12/04/2011 09:34:31 AM
Tìm về hoa gạo tháng ba

Làng tôi ở bao năm trời tình làng nghĩa xóm gắn kết, thương yêu nhau qua từng đụn rơm nghèo, bờ ruộng chênh vênh và ngọn rau rừng đắng. Tôi đi xa từng ấy năm vẫn nhớ cái ranh giới làng quê không phải là “cây đa, bến nước sân đình” hay lũy tre xanh bao bọc, mà ngay cổng làng là cây gạo to sừng sững không biết có từ thuở nào vẫn giang những cánh tay chào đón.


Tháng ba này trên khoảng trời quê hương đã thắp lên một màu đỏ rực, như ngọn đèn trời chiếu sáng cho làng quê thanh bình và như soi đường cho những đứa con xa quê đừng quên lối.

Tôi nhớ ngày bé thơ còn đi chân đất đến trường, mỗi khi tháng ba về cả lũ  bạn đứa nào cũng chỉ đợi trống tan trường rồi ùa nhau chạy về thật sớm. Chỉ để làm sao về đến đầu làng thật nhanh, đứa nào cũng hứng cái mũ lan rộng vành chờ hoa gạo rụng. Nhưng vào những ngày bão lớn, cây gạo đứng một mình giữa khoảng trống trơ bị gió quật rụng xuống rất nhiều hoa gạo đỏ, như thể gió trời đã dập tắt từng ngọn đèn nhỏ trên những bàn tay cây gạo. Lũ nhỏ chúng tôi, chẳng ai bảo ai nhưng đều buồn vời vợi, nỗi buồn hiếm hoi của tuổi cắp sách đến trường. Những bông gạo rụng chúng tôi nhặt về bằng hết, đứa thì đặt trên cửa sổ có những viên gạch vỡ nham nhở, đứa thì thả vào một cái chậu nước rồi để trong nhà, cũng có đứa ương bướng cố ép vào trang vở. Dù biết rằng hoa gạo mọng nước không dễ gì ép như hoa phượng hay bằng lăng tím, bởi hoa gạo không cam lòng để màu đỏ tươi của mình chuyển thành sắc tím đen trong trang vở trắng. Hoa gạo chỉ thích thắp đỏ giữa khoảng trời làng quê yên bình vào đúng độ tháng ba.

Sau này tôi đi xa, mỗi lần nhớ về làng quê tôi lại nhớ đến những kỉ niệm một thời sâu hoa gạo đỏ đội lên đầu tự nhận làm cô dâu, rồi thể nào thằng bạn cũng tít mắt cười nhận “ để tao làm chú rể”. Lũ bạn ê ồ suốt cả buổi chiều, cho đến khi bóng tối đã dần bao trùm ngõ xóm mới lũ lượt kéo nhau về, có đứa vẫn còn dặn với theo: “Ngày mai đến lượt tao làm cô dâu nhé!”. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thương những kỉ niệm hồn nhiên ấy, dù những đứa bạn năm xưa đã con bồng, con bế, chú rể của riêng mình ngày nào giờ cũng đã đi đón cô dâu. Tôi trở về đi ăn cưới bạn vào đúng độ hoa gạo nở rộ nên bảo với đứa bạn rằng:

- Đúng tháng ba năm sau mình sẽ lấy chồng.

Con bạn bông đùa:

- Chờ hoa gạo chắc?

Tôi cười.

Tháng ba này vẫn ngồi giữa thành phố xa xôi, trời đang nóng bỗng chuyển gió mùa, lòng lại xót xa thương hoa gạo rụng. Không biết trẻ con bây giờ có còn hứng hoa như ngày xưa không, hay để cánh hoa tả tơi rơi trên nền cỏ để ngày mai có thể cái nắng gắt, oi nồng lại trở về thiêu những cánh hoa rơi. Lâu lắm rồi không về thăm quê, đang bảo lòng có khi tháng ba này lại xách ba lô về nhặt hoa gạo đỏ…

Vũ Thị Huyền Trang (Đại đoàn kết)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Nhìn sắc trắng hoa sưa nhớ màu tím hoa xoan (05/04/2011)
  • Nhớ quê (28/03/2011)
  • Để chiều nay ta thầm gọi ta về (22/03/2011)
  • Tháng giêng mưa bụi (15/03/2011)
  • Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật (08/03/2011)
  • Bờ dậu ô rô (01/03/2011)
  • Mùa xuân lặng lẽ đổi thay (22/02/2011)
  • Mùa hoa cà phê (15/02/2011)
  • Đồng quê yêu dấu (07/02/2011)
  • Nhớ Tết quê (05/02/2011)
Các tin khác
  • Lắng nghe mùa Xuân về (04/03/2024)
  • Nhớ sương (26/02/2024)
  • Tâm tình tháng Hai (19/02/2024)
  • Mùa ngóng Tết thần tiên (12/02/2024)
  • Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên (05/02/2024)
  • Mùa Xuân đã đến bên em… (15/01/2024)
  • Tản mạn mưa Xuân (08/01/2024)
  • Tản mạn đầu năm (01/01/2024)
  • Ngô nếp nướng ngày Đông (11/12/2023)
  • Tháng Mười Hai (04/12/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Mùa Xuân trong tiếng hát lời ca
Cúc vàng ngày nọ
“Đất nước trọn niềm vui” – Tiếng lòng của con dân nước Việt trong không khí mừng đất nước thống nhất - 1975
Ký ức mùa hoa cải
Tháng giêng mưa bụi
Lắng nghe mùa Xuân về
Nhớ sương
Tâm tình tháng Hai
Mùa ngóng Tết thần tiên
Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên
Mùa Xuân đã đến bên em…
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang