07/06/2018 09:15:00 AM
Thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch trong chất vấn, trả lời chất vấn

Chiều 6/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Phóng viên tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên chất vấn này.

Thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch trong chất vấn, trả lời chất vấn

Theo ông Đặng Văn Hiệt, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Huy (Hải Phòng), tại phiên chất vấn chiều 6/6, các đại biểu đã thẳng thắn đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ thêm nhiều nội dung "nóng" và tranh luận khi câu trả lời chưa thỏa mãn. Điều đó thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch trong chất vấn, trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời nhiều nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm như vấn đề thuốc giả, trộn bột pin và cà phê, những vấn đề phức tạp liên quan đến đạo đức xã hội; về tích tụ ruộng đất, nâng cao năng suất lao động...

Qua phần trả lời của Phó Thủ tướng, cử tri được cung cấp thông tin bao quát, tránh nhìn sự việc phiến diện. Đơn cử như vụ pin trộn càphê, Phó Thủ tướng thông tin Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, ngăn chặn kịp thời, do đó thương hiệu của các sản phẩm liên quan đến vụ việc này không bị ảnh hưởng.

Đối với việc dồn điền đổi thửa, doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này vì nhiều ngành muốn phát triển sản xuất, cần phải có quỹ đất lớn và mặt bằng sạch. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng trả lời, hiện nay mỗi địa phương có một cách làm khác nhau. Cử tri mong muốn, Chính phủ sẽ sớm có đánh giá đầy đủ về mô hình tích tụ ruộng đất. Điều đó giúp các địa phương có “cây gậy chống” để triển khai chính sách đất đai phù hợp.

Các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, được bàn giao mặt bằng cũng yên tâm về thời gian giao đất, quá trình sử dụng không bị vướng về mặt pháp lý, đặc biệt với người chuyển nhượng hoặc bàn giao đất. Người dân cho thuê đất không cảm thấy lo lắng về sự an toàn, ổn định của gia đình trong tương lai khi mà phần lớn đất đai của họ đã bàn giao theo đúng quy định pháp luật hoặc cho doanh nghiệp thuê với các cam kết, thỏa thuận giữa hai bên.

Quyết tâm của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Đa số cử tri tỉnh Thanh Hóa đồng tình, nhất trí với phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Cử tri Trịnh Văn Dụng, Thiếu tá công an đã nghỉ hưu, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Các nội dung chất vấn sát với tình hình thực tế và tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội được đại biểu, cử tri quan tâm.

Ông Dụng cho biết ông rất quan tâm đến phần chất vấn của đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) khi chất vấn Phó Thủ tướng về vấn đề xử lý tham nhũng và trọng tâm phòng chống tham nhũng của Chính phủ trong thời gian tới. Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời thẳng thắn và thể hiện được quyết tâm của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện rất tốt công tác này và đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao trong nhân dân.

Cử tri Trịnh Văn Dụng cũng rất tâm đắc với phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về vấn đề quản lý tiền ảo Bitcoin. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nắm rất chắc vấn đề và có câu trả lời rõ ràng.

Câu trả lời của Phó Thủ tướng cũng cảnh báo cho người dân khi có ý định kinh doanh đồng tiền ảo này, bởi Phó Thủ tướng khẳng định tiền ảo Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ căn cứ để hạn chế, tạm dừng việc nhập các máy đào tiền ảo này vào Việt Nam. Câu trả lời của Phó Thủ tướng đã định hướng cho người dân khi có ý định kinh doanh đồng tiền này.

Cử tri Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nắm chắc vấn đề, lĩnh vực mình được phân công nên các câu trả lời của Phó Thủ tướng rõ ràng và đi vào trọng tâm, tạo được sự đồng thuận cao.

Ông Thái cho rằng những thông tin của Phó Thủ tướng đã giúp người dân có định hướng đúng trong việc tái đàn lợn hơi trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cũng cảnh báo việc tái đàn trong thời điểm hiện nay phải hết sức thận trọng bởi đầu ra chưa ổn định. Phía Việt Nam vẫn đang đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề về đầu ra, và phải xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì giá lợn hơi mới ổn định, người nông dân chăn nuôi mới có lãi.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đại Phong chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Cần dự báo tốt nhu cầu lao động để các trường có kế hoạch đào tạo phù hợp

Thạc sỹ Lê Duy Cầu, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần đánh giá, dự báo tốt nhu cầu lao động theo giai đoạn, từng năm, thậm chí từ 3 tháng một lần và cụ thể đối với từng ngành, nghề để các trường có kế hoạch đào tạo phù hợp. Những năm qua, Trung ương và các tỉnh chưa làm tốt việc dự báo nên các trường không xác định rõ được số lượng cần đào tạo, dẫn đến có nghề đào tạo thừa, có ngành thiếu.

Theo thạc sỹ Lê Duy Cầu, để khắc phục việc thiếu thông tin, nhiều trường đã đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Phòng đối ngoại thuộc các trường sẽ tăng cường đến doanh nghiệp, các tỉnh, thậm chí các nước để thiết lập quan hệ, tìm hiểu nhu cầu lao động để lên kế hoạch đào tạo, cung cấp nhân lực theo đúng yêu cầu người sử dụng.

Bên cạnh đó, mô hình “Nhà trường trong doanh nghiệp và doanh nghiệp trong nhà trường” với các hình thức: mở xưởng ngay trong trường (làm kinh tế) để sinh viên thực tập; đưa sinh viên xuống xí nghiệp làm việc ngay trong thời gian học (chứ không gần hết khóa học mới đưa đi thực tập như trước đây); đưa người trong các doanh nghiệp (là người sử dụng lao động, kỹ sư, đốc công...) đến trường giảng dạy cho sinh viên là một mô hình rất hiệu quả, có lợi cho cả sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp, rất cần được Nhà nước tạo điều kiện.

Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Quản trị Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng suy thoái đạo đức đang là vấn đề lớn, nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua, nước ta đổi mới giáo dục nhiều lần nhưng rõ ràng việc giáo dục về đạo đức, đào tạo về làm người chưa được quan tâm hoặc phương pháp không đúng nên dẫn đến suy thoái đạo đức ngày một trầm trọng. Vì vậy, theo ông Khánh, cần tăng cường giảng dạy đạo đức và giáo dục truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước cho học sinh từ sớm. Vấn đề là liều lượng khoa học, giáo trình, phương pháp phù hợp, sinh động, hấp dẫn, học đi đôi với hành... thì sẽ hiệu quả.

Ông Khánh cho rằng, trẻ em Việt Nam được giáo dục tốt, có đạo đức tốt, yêu nước và có tinh thần tự tôn, tự hào về truyền thống dân tộc, về lịch sử đất nước thì chắc chắn sẽ có tinh thần, thái độ, ý thức học tập tốt hơn, có hoài bão vươn lên trong cuộc sống, xây dựng đất nước.

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thầy giáo Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Tiên Lãng (Hải Phòng) cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu rất rõ giải pháp để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, đặc biệt là công tác giảng dạy. Các thầy, cô giáo chính là ngọn hải đăng dẫn lối cho học trò. Trong giai đoạn hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã được áp dụng nhiều, tuy nhiên, máy móc không thể thay thế được cảm xúc của những giờ giảng đầy tâm huyết, sự kết nối, thăng hoa của không khí trao đổi giữa thày và trò.

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn chính sách thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm như sự ưu tiên về việc làm sau khi ra trường sớm có hiệu lực, bởi thực tế, trong nhiều năm qua, học sinh không hề mặn mà với ngành sư phạm. Các em thường chọn ngành có cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt.

"Có những học trò của tôi dù mới ra trường nhưng lương đã cao gấp 2-3 lần một giáo viên có thâm niên giảng dạy gần 20 năm. Dù các thày cô có tâm huyết như thế nào, họ vẫn cần đảm bảo cuộc sống bình thường. "Có thực mới vực được đạo," nếu đồng lương không đủ sống, họ buộc phải tìm thêm kế sinh nhai, như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm huyết của các nhà giáo" thày Nghĩa nhấn mạnh./.

(TTXVN/VIETNAM+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang