14/05/2021 04:48:00 PM
Sách ảnh tái hiện cuộc đời, sự nghiệp nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

Cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” khắc họa sinh động cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, người đã đề ra chính sách ngoại giao mới cho Việt Nam.

 Cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” được in song ngữ Việt-Anh

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921), Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”.

Cuốn sách gồm 4 phần, đề cập đến quê hương-tuổi thơ (1921-1940); rèn luyện trong đấu tranh Cách mạng (1940-1954); nhà ngoại giao tài ba, nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo (1954-1998); một nhân cách cao đẹp. Cuốn sách tập hợp khoảng 300 bức ảnh chân thực từ kho tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao và gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

Qua những hình ảnh sinh động cùng phần bài viết, lời bình ngắn gọn, súc tích, cuốn sách đã khắc họa phần nào chân dung con người và sự nghiệp của ông.

Cuốn sách dày 212 trang, song ngữ Việt-Anh, là sự tri ân những công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là cán bộ ngoại giao.

Chiến sỹ Cách mạng làm ngoại giao

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sinh ngày 15/5/1921 trong một gia đình có truyền thống Cách mạng tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh Cách mạng và lao tù, đồng chí đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, sâu sắc, luôn tìm tòi, sáng tạo để vượt lên nhiều khó khăn, thử thách.

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí đã ghi dấu ấn sâu đậm ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.

Vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao, năm 1956, khi lần đầu tiên được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch vẫn là "người ngoại đạo." Lúc đó, ông còn chưa biết tiếng Anh, mọi giao tiếp đều phải thông qua phiên dịch nhưng rất nhanh sau đó, ông đã nói thông viết thạo tiếng Anh.

Đến năm 1973, ông đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của cố vấn Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng phải thốt lên rằng Nguyễn Cơ Thạch là người khiến ông ta e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam vì kỹ năng đàm phán xuất sắc.

Đất nước thống nhất, giai đoạn 1979-1991 là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của ngoại giao Việt Nam khi nước ta bị rơi vào thế bao vây, cấm vận. Với tầm nhìn chiến lược, ông Nguyễn Cơ Thạch đã có nhiều đóng góp nổi bật trong việc tham mưu, kiến nghị Đảng và Nhà nước triển khai các giải pháp nhằm “giải vây,” đề ra chiến lược đối ngoại mới và chính sách kinh tế mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của đất nước.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù ở bất cứ cương vị nào, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn thể hiện tinh thần của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bản lĩnh, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng bào, gia đình, bạn bè Việt Nam, bạn bè quốc tế. Trong cuộc sống, ông luôn thể hiện một nhân cách cao đẹp, giản dị, nhân văn, yêu thương sâu sắc gia đình và quê hương, đất nước.

'Khôn ngoan, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ'

Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Năm 2007, lần đầu tiên, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỗi khi đất nước đạt được những thành tựu ngoại giao lớn, các nhà ngoại giao kỳ cựu đều nhắc đến tên Nguyễn Cơ Thạch.

Với báo chí quốc tế, ông là người thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng phản biện báo giới. Suốt 12 năm làm Trưởng đoàn ở Liên hợp quốc, Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao được các phóng viên kính trọng. Họ dành cho ông biệt danh "con cáo hai đầu" như một lời khen cho sự khôn ngoan, bản lĩnh và thẳng thắn của ông trước báo chí.

Nữ nhà báo Elizabeth Becker của tờ Washington Post là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Trong con mắt của bà, Nguyễn Cơ Thạch là người "thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Ông tỏa sáng ở tất cả mọi nơi ông xuất hiện."

Tờ Thời báo New York ngày 27/4/1998 nhận xét: “Ông Thạch là nhà ngoại giao uyên bác” còn Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh ngày 25/4/1998 thì ca ngợi: “Quyến rũ là một biệt tài mà ông Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện một cách độc đáo”.

Ông Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Nguyễn Cơ Thạch đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ngoại giao, đề xuất nhiều chủ trương mang tính đột phá, chỉ đạo và thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình thế bị cô lập, đặt nền móng ban đầu cho đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới.

“Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ thêm thân thế, sự nghiệp của người chiến sỹ Cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo đa năng, nhà ngoại giao xuất sắc Nguyễn Cơ Thạch, từ đó rút ra những bài học bổ ích cho việc xây dựng nền ngoại giao hiện đại,” ông viết trong lời tựa./.

(Theo TTXVN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang