27/10/2021 10:06:00 AM
Hoàn thiện hành lang pháp lý, phù hợp với yêu cầu thực tế

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 
Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đây là dự án luật được trình và cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Cảnh sát cơ động trước hết phải tuân thủ Luật Công an Nhân dân với tư cách là một bộ phận thành phần bên trong lực lượng Công an Nhân dân; do đó cần làm rõ tính “đặc thù,” “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác và chỉ hướng đến vấn đề có tính đặc thù, không quy định trùng lặp các quy định pháp luật đã quy định trong lực lượng Công an Nhân dân.

Từ đó, việc xây dựng nội dung Luật Cảnh sát cơ động phải thống nhất, phù hợp với Luật Công an Nhân dân cũng như các bộ luật có liên quan khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Việc xác định vị trí cảnh sát cơ động tại Điều 3 dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gần như trùng lặp vị trí Công an Nhân dân được quy định tại Điều 3 Luật Công an Nhân dân, chưa làm bật lên tính đặc thù của Cảnh sát cơ động.

Về thẩm quyền huy động phương tiện, thiết bị, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng đây là nội dung cần nghiên cứu, rà soát cẩn trọng trên nguyên tắc phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động, tránh xu hướng lạm dụng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan, lực lượng khác, xung đột với các quy định pháp luật hiện hành, nhất là Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai...

Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và Báo cáo thẩm tra dự án luật để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị dự thảo luật phải cụ thể căn cứ, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền quy định nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật; nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-xã hội, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh-trật tự, an toàn xã hội.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; nhấn mạnh việc hoàn thiện dự thảo luật chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, với vị trí, chức năng thuộc lực lượng Công an Nhân dân, phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động là thực hiện các quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2018. Theo đó, Cảnh sát cơ động căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều động cấp có thẩm quyền triển khai lực lượng, kịp thời xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh-trật tự có thể xảy ra bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp với pháp luật, dự thảo bổ sung những nhiệm vụ cảnh sát cơ động đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an. Để đảm bảo tính ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, trong đó bao gồm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp để đảm bảo cơ sở pháp lý, điều động, sử dụng lực lượng.

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đánh giá nội dung dự thảo luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về quyền sở hữu, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung lần nữa cho phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan đã có hiệu lực thi hành. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 sửa đổi, bổ sung chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm chuẩn bị kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung cho Luật Sở hữu trí tuệ có tuổi thọ lâu dài, chứ không nên vài năm lại sửa, gây lãng phí, tốn kém.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với loại giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan để khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành.

Về các nội dung khác được các vị đại biểu cho ý kiến hôm nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết bộ sẽ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu kỹ để làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể và đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về việc này.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, báo cáo, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu theo 4 nhóm nội dung gồm nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp; những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan; về vấn đề quyền đối với giống và cây trồng, như vấn đề giới hạn nông dân, chủ giống; một số ý kiến liên quan đến văn phong, kỹ thuật lập pháp, tên dự thảo luật./.

Theo TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang