11/01/2011 08:53:01 AM
Làng

“Làng”. Chỉ với bốn kí tự và một dấu thanh mà trở thành thiêng liêng day dứt....

Quả vậy, Làng là nơi để người nông dân “an cư lạc nghiệp”. Làng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng, ma chay cưới hỏi, hội hè đình đám. Xưa kia, và cả ngày nay nữa, có ngôi làng nào không từng có một cây đa giếng nước sân đình. Làng còn là nơi để con người ta sinh ra, làm tròn bổn phận một kiếp người rồi chết. Người mất đi rồi những tiếng mãi còn lưu. Thử hỏi đã là người Việt Nam thì ai không có gốc gác từ một ngôi làng một chốn quê nào đó?



Làng quê thanh bình. Nguồn Internet

Với người xa quê, Làng là nơi đau đáu nhớ về. Làng không những là cố hương mà còn là nơi đặt mồ mả ông bà tiên tổ. Ra ngoài dù làm rạng danh gia đình, rạng danh dòng họ thì cái gốc gác, cái căn cốt cũng dễ gì quên được. Họa may chỉ có kẻ bạc phúc mới quên mà điều đó thì hiếm lắm. Chẳng thế mà dịp thanh minh, lễ tết, giỗ chạp lòng người dù tứ xứ muôn phương cũng quy tụ tìm về chốn cũ. Đó là cái đạo lí muôn đời của người dân Việt vậy.

Với ta Làng là một từ gần gũi thân quen xiết bao khi nhắc đến. Làng là mảnh đất ta oa oa cất tiếng khóc chào đời. Làng là chốn ông ta bỏ bánh nhau thẫm máu đào vào hũ chôn xuống đất. Đường làng là nơi ta chập chững bước những bước đầu tiên trong câu chửi yêu của bà. Cổng làng là nơi mẹ dẫn ta ra ngóng cha mỗi buổi chiều. Cha chưa về mẹ giấu những giọt nước mắt lặng thầm sau vạt áo. Ta nhìn thấy hỏi ai làm mẹ khóc, mẹ cười bẹo mũi ta nói thác rằng cơn gió cuốn bay hạt bụi. Ta ngây thơ cũng tin điều đó là thật. Khi biết chơi đùa cùng chúng bạn, cây ta trèo đầu tiên là gốc đa làng. Ao ta tắm đầu tiên là chiếc giếng làng. Và sân đình là nơi ta tập tọng trò chơi con nít đầu tiên. Cùng với Làng cứ thế ta lớn lên thành đứa mục đồng. Mỗi sáng mỗi chiều cứ ê a ngồi trên lưng trâu hát. Hát đến cả lúc trăng đã lên cao mới dắt trâu về. Cũng bởi yêu quá cánh đồng say mê chơi đùa cùng chúng bạn. Lại suốt từ đầu làng cuối ngõ chẳng có vườn nhà ai mà ta và tụi bạn cả trai cả gái không vào trộm hoa trộm quả. Bị mắng chửi, bị chó đuổi vẫn không chừa ôm nhau cười nắc nẻ. Ta còn nhớ lắm những lần theo ông vác giậm ra đồng bắt con cua con cá. Giỏ chặt hom mà cua cá vẫn đầy trong giậm. Ta còn nhớ lắm những buổi lon ton theo bà đi chợ phiên. Bà mua cho xâu bánh rán, cặp bánh đa vừng trên đường về thấy ai cũng bỏ ra khoe. Ta còn nhớ lắm những đêm trăng thanh cả bọn kéo nhau chạy khắp xóm bắt đom đóm làm đèn. Để đêm khuya trở về ánh sáng đom đóm lập lòe còn theo cả vào giấc ngủ. Rồi những đứa bạn trai bạn gái lớn vụt thành thanh niên, thiếu nữ lúc nào chẳng rõ. Chỉ biết gặp nhau thấy mến, nhìn nhau thấy ngượng xa nhau thì nhớ vô cùng. Ấy thế mà nên duyên nên phận có được mấy người. Ôi! Ngày ấy sao mà qua nhanh. Giờ ngoảnh lại đã thấy nên ông nên bà cả. Không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến kí ức cứ cuồn cuộn đổ về chỉ chực trào nước mắt. Muốn khóc một lần cũng không dễ chút nào. Phải chăng những thăng trầm của kiếp người đã làm cho lòng thành chai sạn.

Đến thăm người bạn già ốm lòng xiết bao thương cảm. Bạn gượng dậy cầm tay cười hỏi sao lại buồn. Còn sung sướng nào hơn khi được sống thác chốn đất quê. Chiều nay tiễn bạn ra đồng tự nhiên không thấy lòng buồn nữa. Ngẫm lại những gì bạn nói được an ủi nhiều. Kí thác nắm xương tàn nơi quê nhà chẳng phải là sung sướng lắm thay. Những gương mặt già trẻ ta gặp ở đầu làng chiều nay ngày mai biết có còn gặp lại. Nhưng yêu mến thì nhiều không kể xiết. Nếu xét theo tích trăm trứng xưa thì đều là máu mủ ruột rà cả.

Ngày nay, Làng có nhiều nhà cao tầng mọc lên giữa những lùm tre và nóc nhà ngói. Làng đang cựa mình. Cái mới đội, đẩy, cuốn theo cái cũ cùng vận động. Khác thật. Mới ngày nào Làng chỉ là Làng, bình lặng, khiêm nhường núp mình sau những rặng tre mà giờ đây thêm nhiều nét mới. Nó khiến ta vừa lạ vừa quen như nhìn một cố nhân lâu ngày gặp lại. Hồi lâu rồi vỡ nhẽ. Ừ! Làng chỉ là một đơn vị cư trú của một nhóm dân cư. Nhưng cũng giống như người, Làng cũng có một cuộc đời thì phải.

Đinh Ngọc Hùng (Văn nghệ Quân đội)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Ngọt bùi xôi sắn tuổi thơ (04/01/2011)
  • Thành phố lá non (28/12/2010)
  • Nhớ mùa rươi (21/12/2010)
  • Nói với đêm đông (14/12/2010)
  • Nhật ký một chuyến đi (08/12/2010)
  • Mùa đông nhớ má (07/12/2010)
  • Miên man ngoại thành (30/11/2010)
  • Nhớ mít luộc (23/11/2010)
  • Hũ mắm tép ấm lòng những ngày đông (16/11/2010)
  • Mùa nấm rơm (09/11/2010)
Các tin khác
  • Lắng nghe mùa Xuân về (04/03/2024)
  • Nhớ sương (26/02/2024)
  • Tâm tình tháng Hai (19/02/2024)
  • Mùa ngóng Tết thần tiên (12/02/2024)
  • Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên (05/02/2024)
  • Mùa Xuân đã đến bên em… (15/01/2024)
  • Tản mạn mưa Xuân (08/01/2024)
  • Tản mạn đầu năm (01/01/2024)
  • Ngô nếp nướng ngày Đông (11/12/2023)
  • Tháng Mười Hai (04/12/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Mùa Xuân trong tiếng hát lời ca
Cúc vàng ngày nọ
“Đất nước trọn niềm vui” – Tiếng lòng của con dân nước Việt trong không khí mừng đất nước thống nhất - 1975
Ký ức mùa hoa cải
Tháng giêng mưa bụi
Lắng nghe mùa Xuân về
Nhớ sương
Tâm tình tháng Hai
Mùa ngóng Tết thần tiên
Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên
Mùa Xuân đã đến bên em…
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang