21/07/2017 09:18:00 AM
“Nhà máy thông minh sẽ là tâm điểm của cuộc cách mạng 4.0”

Tiến sỹ Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là các nhà máy thông minh.

 Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị sẵn sàng để đón cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không muốn bị tụt hậu. 

Thế nhưng, có một thực tế rằng, các doanh nghiệp tại Việt Nam lại chưa thực sự chuẩn bị đầy đủ cho việc tiếp cận với cuộc cách mạng được xác định là “thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới” này.

“Án binh” trước nguy cơ

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp số - Đường tới cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Công Thương, Đại sứ quan Đức, Công ty Siemens, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 20/7, ông Cường cho hay, với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, cuộc cách mạng mạng công nghiệp 4 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới trong tương lai không xa.

Theo ông Cường, mô hình các nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng khả năng cạnh tranh. Cùng lúc, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi ích từ các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.

Được xem là cơ hội, tuy nhiên nếu không bắt kịp được nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động như sự tụt hậu công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, mất an toàn thông tin, xâm phạm bản quyền…

Cùng lúc, ông Cường đưa ra dự báo có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Theo ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, những thách thức đối với doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang hiện hữu.

Cụ thể, Việt Nam có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức vốn khoảng từ 4-7 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp không có nhiều điều kiện để phát triển các máy móc công nghệ mới vào sản xuất. Hiện, có tới 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu từ thập niên 1980-1990, 75% đã hết khấu hao. Bên cạnh đó, có 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống.

Khảo sát của Vụ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và quản lý sản xuất còn thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực văn phòng.

Trong khi đó, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội chỉ ra rằng các doanh nghiệp chưa thực sự chuẩn bị đầy đủ cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dù có tới 55% doanh nghiệp trả lời rằng cuộc cách mạng này có tác động rất lớn nhưng chỉ có 12% cho biết đang triển khai, 19% đã xây dựng kế hoạch, 55% đang tìm hiểu và có tới 79% thì… chưa làm gì.

“Đón cách mạng” thế nào?

Nói về mô hình của nhà máy số, tiến sỹ Nguyễn Phú Cường cho rằng nước Đức được xem là quốc gia tiên phong trong khởi động công nghiệp 4.0 với mục tiêu tạo ra những thay đổi căn bản trong tổ chức chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu. Vào năm 2011, tại Đức đã có những thảo luận đầu tiên về chủ đề “Industry 4.0” (công nghiệp 4.0) và khái niệm “Nhà máy số”.

Từ tiền đề này, mô hình các nhà máy số được xây dựng và phát triển mạnh mẽ tại Đức và Nhà máy Điện tử Amberg Simens (Đức) được xem là một trong những mẫu hình Nhà máy số đầu tiên-nơi mà máy móc và máy tính đã xử lý tới 75% của chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình.

Quay trở lại Việt Nam, ông Cường cho rằng để tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, các doanh nghiệp cần hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng này, về đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, yêu cầu mà doanh nghiệp cần đáp ứng nếu không muốn tụt lại phía sau. “Từ cách hiểu đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược phát triển lâu dài và bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này” ông Cường khuyến nghị.

Tiến sỹ Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens cho hay, với chiến lược doanh nghiệp số, đơn vị này đã cung cấp các giải pháp để giải quyết các yêu cầu cụ thể trong các ngành sản xuất và chế biến. Những giải pháp này sẽ kết hợp giữa việc lên kế hoạch với vận hành nhằm tạo ra một nền tảng quản lý nhà máy tích hợp bao quát toàn bộ vòng đời của một nhà máy công nghiệp. Ông Lai cũng khẳng định, các doanh nghiệp của Việt Nam không đơn độc trên con đường tiến tới cách mạng công nghiệp 4.0 và có thể trông cậy vào Siemens.

Trong khi đó, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức khuyến cáo, để tận dụng lợi thế của công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tạo ra động lực cho doanh nghiệp bằng những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tự tin tham gia vào cuộc cách mạng này.

Ở mặt nhà nước, tiến sỹ Nguyễn Phú Cường cho biết, vào tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Văn bản này đã cụ thể hóa các giải pháp và nhiệm vụ với các Bộ, ngành và địa phương nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiềm lực, tiếp cận với cuộc cách mạng này.

Về phía mình, Bộ Công Thương đã xem xét, đánh giá và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.

“Nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với doanh nghiệp ngành công thương là một trong những nội dung ưu tiên trong Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” ông Cường nói./.

TRUNG HIỀN (VIETNAM+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang