26/05/2017 09:43:00 AM
Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp còn xa vời?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu thực tế: Các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước. Đây cũng chính là câu trả lời thực tiễn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được tiếp cận bình đẳng với nguồn lực hỗ trợ, theo ông Thân, không nên đặt vấn đề tổ chức này có nhiều quyền hơn tổ chức khác.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới gồm 55 hiệp hội doanh nghiệp địa phương các tỉnh. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được triển khai xuống cơ sở thông qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời nhất quán, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm về nhiệm vụ của Luật hỗ trợ DNNVV, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ khuyến khích hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, nhiệm vụ liên kết ngành.

Ông Thân cũng cho hay: “Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ một trong những nhiệm vụ rất khó là vận động hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Bởi vì, hiện nay đang trong tình trạng các hộ kinh doanh đứng ngoài thì người ta được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất nhiều nhiệm vụ thuế, môi trường, bảo hiểm, thậm chí công đoàn cũng có và các mặt khác rất nhiều nhiệm vụ, nhưng trong khi đó các hộ kinh doanh thì ít hơn. Hiện nay, người ta nhìn vào nếu chúng ta không có những cuộc vận động lớn thì người ta sẽ không vào”.

Đại biểu này nêu dẫn chứng tại TP. Hồ Chí Minh sau 6 tháng vận động mới được mấy chục hộ kinh doanh chuyển thành mô hình doanh nghiệp. Do đó, ông Thân băn khoăn chưa chắc đến năm 2020 Việt Nam phát triển được 1 triệu doanh nghiệp. Theo thống kê, có tới 77% vào hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa là hộ kinh doanh.

 Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.

Góp phần hoàn chỉnh Dự thảo dự án Luật hỗ trợ DNNVV, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, dự thảo chỉ quy định, miễn giảm phí tư vấn, phí sử dụng dịch vụ tư vấn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Như thế các lĩnh vực khác, ví dụ như thương mại, xây dựng hay dịch vụ sẽ không nhận được sự hỗ trợ này. Như vậy, sẽ không có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực khi tiếp nhận hỗ trợ này.

Ông Tám đề nghị quy định DNNVV được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. Quy định như thế sẽ đảm bảo tính bình đẳng hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực tư vấn.

Khơi thông nguồn vốn cho DNNVV

Về vấn đề quỹ trong dự thảo luật, đại biểu tỉnh Kon Tum lưu ý: Có 3 loại quỹ là quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư khởi nghiệp và quỹ phát triển DNNVV. Ông Tám quan ngại liệu quy định như vậy có nhiều quá không, bởi khi lập một quỹ thì lại thêm những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động...

Ông Tám cũng nêu rõ: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do ai thành lập, quản lý và tổ chức hoạt động như thế nào? “Chúng ta thấy ở quỹ bảo lãnh tín dụng là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, quỹ phát triển DNNVV do Chính phủ thành lập và đều hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Vậy, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng cần quy định rõ những vấn đề như là chủ thể thành lập, vấn đề quản lý và hoạt động có vì mục tiêu lợi nhuận hay không vì mục tiêu lợi nhuận,” ông Tám góp ý.

 Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật hỗ trợ DNNVV, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, việc ban hành luật này trong thời điểm hiện nay đã là muộn so với yêu cầu của doanh nghiệp. Bà Hoa đề nghị Quốc hội xem xét những nội dung nào có thể quy định được thì nên có quy định cụ thể để khi luật được ban hành sẽ tạo những chính sách đầy đủ, cụ thể và đồng bộ và để có thể áp dụng được ngay.

Về tiêu chí xác định DNNVV, đại biểu Võ Thị Như Hoa nêu quan điểm: Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là nội dung quan trọng nhằm xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định của luật. Việc tăng hay giảm các tiêu chí sẽ làm tăng hoặc giảm số lượng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cần phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực của nhà nước, từ đó mới điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: Ngoài quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo phát triển DNNVV của địa phương tham gia, cần xem xét thêm sự tham gia của quỹ trung ương đóng góp thêm vào nhằm đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Tuấn cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển tốt hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì sự tham gia vào các chuỗi, cụm liên kết gặp nhiều khó khăn do nguồn lực rất hạn chế. Theo vị đại biểu này, trong việc mua sắm công cần sử dụng những gói thầu có quy mô phù hợp với khả năng đáp ứng của DNNVV tham gia thông qua hình thức đấu thầu công khai, tạo điều kiện cho họ tham gia chuỗi cung ứng mua sắm công để phát triển./.

Trần Ngọc/VOV.VN

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang