11/08/2009 03:34:48 PM
Sáng mãi “Ngọn đuốc dẫn đường”

Trại hè Việt Nam 2009 “Ngọn đuốc dẫn đường” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức với sự tham gia của gần 100 thanh thiếu niên kiều bào đến từ 26 quốc gia trên thế giới, đã diễn ra từ 18/7 đến 4/8 với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích và lý thú trên khắp 11 tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Từ Hà Nội, qua Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TPHCM rồi Tiền Giang, Bình Dương, đến nơi nào, các thanh thiếu niên kiều bào cũng được chào đón rất nồng nhiệt. Trại hè đã giúp các bạn hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc, khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu đối với quê hương đất nước.



Tiết mục biểu diễn của các thanh thiếu niên kiều bào
trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh”

Hành trình theo dấu chân Bác

Với chủ đề chính “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”, trong suốt hành trình của Trại hè trải dài từ Bắc vào Nam, các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào đã tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ khai mạc - báo công tại Quảng trường Ba Đình, vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TPHCM. Đặc biệt, các bạn được về thăm quê hương Nghệ An với cụm di tích làng Chùa – quê mẹ và làng Sen – quê cha, nơi gắn liền với những năm tháng đầu đời của Bác Hồ; có buổi tọa đàm đầy ý nghĩa với chủ đề “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài”; tham gia Chương trình giao lưu nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh” tổ chức trên quảng trường mang tên Bác tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; và kết thúc bằng Lễ bế mạc Trại hè 2009 đầy lưu luyến tại Bến cảng Nhà Rồng – nơi ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước.



Đoàn vào thăm làng Sen quê Bác

Qua các hoạt động này cho thấy, dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam hay nước ngoài, các bạn trẻ kiều bào vẫn luôn có ý thức tìm hiểu về nguồn cội và giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, đều tự hào về dòng máu Lạc Hồng, đều kính trọng và biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Đỗ Minh Đức, sinh ra và lớn lên ở Bungary, đây là lần thứ 5 cậu về Việt Nam. Đức nói tiếng Việt khá nhờ có bố mẹ dạy và chăm chỉ tự học ở nhà. Dù mới 16 tuổi, nhưng Đức đã có những suy nghĩ rất sâu sắc. Cậu kể, “… Ở nhà, bố mẹ dạy em phải kính yêu Bác Hồ, nhưng thực sự thì em cũng chưa hiểu lắm. Về tham gia Trại hè này, em đã hiểu tại sao bố mẹ lại dạy như vậy. Các hoạt động theo dấu chân Bác và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ gây ấn tượng nhất cho em. Nhiều thế hệ cha anh đã chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho mọi người Việt Nam trong đó có em. Em hiểu lịch sử Việt Nam đau đớn nhưng rất đáng tự hào. Em tự hào vì Việt Nam có những con người như thế và em tự hào là người Việt Nam”.



Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh: Kiều Lan (thứ hai từ trái)
chăm chú ghi chép thông tin về Bác Hồ vào cuốn sổ tay nhỏ của mình

Mỹ Trang - Kiều Lan, đôi bạn đến từ Lào – Thái Lan luôn đi liền bên nhau trong các hoạt động. Trang bảo, Kiều Lan và các bạn đến từ Lào, Thái đều rất thích tìm hiểu về Bác Hồ, nhưng lại không rành tiếng Việt lắm. Trong khi đó, Mỹ Trang vốn học đại học ở Việt Nam nên tiếng Việt rất tốt. Vì vậy, Trang luôn đi bên cạnh để làm nhiệm vụ phiên dịch cho Kiều Lan. Còn Kiều Lan, trên tay cô lúc nào cũng có một cuốn sổ tay nhỏ, cô chăm chú nghe bạn nói và ghi lại tất cả vào cuốn sổ nhỏ của mình.

Về sau các bạn 2 ngày, Vũ Dương Tú (Đức) bị lỡ mất một số hoạt động ý nghĩa tìm hiểu về Bác Hồ. Cậu nằng nặc đòi chúng tôi phải tìm cho được cuốn sách giới thiệu về Bác, cũng như chiếc huy hiệu Bác Hồ để đeo trên ngực. Tú chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia Trại hè, em rất hồi hộp và cũng rất vui vì được gặp gỡ và giao lưu với nhiều bạn Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Về quê hương là dịp rất tốt để em được tìm hiểu thêm về đất nước, con người, về văn hóa các vùng miền của Việt Nam”. Tú bảo, nơi để lại cho cậu nhiều ấn tượng sâu sắc nhất đó là khi được về thăm quê hương của Bác – nơi nếp nhà tranh đơn sơ và giản dị đã sinh ra một con người vô cùng vĩ đại, Người đã mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc. “Chúng con kính yêu Người!” – đó là lưu bút của Tú trong Sổ ghi cảm tưởng khi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế. Cũng trong cuốn sổ lưu bút đó, một bạn trẻ khác viết: “Bác là niềm tự hào của chúng cháu. Chúng cháu mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác”.

Tri ân các anh hùng liệt sỹ

Trở về thăm quê hương vào đúng tháng 7 – tháng tình nghĩa, tháng tri ân các thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, các thanh thiếu niên kiều bào đã có những giờ phút xúc động tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An; đặc biệt là tham gia Lễ hội Quảng Trị với các hoạt động ý nghĩa như Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, Lễ khánh thành công trình Nhà hành lễ và Bến thả hoa tại sông Thạch Hãn, và Chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và Khát vọng hoà bình” tại Thành Cổ Quảng Trị.

Thành kính thắp những nén hương thơm tưởng nhớ và cùng cầu nguyện cho vong hồn các liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, tất cả đều thầm nguyện cầu cho các anh an lạc nơi chín suối và phù hộ cho đất nước, quê hương vững bước đi lên, phát triển giầu mạnh.

Đại diện cho gần 100 thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài về tham gia Trại hè Việt Nam 2009, Dương Như Hoa trở về từ Bỉ xúc động nói: “Trong những ngày tham dự Trại hè, chúng em đã được tham gia nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực… Về đây, chúng em càng khâm phục ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Chúng em cũng cảm nhận được những mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Chúng em mong muốn làm được một điều gì đó cho quê hương, đóng góp công sức để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh…”.

Chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và Khát vọng hoà bình” với những bài ca đi cùng năm tháng và các cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã giúp các bạn trẻ sống lại một thời máu lửa nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Đêm biểu diễn là sự kết hợp hài hoà giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình và những đổi thay diệu kỳ về kinh tế, tiến bộ đáng kể về mặt xã hội của Việt Nam trên con đường xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tiết mục biểu diễn của gần 100 thanh thiếu niên Việt kiều tại đây đã thu hút sự cổ vũ và gây xúc động cho đông đảo khán giả khi kết thúc với bài hát “Người mẹ của tôi” tặng các bà mẹ Việt Nam anh hùng của Trịnh Hải Anh, cô bạn trở về từ CH Séc. Hải Anh tâm sự, “Trước đây, em cũng đọc sách và được biết về những trang sử hào hùng của dân tộc ta, nhưng không thể hình dung hết sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như những mất mát hy sinh quá lớn của chúng ta cho độc lập, tự do của Tổ quốc… Trở về như thế này, em thấy yêu và tự hào hơn nhiều về quê hương đất nước mình…”.

Nguyễn Hoàng Bách, sinh sống tại Anh quốc, năm nay 22 tuổi, chia sẻ, “Em rất xúc động khi tham dự các hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Chắc chắn khi về lại Anh, em sẽ chú ý tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử Việt Nam. Em thấy buồn khi mình đến viếng nghĩa trang và tham gia các chương trình này mà chưa hiểu nhiều về lịch sử dân tộc nên em muốn tìm hiểu để hiểu biết hơn và thấy mình trở nên người Việt Nam hơn.”

Để báo đáp những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc bằng những hành động cụ thể, các đại biểu Trại hè đã quyên góp được số tiền gần 22 triệu đồng để tặng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và Quỹ Trái tim cho em. Tại Quảng Trị, Đoàn đã cùng Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao trực tiếp trao tiền ủng hộ cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh. Trong đó, số tiền do các đại biểu thanh thiếu niên Trại hè Việt Nam 2009 đóng góp là 10.600.000 đồng và của Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao là 20 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dành tặng các mẹ Việt Nam anh hùng và những người mẹ, người vợ liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.

Về Việt Nam, mong muốn đóng góp nhiều hơn cho quê hương

Bên cạnh các hoạt động ý nghĩa trên, các đại biểu Trại hè Việt Nam được giao lưu và tham gia hoạt động tình nguyện với thanh niên một số địa phương; đi thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng mang tầm quốc tế trải dài 3 miền đất nước như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị, Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi ở TPHCM; tắm biển ở những bãi biển đẹp nổi tiếng Việt Nam như: Cửa Lò, Nhật Lệ, Lăng Cô, Mỹ Khê; được lênh đênh trên du thuyền sông Tiền và thăm miệt vườn cây trái Nam bộ…



Đoàn dâng hoa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Bác – TPHCM

Nông Thị Hằng, 17 tuổi, đại biểu đến từ Belarus luôn vui vẻ và gần gũi với tất cả mọi người. Cũng như các bạn trẻ khác, trên tay là chiếc máy ảnh, đi đến đâu cô cũng tranh thủ ghi lại những cảnh, những người gặp gỡ trên đường. Hằng tâm sự, Việt Nam quả là tươi đẹp, đây là lần đầu tiên cô về Việt Nam. Hằng bảo, rất nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua trên mảnh đất này, vậy mà Việt Nam vẫn vượt qua và phát triển như ngày hôm nay. Hằng rất tự hào về đất nước Việt Nam và về Bác Hồ.

Mach Forida, tên Việt Nam là Thu Hương, 23 tuổi, trở về từ Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên cô trở về Việt Nam. Thu Hương chia sẻ, khi còn nhỏ cô chỉ được biết đến Việt Nam qua lời kể của ba mẹ. Dịp trở về quê hương đặc biệt này giúp cô được tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Theo cô, Việt Nam có tương lai rất tốt đẹp và cô mong muốn sẽ tìm được việc làm ở Việt Nam khi tốt nghiệp đại học. Cô bảo, “Em rất tự hào là người Việt Nam. Em xin cảm ơn Việt Nam”.

Nguyễn Thiên Phú Sang, 18 tuổi, là đại biểu của các bạn trẻ VN đến từ Phần Lan. Với vốn tiếng Việt khá tốt, Sang cho biết, đây là lần thứ 3 em được về Việt Nam. Sang chia sẻ, ở Phần Lan cũng không có nhiều người Việt Nam lắm nên em rất vui khi được về Việt Nam dự Trại hè. Đây là dịp rất tốt để tìm hiểu về đất nước, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sang bảo, dự định của em là trở thành cô giáo dạy ngôn ngữ và nếu có dịp, nhất định em sẽ về Việt Nam dạy tiếng Anh.
Vũ Dương Tú (Đức) cũng tâm sự, sau này khi học xong bạn sẽ xin làm việc ở Việt Nam hoặc cho một công ty có quan hệ với Việt Nam để có nhiều dịp trở về và đóng góp phần nào công sức của mình cho đất nước.



Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ
Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Trương Mỹ Hoa cùng các đại biểu Trại hè
cùng hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”
tại Lễ bế mạc Trại hè Việt Nam 2009

Phát biểu tại Lễ bế mạc Trại hè, Chu Văn Lương đến từ Nga thay mặt cho các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào của Trại hè Việt Nam 2009 hứa khi trở về đất nước nơi sinh sống, các bạn sẽ ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu học thành tài, luôn hướng về và duy trì các mối quan hệ gắn bó với quê hương, cùng chung vai với các bạn thanh thiếu niên trong nước phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng rạng rỡ và giàu mạnh.

Trại hè Việt Nam 2009 đã kết thúc, các đại biểu Trại hè đã về lại đất nước nơi mình sinh sống để tiếp tục cuộc sống với bộn bề công việc và học tập của mình, nhưng những kỷ niệm đẹp về một Trại hè vui với những ngày ý nghĩa trên quê hương Việt Nam sẽ mãi mãi thấm sâu, “Ngọn đuốc dẫn đường” sẽ mãi cháy sáng trong trái tim các bạn. “Ly hương bất ly tổ”, chắc rằng trong tim mỗi người, Việt Nam luôn là một nơi thân thương nhất, là nơi ta luôn hướng về cho dù ta không sinh sống ở nơi đây.

Tùng Chi

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi quốc tế
Cảm nhận về Bác Hồ
Sự giản dị của Bác Hồ
Thơ tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một giá trị văn hóa
Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021): Sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc
Tận tâm vì hòa bình - Triết học Hồ Chí Minh qua “Nhật ký trong tù”
Vật chất và tinh thần - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Ý chí tự do - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Bài thơ "Lời hỏi" - Giá trị triết học Hồ Chí Minh
Tuyên thệ - Một giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang