24/11/2021 02:00:00 PM
Hoa Kỳ-nóng ấm đầu Đông

Những ngày này thời tiết đã lạnh nhưng chính trường lại nóng. Bởi một lẽ chính trường Hoa Kỳ thì mùa nào cũng nóng...

Tiết trời những ngày đầu Đông, ở xứ sở Đông Bắc Hoa Kỳ thật quyến rũ. Từ những màu lá lục, lam, chàm, tím cho đến bầu trời xanh ngắt hay ánh nắng vàng óng ả.

Từ ngày 8/11, khi Hoa Kỳ mở cửa hàng không, thì bầu trời bỗng trở nên chật hẹp hơn. Máy bay nhộn nhịp trên bầu trời xanh trong vời vợi.

Ngày lễ Thanksgiving đã cận kề, siêu thị tràn ngập hàng hoá. Trên đường các loại phương tiện chạy ngược xuôi chỉnh trang vườn tược, cắt cỏ, dọn lá cành, xay nhỏ để chở đi nhà máy chế biến phân bón hữu cơ. Trên các con đường xe cộ chạy nườm nượp suốt ngày như nơi đây chưa từng có đại dịch Covid-19.

Những ngày này, thời tiết đã lạnh nhưng chính trường lại nóng. Bởi lẽ chính trường Hoa Kỳ thì mùa nào cũng nóng. Chính trường Hoa Kỳ là diễn đàn đấu tranh bất tận, không ngừng nghỉ của lưỡng đảng để cuộc sống của người dân được tốt hơn. Năm trước cũng thời gian này thì sốt chứ không phải nóng. Sốt vì cuộc đua tranh tấm vé Tổng thống Hoa Kỳ; sốt vì vaccine và vì đại dịch; sốt chuyện tranh cãi của các chính trị gia trên chính trường và sốt vì biểu tình bạo lực gây bất an cho người dân Mỹ.

Còn năm nay chẳng thấy ai ngại gì đại dịch, mọi thứ bình thường. Biểu tình và đập phá bạo lực không có. Nhưng lại nóng vì các gói tiền kích cầu hàng nghìn tỷ đô la. Nhiều chính trị gia cũng nói nôm na như ta thường nói: "Tiền nhiều để làm gì?". Theo kế hoạch của Tổng thống Biden thì cần đầu tư nhiều tiền để nước Mỹ tốt hơn. Nếu tính 1 chiếc ô tô tầm giá 1 tỷ VNĐ, thì 1 tỷ USD người Việt Nam ta mua được hơn 23 nghìn chiếc xe hơi theo tỉ giá hiện nay. Quy ra như vậy để hiểu rằng trong tháng 11 này lưỡng Viện Mỹ thông qua hai gói kích thích phát triển kinh tế và xã hội Mỹ tổng cộng 2900 tỷ USD và 1000 tỷ USD trong dư địa tài khoá chống đại dịch năm trước còn lại thì số tiền khổng lồ ấy sẽ giúp người dân và đất nước Mỹ phát triển như thế nào. 

Cả hai Dự luật đã được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, theo McConnell - lãnh đạo của Đảng Cộng hoà ở Thượng viện: "Chúng ta sẽ thảo luận về sự lạm phát chi tiêu của các nhà dân chủ. Tất cả những dự luật khổng lồ mà họ đang tập hợp lại sẽ gây ra lãng phí". Một số chính trị gia khác theo trường phái của McConnell thì phát biểu rằng: "Bữa tối Thanksgiving năm nay đắt  hơn 14%". Ý là tiền nhiều gây ra tăng giá và lạm phát.

Tờ báo The Wall Street Journal cũng có bài viết về sự nóng lên của thị trường bất động sản với tiêu đề: "Home now sell in one week" (tức là Nhà bây giờ chỉ bán trong một tuần). Nội dung bài báo là dựa trên khảo sát của Hiệp hội bất động sản quốc gia Hoa Kỳ. Theo khảo sát, các giao dịch mua bán trong giai đoạn từ tháng 7-2020 đến nay kết thúc nhanh hơn. Chỉ trong vòng 1 tuần là giao dịch xong một thương vụ mua bán bất động sản so với trước đây là 3 tuần. Đây là đợt giảm sâu nhất về thời gian giao dịch kể từ năm 1989. Thị trường nhà đất nóng lên cũng kéo theo một số nguyên vật liệu tăng giá. Điều đó thể hiện chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch.

Yellen - Bộ trưởng Tài chính hiện nay và từng là người đứng đầu FED ( Cục dữ trữ Liên bang Mỹ)  nhiệm kỳ 2014-2018 - đã phát biểu rằng: "Tôi nghĩ điều chúng ta cần lo lắng là lạm phát". Bà cho rằng nguyên nhân chính là "mất cân bằng cung cầu và các tắc nghẽn kinh tế cần được giải quyết. Và lạm phát sẽ được kiểm soát".

Ngày 22/11, Tổng thống Biden vừa đề cử ông Jerome Powell - người của Đảng Cộng hoà do cựu Tổng thống Trump đề cử trước đây - tiếp tục làm Chủ tịch  FED nhiệm kỳ thứ hai; còn bà Lael Brainard - từng làm việc trong các chính quyền dân chủ - tiếp tục làm Phó Chủ tịch FED, sẽ giành được sự ủng hộ rộng rãi tại lưỡng Viện và công chúng.

Bà Bộ trưởng Tài chính cũng tin tưởng vào khả năng đưa ra phán quyết tốt của Powell trong việc cân bằng nhiệm vụ kép của FED là "duy trì việc làm tối đa và ổn định giá trên thị trường". Và khi nói về ông Powell với cương vị Chủ tịch quỹ FED nhiệm kỳ thứ 2,  bà cho rằng "FED đóng vai trò quan trọng để đảm bảo rằng lạm phát không xảy ra khủng khoảng. Chúng ta hoàn toàn tin rằng ông ấy có thể làm được điều đó".

Chính sách tiền tệ cốt lõi của FED là quản lý lạm phát và thiết lập lãi suất.

Còn Tổng thống Biden thì sao? Tổng thống Biden như một người lính già từng trải trận mạc. Ông luôn bình tĩnh và điềm đạm, khiêm nhường trước mọi sóng gió thử thách. Ông luôn biết tôn trọng các ý kiến trái chiều. Nhưng trên hết ông đặt niềm tin vào các cộng sự, dàn nội các kỳ cựu và không phân biệt đảng phái, các chuyên gia và các nhà khoa học đạt giải Nobel kinh tế.  "PowellBrainard đều là những nhà hoạch định chính sách kỳ cựu. Họ biết cách dẫn dắt nền kinh tế Hoa Kỳ thoát khỏi khủng khoảng", ông khẳng định.

Kết hợp với các chính sách vĩ mô hiện hành, Cục dữ trữ Liên bang FED và Bộ Tài chính Mỹ sẽ điều chỉnh linh hoạt, ứng biến phù hợp với thực tế thị trường. Họ sẽ cầm cương để điều chỉnh tài khoá một cách khoa học và kịp thời để kìm lại tốc độ lạm phát. Hơn nữa nền kinh tế Mỹ với sức chống chịu bền bỉ và khả năng thích ứng với thị trường cạnh tranh chắc hẳn vượt trội so với các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Còn cái nóng thứ hai tối muốn nói đến là phiên toà xét xử Kyle Rottenhouse. Trong suốt 4 ngày của tuần vừa qua, cả chính trường và nước Mỹ nóng bởi Toà án Tối cao đưa vụ án Rottenhouse ra xét xử.  Và cuối chiều thứ Sáu tuần qua Toà phán quyết cho cậu thiếu niên này trắng án, bất chấp tầng lớp da màu gây sức ép lên chính trường và hệ thống pháp luật.

Khi xem phiên toà và cậu bé ấy lúc này đã 18 tuổi, tự tin đứng trước Bồi thẩm đoàn và cả một dàn luật sư kỳ cựu, nổi tiếng của Hoa Kỳ, mắt tôi rớm lệ. Thương cho cậu bé điển trai và nhân ái đã vướng vào vòng lao lý. Cậu ấy đã quá bất ngờ, xúc động và gục xuống sau lời phán quyết của chủ tọa phiên toà là cậu trắng án và tha bổng sau khi xét xử. Vị luật sư bào chữa nổi tiếng kịp thời nâng cậu dậy. 

Vậy cậu ấy là ai và vụ án ấy là gì? Vào ngày định mệnh 25/8/2020, một sỹ quan cảnh sát da trắng bắn chết Jacob Bkake, một người đàn ông da đen. Người da đen vốn luôn mặc cảm và nghĩ rằng họ bị đối xử bất bình đẳng. Họ cho rằng chủng tộc da trắng coi mình là thượng đẳng và coi mạng sống người da đen không quan trọng. Thế rồi biểu tình bạo lực nổ ra khắp nơi ở Mỹ. Thành phố Kenosha thuộc tiểu bang Wisconsin nơi cậu sống cũng không ngoại lệ. Kyle Rittenhouse khi ấy mới 17 tuổi nhìn cảnh thành phố bị đốt phá và thiêu hủy tài sản, gây ra thương tích cho nhiều người mà cảm thấy đau xót. Cậu bé ấy từng chuyên đi từ thiện, cứu trợ nhân đạo và có chứng chỉ sơ cứu thương, nhưng không có giấy phép sử dụng súng dài nòng. Cậu ấy đi cứu trợ, giúp đỡ những người bị nạn và mong những người biểu tình bạo lực không phá hoại thành phố. Nhưng rất không may cho cậu khi gặp phải nhóm quá khích trong đám biểu tình. Họ đã đánh và rượt đuổi theo Rittenhouse khi cậu ấy chạy trốn. Và Rittenhouse bị vấp ngã. Những phần tử quá khích đã dùng tấm trượt patin đánh vào cậu bé. Không có cách nào khác ngoài tự vệ, cậu đã nổ súng. Và hậu quả thảm khốc xảy ra khi Joseph Rosenbaum 36 tuổi, Anthony Huber 26 tuổi bị chết, còn Gaige Grosskreutz 28 tuổi bị thương. 

Rittenhouse đứng trước toà với bộ vest và thắt cà-vạt chững chạc, với cặp mắt xanh lóng lánh như bồ câu khi nhìn Bồi thẩm đoàn và các công tố viên. Mái tóc màu nâu óng ả, ốp sát đầu... Nhìn cậu thật dễ thương. Khi phát biểu trước toà, cậu ấy khóc nghẹn ngào và nói rằng: “Tôi không làm gì sai cả!". Và biện hộ rằng cậu ấy hành động như vậy để tự vệ. Cậu khóc vì thương cho số phận của nạn nhân đã chết và bị thương. Cậu khóc vì suốt một năm qua luôn ám ảnh vì nòng súng của Grosskreutz chĩa vào cậu khi cậu ngã xuống.

Phần còn lại tranh tụng trước toà là các nhân chứng, luật sư và các video phát do camera ghi lại để chứng minh hiện trường trong bối cảnh không gian, thời gian và những gì đã xảy ra thời khắc ấy. Tất cả đã tự chứng minh hành động của cậu ấy hơn một năm trước là vô tội.

Những cáo buộc về cậu đã được Toà tối cao bác bỏ. Phán quyết cuối cùng của Toà tối cao hôm thứ Sáu ngày 19/ 11 vừa qua là: Rittenhouse không có tội gây ra chia sẽ sâu sắc nước Mỹ và làm bùng lên các cuộc biểu tình ở một vài thành phố sau khi sự cố này xảy ra. 

Các chính trị gia và các nhà lập pháp, hành pháp và cũng như tư pháp của Hoa Kỳ có nhiều cách nhìn trái ngược nhau nhưng tất cả đều tuần thủ trước phán quyết của Bồi thẩm đoàn là cậu ấy trắng án. Các chính trị gia trong đó có Tổng thống Biden và gia đình các nạn nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh và kìm chế.

Tuy nhiên cảnh sát tuyên bố đã xảy ra bạo động ở thành phố Portland đêm thứ Sáu khi chừng 200 người đập phá cửa sổ và dọa sẽ đốt Trung tâm công lý địa phương.

Và cũng có biểu tình ở ChicagoNew York nhưng phạm vi nhỏ hơn nhiều so với các vụ bất ổn dân sự rộng khắp nước Mỹ năm ngoái.

Bà Phó Tổng thống Kamala Harris thì cho rằng "phán quyết của Toà án tối cao tự nói lên tất cả".  Và bà thêm rằng "vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa hệ thống pháp lý hình sự trở nên công bằng hơn".

Còn cựu Tổng thống Trump thì nói rằng: "Nếu đó không phải là tự vệ thì chẳng có gì là...". Một vài nghị sỹ của đảng Cộng hoà nói họ muốn cho cậu ấy cơ hội thực tập trong quốc hội.

Tổng thống Joe Biden nói: "Tôi tôn trọng phản quyết của Bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn đã làm việc và chúng ta phải tuân thủ”

Vậy Bồi thẩm đoàn là ai? Thuộc tổ chức nào mà có uy tín và quyền lực tối thượng như vậy? Bồi thẩm đoàn là một tập hợp 12 thường dân được chọn ngẫu nhiên. Họ được Toà án ủy nhiệm để xem xét và cân nhắc các bằng chứng để tuyên án có tội hay không có tội sau khi nghe công tố viên và luật sư bào chữa dẫn giải. Bồi thẩm đoàn góp phần duy trì quan điểm vô tư và trung thực của người dân thay vì bị cơ cấu chính quyền chi phối nếu quyền tối cao chỉ tập trung trong tay chánh án. Thể chế Bồi thẩm đoàn có 2 ưu điểm, thứ nhất là toàn dân bình đẳng trước pháp luật, thứ hai là ngăn ngừa chạy án và thao túng luật pháp

Sau phán quyết cuối cùng của Toà án, luật sư nổi tiếng Mark Richards bào chữa cho Rottenhouse nói rằng: "Cậu ấy đã không gây sự, và cuối cùng Bồi thẩm đoàn đã nghe những gì thật sự đã xảy ra".

Còn Kyle Rittenhouse thì nói trong một video rằng: "Bồi thẩm đoàn đã phán quyết đúng-tự vệ không phải là bất hợp pháp".

Theo dõi một phiên toà đặc biệt. Tôi nghĩ có thể sau phiên toà và vụ án này, nó sẽ bổ sung vào hồ sơ tố tụng và các giáo trình kinh điển để giảng dạy về tư pháp, hành pháp và là bài học cho các nhà làm luật Hoa Kỳ trong thể chế Tam quyền phân lập của một  quốc gia đa sắc tộc đầy rẫy mâu thuẫn và sự phân hoá sâu sắc. Đó là quyền tự vệ, quản lý súng đạn và phân biệt chủng tộc.

Theo dõi phiên toà, tôi khâm phục cho một cậu bé 18 tuổi, với bản lĩnh và trí tuệ của mình đã chững chạc chứng minh cho Bồi thẩm đoàn và người dân Mỹ về hành động đúng đắn của mình trước bạo lực. 

Dù vụ án khép lại có hậu vẫn để lại trong tôi những suy ngẫm và trăn trở. Giá như những kẻ quá khích không có súng? Cậu bé ấy không phải tự vệ? Máu đã không đổ và cậu bé ấy đã không bị chấn thương tinh thần khi bước vào đời. Tôi nghĩ may mắn và hạnh phúc thay là mọi người dân Việt Nam có luật pháp cấm sử dụng vũ khí.

Phiên tòa khép lại khi chỉ còn vài ngày nữa lễ Thanksgiving sẽ đến. Turkeys (Gà Tây) là món đặc trưng cho ngày lễ này đã tràn ngập các siêu thị. 

Sáng nay đi làm, Jan - một người bạn cùng làm - vui vẻ nói với tôi là người dân Mỹ vốn quen thanh bình nên có một chút thay đổi là nóng lên. Ý của Jan nói là giá một số mặt hàng nhích lên chút đỉnh. Truyền thông và chính trường nóng lên như dân ta thường nói là: "nhà giàu đứt tay bằng ăn mày sổ ruột".

Còn tôi, nhìn khách mua hàng nhộn nhịp, tôi cứ ước mong thị trường của Việt Nam ta sôi động, hàng hóa dồi dào, chất lượng và sức tiêu thụ của người dân nhiều như họ.

Và để kết thúc cho bài viết này, cho dù Hoa Kỳ có nóng trong mùa Đông này thì tôi vẫn tin lời bà Janet Yellen -Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ - rằng: "Những gì chúng tôi thấy trên thị trường là đồng USD mạnh và lãi suất nói chung thấp. Về dài hạn, đây sẽ là niềm tin rằng lạm phát sẽ không kéo dài đối với nền kinh tế Hoa Kỳ".

Hà An (từ Hoa Kỳ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang