10/09/2021 10:37:00 AM
Việt Nam kêu gọi các bên ở Afghanistan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên liên quan ở Afghanistan tiếp tục kiềm chế, không sử dụng vũ lực bảo đảm hoạt động bình thường của cơ sở hạ tầng quan trọng và dịch vụ cần thiết cho người dân.

Các thành viên Taliban tuần tra trên một tuyến phố ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 31/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 9/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an đã thảo luận tình hình tại Afghanistan.

Phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 9, ông Simon Coveney chủ trì, với sự tham dự của bà Deborah Lyons, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan.

Tại cuộc họp, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại Afghanistan, nhất là về khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại nước này.

Bà Deborah Lyons cho rằng mặc dù lực lượng Taliban đã tuyên bố kiểm soát Afghanistan song chưa có được niềm tin từ người dân nước này, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc Taliban chưa thực hiện các cam kết đã tuyên bố, đặc biệt là việc Chính phủ lâm thời chưa có sự tham gia của tất cả các bên liên quan và không có đại diện nữ giới.

Bà Lyons kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Afghanistan bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo và tái thiết cho Afghanistan.

Bà nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc, trong đó có Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cam kết ở lại và hỗ trợ người dân Afghanistan trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ quan ngại về tình hình tại Afghanistan thời gian qua và đánh giá cao các nỗ lực của UNAMA đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên Liên hợp quốc.

Nhiều nước nhấn mạnh rằng mọi giải pháp chính trị ở Afghanistan hiện nay cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan và không để lãnh thổ Afghanistan bị các nhóm khủng bố sử dụng làm nơi trú ẩn.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình ở Afghanistan, với những khó khăn về nhiều mặt và mong muốn tình hình sớm ổn định, vì lợi ích, an toàn của người dân, hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Afghanistan tiếp tục kiềm chế, không sử dụng vũ lực bảo đảm hoạt động bình thường của cơ sở hạ tầng quan trọng và dịch vụ cần thiết với cuộc sống của người dân và thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ và thanh niên.

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục bảo đảm có sự tiếp cận nhân đạo đầy đủ, bảo đảm an toàn cho nhân viên Liên hợp quốc, nhân viên nhân đạo, ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế và người nước ngoài.

Đồng thời, Đại sứ kêu gọi tăng cường các nỗ lực ứng phó với các thách thức về chống khủng bố, nhân đạo, an ninh lương thực, di cư, ứng phó đại dịch COVID-19, chống tội phạm và ma túy tại Afghanistan và mong muốn cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc, các đối tác khu vực và quốc tế tăng cường các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo và tái thiết tại nước này.

Đại sứ cũng đánh giá cao các nỗ lực của Liên hợp quốc và UNAMA, kêu gọi các bên ở Afghanistan tôn trọng, hợp tác đầy đủ và tạo điều kiện để Liên hợp quốc và UNAMA hoàn thành nhiệm vụ, vì lợi ích lâu dài của người dân và phát triển ở Afghanistan.

Cùng ngày 9/9, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Nghị quyết về tiến trình chuyển tiếp từ các hoạt động gìn giữ hòa bình (Nghị quyết 2594), với nội dung ghi nhận vai trò quan trọng của phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đối với sự ổn định và hòa bình lâu dài, đưa ra cách hiểu khái niệm "tiến trình chuyển tiếp," vai trò chủ đạo của quốc gia trong tiến trình này.

Nghị quyết cũng ghi nhận các nỗ lực nhằm bảo đảm tiến trình chuyển tiếp diễn ra thuận lợi, như lồng ghép trong nhiệm vụ phái bộ gìn giữ hòa bình các công việc, ưu tiên rõ ràng, phù hợp với nhu cầu của nước tiếp nhận, phối hợp với các bên liên quan, có sự đóng góp và cam kết của toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc, cũng như sự cần thiết phối hợp với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực.

Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc xây dựng kế hoạch chuyển tiếp lồng ghép trong bối cảnh chuyển tiếp chung của quốc gia hướng tới hòa bình, kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ các phái bộ hỗ trợ khôi phục quyền lực nhà nước và cải cách lĩnh vực an ninh, có báo cáo về tiến trình chuyển tiếp trước ngày 30/6/2022, đồng thời kêu gọi các chính phủ xây dựng, triển khai các chiến lược bảo vệ thường dân./.

Hải Vân- Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
'Chuyến công tác của Thủ tướng đã đạt kết quả thực chất, toàn diện'
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Việt Nam và Tonga thiết lập quan hệ ngoại giao
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Brazil
Tổ chức Lễ hội Phở Việt Nam 2023 tại Nhật Bản trong tháng 10
Tôn vinh 121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023: Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang