09/04/2021 09:37:00 AM
Ngoại giao góp phần thực hiện khát vọng của dân tộc, tầm nhìn của Đảng

Về chương trình hành động của ngành ngoại giao thời gian tới, tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng cần phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng với bốn ưu tiên.

 Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Nguồn: TTXVN

Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ngày 8/4, tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi với báo chí về chương trình hành động của ngành ngoại giao thời gian tới, trong đó nhấn mạnh bốn ưu tiên để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của ngành trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia.

- Xin chúc mừng ông vinh dự được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Xin ông chia sẻ cảm nghĩ khi được giữ vị trí trưởng ngành ngoại giao, một lĩnh vực đã và đang có vai trò, vị thế ngày càng lớn trong đường lối, chính sách xây dựng, phát triển của đất nước hiện nay?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Được đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi thấy rất tự hào, xúc động, nhưng xác định trách nhiệm cũng nặng nề. Vinh dự, tự hào là bởi, tôi đã công tác trong ngành Ngoại giao trên 35 năm; đã cùng với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao đồng hành cùng với các bộ, ngành hoàn thành tất cả nhiệm vụ.

Với tư cách của người đứng đầu ngành, tôi sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm của mình để lãnh đạo ngành ngoại giao phát huy truyền thống quý báu hơn 75 năm qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng ngành.

Đất nước ta chưa bao giờ có được một vị thế, cơ đồ, tiềm lực như ngày nay. Đối với ngành ngoại giao, nếu như chúng ta có thực lực, thì tiếng chiêng cũng vang hơn, to hơn. (Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn" - PV).

Cùng với các lực lượng khác trong đối ngoại, trong đó có đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, tôi tin chắc rằng, ngành Ngoại giao sẽ phát huy được vai trò tiên phong, đóng góp vào việc thực hiện khát vọng của dân tộc ta, tầm nhìn của Đảng ta. Đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Xin Bộ trưởng cho biết trong chương trình hành động sắp tới của mình, ngành ngoại giao sẽ ưu tiên tập trung vào những nhiệm vụ nào để công tác đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Tôi thấy rất may mắn khi được giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đúng thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, trong đó đề ra đường lối đối ngoại rất cụ thể.

Chúng ta kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, với tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Theo đường lối đó, với tư cách là lãnh đạo ngành, tôi cho rằng thời gian tới, cần phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng với bốn ưu tiên.

Thứ nhất, tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu mối quan hệ với tất cả đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống. Khi chúng ta đã có quan hệ tốt đẹp với các nước này, chắc chắn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của Việt Nam sẽ ngày càng vững chắc.

Ưu tiên thứ hai, thời gian tới, ngành ngoại giao phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước; trong đó ngành xác định, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế, trong đó chú trọng tranh thủ nguồn ngoại lực để phục vụ các yếu tố nội lực. Hợp tác quốc tế giúp Việt Nam hội nhập, phát triển, thực hiện được mục tiêu, khát vọng của mình.

Ngành ngoại giao, với mạng lưới 96 cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ không chỉ tham mưu, hỗ trợ, mà còn học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước về mô hình phát triển, hợp tác đầu tư..., tranh thủ các nguồn lực, trong đó có cả viện trợ không hoàn lại, đầu tư FDI...

Quan trọng hơn, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, ngành ngoại giao cần phải đi đầu, có đột phá mở đường tới các thị trường khác nhau, vừa mở thị trường cho đất nước, vừa áp dụng, tiếp thu những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ ba, vị thế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được nâng cao; hoạt động đối ngoại đa phương đang được triển khai mạnh mẽ. Chúng tôi đặt trọng tâm phải tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn, tổ chức đa phương, trên cơ sở đó tham gia, định hình và phát triển các luật chơi khi đất nước hội nhập quốc tế. Đồng thời, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta đưa ra các sáng kiến để nâng cao vị thế đất nước.

Với tinh thần đó, trước mắt, Việt Nam phải hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021 và hoàn thành nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động khác của Liên hợp quốc, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngành ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác để triển khai những hoạt động tham gia tích cực, không chỉ ở Liên hợp quốc, mà tới đây còn ở trong các hoạt động của khu vực như ASEAN, APEC, ASEM hoặc các tổ chức khu vực khác.

Thứ tư, trong khi đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta có một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khoảng 5,3 triệu người. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi hoạt động bị ngừng trệ, tuy nhiên công tác bảo hộ công dân của chúng ta vẫn được tăng cường.

Trước mắt, chúng tôi coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, vừa là để kết nối với bà con cộng đồng ta ở nước ngoài hướng về quê hương, phát triển đất nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng ta ở nước ngoài.

Trong điều kiện cho phép, bà con được về nước an toàn hoặc ở lại cư trú tại nước sở tại, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ tích cực để bà con vừa giữ được bản sắc dân tộc, giữ được tiếng Việt, vừa hội nhập ở sở tại, ngày càng gắn bó với Việt Nam để phát triển quê hương đất nước.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Diệp Trương / TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang