29/07/2020 07:51:00 AM
Chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt về từ Guinea Xích đạo

Sáng 28/7, đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lên máy bay đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, trong đó có 120 người được xác định mắc COVID-19.

 Các y bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng lên đường. Ảnh: PV/Vietnam+

Đoàn công tác gồm có bốn nhân viên y tế, trong đó có hai bác sỹ, hai điều dưỡng mang theo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc và phương tiện cấp cứu…

Hai bác sỹ và hai điều dưỡng sẽ ngồi chung trong khoang dành riêng cho 129 bệnh nhân COVID-19 ở cuối máy bay trong suốt hành trình kéo dài 13 tiếng đồng hồ từ Bata về Hà Nội.

“Chọn mặt gửi vàng”

Bác sỹ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - người tham gia trong chuyến bay chia sẻ đây là chuyến bay đặc biệt, đầy trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự cao cả khi được đón đồng bào về nước.

Theo kế hoạch, chuyến bay sẽ khởi hành từ Sân bay Nội Bài lúc 7 giờ sáng 28/7, sẽ bay liền 12 tiếng đến Guinea Xích đạo. Sau đó máy bay sẽ được nạp nhiên liệu và các công dân Việt Nam sẽ được hướng dẫn lên máy bay, tiếp đó bay ngược lại về Nội Bài và nhóm này được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cách ly.

Trước giờ lên đường, bác sỹ Hùng tâm sự: "Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ cùng với anh em cũng cảm thấy rất là tự hào, bên cạnh đó cũng rất lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng 4 anh em trong đoàn cũng đã sẵn sàng cho tình huống xấu hơn xảy ra”.

“Số lượng người nhiễm cao đặt ra thách thức cho tổ y tế. Tỷ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm khoảng 50%. Có khoảng 5-7 ca nặng. Không gian máy bay hẹp, nồng độ virus đậm đặc nên nguy cơ lây nhiễm cho phi hành đoàn và tổ y tế rất cao.

Vì vậy chúng tôi xác định những người tham gia chuyến này phải là những người rất có kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu của bệnh nhân, thao tác kỹ thuật khó. Do đó, hai bác sĩ, hai điều dưỡng thuộc Khoa Cấp cứu, được "chọn mặt gửi vàng" đi đón công dân.

Sau chuyến công tác, anh em chúng tôi cũng phải tuân thủ cách ly y tế theo quy định 14 ngày trước khi trở lại cộng đồng để được tiếp tục cứu chữa cho người bệnh”, bác sỹ Hùng chia sẻ.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay 3 đơn vị sẽ tiếp nhận bệnh nhân dương tính là Khoa Nội, Khoa Virus Ký sinh trùng và Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp. Còn lại, tùy từng diễn biến bệnh nhân có thể triển khai Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực cho những bệnh nhân nặng.

Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam.

Chuyến bay đặc biệt

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích chuyến bay lần này là chuyến bay chưa từng có trong tiền lệ với nhiều nguy cơ rất cao vì tỷ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm đến hơn 50% số người có mặt trên máy bay.

Để thực hiện chuyến bay này, từ trước đó nhiều tuần, công tác chuẩn bị đã được các chuyên gia về y tế tính toán kỹ lưỡng tới từng tình huống để làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho tất cả công nhân và phi hành đoàn, bác sỹ, nhân viên y tế.

Theo bác sỹ Cấp, có rất nhiều khó khăn phải đối mặt khi thực hiện chuyến bay. Đó là máy bay chỉ 300 chỗ mà có tới 120 bệnh nhân, nên môi trường lây nhiễm rất lớn. Chính vì vậy, các phương án, kịch bản đã được đưa ra chi tiết và cụ thể nhằm mục đích tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cũng như phi hành đoàn bay nhất.

Mặc dù trong máy bay có hệ thống điều áp, phân áp ô xi ở nhiệt độ cao giảm hơn so với mặt đất, nên không đảm bảo như dưới mặt đất, vì vậy trong quá trình bay có thể có bệnh nhân bị suy hô hấp.

“Diện tích máy bay nhỏ, thiết bị trên máy bay dân sự như nguồn điện thấp, bình oxy trên máy bay là loại riêng không phải bình oxy y tế bình thường; các loại thuốc sát trùng không được sử dụng loại dễ gây cháy, ăn mòn...nên khi có bệnh nhân suy hô hấp trên máy bay thì công tác cấp cứu khó khăn hơn nhiều so với ở mặt đất.

Chính vì vậy, phương án chuẩn bị trang thiết bị để sắp xếp các vị trí cấp cứu để đảm bảo an toàn phải tính toán hết sức kỹ lưỡng”, bác sỹ Cấp phân tích.

Các kế hoạch trên đường đi cũng được tính toán hết sức chi tiết như sàng lọc bệnh nhân tại nơi tiếp nhận, chế độ ăn uống trên máy bay và phương án đón khi bệnh nhân trở về, phương án chẩn bị luồng đi, phòng ốc, giường bệnh...

“Ở chuyến bay đón công dân về nước lần này khác so với chuyến bay đón công dân ở Vũ Hán cách đây mấy tháng. Chuyến bay từ Vũ Hán về công dân chưa dương tính, đường đi chỉ hết 4 tiếng nên mọi người có thể nhịn ăn, uống và vệ sinh để tránh lây nhiễm. Nhưng chuyến đi này kéo dài 15 giờ, ăn uống và vệ sinh trên máy bay nên bắt buộc phải thiết kế lều áp lực dương. Lều này thường xuyên được bơm không khí sạch để mọi người tháo khẩu trang ăn cơm, uống nước đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên vì diện tích trên máy bay nên chiếc lều này thiết kế chỉ 1 người vào một”, bác sỹ Cấp cho biết.

Không khí khi được bơm vào trong lều áp lực dương là không khí đã được lọc qua 1 hệ thống lọc rất cẩn thận, tạm gọi là không khí sạch. Trong tình huống nhân viên y tế cần phải có những thao tác nhiều nguy cơ, ví dụ như tháo bỏ khẩu trang ra để ăn. Hy vọng với sáng kiến này sẽ giảm thiểu nguy cơ lây hơn cho nhân viên y tế cũng như tổ bay...

Số lượng bệnh nhân chưa từng có

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, với số lượng ca COVID-19 nhập viện cùng lúc nhiều nhất chưa từng có, vì vậy bệnh viện đã lên các phương án kỹ lưỡng chuẩn bị và đón tiếp bệnh nhân về điều trị.

Dự kiến 120 người Việt từ Guinea Xích Đạo về, bệnh viện đã thống nhất dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400- 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã di chuyển hơn 200 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở II Đông Anh được chuyển sang cơ sở Giải Phóng hoặc các cơ sở y tế khác để sẵn sàng tổ chức cách ly và điều trị cho 250 công nhân từ Châu Phi về. Bệnh viện cũng sẽ đảm bảo giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh.

Hiện bệnh viện có khoảng hơn 100 máy thở, đủ để phục vụ cho công tác điều trị. Ngoài ra, vấn đề thuốc men, các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện cũng đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm.

Chuyến bay khởi hành từ Việt Nam vào sáng nay, 28/7 và dự kiến sẽ quay trở về vào ngày 29/7. Sau đó toàn bộ phi hành đoàn và công nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đây là lần tiếp nhận bệnh nhân và người cách ly lớn nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nên mọi công tác chuẩn bị đã được bệnh viện thực hiện từ nhiều ngày nay. Bệnh viện đã huy động khoảng 170 bác sỹ, nhân viên y tế cho “cuộc chiến” lần này./.

Thùy Giang / Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang