16/05/2018 05:16:00 PM
Nâng cao vai trò thông tin đối ngoại, quảng bá Việt Nam ra thế giới

Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao và báo chí; chọn lọc chủ đề, thông tin để tuyên truyền...là một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất tại Tọa đàm "Thông tin đối ngoại phục vụ việc tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong giai đoạn hiện nay" do Ban Chỉ đạo Thông tin Đối ngoại Trung ương tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.

 Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh tham luận tại buổi toạ đàm. 

Tại tọa đàm, chuyên gia đến từ các bộ, ngành, cơ quan truyền thông cho rằng, xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước là mục tiêu của tất cả các quốc gia. Trong một thế giới hội nhập, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, một "hình ảnh đẹp" được coi là thành tố quan trọng trong "sức mạnh mềm" của quốc gia, góp phần quan trọng khẳng định vị thế của quốc gia đó.

Vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao và báo chí

Theo các đại biểu, những năm qua, vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao và báo chí của Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới. Theo Phó Vụ trưởng, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng hiện nay, Việt Nam có 96 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Các cơ quan này có chức năng tuyên truyền đối ngoại thông qua các hoạt động thông tin báo chí. Với ưu thế của mình, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong nắm bắt thông tin, cung cấp thông tin chính thức tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới học giả, báo chí và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện ngoại giao cũng đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh lực du lịch nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí thường trú ở nước ngoài trong việc đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại. Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có 30 cơ quan thường trú, Đài Truyền hình Việt Nam có 11 cơ quan thường trú, Đài Tiếng nói Việt Nam có 11 cơ quan thường trú ở nước ngoài. Mạng lưới phóng viên dày đặc, có mặt ở mọi nơi trên thế giới là một "cầu nối" quan trọng trong việc truyền tải thông tin, kết nối những người nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam và những người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

Xác định đối tượng tuyên truyền chủ lực

Đưa ra giải pháp nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia tốt hơn trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp. Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, chất lượng thông tin đối ngoại hiện nay đã có những chuyển biến nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là việc đầu tư cho công tác này thiếu trọng điểm, chiến lược quảng bá dàn trải, chưa cụ thể.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, TTXVN được Chính phủ xác định là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực của quốc gia với hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp (63 cơ quan thường trú trong nước và 30 cơ quan thường trú trên thế giới). Thời gian qua, hãng Thông tấn Quốc gia đã nỗ lực trong việc tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới và đã đạt được nhiều thành tích. Theo lãnh đạo của Thông tấn xã Việt Nam, kinh nghiệm làm công tác thông tin đối ngoại trong nhiều năm qua của TTXVN là phải đảm bảo song song cả về số lượng và chất lượng.

Trước nhu cầu ngày càng cao của độc giả, cơ quan truyền thông cần phải chọn chủ đề phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại để đưa thông tin đến với người xem, nhưng phải đo đếm được hiệu quả để đảm bảo tính bền vững trong công tác tuyên truyền với mục tiêu "độc giả ở đâu, thông tin ở đó."

Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, một trong những đối tượng rất đông đảo mà các cơ quan truyền thông cần quan tâm, đó là giới trẻ. Những năm qua, TTXVN luôn tìm tòi, cải thiện chất lượng và làm phong phú các hình thức thông tin để phù hợp với từng đối tượng. Một trong những thành công của TTXVN trong việc đổi mới thông tin là cho ra đời bản Rapnews, được đông đảo độc giả, nhất là giới trẻ trên toàn thế giới nhiệt tình ủng hộ. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các hãng thông tấn uy tín trên thế giới cũng là một phương thức tiếp cận với truyền thông hiện đại đang tiến bộ từng ngày.

Đồng tình với quan điểm đầu tư cho công tác thông tin đối ngoại còn dàn trải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới là phải thay đổi được tư duy, cách nhìn đúng đắn về vai trò quan trọng trong việc thông tin đối ngoại.

Theo ông Vũ Hải, các cơ quan chức năng cần xác định rõ đối tượng tuyên truyền chủ lực, từ đó cải thiện cơ chế hoạt động và tăng cường công tác đào tạo chuyên môn. Các cơ quan tuyên truyền cũng cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để đưa thông tin đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cơ quan chuyên môn khi tiếp cận với mạng xã hội cần phải có sự kiểm soát, tổng hợp, đánh giá, để từ đó tìm ra những giải pháp tích cực trong công tác thông tin đối ngoại, đưa hình ảnh của đất nước ra bên ngoài một cách hiệu quả và bền lâu.

Chọn lọc chủ đề thông tin, tuyên truyền

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu bàn luận nhiều khi đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về thông tin đối ngoại. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có nhiều nét văn hóa đặc sắc, điểm đến an toàn cho du khách nhưng hiện nay, nhà nước chưa có chiến lược xây dựng hình ảnh quốc gia rõ ràng, cụ thể. Mỗi cơ quan truyền thông, doanh nghiệp có một cách làm khác nhau, thiếu sự nhất quán.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh khẳng định, công tác quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới cần phải có thời gian lâu dài, tiếp thu kinh nghiệm bên ngoài và phát huy năng lực bên trong để công tác thông tin đối ngoại phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Để có thể đổi mới, các cơ quan tuyên truyền cần có cách làm mới, bám sát đối tượng, cung cấp thứ độc giả đang cần; mỗi năm có một chủ để chính, đối tượng trọng tâm để tuyên tuyền, quảng bá.

Để công tác quảng bá hình ảnh đất nước đạt hiệu quả, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các cơ quan truyền thông cần phải có sự kiểm soát, chọn lọc thông tin chính xác, hiệu quả để đưa đến công chúng bằng nhiều ngôn ngữ, hình thức để tạo sức lan tỏa.

Các giải pháp thiết thực đề xuất là tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí đối ngoại, coi đó là lực lượng chủ lực để quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới. Để làm được điều này, các cơ quan truyền thông cần xây dựng chiến lược triển khai, đẩy mạnh ứng dụng thông tin hiện đại, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và đẩy mạnh việc trao đổi nội dung, hợp tác với các cơ quan truyền thông nước ngoài.../.

ĐỖ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+) 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang