27/05/2016 11:45:00 AM
Bước qua bóng ma chiến tranh

Khác với hai chuyến thăm trước của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, chuyến đi của ông Obama đến Hà Nội tuần này dường như không còn bị ám ảnh chủ yếu bởi bóng ma chiến tranh. Mối quan hệ hai nước đang “tốt đẹp hơn bất cứ khi nào trong thế kỷ qua”, như vị cựu chiến binh Mỹ và là người ở Hà Nội lâu năm Chuck Searcy nói.

 Tổng thống Obama đã đến thăm chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM)

 
Khi tôi đề nghị Henry Kissinger về một cuộc phỏng vấn tại New York cách đây 10 năm, ông nói ông sẽ không bao giờ trả lời câu hỏi của một phóng viên Bắc Việt.

Nhưng ông có vẻ không giữ được cảm xúc khi được hỏi liệu ông có còn cay đắng khi nhắc tới Việt Nam. “Việt Nam là một chương đã khép lại trong đời tôi. Tôi cầu chúc cho Việt Nam những điều tốt đẹp”, ông nói. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông nhắc lại với khách xung quanh rằng ông chúc Việt Nam mọi điều tốt đẹp, như thể đó là điều mới lạ đối với ông.

Cùng năm, tôi tham dự một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Kennedy ở Boston. Tại đó có sự tham gia của những nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc chiến, như cựu tổng thống Jimmy Carter hay tướng Alexander Haig. Tôi đặt một câu hỏi về chất độc da cam. Ngạc nhiên là thay vì đọc câu hỏi của tôi, người dẫn chương trình Brian Williams của đài NBC lại xướng lên: "Có một người Bắc Việt ở đây", như thể bản thân việc có một người Bắc Việt trong hội thảo đã là chuyện lớn.

Quan hệ Việt - Mỹ, thật may mắn, đã tiến rất xa từ sự bối rối khó xử thường thấy giữa các cựu thù.

Khác với hai chuyến thăm trước của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, chuyến đi của ông Obama đến Hà Nội tuần này dường như không còn bị ám ảnh chủ yếu bởi bóng ma chiến tranh. Mối quan hệ hai nước đang “tốt đẹp hơn bất cứ khi nào trong thế kỷ qua”, như vị cựu chiến binh Mỹ và là người ở Hà Nội lâu năm Chuck Searcy nói.

Các cựu chiến binh là người đóng vai trò chính trong việc khai mở quan hệ giữa hai nước. Những người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam thăm chính thức sau chiến tranh là các cựu binh. Khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994, bên cạnh ông là những cựu binh Mỹ.

Ông Chuck Searcy, Chủ tịch tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình và cố vấn quốc tế của dự án Renew, nói những người cựu chiến binh Mỹ có “mối liên hệ tình cảm sâu đậm” với người Việt Nam. “Đối với phần lớn những cựu chiến binh Mỹ, những gì trải qua ở chiến tranh Việt Nam là điều gây ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời”.

Khi tôi gọi điện, ông Chuck Searcy đang trên đường đến lễ tang ông Ngô Thiện Khiết, đội trưởng đội xử lý bom chùm của dự án Renew, đã hy sinh khi bom phát nổ trong lúc làm nhiệm vụ chỉ vài ngày trước khi Obama đến Hà Nội. Cái chết của ông Khiết là lời nhắc nhở mạnh mẽ đến chúng ta và đến Obama rằng hậu quả của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ vẫn còn rất thật. Như ông Searcy nói, sự giải thoát thực sự từ nỗi đau của quá khứ có thể tìm được từ việc giải quyết hiệu quả các hậu quả chiến tranh, như chất độc da cam và mìn.

Trong vài năm tới, thế hệ những chính trị gia là cựu binh với mối quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, như John Kerry và John McCain, sẽ rời chính trường Mỹ. Thảo Griffiths, Giám đốc quốc gia của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ nói: “Các cựu chiến binh đã đóng vai trò chính trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, họ sẽ dần dà đóng vai phụ, như điều tất yếu của lịch sử. Câu hỏi là điều gì sẽ đảm bảo vị trí của Việt Nam trên chính trường Mỹ trong thời gian sắp tới?”.

Việc Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nhà sàn Hồ Chủ tịch và dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đã “phản ánh sự thay đổi về bản chất” trong mối quan hệ hai nước.

Việc xóa bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn là một tin tốt. Nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên xem nhẹ mối nguy của tình trạng buôn bán vũ khí trên thế giới. Như ông Chuck Searcy nói, những nhà buôn vũ khí luôn mong muốn tìm đến các thị trường mới. Việt Nam không nên dành quá nhiều ngân sách cho vũ khí. Thay vào đó, nên đầu tư cho giáo dục và an sinh xã hội.

Bên cạnh việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí, sự có mặt của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thành quả quan trọng. TPP được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận như một cú hích cho công cuộc cải cách ở Việt Nam. 

Việt Nam cần trở thành một nước mạnh về kinh tế và xã hội để tăng vị thế của mình. Tuy nhiên, việc Việt Nam chưa nắm bắt được hết các cơ hội do BTA và WTO mang lại có thể là một chỉ dấu trong việc chuẩn bị cho TPP sắp tới. Có lẽ sức mạnh và mong muốn nội tại của người Việt Nam mới là yếu tố lớn nhất thúc đẩy cải cách.

Nhìn lại quãng đời đầy vất vả trong chiến tranh của thế hệ cha mẹ tôi, và nhìn những người trẻ đang được hưởng cuộc sống no đủ, được giáo dục, tôi nhận ra chúng ta cần tìm một thế cân bằng. Việt Nam cần tìm cách giữ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ, và quản lý ngân sách mua vũ khí làm sao không ảnh hưởng đến nguồn lực của giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế đồng thời cân bằng lợi ích giữa các siêu cường. Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong TPP. Nhưng ngay cả khi ông nói vậy, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn phải nỗ lực tìm cách phát triển, vươn lên, nếu không sẽ rơi vào cái bẫy - trở thành thị trường lao động giá rẻ cho các cường quốc.

Thế hệ người Việt đầu tiên sinh ra sau chiến tranh nay cũng đã bước vào lứa tuổi trung niên. Chúng ta đã đi qua một chặng đường đủ dài để thấy việc John Kerry tản bộ trên cầu Thê Húc, hay Obama ung dung đi giữa đường phố Hà Nội, TP HCM trong sự chào đón của hàng nghìn người là chuyện bình thường.

Trong khi việc một chính khách bày tỏ sự quan tâm đến văn hóa của nước sở tại là hành động ngoại giao thường có, việc Obama chọn thử những món ăn đặc trưng nhất của Hà Nội, và đọc tên tiếng Việt của những người nổi tiếng nhất ở Việt Nam, từ văn học là Kiều, đến anh hùng dân tộc là Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, đến ca sĩ được giới trẻ yêu thích như Sơn Tùng - MTP và SuBoi, đã cho thấy rõ rằng đối với nước Mỹ, Việt Nam bây giờ đã có nghĩa là một quốc gia, không phải một "cuộc chiến tranh".     

Với một người lớn lên trong thời kỳ bao cấp như tôi, thời có đủ gạo và muối ăn đã là may mắn, thì tôi thật vui khi nghe Obama khen đồ ăn Việt. Chiến tranh Việt Nam sẽ không còn là mối quan tâm duy nhất và hàng đầu trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới. Khi bóng ma chiến tranh đã mờ đi, cuối cùng hai nước đã có thể "đến bên nhau như những con người" như Tổng thống Obama nói trong bài phát biểu ở Hà Nội. Với con người, món ăn ngon, không khí sạch, cơ hội kinh doanh và cơ hội phát triển bản thân cho giới trẻ cũng là điều quan trọng. Giờ là lúc tập trung vào tương lai - một tương lai trong đó chúng ta được hưởng thực phẩm sạch, không khí trong lành, cơ hội cống hiến và kiến tạo.  

Người Việt Nam đón chào Tổng thống Obama có lẽ vì nhiều người hy vọng một mối quan hệ tốt hơn với nước Mỹ sẽ đem đến thêm hòa bình và thịnh vượng trong tương lai. Nhưng tương lai đó rõ ràng phụ thuộc vào nội lực của chúng ta chứ không phải bất cứ áp lực nào từ bên ngoài.

Trần Lệ Thùy (vnexpress.net)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang