19/11/2020 03:13:00 PM
Sẽ có Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai RCEP

Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

 Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP được 15 thành viên thực thi.

Sáng nay (19/11), Bộ Công Thương tổ chức buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thông tin tới các cơ quan truyền thông về cơ hội và thách thức của Hiệp định này.

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP được 15 thành viên thực thi bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước có ký kết các FTA với ASEAN (ASEAN+) sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

Việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài, có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, đây là một hiệp định thành viên rất đa dạng, có nước nhỏ như Bruney cũng tham gia nhưng có những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có mặt ở đây, cũng có những nền kinh tế thuộc khối OECD, những nước giàu nhất thế giới cũng có.

“Các thành viên bao phủ trong một phổ rất dài và có thể hình dung như Tổ chức thế giới thu nhỏ. Đây là hiệp định đầu tiên được ASEAN - những nước nhỏ đứng ra dung hòa mối quan hệ của những nước lớn nên được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao”, ông Thái cho biết.

Đại diện Vụ Thương mại đa biên cho biết, tỷ lệ tự do hóa thuế quan của Việt Nam không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình.

Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế.

Một số mặt hàng được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực: Máy móc, trang thiết bị cơ khí, dụng cụ phụ tùng; máy móc, máy vi tính, thiết bị và linh kiện điện tử; Hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất; Bông; Sản phẩm từ sắt và thép; Nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo; Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; Một số hàng thủy sản, thịt, hàng rau quả, hàng nông sản; Chất dẻo, cao su, thủy tinh; Dược phẩm; Khoáng sản; Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; Giấy, sản phẩm từ giấy; Một số loại phương tiện vận tải và phụ tùng; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm…

Theo đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cũng như với các Hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.

Chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại… 

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội thị trường rất lớn, nhưng cơ hội đến với xuất khẩu không hẳn bởi quy mô thị trường, vì trên thực tế đây là thị trường mà chúng ta cũng đã có các ưu đãi theo các FTA.

“Cơ hội của RCEP đến chính là từ quy tắc xuất xứ nội khối. Trong các nước thành viên của RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu, do vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo hiệp định, dễ được hưởng các ưu đãi thuế quan”, bà Trang chỉ rõ.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

“Hiệp định tạo ra cơ hội cũng đi cùng thách thức. Nếu doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ chịu sức ép cạnh tranh ở chính trên sân nhà. Nhất là khi các nước khác trong RCEP khi tận dụng được cơ hội của RCEP, họ sẽ đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam”, bà Nga khuyến cáo.

Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, đã đưa toàn văn Hiệp định lên trang web của Bộ. Một số cơ quan bộ, ngành, hiệp hội DN như VCCI cũng đã đưa nội dung các hiệp định, trong đó có RCEP lên cổng thông tin của mình. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, theo kế hoạch cũng sẽ có Chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai Hiệp định RCEP./.

Nguyên Long/VOV.VN
 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang