21/07/2017 09:15:00 AM
Hàng Việt xuất EU - thiệt thòi vì không được nhận diện thương hiệu

“Hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa ý thức đúng tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, chưa trang bị đầy đủ thông tin và tuân thủ những tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu, dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao. Nguyên nhân nữa đến từ thực trạng hầu hết thành phẩm nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản… do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này”.

 Quang cảnh Diễn đàn. 

Đây là nhận định của ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP tại Diễn đàn chính sách thương mại “Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm: Tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ ngày 20/7.

Theo ông Claudio Dordi, 99% càphê nhập khẩu vào châu Âu có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng không mấy người tiêu dùng biết điều đó. Ngoài càphê, còn có cacao, chè, đồ chơi, giày dép, hàng dệt may….

Người tiêu dùng châu Âu đánh đồng hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc khiến hàng hóa Việt Nam phải chịu nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này và khi các nước nhập khẩu đồng loạt gia tăng những hàng rào kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Thông qua việc phát triển các tiêu chuẩn về thực tiễn nông nghiệp tốt (GAPs), thực tiễn sản xuất tốt, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu các nhà cung cấp phải có giấy chứng nhận chất lượng từ các tổ chức chứng nhận độc lập…các doanh nghiệp xuất khẩu bị siết chặt hơn trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm.

Lối thoát cho vấn đề này, theo ông Claudio Dordi, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần mau chóng tập trung đổi mới dây chuyền công nghệ, chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách hàng nhập khẩu của các thị trường đối tác.

Tại thị trường châu Âu, có hai tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam cần lưu ý, đó là tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng. Tiêu chuẩn chung là những quy định bắt buộc mà nếu hàng hóa không đạt được ngưỡng này sẽ bị từ chối nhập khẩu, bị trả về, thậm chí cưỡng bức tiêu hủy ngay tại cảng nhập, đồng thời doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào thị trường này trong một thời gian hoặc vĩnh viễn.

Tiêu chuẩn riêng là những quy định mang tính tự nguyện, khuyến khích và “cộng điểm” cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là các quy định về môi trường làm việc quan tâm đến sức khỏe, công bằng cho người lao động, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và phúc lợi động vật (giết nhân đạo, vận chuyển hợp chuẩn…).

Ngoài ra, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xây dựng được những thương hiệu mạnh, tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn Dự án CSR của UNIDO tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần khẳng định uy tín thông qua việc thực thi “trách nhiệm xã hội” theo mô hình kim tự tháp: Kinh tế-Pháp lý-Đạo đức-Từ thiện; trong đó, trách nhiệm kinh tế là những chiến lược tối đa hóa lợi nhuận, hiệu quả cạnh tranh.

Trách nhiệm pháp lý là những tuân thủ cam kết giữa doanh nghiệp và xã hội. Trách nhiệm đạo đức là đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp không đi ngược những quy tắc, giá trị được xã hội công nhận dù không thể hiện trong các văn bản luật; đỉnh kim tự tháp là trách nhiệm từ thiện, với nghĩa chỉ những lợi ích mà doanh nghiệp mang lại vượt ra ngoài sự trông đợi của xã hội.

Bà Mai đưa ra ví dụ minh họa về mô hình “doanh nghiệp trách nhiệm xã hội”: kinh doanh trung thực, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh công bằng; tạo môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động; gắn kết- phát triển cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường…

Ông Alain Chevalier, Cố vấn kỹ thuật cao cấp của Chương trình “nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, giới thiệu đến diễn đàn phần mềm Bản đồ tiêu chuẩn Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC standards map). Đây là phần mềm giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tìm hiểu nhanh các đặc điểm chính, yêu cầu, chính sách liên quan đến hàng xuất khẩu; so sánh tiêu chuẩn cạnh tranh hàng hóa; tự đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp.

Theo đó, xu hướng chính mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU cần đặc biệt lưu ý, đó là tâm lý của người tiêu dùng ở thị trường này sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho hàng hóa được sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội… thay vì chú trọng giá bán rẻ như trước đây.

“Thị trường đang phát triển theo xu hướng thương mại công bằng và hữu cơ” ông Alain Chevalier nhấn mạnh./

ÁNH TUYẾT (TTXVN/VIETNAM+) 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang