trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước.

Tiến trình đàm phán liên chính phủ được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 62/557 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc để đàm phán về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các phiên toàn thể không chính thức của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Tiến trình đàm phán liên chính phủ với 3-5 cuộc họp tiến hành hằng năm, tập trung thảo luận 5 vấn đề then chốt gồm: (i) Các loại ủy viên Hội đồng Bảo an; (ii) Quyền phủ quyết; (iii) Đại diện khu vực; (iv) Quy mô mở rộng và phương pháp làm việc và (v) Quan hệ giữa Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Về đại diện của các khu vực tại Hội đồng Bảo an, nhóm châu Á-Thái Bình Dương và nhóm châu Phi đang có tính đại diện thấp nhất khi mỗi nhóm chỉ có 3 ghế tại Hội đồng Bảo an trong khi châu Á-Thái Bình Dương có 55 nước, châu Phi có 54 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc.

Nhóm Tây Âu và các nước phương Tây có tính đại diện cao nhất khi có đến 5 ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi nhóm này chỉ có 29 nước./.

Thanh Tuấn / TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Việt Nam là hình mẫu thành công về ứng phó biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm thăm và làm việc tại Ai Cập
Liên hiệp Hội người Việt tại Đức - "Ngôi nhà chung" của những người con xa xứ
Chuyến thăm của Thủ tướng: Cột mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ
Trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận giữa Việt Nam-Trung Quốc
Đại đoàn kết toàn dân tộc - Đường lối chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang