14/02/2020 09:55:00 AM
Hành trình EVFTA: Một thập kỷ nỗ lực

Việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA, thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, đã trải qua một hành trình dài với sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bên.

 Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất làm đối tác

Nếu tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được phía EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, quá trình đã kéo dài gần tròn 10 năm.

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt cho quá trình dài đàm phán Hiệp định và hoàn thành các thủ tục.

Ngay trước ngày Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định, Thủ tướng đã cử Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sang thăm và làm việc tại Brussels, Bỉ và Strasbourg, Pháp với tư cách là Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ.

Một dấu mốc đáng nhớ khác là lễ ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA ngày 30/6 năm ngoái tại Hà Nội. Ở thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công tác quan trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) và thăm chính thức Nhật Bản. Tuy nhiên, giữa lịch trình dày đặc, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết và ngay sau đó, bay trở lại Nhật Bản trong ngày.

Và trong tất cả mọi cuộc gặp với các vị khách quốc tế từ châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhắc lại đề nghị ủng hộ việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA, một Hiệp định có ý nghĩa quan trọng về chiến lược và kinh tế-thương mại, với niềm tin rằng Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong thời gian đàm phán kéo dài, khối lượng công việc, nội dung được đề cập cũng như những vấn đề hai bên và các nhà đàm phán phải xử lý là khổng lồ.

Trong suốt tiến trình đàm phán, Việt Nam và EU liên tục có sự phối hợp trao đổi thông tin, quan điểm giữa lãnh đạo các cấp hai bên, các đoàn công tác. Nhờ vậy các nội dung trong tiến trình cải cách của Việt Nam được EU chia sẻ và tạo cơ sở để tiến tới việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA với số phiếu cao. “EU có cơ sở để đặt niềm tin vào các cam kết của Việt Nam thể hiện trong hiệp định”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông Nicolas Audier- Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam thì nhìn nhận, đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam và cuộc bỏ phiếu ngày 12/2 là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ.

Một thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam nhận xét trong suốt hàng chục vòng đàm phán kéo dài nhiều năm với hàng chục nội dung được thỏa thuận, khó có thể nói phiên đàm phán nào gay cấn nhất. Bởi “mỗi phiên đều căng thẳng, nếu không muốn nói là “khắc nghiệt”."

Cũng trong lễ ký kết ngày 30/6 năm ngoái, một thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam đã xúc động nói rằng: Chúng tôi được cùng nhau chứng kiến thành quả của sự nỗ lực từ cả hệ thống chính trị với biết bao con người, vượt rất nhiều khó khăn trong nhiều năm, mà đến giây phút này nhớ lại có thể chảy nước mắt.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất làm đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng, phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay là 2 Hiệp định về thương mại EVFTA và đầu tư EVIPA, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU- là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau- cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển.

Tại lễ ký kết 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA, Thủ tướng đã bày tỏ tin tưởng, khi có hiệu lực, 2 Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á- Âu và toàn cầu.

Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

Theo các chuyên gia, EVFTA được Nghị viện các nước Châu Âu và Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp sắp tới phê chuẩn là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Với việc phê chuẩn Hiệp định này, Liên minh châu Âu, một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Hà Chính/ baochinhphu.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang