06/08/2009 12:23:19 PM
Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài học tập đức tính tiết kiệm, giản dị của Bác Hồ

Sự tiết kiệm giản dị của Bác xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến với nhân dân và nhân loại, xuất phát từ phẩm chất nhân văn, trong sáng của một nhà cách mạng kiên trung chân chính. Cả đời, Người không có một vật gì riêng tư quý giá cho bản thân ngoài đôi dép hơn mười một năm tuổi, ngoài chiếc thắt lưng bằng dây dù, ngoài những đôi tất rách… Nhưng, Người có bao giờ đòi hỏi nhiều hơn thế? Đơn giản vì Người đã sở hữu một khối óc vĩ đại, một trái tim bao la tình yêu thương, một ý chí cách mạng kiên cường và một niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của nhân dân VN trong thời kì kháng chiến.



Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc 

Đối với thế hệ 8X, 9X chúng tôi, đa số đều có một cuộc sống sung túc đầy đủ, đặc biệt là du học sinh như chúng tôi. Phần lớn sinh viên du học đều tự túc và xuất thân từ những gia đình khá giả, cho nên việc tiêu xài cũng khá phóng khoáng, ví dụ như việc mua sắm hàng hiệu cho giày dép, quần áo, nước hoa, mỹ phẩm v.v...

Sống và học tập tại nước ngoài là mơ ước của nhiều bạn trẻ, để được học hỏi thêm những kiến thức và biết thêm nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ đi du học không với mục đích gì và chỉ để xài tiền của gia đình một cách hoang phí, điều này rất đáng chê trách và cần phải phê phán.

Bản thân tôi là một người sống tương đối tiết kiệm, tôi luôn mua quần áo, giày dép, dụng cụ học tập từ VN sang New Zealand để sử dụng, một phần vì đồ đạc của VN tốt, đẹp và phù hợp với tôi, và phần để tiết kiệm tiền bạc của gia đình. Tiết kiệm đối với tôi không chỉ ở vấn đề tài chính mà còn ở cách sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hợp lý. Đối với tất cả mọi người ngày nay, thời gian không chỉ là vàng là bạc, mà thời gian còn quý hơn vàng, hơn bạc; cho nên việc biết cách sắp xếp và cân bằng thời gian học tập, thời gian làm thêm, thời gian tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên và của các câu lạc bộ của trường mình, cũng là một cách thực hành tiết kiệm vô cùng thiết thực.



Bác Hồ thăm bà con nông dân 

Chúng tôi, những sinh viên từ New Zealand, và cụ thể hơn là từ trường Victoria tại Wellington, đều đang cố gắng học tập và sống tiết kiệm tới mức có thể theo gương Bác Hồ kính yêu. Cuộc sống trên xứ lạ không làm chúng tôi quên đi những bài học từ thuở bé về Bác Hồ và những đức tính tuyệt vời của Bác. Nên sinh viên chúng tôi hết sức tự lập, và cố gắng học thật tốt để không tốn tiền ba mẹ chi cho chúng tôi du học. Sinh viên chúng tôi đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, để giúp nhau có một cuộc sống tốt mà không quá đắt đỏ. Thế hệ sinh viên đi trước để lại đồ đạc, ví dụ như máy in, bàn ghế, sách vở thậm chí đến cả ga trải giường, và chăn mền cho các sinh viên thế hệ sau, đặc biệt là những bạn khó khăn hơn mọi người. Tất cả những đồ đạc ấy còn tốt và chỉ cần lau giặt sạch sẽ là lại tốt như mới. Tôi không hề xấu hổ hay ngại ngùng khi kể ra những điều này, vì bản thân tôi thấy nó hết sức ý nghĩa dù nó rất nhỏ nhoi.

Đã từng là Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Wellington, tôi cảm nhận được hết khó khăn mà các cán bộ của Hội phải trải qua vì “kinh phí hạn hẹp” của một tổ chức tình nguyện. Học tập theo gương Bác, chúng tôi cố gắng gìn giữ thật tốt đồ đạc của Hội như trang phục diễn, đạo cụ… để có thể sử dụng từ năm này qua năm khác. Tất cả mọi việc chúng tôi làm đều cố gắng hết sức tiết kiệm, từ các hoạt động nhỏ cho đến các sự kiện lớn. Điều đó không ngăn được chúng tôi mang đến một hình ảnh đẹp về con người và văn hóa VN trong mắt bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động của Hội Sinh viên, cũng như thông qua cách sống và hành vi của mỗi người trên nước bạn.

Hội chúng tôi luôn cố gắng tránh những hoạt động phô trương, tốn kém không cần thiết mà tập trung đến những họat động thiết thực và ý nghĩa, hướng về quê hương và Tổ quốc. Từng cá nhân sinh viên và kiều bào VN cố gắng tiết kiệm để quyên góp tiền bạc, của cải vật chất gửi về cho đồng bào, nhân dân trong nước, những người khó khăn hơn chúng tôi. Hội Sinh viên VN tại Wellington cùng bà con Việt kiều đã thực hiện được các quỹ quyên góp cho nhân dân trong nước, ví dụ như gửi tiền bán đấu giá những chiếc lồng đèn do chính sinh viên chế tạo và được Việt kiều đấu giá về cho hai em sinh viên nghèo vượt khó qua Báo Tuổi Trẻ trong buổi tiệc Trung Thu năm 2006 do Hội Sinh viên tổ chức. Trong số đó, có chiếc lồng đèn đoạt giải nhất và được đấu giá cao nhất: hơn 1200 USD do một Việt kiều yêu nước trả giá. Tôi rất tự hào vì chiếc đèn lồng này là do tôi và một người bạn thân cùng thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi còn quyên góp được cho trẻ em SOS làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM vào năm 2007; chúng tôi cũng quyên góp cho các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, các nạn nhân bão lụt miền Bắc năm 2007. Và trong thời gian tôi đang về tham gia cuộc thi này, thì Hội Sinh viên cũng như Việt kiều tại Wellington đang quyên góp tiền của cho nạn nhân bị bão lụt ở miền Bắc thời gian vừa qua.

Bản thân tôi và các sinh viên VN cũng như kiều bào VN tại Wellington rất tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé cho đồng bào và quê hương mình theo tấm gương Bác Hồ kính yêu.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Bác Hồ không chỉ ở trong trái tim của mỗi chúng ta, mà còn ở trong từng cử chỉ, việc làm và hành động của mỗi người”. Qua cuộc thi này, tôi mong rằng các bạn trẻ ngày nay, với lòng kính yêu và tôn trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại, có thể học tập và thực hành được đức tính tiết kiệm giản dị của Bác Hồ, điều sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng hơn những giá trị lao động của con người, và từ đó giúp chúng ta giàu có hơn về vật chất lẫn tinh thần, để từ đó chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước VN ngày càng văn minh, giàu đẹp và vững mạnh theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nguyễn Thị Hương Giang (New Zealand)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi quốc tế
Cảm nhận về Bác Hồ
Sự giản dị của Bác Hồ
Thơ tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một giá trị văn hóa
Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021): Sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc
Tận tâm vì hòa bình - Triết học Hồ Chí Minh qua “Nhật ký trong tù”
Vật chất và tinh thần - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Ý chí tự do - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Bài thơ "Lời hỏi" - Giá trị triết học Hồ Chí Minh
Tuyên thệ - Một giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang