20/09/2019 07:55:00 AM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019

Chiều 19/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAID) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các học giả, chuyên gia, cơ quan ngoại giao, đối tác phát triển, tổ chức quốc tế.


 Thủ tướng chụp ảnh cùng các đại biểu tham gia diễn đàn. Ảnh: QĐND

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với WB, AusAID và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn thường niên VRDF lần thứ hai với chủ đề: Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động với nội dung bao trùm hơn, sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong, ngoài nước, khu vực tư nhân… Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025; đồng thời, là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển KTXH, cũng như Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm phát triển, cả thành công và thất bại của mình.

Thủ tướng hoan nghênh, trân trọng những ý kiến tham luận, phát biểu rất ý nghĩa, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu, trong đó tập trung thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam, tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, hoàn thiện bộ máy nhà nước, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng chế biến, chế tạo xuất khẩu để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng đánh giá cao những nhận định về tồn tại, hạn chế, khả năng chống chịu trước tác động của bên ngoài còn hạn chế; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn cao; các vùng miền còn khác nhau trong phát triển; năng suất lao động còn thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, những hạn chế đó không làm Việt Nam chùn bước mà phải có ước mơ, khát vọng hành động. Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế luôn đồng hành, hỗ trợ.

Thủ tướng chia sẻ: Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường của thế giới, trong đó có chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... Tình hình đó đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực; phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển. Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền giáo dục quốc gia. Chỉ có con đường học tập con trẻ mới hiện thực hóa ước mơ của mình, tiếp nối ước mơ còn dang dở của cha ông; hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, đem thịnh vượng đến mọi nhà trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký, tiếp tục tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng dòng chảy đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực, tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo Thủ tướng, kinh nghiệm của các nước cũng như đề xuất của các chuyên gia tại Diễn đàn có nhiều nội dung hữu ích. Những khuyến nghị cách thức tiến lên tầm phát triển mới trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế đa dạng mà đại diện OECD trình bày cần được tham khảo, phân tích kỹ, làm đầu vào khi hoạch định chính sách. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng XHCN.

Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển trong việc tổ chức Diễn đàn này.

Diễn đàn VRDF 2019 diễn ra với ba phiên, gồm Phiên chuyên đề 1: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Phiên chuyên đề 2: Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; Phiên toàn thể: Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Trước đó, chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đại diện các tổ chức, diễn giả quốc tế tham dự Diễn đàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các đại biểu quốc tế tham dự quốc tế, đóng góp tích cực vào thành công của Diễn đàn; Việt Nam trân trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các diễn giả.

Bà P. Goldberg, Phó Chủ tịch cao cấp, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cảm ơn Việt Nam đã mời các đại biểu dự Diễn đàn; nêu rõ, WB có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và mong muốn tiếp tục được hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam là một điển hình thành công trong phát triển kinh tế-xã hội, do đó, WB mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này với các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang nỗ lực phát triển, hội nhập thành công vào thế giới. Trong quá trình đó, Việt Nam trân trọng lắng nghe các ý kiến tư vấn của cộng đồng quốc tế. Trong giai đoạn này, vấn đề đặt ra đối với Việt Namlà có chính sách hợp lý để phát triển; tích cực phòng, chống tham những, lợi ích nhóm... Do đó, Việt Nam học hỏi có chọn lọc các mô hình thành công của quốc tế. Việt Nam có lợi thế là được WB hợp tác, hỗ trợ về tư vấn chính sách,

Thủ tướng nêu rõ, là nước nghèo đi lên sau chiến tranh, tuy không chủ quan nhưng Việt Nam tin tưởng vào thành công vì có đầy khát vọng phát triển mạnh mẽ cùng với những kinh nghiệm quý báu quốc tế được hỗ trợ. Với Việt Nam hiện nay, không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính mà cả tư vấn chính sách, kinh nghiệm phát triển là hết sức quan trọng. Thủ tướng đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm trong hợp tác với Việt Nam của các lãnh đạo WB; mong qua diễn đàn này, WB và cộng đồng quốc tế sẽ tư vấn chính sách, định hướng đúng để Việt Nam phát triển đúng hướng. Thời gian qua, Việt Nam đã được nhũng thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, đó là tiền đề quan trọng cho phát triển giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch cao cấp WB nêu rõ, bà mới đến Việt Nam hai ngày nhưng bà rất ấn tượng ngưỡng mộ những thành tựu Việt Nam đạt được; ngưỡng mộ về khát vọng mà đất nước, con người Việt Nam thể hiện. Việt Nam đang ở trước ngã rẽ quan trọng của sự phát triển, do đó, chính sách quyết định thành công giai đoạn tới, trong đó tư duy là một trong những tài sản quan trọng của Việt Nam và WB sẽ hỗ trợ hết sứcViệt Nam trong quá trình phát triển; nỗ lực để đưa ra những tư vấn phù hợp cho Việt Nam. Chúng ta không thể sao chép nguyên trạng mô hình nước khác vào Việt Nam nhưng WB có kinh nghiệm hợp tác với nhiều nước có xuất phát điểm khác nhau và Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước kể cả thành công và thất bại, nhất là tránh bẫy thu nhập trung bình, từ đó vạch ra được chiến lược phát triển đúng đắn.

Cảm ơn ý kiến của Phó Chủ tịch WB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đánh giá cao tên gọi và chủ đề của Diễn đàn; tin tưởng các đại biểu quốc tế sẽ đóng góp tích cực để tư giúp Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục nỗ lực, khát vọng mạnh mẽ để vươn lên phát triển bền vững.

Theo https://www.nhandan.com.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Việt Nam và Slovenia tham vấn chính trị, thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang