07/09/2020 10:45:00 AM
Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong hội nhập quốc tế

Những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA sẽ là nền tảng để Việt Nam khẳng định vững chắc vai trò, vị trí của mình trong hội nhập quốc tế.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 phát biểu tại cuộc Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA dưới hình thức trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, tại Hà Nội, chiều 26/6/2020. Nguồn: TTXVN

Trước tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, phát huy kết quả các hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN và AIPA thời gian qua, từ ngày 8-10/9/2020 Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 với chủ đề: “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu nghị viện của các nước thành viên ASEAN, điểm cầu các nước quan sát viên.

Đây là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch AIPA, lần thứ ba đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một kỳ Đại hội đồng AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, thể hiện sự linh hoạt, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA 2020.

Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện của Việt Nam.

Đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng

Từ 5 nước thành viên sáng lập ban đầu vào tháng 9/1977, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) đã không ngừng lớn mạnh với việc kết nạp thêm thành viên.

Thông qua các hoạt động của AIPO, nghị viện và nghị sĩ các nước trong khu vực có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, trở nên thân thiện, tin cậy lẫn nhau.

Trong phiên bế mạc Kỳ họp lần thứ 27 Đại hội đồng Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO-27) diễn ra tại Cebu (Philippines) từ ngày 10-15/9/2006, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) chính thức đổi tên thành Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Những bước phát triển và nỗ lực vươn lên của Đại hội đồng AIPA đã khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện với tiến trình hội nhập của các quốc gia Đông Nam Á.

Đây cũng là một trong những hình mẫu tiêu biểu của liên kết nghị viện khu vực ở châu Á, biểu tượng tự hào cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng của Cộng đồng ASEAN. Hiện AIPA có 10 nghị viện thành viên ASEAN và 12 quan sát viên.

Nhằm tạo ra cơ chế thúc đẩy việc trao đổi thông tin, quan điểm về việc phát triển các sáng kiến lập pháp chung với mục tiêu hài hòa hóa pháp luật giữa các nước thành viên AIPA, Đại hội đồng AIPA lần thứ 28 ở Malaysia đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Nhóm Tư vấn AIPA (AIPA Caucus) gồm đại diện nghị viện các nước thành viên (mỗi nước 3 đại biểu), nhằm thiếp lập kênh trao đổi và chia sẻ thông tin để triển khai các sáng kiến lập pháp giữa các nước thành viên AIPA.

Hội nghị lần thứ nhất Nhóm Tư vấn AIPA đã được tổ chức để trao đổi về khả năng thực hiện hài hòa hóa pháp luật của các nước thành viên ASEAN trong các lĩnh vực chống buôn bán ma túy và chống buôn bán người nhằm tăng cường sự hợp tác trong việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực này.

Báo cáo của Hội nghị đã được gửi tới Đại hội đồng AIPA lần thứ 30 tổ chức tại Pattaya (Thái Lan) vào tháng 8/2009.

Thực hiện chủ trương tăng cường sự tham gia của nghị viện các nước thành viên trong việc giải quyết các vấn đề ASEAN và thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp giữa tổ chức liên nghị viện và liên chính phủ ở khu vực, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan là Chủ tịch AIPA-30 đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp không chính thức lần đầu tiên giữa đại diện lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA và những người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại Hủa Hỉn (Thái Lan) vào tháng 2/2009.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội vào tháng 4/2010, theo sáng kiến của Việt Nam, cuộc họp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện AIPA đã được tổ chức để bàn về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN.

Như vậy, với việc tổ chức thành công hội nghị này, tính chính thức trong quan hệ giữa AIPA và ASEAN đã được nâng lên một bước phát triển mới. Đây là đóng góp quan trọng của Việt Nam trong năm 2010, là nước chủ nhà của cả ASEAN và AIPA, nhất là trong việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan hành pháp và lập pháp hướng tới mục tiêu chung là xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Kể từ đó, các nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA đều tổ chức các cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN (trừ năm 2018 tại Singapore) nhằm nâng cao vị thế, vai trò của AIPA trong quan hệ với ASEAN.

Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA 2020

Bám sát chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong các nước thành viên và tiếp nối các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, nhất là những sáng kiến của Việt Nam đã được các nước ghi nhận, ủng hộ, các nghị viện thành viên của AIPA đã nhất trí với chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA 41 do Việt Nam đề xuất là: “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”

 Sáng 29/6/2020, tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 3 'Biến lời nói thành hành động hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy.' Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức AIPA 41, cho biết, các nghị viện thành viên của AIPA đã nhất trí với chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA 41 do Việt Nam đề xuất, phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trong khu vực ASEAN, ủng hộ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, vượt lên các thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã nhận được đăng ký tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên AIPA, nghị viện quan sát viên và khách mời nước chủ nhà. Điều này cho thấy sự quan tâm, ủng hộ, đồng lòng của các nghị viện cùng chung tay nỗ lực với Quốc hội Việt Nam, vì thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41.

Sau khi nhậm chức Chủ tịch AIPA năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng Đề án tổng thể Năm Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại Hội đồng AIPA 41, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Tổ chức AIPA 41; thành lập Ban Thư ký quốc gia và các Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền và Tiểu ban Lễ tân-Hậu cần-An ninh-Y tế. Công tác chuẩn bị nội dung đã được phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan hữu quan.

Cùng với hoạt động của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện trực tuyến, thể hiện trách nhiệm của Chủ tịch AIPA năm 2020. Ngày 30/3/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách Chủ tịch AIPA đã gửi Thư tới các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA để chia sẻ nhưng mất mát, tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA đoàn kết, tăng cường hành động, đồng hành cùng Chính phủ trong đối phó với đại dịch COVID-19.

Đại diện của Quốc hội Việt Nam tham dự nhiều hoạt động họp trực tuyến với các Nghị viện thành viên AIPA, với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), thúc đẩy vai trò của nghị viện trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 theo hình thức họp trực tuyến vào ngày 26/6/2020, Phiên đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và AIPA đã được tổ chức thành công, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch AIPA 2020 của Việt Nam, được các nghị viện ASEAN đánh giá cao.

Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công bằng hình thức trực tuyến Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) vào ngày 29/6/2020 và Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA ECC) vào ngày 30/7/2020.

Hội nghị AIPA ECC được tổ chức theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam kết nối với AIPA và Liên minh Nghị viện Thế giới với sự tham gia của đại diện Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới.

Đây là lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA. Đại diện Quốc hội Việt Nam đã tham gia Hội nghị trực tuyến các nhà tư vấn AIPA lần thứ 11 tại Manila (Philippines).

Theo Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân, đại dịch COVID-19 và những diễn biến mới, phức tạp trong khu vực sẽ là thách thức, áp lực và đòi hỏi trọng trách lớn của nước chủ nhà Việt Nam.

Vì vậy, sự linh hoạt, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị đại hội đồng vừa qua của Việt Nam đã được các nước tín nhiệm, hoan nghênh, đánh giá cao.

Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân khẳng định, những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA trong bối cảnh đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước ASEAN sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt và khẳng định vững chắc vai trò, vị trí của mình trong hội nhập quốc tế.

Quốc hội Việt Nam tham gia Đại hội đồng với tinh thần chủ động tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA, tôn trọng, vận dụng khéo léo các nguyên tắc, quy trình và phương thức hoạt động của ASEAN, AIPA, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA bổ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, đặc biệt trước mắt là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đến nay, các nội dung cụ thể được xem xét, thảo luận tại Đại hội đồng AIPA 41 cũng được hoàn thiện. Công tác tổ chức, lễ tân, hậu cần và an ninh đã được chuẩn bị chu đáo, trọng thị, tiết kiệm, theo thông lệ AIPA và đảm bảo nguyên tắc đối đẳng.

Hạ tầng kỹ thuật, đường truyền đã hoàn thành, an toàn cho các hoạt động của Đại hội đồng, đáp ứng cao các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến công nghệ số và Internet. Công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả phù hợp với bối cảnh họp trực tuyến.

Đại Hội đồng lần thứ 41 sẽ là dịp để các nghị sỹ ASEAN cùng nhìn lại những thành tựu, thách thức, củng cố tinh thần đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nhằm cùng nhau đối phó với những thách thức lớn của khu vực và thế giới trong thời gian tới, đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển.

Việc cùng lúc Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới./.

Nguyễn Hồng Điệp / TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang