13/09/2019 10:09:00 AM
Thủ tướng nhấn mạnh ‘giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài’

Thủ tướng cho rằng chúng ta đã có quá nhiều các văn bản chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ. Vì thế, việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người, để thực hiện thật tốt. Các bộ, ngành, các địa phương phải nghiên cứu để chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030, chiều 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và khung cảnh hội nghị sử dụng đồ tái chế để trang trí, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, “tất yếu tức là anh làm ngược lại thì thất bại”. Cho nên chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Nếu không phát triển nhanh thì sẽ tụt hậu so với thế giới nhưng phải phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ quan điểm. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số xếp hạng cao ở Việt Nam là xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tiếp cận năng lượng, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu.

“Tuy nhiên, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện”, Thủ tướng nói. Tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhìn toàn diện cả những thành tựu, mặt tích cực và cả những tồn tại, hạn chế nêu trên để thấy rằng một thập niên qua chúng ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ, có nhiều bước tiến trong phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện một thập niên tới bền vững hơn nữa, tốt hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội”.

Cần tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc đã xác định rõ mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.

Chúng ta đã có quá nhiều các văn bản chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ. Vì thế, việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người, để thực hiện thật tốt. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.

Cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Hành động cùng cộng đồng quốc tế, sớm đưa thoả thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Lồng ghép và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt mục tiêu số 13 là ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai và mục tiêu số 14 là bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển phát triển bền vững trước năm 2030.

Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững.

 Thủ tướng công nhận các sáng kiến và chương trình hành động của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ chủ trương khuyến khích các mô hình sản xuất tiêu dùng giúp tận dụng nguồn lực xã hội, cắt giảm chi phí và rào cản gia nhập và rút lui khỏi thị trường, có xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 tại Đan Mạch vào tháng 10/2018, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam phải chung tay hành động cùng với các Chính phủ thành viên của Hội nghị nhằm hiện thực hoá mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030, thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh… vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các biện pháp quyết liệt của nhiều địa phương. Cụ thể là TP. Hà Nội với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố. Hay tỉnh Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở Vịnh Hạ Long. Ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã 10 năm không sử dụng túi nilon.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam hay là Chuỗi siêu thị Saigon Co.op cơ bản không sử dụng túi nilon trong tiêu dùng. “Chỉ có những sáng kiến và hành động cụ thể như vậy mới biến các chủ trương, mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của chúng ta thành hiện thực”.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát triển con người.

Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số như xu hướng thế giới hiện nay. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, có chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội thịnh vượng.
Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhưng triển khai trong thực tế còn hạn chế, vì vậy, cần có các chính sách mạnh để khuyến khích các hoạt động sản xuất, tái sản xuất và tái sử dụng có lợi.

Thủ tướng cho rằng toàn cầu hoá và xu hướng công nghệ cùng với những mô hình kinh doanh có tính đột phá, làm thay đổi căn bản nhiều tư duy và phương pháp tiếp cận kinh doanh giúp cho hoạt động kinh tế dân sự trở nên tối ưu và bền vững hơn. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá cội nguồn, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt có tính bền vững, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài, là bệ phóng cho những tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21 và xa hơn.

Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam căn cứ kết luận Hội nghị hôm nay, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững.

Thủ tướng giao các bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Những cái tiêu chí này phải mang tính định lượng, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát.

Cho biết hiện còn hơn 30 địa phương chưa có kế hoạch thực hiện kế hoạch quốc gia và Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, nhất là về giáo dục, y tế, phát triển con người, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Đức Tuân/ baodientuchinhphu.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Việt Nam và Slovenia tham vấn chính trị, thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang