13/09/2017 08:51:00 AM
Đề nghị Chính phủ thống nhất đầu mối về quản lý nợ công

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ​- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 12/9, khi cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), quan điểm của đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ​- Ngân sách là: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công​, giao Bộ Tài chính làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Và, Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.  

Quản lý nợ công không tốt

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quản lý nợ công là vấn đề quan trọng, nhất là trong điều kiện nợ công đang tăng cao sát trần.

Trong quản lý nợ công thời gian qua có sự chồng chéo, quản lý không tốt, nhất là các khoản vay nước ngoài, trong đó có khoản vay ODA và một số khoản vay với các định chế tài chính nước ngoài. Luật này ra đời để khắc phục các hạn chế đó.

Làm rõ điều này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, khoản vay ODA rất nhiều năm Chính phủ giao cho Quốc hội điều chỉnh.

Nhiều lần vay ODA vượt dự toán do quản lý không tốt. “Tôi đã giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có văn bản báo cáo với Chính phủ là sắp sửa tới trần 300.000 tỷ đồng ODA của Quốc hội giao, nếu Chính phủ tiếp tục vay vượt khoản đó mà không báo với Quốc hội là không thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội,” ông Hiển nói và đề nghị Ủy ban Tài chính ​- Ngân sách phải “canh chừng” về khoản vay ODA.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Chính phủ là thực hiện nghiêm Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị (về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững), nếu có vấn đề gì khác, phải báo cáo Bộ Chính trị.

Vì vậy đây là công cụ tốt nhất, rà soát, sửa đổi Luật để đảm bảo kiểm soát nợ công. Cần thống nhất quan điểm là có kế thừa Luật Quản lý nợ công hiện hành nhưng phải đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 07, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính làm đầu mối thống nhất quản lý và chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, phải gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng để có báo cáo đầy đủ, thuyết phục, Ủy ban Tài chính ​- Ngân sách cần đánh giá tác động việc đề xuất thay đổi chức năng, nhiệm vụ, vì ở đây không đơn thuần là khía cạnh công việc mà còn nhiều vấn đề khác, đánh giá hiệu quả bộ máy tổ chức, biên chế, quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế.

Hiện mới đánh giá ước lượng, chưa sâu sắc. Nếu đề xuất phương án thống nhất đầu mối thì xung đột với hệ thống pháp luật Việt Nam như thế nào. Nếu có xung đột, nên đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng các quan điểm Chính phủ và Ủy ban Tài chính ​- Ngân sách đưa ra chưa thuyết phục.

Đây là vấn đề lớn, không chỉ tác động về mặt cơ chế tổ chức bộ máy mà tác động đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của nhiều bộ.

“Nhập tổ chức này thành lập tổ chức mới thì cấp gì, biên chế thế nào, tính hiệu quả ra sao. Tôi chỉ sợ khi hoạt động không hiệu quả lại đổ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nên đưa ra hai phương án, thành lập tổ chức mới thì tốt xấu thế nào, như mô hình cũ thì thế nào để so sánh” ông Việt đặt vấn đề.

Không thêm đầu mối

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định không thành lập tổ chức mới. Điều 10 Luật Quản lý nợ công hiện hành đã giao Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.

Tuy nhiên, hạn chế của Luật này là có thêm Điều 11, 12, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm ODA, giao Ngân hàng Nhà nước đi đàm phán với các tổ chức tài chính khác, nhưng thực ra gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng không đàm phán được gì nhiều cho Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm không thể sửa Luật mà lạc hậu hơn, có bước lùi so với Luật hiện hành, đã sửa Luật phải tiến bộ hơn. “Sửa Luật Điều 10 mà giao hết cho Chính phủ là không được. Luật nào cũng ghi Chính phủ quản lý thống nhất và có một cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm, như vậy Quốc hội mới chất vấn, giám sát được” Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định phải tập trung gọn đầu mối. Vay, đàm phán vay cái nào có lợi cho đất nước, khoản vay đó phải phù hợp với cân đối để bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội nêu lên thực tế vừa qua, nợ công không cân đối được, gần đến trần, đến hạn trả nợ lại vay tiếp để đáo hạn nợ cũ là do cắt khúc về quản lý nợ công, không thành đầu mối để chịu trách nhiệm trước Chính phủ, người đã làm rồi không muốn đưa cho người khác.

“Chúng ta vì đất nước, vì lợi ích chung, vì đúng chức năng Luật Ngân sách nhà nước đã quy định. Luật Đầu tư công cũng không ảnh hưởng gì. Điều 88 Luật này không giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nợ công” .Chủ tịch Quốc hội cho hay. Đồng thời cho rằng, nếu có ảnh hưởng, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, cần phải chỉnh lại vì đang chuẩn bị sửa Luật đầu tư công.

Không đồng tình với giải trình của Chính phủ, đề nghị quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ quản lý thống nhất là đương nhiên nhưng phải có đầu mối giúp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đó./.

CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang