09/07/2009 09:29:58 AM
Thủ tục đăng ký công dân tại Cơ quan đại diện Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài

Hỏi: Tôi đọc báo được biết, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/7/2009, bà con người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam và muốn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam phải đăng ký công dân tại các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam. Xin cho biết cụ thể về thủ tục và lệ phí của việc đăng ký công dân.

1. Đăng ký công dân là gì?

Đăng ký công dân là việc Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự, Cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Cơ quan đại diện Việt Nam) ghi vào Sổ đăng ký công dân những chi tiết về nhân thân, hộ chiếu (hoặc giấy tờ thay hộ chiếu), nghề nghiệp, địa chỉ thường trú, địa chỉ liên hệ của công dân Việt Nam ở khu vực do Cơ quan đại diện Việt Nam quản lý. 

2. Ý nghĩa của việc đăng ký công dân:  

- Tạo thuận lợi cho Cơ quan đại diện Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân khi ở nước ngoài khi cần thiết; 

- Tạo thuận lợi hơn cho việc cấp giấy tờ và giải quyết các công việc về lãnh sự khác cho công dân mà không phải qua thủ tục xác minh quốc tịch Việt Nam. 

- Giấy xác nhận Đăng ký công dân là 01 giấy tờ cần có trong hồ sơ để công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm thủ tục về thường trú tại Việt Nam. 

3. Đối tượng đăng ký công dân

a/ Công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; và

b/ Công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của nước ngoài, nếu có nguyện vọng và có đầy đủ cơ sở chứng minh có quốc tịch Việt Nam.

4. Thủ tục:

a/ Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của Việt Nam, hồ sơ gồm:

- Phiếu đăng ký công dân (mẫu 02/NG-LS) do đương sự trực tiếp khai.

- 02 ảnh cỡ 4x6 cm; trong đó 01 ảnh dán vào Phiếu đăng ký công dân, 01 ảnh đính kèm.

- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu hợp lệ (xuất trình bản chính để đối chiếu).

b/ Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của nước ngoài, hồ sơ gồm:

- Phiếu đăng ký công dân (mẫu 02/NG-LS) do đương sự trực tiếp khai.

- 02 ảnh cỡ 4x6 cm; trong đó 01 ảnh dán vào Phiếu đăng ký công dân, 01 ảnh đính kèm.

- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài (xuất trình bản chính để đối chiếu);

- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (như Giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho nhập hoặc cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ về hộ tịch có ghi quốc tịch Việt Nam, .v.v.) và các giấy tờ cá nhân khác (nếu có). Trường hợp không có giấy tờ này hoặc qua các giấy tờ đã nộp chưa thể khẳng định quốc tịch Việt Nam, người đi đăng ký công dân có thể nộp Sơ yếu lý lịch (tương tự mẫu số 04/NG-LS).

4.2. Thời hạn giải quyết:

- Nếu khẳng định ngay người đi đăng ký công dân có quốc tịch Việt Nam qua các giấy tờ đã nộp, Cơ quan đại diện Việt Nam ghi chú vào Sổ đăng ký công dân sau khi nhận đủ hồ sơ.

- Trường hợp chưa khẳng định ngay quốc tịch Việt Nam của người đi đăng ký công dân, Cơ quan đại diện Việt Nam phải xác minh với các cơ quan có thẩm quyền ở trong nước và chỉ ghi chú vào Sổ đăng ký công dân sau khi được khẳng định người đó có quốc tịch Việt Nam.

- Cơ quan đại diện Việt Nam không thu lệ phí khi tiến hành thủ tục đăng ký công dân nêu tại Điểm 4 này.

5. Cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân:

- Người đã được Ghi chú vào Sổ đăng ký công dân, nếu có nhu cầu, thì được Cơ quan đại diện Việt Nam cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân.

- Người được cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Thay đổi các chi tiết nhân thân sau khi đã đăng ký công dân:

- Những người đã đăng ký công dân, nếu có thay đổi về các chi tiết liên quan đến nhân thân (như thay đổi nơi cư trú ở nước ngoài, họ tên, nơi làm việc, tình trạng hôn nhân, địa chỉ liên hệ.v.v.), thì cần thông báo với Cơ quan đại diện Việt Nam để ghi chú việc thay đổi này vào Sổ đăng ký công dân.

- Cơ quan đại diện Việt Nam không thu lệ phí đối với việc ghi chú các thay đổi nói trên vào Sổ đăng ký công dân nêu tại Điểm 5 này.

(Nguồn tin: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Tôi muốn cho con tôi mang 2 quốc tịch, có được không?
Điều kiện để trẻ em mang quốc tịch VN và giữ quốc tịch nước ngoài (1)
Tôi muốn nhập quốc tịch nước ngoài và vẫn giữ quốc tịch VN
Thủ tục đăng ký công dân tại Cơ quan đại diện Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài
Thủ tục và thời hạn giải quyết việc xin trở lại quốc tịch VN
Tôi muốn giữ quốc tịch VN, đồng thời muốn nhập quốc tịch ĐL, làm thế nào?
Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe tự vệ
Giải đáp về quốc tịch và vấn đề liên quan
Giải đáp về quốc tịch và các vấn đề liên quan
Chị tôi muốn nhập quốc tịch Việt Nam cho con, làm thế nào?
Tôi muốn đăng ký lại quốc tịch Việt Nam, điều kiện như thế nào?
Tôi muốn nhập quốc tịch hoặc thường trú tại Việt Nam, làm thế nào?
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang