01/10/2018 09:44:00 AM
Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ - sứ mệnh quốc tế cao cả

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một sứ mệnh cao cả, giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột để tạo ra các điều kiện cho hòa bình. Việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là hoạt động có ý nghĩa nhân đạo quốc tế to lớn, khẳng định với thế giới về một hình ảnh đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

 Thành viên trẻ nhất của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Trung úy Phạm Phú Hải, sinh năm 1995. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Từ những bước đi ban đầu

Triển khai “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” và “Đề án của Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo,” Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ tháng 12/2013 để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ra mắt vào tháng 1/2018, song song với việc tổ chức chuyển giao Tổ công tác liên ngành về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng. Từ khi thành lập đến nay, cơ quan này đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sỹ quan; triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các Phái bộ.

Chính thức triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014, sau 4 năm, Việt Nam đã cử 27 lượt sỹ quan thực hiện nhiệm vụ Sỹ quan Liên lạc, Quan sát viên quân sự và Sỹ quan Tham mưu tại hai Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 1 nữ sỹ quan.

Hiện tại, có 8 sỹ quan đang triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ. Về hình thức đơn vị, Bộ Quốc phòng đã thành lập 2 đơn vị để sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, gồm Đội Công binh và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, theo đúng tinh thần của Đề án tổng thể và Đề án Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDCC2.1) với biên chế 63 người, trong đó có 10 nữ, đã được Liên hợp quốc chấp thuận và sẽ xuất quân lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan ngày 1/10/2018 đồng thời, Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị những bước đi cần thiết cho bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội Công binh để thời gian tới sẵn sàng triển khai tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp.


Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thơ, một trong 10 thành viên nữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) 

Trên cơ sở huấn luyện về gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thời gian qua và qua kiểm tra thực tế, tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực và sẽ triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên trong thời gian tới (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) tháng 8/2018, EU chính thức mời Việt Nam cử cán bộ tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của EU tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.

Những “đại sứ” gìn giữ hòa bình của Việt Nam

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về quốc phòng, mở ra kênh hợp tác với các đối tác. Các sỹ quan làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình chính là những người góp phần thể hiện hình ảnh về một Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù phải làm việc trong môi trường đa phương đầy khó khăn, nhưng các sỹ quan Việt Nam đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Liên hợp quốc, chỉ huy các Phái bộ và sỹ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc, ý thức kỷ luật…

Đánh giá về hiệu quả công tác của sỹ quan Việt Nam tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho biết kế thừa sự chuẩn bị hơn 10 năm của Bộ Ngoại giao, quá trình chuẩn bị tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam gặp nhiều thuận lợi trong các hoạt động đối ngoại, có được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và các nước đối tác. Song theo Thượng tướng, thuận lợi cơ bản nhất chính là Quân đội Việt Nam rất chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Điều này được thể hiện trong 5 năm vừa qua, 27 sỹ quan của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ ở các cương vị khác nhau đều thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, sỹ quan Việt Nam không vi phạm các quy định, kỷ luật của Liên hợp quốc. Điều này không dễ dàng đạt được khi hoạt động ở những môi trường phức tạp.”

Về quá trình làm việc của các sĩ quan đã thực hiện nhiệm vụ và trở về từ Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng, các sĩ quan đã rất nỗ lực, không phụ lòng tin của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi để đưa những kiến thức mà sỹ quan Việt Nam có được từ hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, những kinh nghiệm của Việt Nam từ quá trình tiến hành chiến tranh nhân dân, của một quân đội nhân dân vào thực tế ở địa bàn.

Người đứng đầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng, hiếm có lực lượng quân sự nào lại có tác phong gần dân, biết tận dụng hậu cần tại chỗ, biết chia sẻ những khó khăn, nỗi đau của nhân dân như quân đội Việt Nam. Những sự gần gũi nhỏ bé đó đã tạo nên một nét đặc trưng của sỹ quan Việt Nam, những người sỹ quan sống trong lòng dân, luôn luôn cố gắng tạo ra môi trường hòa hiếu, có cử chỉ nhân ái trong một hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn rất cao như hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đại tá Hoàng Kim Phụng cho biết, kinh nghiệm các sỹ quan Việt Nam đã tích lũy được qua quá trình công tác tại các địa bàn là những kinh nghiệm rất mới, mang tính thực tế cao, gây được ấn tượng sâu sắc đối với lực lượng quân đội của các nước đối tác đang công tác cùng địa bàn, đồng thời để lại dấu ấn rất mạnh mẽ về hình ảnh của người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Đại tá Hoàng Kim Phụng khẳng định, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ nghiên cứu, đúc kết nghiêm túc tất cả những kinh nghiệm quý báu này, đưa vào chương trình hành động, huấn luyện cho các sỹ quan ở các đội hình sau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vai trò của hợp tác quốc tế trong đào tạo và huấn luyện

Để đạt được những kết quả bước đầu trong việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động, Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký 9 Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Nga, New Zealand.

Thực hiện nội dung hợp tác, các đối tác như Australia, Hoa Kỳ, Anh, New Zealand đã hỗ trợ mở các khóa tiếng Anh về gìn giữ hòa bình, tham mưu, hậu cần kỹ thuật cho lực lượng của Việt Nam. Gần 60 khóa tiếng Anh ở các trình độ cho các lực lượng Công binh, Quân y và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã hỗ trợ cho 500 lượt cán bộ được đào tạo, đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng duy trì việc huấn luyện chuyên môn, nâng cao năng lực cho các cá nhân và đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; triển khai xây dựng chương trình huấn luyện, biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện cho từng loại đối tượng tham gia, đảm bảo việc hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất trong mọi hoàn cảnh khi tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.

Thời gian tới, nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ ngày càng phát triển, nhất là khi Việt Nam triển khai đội hình đơn vị. Do vậy, Tổ công tác liên ngành sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, điều hành và thực hiện để triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Về hướng triển khai lực lượng, ngoài việc tiếp tục duy trì số lượng các sỹ quan đang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hàng năm tại Phái bộ Trung Phi và Nam Sudan hiện nay, Việt Nam sẽ nghiên cứu và chuẩn bị triển khai tăng thêm cá nhân, mở rộng một số vị trí cá nhân khác cũng như một số Phái bộ khác, trong đó có các vị trí chỉ huy cấp phòng, ban ở Phái bộ và cố vấn chuyên môn như sỹ quan điều hành lực lượng quân sự Phái bộ, Cố vấn bình đẳng giới, Cố vấn pháp lý…

Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị, nghiên cứu, vận động để cử một số sỹ quan ứng thi vào các cơ quan của Liên hợp quốc; tham mưu, đề xuất khả năng một số sỹ quan cảnh sát, dân sự tham gia vào một số vị trí phù hợp tại Phái bộ. Ở cấp độ đơn vị, sau khi triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Việt Nam sẽ tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đội Công binh, sẵn sàng cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ đầu năm 2020; xem xét mở rộng việc cử đơn vị ở lĩnh vực khác như quân cảnh, lực lượng bảo vệ, thông tin… tại Phái bộ khác phù hợp./.

Hiền Hạnh/ TTXVN

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang