30/01/2023 07:44:00 AM
Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược khu vực của Canada

Đại sứ Việt Nam tại Canada đã đem đến cho các đại biểu một bức tranh tổng thể về mối quan hệ Việt Nam-Canada đang phát triển ngày một toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định.

 Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong phát biểu.  Ảnh: Viết Tuân/TTXVN

Thật tự hào và xúc động khi ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhạc sỹ Đỗ Minh, với cảm xúc về Đảng sâu sắc từ trái tim, vang lên hào hùng tại một hội thảo được tổ chức ở nơi cách xa đất Việt hàng chục nghìn cây số.

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 28/1, Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Canada-Việt Nam: 50 năm quan hệ và hợp tác," thu hút sự tham gia của nhiều học giả Canada, cùng đông đảo bạn bè quốc tế và bà con kiều bào.

Năm 2023 ghi dấu cột mốc "Vàng" - 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada. Là diễn giả chính của hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã đem đến cho các đại biểu một bức tranh tổng thể về mối quan hệ Việt Nam-Canada đang phát triển ngày một toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định và bền vững hơn, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế.

Theo Đại sứ Phạm Cao Phong, nền tảng để mối quan hệ Việt Nam-Canada phát triển hơn nữa là: hai nước cam kết duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; hai nước chia sẻ lợi ích chung vì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, thương mại và sử dụng các đại dương vì mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Hai nước khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm sự tôn trọng đầy đủ đối với các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế; hai nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Đặc biệt, hai nước nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phù hợp với hiến pháp quốc gia và các cam kết quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; chia sẻ cam kết coi thương mại và đầu tư theo nguyên tắc có đi có lại là nhân tố quan trọng định hướng quan hệ. Ngoài ra, hai nước đều ủng hộ các mối liên hệ giao lưu nhân dân bền chặt trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh, học thuật, truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch,...

 Quang cảnh chung các điểm cầu của hội thảo. Ảnh: Viết Tuân/TTXVN

Theo ông Steve Rutchinski, thành viên của CVFS, các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Năm nay, CVFS có kế hoạch tập trung vào một số diễn đàn trực tuyến để củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ nhân dân giữa hai nước, hướng đến một số chủ đề như chiến dịch chống đói nghèo thành công của Việt Nam, các chương trình xã hội tại Việt Nam, cũng như hành trình đòi lại công lý cho 40.000 người Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc màu da cam,...

Ông Steve Rutchinski hào hứng chia sẻ mặc dù mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam chính thức được thiết lập vào năm 1973, nhưng nhân dân Canada đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong hơn 70 năm qua và mối quan hệ này đã được hun đúc qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Hiện nay, mỗi năm khoảng hơn 100.000 người Canada đến thăm Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa của đất nước 4.000 năm lịch sử. Hàng nghìn thanh niên Canada đã đến Việt Nam làm việc và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam kể từ khi công cuộc Đổi mới được triển khai vào giữa những năm 1980. Trên nền tảng này, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đang ngày một sâu sắc, gắn bó hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về vị trí quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, cũng như những biện pháp để thúc đẩy quan hệ song phương. Hiện nay, Việt Nam có ưu thế hơn các đối tác khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với những “điểm cộng” lớn như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, lạm phát tương đối thấp,... Việt Nam cũng là nước duy nhất trong ASEAN có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện như Hiệp định Đối tác Toàn diện Việt Nam-Canada và Ủy ban hỗn hợp về kinh tế (JEC) giữa Việt Nam và Canada./.

Hương Giang / TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang