09/01/2020 09:06:00 AM
Việt Nam chủ trì phiên họp về củng cố hòa bình ở Tây Phi

Đại sứ Đặng Đình Quý đã có bài phát biểu với tư cách đại diện quốc gia, đánh giá cao kết quả công tác của UNOWAS trong thời gian qua và ủng hộ những nỗ lực, sáng kiến của cơ quan này.

 Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020 và các cán bộ phái đoàn Việt Nam tại phiên họp. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Ngày 8/1, Việt Nam, Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an, đã chủ trì phiên họp về Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về hoạt động của Văn phòng Liên hợp quốc tại khu vực Tây Phi và Sahel (UNOWAS) trong thời gian gầy đây.

Đây là phiên họp công khai của Hội đồng Bảo an đầu tiên do Việt Nam chủ trì trên cương vị Chủ tịch luân phiên.

Tại phiên họp, ông Mohamed Ibn Chambas, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng UNOWAS, đã trình bày báo cáo về tình hình khu vực và hoạt động của UNOWAS trong 6 tháng qua cũng như đưa ra các đề xuất.

Theo ông Chambas, nhiều nước khu vực Tây Phi và Sahel đã ghi nhận một số thành quả tích cực về chính trị và phát triển kinh tế nhưng nhìn chung an ninh đang ngày càng xấu đi với các cuộc tấn công bạo lực, khủng bố nhằm vào dân thường và quân đội các nước; trong đó Niger, Mali và Burkina Faso là các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Báo cáo nêu rõ trong một năm qua, các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra nhằm vào dân thường và lực lượng vũ trang khiến hơn 5,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nhiều cơ sở y tế và trường học phải đóng cửa.

Các tổ chức khủng bố và tội phạm có tổ chức vũ trang đang gia tăng hoạt động ở một số khu vực, nhất là vùng biên giới.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã có phát biểu thay mặt UNOWAS đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan tại Guinea-Bissau trong việc bảo đảm vòng 2 bầu cử Tổng thống Guinea-Bissau (hôm 29/12/2019) diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, ông Chambas cũng cảnh báo năm 2020 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống tại 6 quốc gia gồm Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ghana, Guinea, Niger và Togo, cũng như nguy cơ tình trạng bạo lực, bất ổn gia tăng trở lại tại các nước trong khu vực này.

Thêm vào đó, ông còn đề cập đến các mối đe dọa do yếu tố sắc tộc, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Cameroon và Nigeria cũng như các hoạt động ly khai tại mỗi nước này.

Nhằm củng cố thành quả của UNOWAS thời gian qua, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị khi gia hạn UNOWAS cho giai đoạn 2020-2023, Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên hợp quốc nói chung cần ưu tiên cách tiếp cận đa chiều với nhiều trụ cột bao gồm an ninh, chính trị, phát triển và đảm bảo quyền con người.

Phát biểu tại cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng tại Tây Phi.

Các nước thành viên Niger, Nam Phi, Tunisia đánh giá cao vai trò và nỗ lực của UNOWAS và khẳng định cam kết chính trị của các nước châu Phi trong việc chủ động giải quyết tình hình tại Tây Phi, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an ủng hộ tiếp tục các nỗ lực của cơ quan này.

Các ý kiến phát biểu khác cũng đề nghị Hội đồng Bảo an cần bám sát nguyên tắc khi tiếp tục triển khai hoạt động của UNOWAS, nhấn mạnh vai trò chủ đạo của các nước khu vực trong việc giải quyết các nguy cơ an ninh và bảo đảm an ninh xã hội, giành được sự tin tưởng và tín nhiệm của dân cư địa phương, từ đó hạn chế ảnh hưởng của các nhóm khủng bố, tội phạm.

Trong năm 2020 và 2021, UNOWAS cần tập trung hỗ trợ các nước khu vực tiến hành bầu cử suôn sẻ, thuận lợi, tránh tạo thành các điểm nóng bất ổn.

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, đã có bài phát biểu với tư cách đại diện quốc gia, đánh giá cao kết quả công tác của UNOWAS trong thời gian qua và ủng hộ những nỗ lực, sáng kiến của cơ quan này.

Trước tình hình an ninh trong khu vực đang có chiều hướng xấu đi, Việt Nam đề nghị các nước và các tổ chức khu vực như nhóm G5 Sahel, tiếp tục các nỗ lực hợp tác chống khủng bố và tội phạm có tổ chức; đồng thời triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất ổn, bao gồm cả các tác động của biến đổi khí hậu đối với tình hình an ninh trong khu vực./.

Hải Vân-Hữu Thanh/ TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang